Bắt nguồn từ những cuộc đình công và biểu tình của nữ công nhân trên đường phố ở Mỹ, Nga, Đan Mạch, Áo, Đức, v.v., ngày Quốc tế Phụ nữ một mặt rất liên quan đến xã hội Việt Nam - một quốc gia sớm đã gia nhập vào Quốc tế Cộng sản và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhưng mặt khác cũng thật xa lạ - vì chúng ta ít khi nào được nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ Việt xuống đường biểu tình đấu tranh nữ quyền trong lịch sử. Liệu có phải là do các xã hội Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại vẫn luôn có bình đẳng giới? Hay do người phụ nữ Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng phản kháng lại chế độ phụ quyền và áp bức giới?
Câu trả lời hẳn là không. Tuy nhiên, nếu phong trào nữ quyền ở các nước phương Tây gắn liền với hình ảnh các làn sóng phụ nữ xuống đường cầm băng-rôn biểu tình hay đình công tập thể, thì đấu tranh vị nữ tại khu vực châu Á lại có những hình thái riêng biệt hơn do bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội đặc thù. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, để tìm thấy được tiếng nói phản kháng của người phụ nữ Việt, chúng ta không thể chăm chăm lục soát dấu vết của những cuộc biểu tình công khai, mà phải nhìn vào những địa hạt khác mềm dẻo hơn, len lỏi trong từng ngóc ngách của cuộc sống hơn - ví dụ như địa hạt văn thơ, mà cụ thể ở đây là ca dao.
Nhân dịp 8 tháng 3 này, bạn hãy cùng 3PTT tìm lại một trong những phương sách phản kháng đầu tiên của người phụ nữ Việt Nam xưa nhé!
Địa vị chính trị - xã hội của phụ nữ Việt Nam thời phong kiến
Lịch sử phong kiến Việt Nam có một giai đoạn dài bị ảnh hưởng bởi Nho giáo, cụ thể là từ thời nhà Nguyễn (1808 - 1819). So với Bộ luật Hồng Đức vào thời Lê sơ (1470-1497) - một bộ luật được nhận xét là khá tiến bộ vì có những quy định đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ, thì Bộ luật Gia Long được ban hành dưới thời Nguyễn (được lấy cảm hứng từ bộ luật Thanh của Trung Quốc) lại làm suy yếu đáng kể vị thế của phụ nữ trong xã hội. Phụ nữ có nghĩa vụ phải duy trì “sự hòa hợp trong gia đình”, bởi vì theo Nho giáo, gia đình hạnh phúc được coi là nền tảng cho sự ổn định của cộng đồng và quốc gia. Đồng thời, họ bị giam lỏng trong một loạt các chuẩn mực về hành vi và lối sống, điển hình là triết lý “tam tòng tứ đức”.
Những quy chuẩn hà khắc từ trung ương này tuy đã gây ra tác động nặng nề cho phụ nữ ở tầng lớp tinh hoa, nhưng lại ít ràng buộc được phụ nữ ở các tầng lớp thấp hơn. Điều này có thể được giải thích ngắn gọn qua câu tục ngữ “phép vua thua lệ làng” - vì xã hội Việt Nam xưa rất đặc trưng với cấu trúc làng xã: làng được coi là 'trái tim và cội nguồn' của xã hội nên luật tục trong làng có sức nặng rất lớn, thậm chí nặng hơn cả luật lệ từ triều đình phong kiến. Ngoài ra, phụ nữ thường dân không được tiếp xúc với giáo dục chữ Hán, chữ Nôm và cũng không thể làm những bài thơ với âm hưởng Trung Quốc cầu kỳ vốn chỉ được phép lưu hành trong cung đình và giới thượng lưu. Do đó, nếu những người phụ nữ ở tầng lớp tinh hoa như Hồ Xuân Hương lựa chọn cách viết nên những vần thơ Đường uyển chuyển và thanh cao để ẩn ý về khát vọng tự do tính dục, thì phụ nữ nông thôn chọn thêu dệt tâm tư của mình vào những khúc ca dao, điệu hát, lời ru.
Ca dao như một địa hạt phản kháng của người phụ nữ
Ca dao kể về cuộc sống hàng ngày và những mối quan tâm đời thường của người Việt Nam. Hầu hết các bài ca dao đều không có tác giả sáng tác và được truyền miệng rộng rãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, thông qua các vấn đề mà bài ca dao làm nổi bật lên, ta hoàn toàn có thể phán đoán được chủ thể của những tri thức đó.
Ca dao là một hiện tượng văn hóa quan trọng không chỉ vì chúng là “kho tàng văn hóa, tri thức dân gian của Việt Nam”, mà còn vì nó là một địa hạt cho phép phụ nữ lên tiếng về những quan điểm đôi khi mang tính chỉ trích và mỉa mai về xã hội phong kiến gia trưởng. Những câu ca dao thân thuộc dễ nhớ với sức lan tỏa rộng rãi trở thành một công cụ phản kháng mềm mỏng trong bối cảnh mà việc trực tiếp thách thức quyền lực thống trị có thể làm đe dọa đến tính mạng của người thấp cổ bé họng.
Qua những điệu ca dao nhẹ nhàng như lời rủ rỉ tâm sự, phụ nữ dạy con của mình cảnh giác với hệ thống chính trị mục nát của những tên tham quan.
“Con ơi mẹ bảo con này:
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.”
Họ kêu lên trải nghiệm bị tấn công tình dục bởi những người đàn ông có quyền lực trong xã hội.
“Em là con gái đồng trinh
Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè
Quan Nghè cho lính ra ve
Trăm lạy quan Nghè tôi đã có con
Có con thì mặc có con
Thắt lưng cho giòn mà lấy chồng quan.”
Không chỉ bày tỏ sự chống đối chế độ phong kiến, phụ nữ cũng ý thức rất rõ về bất bình đẳng giới khi chỉ ra rằng khối lượng lao động của nam và nữ là như nhau nhưng họ lại nhận về khoản phúc lợi kém hơn. Bài ca dao dưới đây thể hiện rất rõ sự giao thoa giữa bất công giai cấp và bất công giới mà phụ nữ phải gánh chịu.
“Làm thì chẳng kém đàn ông,
Thế mà kém gạo, kém công, kém tiền.
Một ngày hai sáu đồng xu,
Đi sương về mù, khổ lắm ai ơi!”
Những bài ca dao là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy phụ nữ Việt Nam vẫn luôn có ý thức và hành động phản kháng lại các hệ thống áp bức, kể cả là áp bức giai cấp hay áp bức giới. Tất nhiên, ca dao không phải địa hạt đấu tranh duy nhất của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử, vì nỗ lực đòi quyền lợi của người nữ không hề kết thúc sau khi chế độ phong kiến sụp đổ. Sau này, dưới ách thống trị của thực dân Pháp - Mỹ, phụ nữ Việt Nam vẫn là lực lượng tham gia sôi nổi vào các hoạt động viết báo, mít-tinh, vận động xã hội, thậm chí là đấu tranh vũ trang. Kể cả cho đến hiện nay, công cuộc đấu tranh vì quyền phụ nữ ở Việt Nam vẫn được diễn ra dưới đa dạng hình thức và trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Còn bạn, hôm nay bạn đã làm gì để tưởng niệm về nguồn gốc cấp tiến của ngày 8 tháng 3? Chia sẻ cho 3PTT biết nhé!