Bề nổi của tảng băng chìm: Bạo lực tình dục tại miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo
Bạo lực tình dục là vũ khí phục vụ cho chiến tranh và xung đột...
Bề nổi: Bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột tại DRC
Được coi là “Thủ đô cưỡng hiếp của thế giới”, miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) là nơi nạn cưỡng hiếp và bạo lực tình dục phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang hoành hành trên quy mô lớn. Theo thống kê từ đầu năm 2024 đến hết tháng 4/2024, gần 1.000 trường hợp bạo lực tình dục được ghi nhận và đó chỉ là con số ở một trại tập trung Bulengo, cũng như chưa tính đến các trường hợp nạn nhân không tố cáo. (Xinhua, 2024)
Nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp và bạo lực tình dục bởi binh lính đều là dân thường, nhất là khi họ đang cố gắng chạy trốn đến nơi an toàn. Thậm chí ngay cả khi ở trong các trại tập trung và tránh khỏi khu vực xung đột, phụ nữ và trẻ em cũng phải đối mặt với bạo lực tình dục trong khu vực trại bởi binh lính.
Phần lớn các vụ cưỡng hiếp này xảy ra ở những nơi công cộng trước sự chứng kiến của gia đình nạn nhân và các binh lính khác. Nhiều vụ cưỡng hiếp còn kèm theo tra tấn, đặc biệt nếu nạn nhân chống cự, và cưỡng hiếp tập thể là hình thức phổ biến nhất đối với phụ nữ. Hầu hết các vụ cưỡng hiếp đã được lên kế hoạch từ trước với mục đích cụ thể: khủng bố tinh thần và thể xác, cướp bóc, hãm hiếp rồi bỏ mặc nạn nhân. (Banwell, 2012)
Xét đến việc thủ phạm là các nhóm dân quân địa phương và lực lượng vũ trang nước ngoài (M23, Lực lượng Dân chủ Giải phóng Rwanda, Mai-Mai…), điều này nói rằng bạo lực tình dục không chỉ đơn giản là các hành vi đơn lẻ hay được thúc đẩy bởi các động lực cá nhân mà thực chất nó đang được sử dụng như một vũ khí chiến tranh có hệ thống, đe dọa đến an ninh phụ nữ và trẻ em ở DRC.
Tảng băng chìm: Bạo lực cấu trúc mới là nền tảng
Dù vậy, bạo lực tình dục vẫn là “bề nổi”, vì những hành vi này là hệ quả của một hệ thống bạo lực mang tính cấu trúc và lâu đời. Bất bình đẳng về kinh tế và chính trị ở cấp độ toàn cầu đã thúc đẩy bạo lực tình dục nhiều hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng, thậm chí còn mạnh mẽ hơn những động cơ cá nhân. Hoặc có thể hiểu, nó là một phần của bạo lực được gây ra bởi chủ nghĩa tư bản, thực dân và chế độ gia trưởng trong bối cảnh xung đột ở DRC.
Bài viết này sẽ tìm hiểu xem vì sao bạo lực tình dục lại được sử dụng như vũ khí chiến tranh ở DRC và vì sao ba hệ thống trên lại là tác nhân góp phần gây ra và thúc đẩy bạo lực tình dục leo thang.
1. Bạo lực của chủ nghĩa thực dân và tư bản dưới lá chắn “bạo lực sắc tộc”
Các xung đột dân sự đương đại ở Châu Phi có xu hướng được truyền thông mô tả một cách đồng nhất, phi lịch sử hóa và đóng khung trong mô hình “bạo lực sắc tộc” (Meger, 2015 & Turcotte, 2011). Bằng cách này, những xung đột và các dạng bạo lực đang diễn ra tại đây được biết đến là “việc nội bộ”, che khuất các quá trình quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho bạo lực đó.
