Tính nam và quân sự hóa
"Chí làm trai nam bắc đông tây. Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” - Nguyễn Công Trứ.
Ta từng nghe nhạc sĩ Lam Phương viết “Đừng vì chia lу, làm nhục chí nam nhi. Để ta bước đi cho phỉ chí mộng làm trai.” Hay nhà quân sự-chính trị, nhờ thơ lỗi lạc Nguyễn Công Trứ ngâm, “Chí làm trai nam bắc đông tây. Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”. [1]
“Chí làm trai” hay “chí nam nhi” được nhắc nhiều trong các bài thơ, bài hát hay những bài cổ động chiến tranh thời xưa, rằng “đã làm trai, thì phải có chí” — chí anh hùng khao khát đua tranh, ghi công cho đất nước, làm tròn nghĩa vụ người trai thời loạn.
Cho đến ngày nay, những lời cổ động khơi gợi “chí làm trai” dù không còn được nhắc đến nhiều như trước, nhưng trong thời đại chiến tranh hiện đại, chiến lược cổ động nam giới tham gia chiến đấu bằng tình cảm “chí làm trai” vẫn còn được sử dụng. Điển hình như câu “một chàng trai sẽ trở thành một người đàn ông thực thụ sau khi tham gia quân ngũ”.
Tuy nhiên, chính xác thì điều gì làm “một chàng trai” trở thành “một người đàn ông” chỉ sau một khóa huấn luyện quân đội? Và vì sao để cổ động nam giới thực hiện nghĩa vụ quân sự, các chính phủ thường sử dụng những câu nói tương tự như trên?
Để trả lời được hai câu hỏi này, hãy cùng nhìn lại một số chiến lược cổ động nghĩa vụ quân sự ở các nước Canada, Nga và Israel trong lịch sử.
Vladimir Putin và hình tượng “những chiến binh quả cảm”
Tại Nga, trong bài phát biểu duyệt binh Ngày Chiến Thắng, Tổng thống Nga là Vladimir Putin đã ví cuộc chiến ở Ukraine giống như cuộc xâm lược của Đức Quốc xã vào Liên Xô năm 1941 - một cuộc chiến tồn vong cho dân tộc Nga. Chính vì vậy, Putin đã lên kế hoạch huy động thêm 500.000 quân vào năm 2023, và thông qua nhiều đạo luật nghĩa vụ quân sự. Trên thực tế, vào tháng 9 năm 2022, sau khi làn sóng tòng quân cuối cùng kết thúc, hàng trăm nghìn thanh niên Nga đã phải di cư sang nước láng giềng để tránh phải gia nhập quân ngũ tham chiến. Do đó, Tổng thống Putin - nhằm khuyến khích nam giới nhập ngũ, đã phải phát động một chiến dịch truyền thông rầm rộ nhằm khơi dậy hình tượng một “người chiến binh nam tính”. [2]
Nhiều hãng tin tức và nền tảng “truyền thông xã hội” của Nga, cả các bảng quảng cáo lớn ở các thành phố đều tuyên truyền, ca ngợi hình ảnh một người chiến binh anh dũng - một người đàn ông thực sự là phải gia nhập quân ngũ. Nhiều video quảng cáo kể về câu chuyện của những người đàn ông tham gia quân đội, truyền cảm hứng cho nam giới tham chiến, rằng con cái và vợ của họ sẽ ngưỡng mộ họ đến nhường nào, mọi người sẽ tôn trọng họ như thế nào vì sự anh dũng của họ. [2]
Những người từ chối tham gia quân đội bằng cách di cư sang các nước láng giềng thì bị dè bỉu là những kẻ hèn nhát, ích kỷ. Ngoài ra, truyền thông Nga còn tích cực sản xuất ra các video quảng cáo nhằm thúc đẩy, khơi gợi sự nam tính trong nam giới, điển hình như quảng cáo một người phụ nữ với câu nói: “Những chàng trai đã rời đi, chỉ đàn ông mới ở lại.” “Nếu là một người đàn ông, thì hãy chứng minh đi” - tham gia quân ngũ để được mức lương tốt, hình ảnh tốt, địa vị tốt hơn trong xã hội. [3]
Hình ảnh “chiến binh nam tính” không phải chỉ mới được lan truyền rộng rãi khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bắt đầu,, mà kể từ khi nắm quyền, Putin đã liên tục củng cố “hình mẫu nam tính lý tưởng” cho nam giới tại Nga. Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, nhà lãnh đạo Putin đã tạo ra không ít màn trình diễn nam tính nhằm xây dựng hình ảnh nam nhi của đất nước. Ông tạo dáng cởi trần khi cưỡi ngựa ở Siberia, vuốt ve hổ, bắn súng tỉa, và biểu diễn võ thuật trước ống kính để thể sự hiện sự nam tính của một nhà lãnh đạo nước Nga - là minh chứng cho thương hiệu và khả năng lãnh đạo của ông. [3]
Bộ ảnh được chụp năm 2009 nhằm phô trương sự nam tính của Putin - vốn là trọng tâm trong thương hiệu và khả năng lãnh đạo của ông. Ảnh: AFP.
Ngoài ra, trong bộ phim Austin Powers: International Man of Mystery (1997), nhân vật nam chính được mô tả: “anh ấy là người đàn ông mà phụ nữ muốn, và tất cả chàng trai đều muốn trở thành” (Moore và cộng sự, 1997). Cũng giống như Putin: “Đàn ông Nga muốn được như Putin, phụ nữ Nga muốn được ở bên những người như Putin”. [4]
Do đó, cũng chính nhờ một phần không nhỏ vào các chiến dịch tuyên truyền mang tính định giới của Putin, ông cùng các đồng minh thân cận đã củng cố quyền lực độc tôn ở Liên bang Nga. Bằng cách lôi kéo đàn ông và dạy cho họ thế nào là “nam tính” và thế nào là “không nam tính”, chính phủ Nga đã tạo ra một hình mẫu đàn ông lý tưởng - phải là người đàn ông giống như Putin. Đồng thời, nhằm củng cố cho một hình mẫu nam giới duy nhất tại Nga, chính phủ Nga cũng ban hành rất nhiều chính sách chống lại cộng đồng LGBTQ+, đặc biệt là người đồng tính nam.[3]
Những người “anh hùng hữu ích” ở Canada
Trong nhiều năm qua, Canada được mệnh danh là một huyền thoại “quốc gia gìn giữ hòa bình” của thế giới. Những người lính Canada hiện diện trên chiến trường quốc tế để giải cứu những người bị thương, bị nạn, cung cấp viện trợ nhân đạo và giám sát các thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, cho đến những năm 2000, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Canada cho rằng, chính “hình ảnh gìn giữ hòa bình” của quân đội Canada đã “làm suy yếu” binh lính và do đó làm suy yếu cả đất nước này. Do đó, tận dụng sự tham gia của Canada vào Chiến tranh Afghanistan, các nhà quân sự mong muốn sẽ “làm cho hình ảnh quân đội Canada trở nên nam tính hơn” khi đứng trước các đồng minh quân sự khác như Mỹ. [5]
Bằng cách phát triển hình ảnh “anh hùng hữu ích” - tức một người lính “vừa dũng cảm chiến đấu và có lòng vị tha, khoan dung”, Canada mong muốn xoa dịu sự phản đối của người dân, đồng thời bao biện cho hành vi can thiệp quân sự của mình ở nước ngoài. Cụ thể, truyền thông Canada đã mô tả những người lính Canada “tham gia vào các hoạt động hữu ích và khoan dung (cõng một đứa trẻ bị thương, tiêm chủng cho cộng đồng, xây dựng một con đập cho người dân địa phương)” nhưng vẫn được trang bị vũ khí hiện đại và cực kỳ dũng cảm. [5]
Quân đội đạo đức nhất thế giới - sự tái sinh của “người đàn ông Do Thái”
Ở thế kỷ 19, tình cảm bài Do Thái ở Châu u đã dè biểu người đàn ông Do Thái là nhu nhược, thụ động và yếu đuối vì sự yếu kém, e dè về mặt chính trị của người Do Thái lúc này. Tuy nhiên, kể từ khi Phong trào Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái với cứu cánh là thành lập một nhà nước Do Thái tại khu vực Trung Đông được lan rộng, hình ảnh người đàn ông Do Thái kiêu hãnh đã được tái sinh. Để thực hiện được mục đích này, những nhà lãnh đạo phong trào Phục quốc Do Thái đã xây dựng một hình mẫu người đàn ông Do Thái lý tưởng - thật nam tính, dũng cảm và sẵn sàng tham gia vào quân đội để thể hiện lòng yêu nước và bản lĩnh nam tính của mình. [6]
Tạm dịch: Tôi sẽ không trở thành một người đàn ông thực thụ được nếu như không trở thành lính chiến ư?