Trên thực tế, các cuộc “xung đột sắc tộc” ở DRC từ cuối thế kỉ 20 đến nay chưa bao giờ vắng bóng các “nhà tài trợ” chính là chính phủ Mỹ, Pháp, Bỉ, và sau này có sự tham gia của Trung Quốc (Wong, 2012 & Bociaga, 2022). Ngoài ra, còn có các tập đoàn xuyên quốc gia đặt chi nhánh tại châu Phi của Bỉ, Canada, Đức, Israel, Hà Lan, Thụy sĩ, Anh và Mỹ. Tất cả có mặt tại DRC không phải giúp đỡ hoàn thiện bộ máy chính trị hay hỗ trợ phát triển kinh tế, mà là vì nguồn tài nguyên khoáng sản sẵn có - vàng, thiếc, coltan và cobalt - mang về lợi ích khổng lồ cho ngành công nghệ điện tử của các quốc gia lớn.
Để chiếm đoạt nguồn tài nguyên đó, chính phủ/tập đoàn nước ngoài hậu thuẫn cho chính phủ bản địa và/hoặc tài trợ vũ khí cho các nhóm vũ trang với điều kiện họ phải đồng lõa với hệ thống bóc lột và áp bức dân thường, đổi lại nhóm bản địa này sẽ được hưởng một phần lợi trong thị trường đó. Chính phủ và lực lượng quân đội DRC được tài trợ vũ khí chống lại các nhóm vũ trang khác để "bảo vệ" nguồn tài nguyên không bị chia nhỏ cho các quốc gia châu Phi xung quanh. Trong khi đó, các nhóm vũ trang dân sự thì tiếp tay bằng cách tham gia vào "thị trường ngầm" trong mạng lưới khai thác - vận chuyển - buôn bán khoáng sản bất hợp pháp, bóc lột lao động trẻ em của các tập đoàn tư bản (Apple, Tesla, Microsoft, Samsung Electronics...). Ngoài ra, ngay cả khi lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc (MONUSCO) xuất hiện tại DRC, bạo lực vẫn leo thang khi lực lượng này tham gia vào hoạt động quân sự giữa các nhóm vũ trang trong khu vực thay vì bảo vệ dân thường. (UN, 2009)
Trong các quá trình tích lũy tư bản và nhân danh "giữ gìn trật tự" bằng xung đột đó, bạo lực tình dục được sử dụng như một chiến thuật giúp kiểm soát các mỏ khoáng chất. Bởi vì dân làng sẽ rời bỏ nhà cửa để thoát khỏi bạo lực, để lại "khoảng trống" cho việc khai thác đất và tài nguyên (Meger, 2015). Phụ nữ và trẻ em là nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong chiến tranh vì họ bị buộc phải “tham gia” mà không có vũ khí hoặc biện pháp an ninh nào, nhất là khi họ sống gần/trong các vùng xung đột. Đây là nhóm đối tượng không kháng cự được bạo lực, và hơn nữa, bạo lực tình dục ở Congo dễ dàng thoát tội hơn các bạo lực trực tiếp khác do pháp luật Congo không xử lý những vụ cưỡng hiếp và nó thường được xem là các rủi ro trong chiến tranh (Banwell, 2012). Những lí do trên tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng bạo lực tình dục như vũ khí chiến tranh ở DRC ngày càng rộng rãi.
Và chừng nào những gì diễn ra ở Châu Phi nói chung và DRC nói riêng hàng thập kỷ nay vẫn được cho là nằm ngoài trách nhiệm của hệ thống bạo lực quốc tế thì chừng đó bạo lực tình dục vẫn sẽ mang những định kiến về chủng tộc và sắc tộc. Đó là khi nó hình thành những suy nghĩ về bạo lực tình dục ở Châu Phi chỉ là hệ quả của “sự man rợ” và xuất phát từ “bản chất bạo lực vốn có” thay vì suy xét đến bối mang tính hệ thống của bạo lực.
2. Chế độ gia trưởng địa phương: châm dầu vào lửa
Cuối cùng, chủ nghĩa tư bản và thực dân không chỉ “man rợ hóa” bạo lực tình dục bằng những lá chắn sắc tộc và chủng tộc, mà còn làm đứt gãy sự nam tính trong xã hội Congo. Điều này phối hợp với chế độ gia trưởng địa phương càng tiếp tay cho bạo lực giới và bạo lực tình dục ở miền đông DRC.