Đoạn phim phỏng vấn các chàng trai Israel tham gia khóa huấn luyện quân đội và quan điểm của họ về việc “liệu tham gia huấn luyện quân đội có khiến họ trở thành đàn ông thực thụ?” I Wanted to Become a Manly Man: Militarism and Masculinity.
Theo đó, trẻ em trai Israel kể từ khi còn rất nhỏ đã được dạy rằng, để có thể trở thành người đàn ông “thực thụ và trưởng thành”, chúng sẽ phải tham gia quân đội. Lực lượng Phòng vệ Israel chính là tác nhân chủ chốt trong quá trình kiến tạo nên hình mẫu nam tính của đàn ông Israel. Trong một bài khảo sát về quan điểm của đàn ông Israel “thế nào là nam tính?”, thì đại đa số đàn ông ở Israel, đặc biệt là đàn ông Do Thái tin rằng, việc phục vụ trong đơn vị chiến đấu sẽ “biến một cậu bé thành đàn ông thực thụ”. Nói cách khác, tại Israel, con đường nhanh nhất để một bé trai được công nhận trở thành một người đàn ông là phải trải qua các cuộc huấn luyện quân sự và tham gia chiến đấu. [7]
Đọc đến đây, chúng ta lại đặt ra câu hỏi, vì sao chỉ những bé trai hay đàn ông mới được khuyến khích tham gia nghĩa vụ quân sự để trưởng thành hơn? Có phải vì nam giới có bản chất bạo lực và thể lực tốt hơn nữ giới? Hay vì phụ nữ có xu hướng hiền hòa và dịu dàng hơn nên khó lòng tham gia lực lượng quân sự?
Tính nam và Quân sự hóa
Trong khi phụ nữ thường được gắn liền với những đặc điểm ôn hòa, ưa chuộng hòa bình và mềm dẻo, thì đàn ông lại được gắn liền với bạo lực, quân phiệt, và hung hăng. Đây chính là điều mà các học giả nữ quyền phản đối kịch liệt, họ lập luận rằng: những sự khác biệt về giới không phải đến từ những khác biệt về mặt sinh học mà là do xã hội kiến tạo nên. Trong đó, các đặc điểm gắn liền với nam tính như sự cứng cỏi, xu hướng bạo lực, hung hăng, can đảm, kiểm soát và thống trị đã được các thiết chế nhà nước sử dụng để mô tả đặc điểm của một “người chiến binh lý tưởng” nhằm phục vụ cho việc tiến hành chiến tranh và bạo lực quân sự. [8]
Quan trọng hơn, trong cả các thiết chế quân sự và diễn ngôn an ninh nhà nước, việc quân sự hóa tính nam phải được đặt trong mối tương quan đối lập với những đặc điểm của tính nữ. Ví dụ, đã là “một chiến binh nam tính chính nghĩa” thì phải bảo vệ những “tâm hồn nữ tính xinh đẹp,”. Trong đó, hình ảnh “chiến binh” đối lập với “những tâm hồn”, “tính nam" đối lập với “tính nữ”, “người bảo vệ” đối lập với “người được bảo vệ”. [9]
Trong bộ phim tài liệu I Wanted to Become a Manly Man: Militarism and Masculinity, những người đàn ông tham gia khóa huấn luyện quân sự đã bày tỏ: “Có lẽ tôi sẽ không thể trở thành một người đàn ông toàn vẹn nếu như tôi không tham gia quân đội. Tôi muốn trở thành một chiến binh. Tôi muốn trở nên nam tính hơn.” Có thể thấy, những bài huấn luyện trong quân đội về thể chất hay tinh thần đều yêu cầu một “cơ thể nam tính” với sự dẻo dai, cơ bắp và sức mạnh, một ý chí kiên cường và gan dạ. Theo đó, chính quá trình huấn luyện quân sự đã khắc sâu những lý tưởng “cường điệu về nam tính”, hạ thấp những đặc điểm không phải “nam tính”. Chính vì vậy mà nam giới khi tham gia quân ngũ, họ không chỉ mong đợi phục vụ đất nước, mà còn mong đợi chứng minh sự nam tính trong họ. [9]
Vậy nên, để trả lời cho câu hỏi tại sao “để trở thành người đàn ông thực thụ”, nam giới được khuyến khích tham gia vào quân đội không thể đơn giản bằng việc quy chụp “nam giới bẩm sinh có tính bạo lực hơn nữ giới”, mà mối liên hệ giữa nam tính và quân sự được xây dựng và duy trì nhằm mục đích tiến hành chiến tranh.