Ở trường hợp của DRC, những thay đổi trong các tiến trình kinh tế và chính trị đã phá vỡ hình mẫu nam tính truyền thống. Trước đây, hình mẫu nam tính lý tưởng trong xã hội Congo là một người đàn ông có khả năng “chu cấp và làm chủ gia đình, họ nên cư xử ôn hòa đối với các thành viên trong gia đình và cộng đồng”. Trách nhiệm của người đàn ông với xã hội là một điều được đánh giá cao, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là khả năng kiếm tiền và tích lũy của cải, rằng “không có của cải, đàn ông chẳng có ý nghĩa gì” (Lwambo, 2011). Những chuẩn mực này thiết lập quyền thống trị của đàn ông với phụ nữ trong xã hội Congo.
Tuy nhiên, “xung đột sắc tộc” và xu hướng “nữ hóa thị trường lao động toàn cầu” (nhằm mục đích bóc lột lao động nữ), đã đe dọa đến những chuẩn mực nam tính trong xã hội Congo và kéo theo các quan hệ quyền lực về giới khác, dẫn đến việc vừa gạt đàn ông Congo ra khỏi trật tự kinh tế - chính trị toàn cầu, vừa “lề hóa” họ trong trật tự phân cấp giới ở địa phương (Meger, 2015). Thứ nhất, bối cảnh chiến tranh và xung đột đã “quốc tế hóa” nguồn tài nguyên khoáng sản của Congo và vì vậy, chỉ những người có quyền lực thể chế chính thức (chính phủ nước ngoài, chính phủ Congo) mới được hưởng lợi từ các quá trình khai thác, sản xuất và tiêu thụ nguồn tài nguyên này. Phần lớn nam giới bị loại khỏi khả năng hưởng lợi từ thị trường toàn cầu đó. Thứ hai là xu hướng nữ hóa lao động đã dần dần thay thế lao động nam bằng lao động nữ trên thị trường, điều này đe dọa khả năng tài chính và vai trò chu cấp của đàn ông, cũng đe dọa luôn quyền lực thống trị của đàn ông ở Congo.
Những khủng hoảng về giới, kinh tế, và xã hội đó, đã ép đàn ông Congo đến những lựa chọn sau:
Đối với việc bị loại khỏi thị trường toàn cầu (hay thị trường chính thức), nhiều người lựa chọn gia nhập quân đội hoặc các nhóm vũ trang dân sự vì khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên và thị trường ngầm liên kết với các thị trường chính thức. Thị trường ngầm bao gồm hoạt động khai thác, vận chuyển và buôn bán gián tiếp tài nguyên bất hợp pháp (Meger, 2015). Đây là một phương tiện thay thế để kiếm tiền phù hợp với chuẩn mực người đàn ông trong xã hội Congo. Nhưng việc gia nhập quân đội cuối cùng cũng dẫn đến việc duy trì xung đột và bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em ở Congo.
Còn đối phó với tình trạng “nữ hóa lao động”, những người đàn ông phải dùng đến bạo lực giới như giải pháp thay thế, bên cạnh việc gia nhập lực lượng vũ trang. Lí do là vì họ đổ lỗi cho phụ nữ là đối tượng “cướp mất vị trí xứng đáng của đàn ông” trong thị trường lao động và rộng hơn là trong xã hội, hoặc đã khiến họ bị đẩy ra khỏi hệ thống kinh tế toàn cầu. Hoặc có lẽ đơn giản nhất, cơ thể phụ nữ dưới chế độ phụ hệ vốn là phương tiện sẵn có nhất để đàn ông có thể thiết lập lại “đặc quyền nam giới”. Cưỡng hiếp là một phương tiện hiệu quả để nam giới khẳng định lại tính nam của mình và tô đậm sự phục tùng của nhóm giới khác. Bạo lực tình dục ngoài việc tấn công phụ nữ thì cũng là vũ khí tấn công vào chuẩn mực nam tính truyền thống của những người đàn ông khác có liên quan đến nạn nhân khi nó tuyên bố rằng họ đã thất bại trong việc bảo vệ gia đình và người phụ nữ của mình (Meger, 2015). Chính vì vậy, nó thành công trong việc thể hiện quyền lực xã hội và tái thiết trật tự trong hệ thống phân cấp giới ở Congo.