Hình ảnh về một người lính quả cảm, anh dũng được củng cố bởi các thiết chế quân phiệt đã che đậy cho bạo lực quân sự, cũng như hợp thức hóa chiến tranh hay hành vi diệt chủng. Bằng việc quân sự hóa tính nam với hình tượng người lính - kiên cường, bạo lực, hung hăng, kiểm soát và thống trị - các nhà lãnh đạo quốc gia đã nỗ lực khơi gợi sự nam tính trong mỗi công dân - kêu gọi họ tham gia vào quân đội như hành động chứng minh sự nam tính trong mình [10]. Qua đó, ta cần nhận thức rằng bản thân nam giới bẩm sinh không hiển nhiên tồn tại những bản tính quân phiệt hay bạo lực, mà chính việc tính nam bị quân sự hóa đã dung túng cho sự tồn tại của bạo lực quân sự và chiến tranh trong thế giới này.
Bài viết được biên soạn và thiết kế bởi Cộng Tác Viên của 3 Phút Trăn Trở.
Chú thích nguồn
[1] Bài hát Buồn Chi Em Ơi được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác trong thời gian ông còn trong quân ngũ những năm 1958-59. Bài hát viết về tình cảm và nghĩa vụ của người trai thời chiến tranh. Khuyên nhủ những người hậu phương đừng quá đau buồn.
[2]Bài thơ Chí Làm Trai của Nguyễn Công Trứ
[3]Alexander, J. D. (2020). Putin’s Propaganda: The Effect of Russian Propaganda on Masculinity. University Writing Program, Brandeis University.
[4] Marina. Y. (2023). Russia’s appeal to ‘warrior masculinity’. Social Europe. https://www.socialeurope.eu/russias-appeal-to-warrior-masculinity
[5] Salome, G. (2022). How Putin’s toxic masculinity has driven his violent policies against Russians and, now, Ukrainians. South China Morning Post. https://www.scmp.com/comment/opinion/article/3170500/how-putins-toxic-masculinity-has-driven-his-violent-policies
[6] Valeminc, E. (2016). Masculinity Politics in Putin’s Russia. New Eastern Europe. https://neweasterneurope.eu/2016/10/12/masculinity-politics-in-putin-s-russia/
[7] Or Anabi. (2021). Masculinities in Israel – Current Attitudes.
[8] Isaac, T. (2017). Masculinity, Nationhood, and the Military in Israel and Singapore. Series II Issue Number 1i1 Spring 2019/5779.
[9] Eichler, M. (2014). Militarized Masculinities in International Relations. Mount Saint Vincent University.
[10] Ashwin, S. & Utrata, J. (2020). Masculinity Restored? Putin’s Russia and Trump’s America. https://doi.org/10.1177/1536504220920189
[11] Militarized Masculinities and the Legitimation of Violence. https://warpreventioninitiative.org/peace-science-digest/militarized-masculinities-and-the-legitimation-of-violence/