Ngoài ra, hệ thống luật pháp DRC nói riêng và quốc tế nói chung không “đứng về” phía nạn nhân của bạo lực tình dục vì họ quan tâm nhiều đến việc khôi phục trật tự hơn là trải nghiệm của nạn nhân. Trớ trêu thay, trật tự mà họ mong muốn khôi phục lại chính là trật tự gia trưởng đã, đang và sẽ gây ra nhiều loại bạo lực mang tính cấu trúc bằng cách này hay cách khác (Banwell, 2012). Điều này cho thấy, dù tiến trình kinh tế - chính trị mới đã gạt những người đàn ông ở nước kém phát triển như DRC ra ngoài lề trật tự kinh tế - chính trị toàn cầu, nhưng trên thực tế, chừng nào trật tự gia trưởng địa phương và/hay quốc tế còn tồn tại thì chừng đó họ vẫn luôn được hưởng lợi từ “đặc quyền nam giới” mà trật tự đó thiết lập.
“Bạo lực tình dục không bao giờ được biện minh bởi chiến tranh hay xung đột!”
Bạo lực tình dục thường được nhìn nhận chỉ là các hành vi mang tính cá nhân và có thể ngăn chặn bằng cách trừng phạt thủ phạm. Còn trong chiến tranh, bạo lực tình dục chỉ được xem là những “chuyện rủi ro không ai muốn”. Nhưng nếu bạo lực tình dục vẫn tiếp tục được dung túng trong một số hoàn cảnh cụ thể như chiến tranh hay xung đột, nó sẽ không bao giờ chấm dứt!
Trong trường hợp của DRC, bạo lực tình dục không phải chỉ nói đến những hành vi cá nhân mà nó còn là được sử dụng bởi chủ nghĩa tư bản, thực dân, cùng với chế độ gia trưởng như là một phương tiện bóc lột và kiểm soát toàn bộ xã hội.
Vì vậy, mặc cho pháp luật có đứng về phía nạn nhân hay thủ phạm có bị trừng trị, bạo lực tình dục vẫn sẽ tiếp diễn nếu những động lực ngầm ẩn đằng sau nó không bị vạch trần. Đó là hệ thống phân công lao động toàn cầu, là hệ thống bóc lột lao động tàn tệ bởi chủ nghĩa tử bản-thực dân; là hệ thống phân cấp giới bởi chế độ gia trưởng. Chúng liên kết và củng cố lẫn nhau tạo nên một hệ thống bạo lực vừa mang tính cấu trúc vừa mang tính trực tiếp.
Bài viết được biên soạn bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.
CHÚ THÍCH NGUỒN:
Banwell, S. (2012). Rape and sexual violence in the Democratic Republic of Congo: a case study of gender-based violence. Journal of Gender Studies, 23(1), 45-58. 10.1080/09589236.2012.726603
Connell, R. W., & Messerschmidt, J. W. (2005). Hegemonic Masculinity: Rethinking the Concept. Gender and Society, 19(6), 829-859. https://www.jstor.org/stable/27640853.
Meger, S. (2015). Toward a Feminist Political Economy of Wartime Sexual Violence. International Feminist Journal of Politics, 17(3), 416-434. 10.1080/14616742.2014.941253
Turcotte, H. M. (2011). “Contextualizing Petro-Sexual Politics.” Alternatives: Global, Local, Political, 36(3), 200–220. http://www.jstor.org/stable/23210893
UN. 2009. Final Report on the Group of Experts on the Democratic Republic of Congo. New York: UN Security Council. https://press.un.org/en/2009/091207_mahtani.doc.htm
Wong, P. N. (2012). Discerning an African post-colonial governance imbroglio: Colonialism, underdevelopment and violent conflicts in the democratic republic of Congo (DRC), Liberia and Sierra Leone. African and Asian Studies, 11(1-2), 66-94. 10.1163/156921012X629330
Xinhua. (2024, 4 30). Displaced women in eastern DR Congo face sexual abuse amid conflict. Xinhua. https://english.news.cn/20240430/d2a9d91d3bb44b949480442c8db361eb/c.html