Giúp việc nữ tại Ả Rập: "Người hùng" hay "nô lệ" thời hiện đại?
“Ông bà chủ đánh em xong rồi ba ngày sau, đêm em ngủ là em chảy máu mũi, em nhức hai lỗ tai không biết tả như thế nào, nó tê hết cả trong đầu em, mắt em đau nhức, ba ngày sau nó mờ dần dần…”
Giúp việc tại Ả Rập: “Người hùng” hay “Nô lệ” thời hiện đại?
“Tôi làm việc từ 5 giờ sáng đến 1 giờ sáng và chỉ được ăn một bữa trong ngày vào lúc 1 giờ chiều. Ngày nào cũng như ngày nào, họ cho tôi một lát thịt cừu và một đĩa cơm trắng. Sau gần hai tháng, tôi thấy mình giống người bị điên” - Pham Thi Dao, đến từ Hòa Bình, Hà Nội, kể về trải nghiệm làm giúp việc ở thành phố cảng Yanbu, Ả Rập Xê Út cho tờ báo Al Jazeera
Trong hai thập kỷ qua, làn sóng di cư đến các nước Ả Rập (và toàn cầu nói chung) có hiện tượng “nữ hóa” [1]. Theo tổ chức Human Rights Watch, có khoảng 1,5 triệu phụ nữ, chủ yếu đến từ Indonesia, Sri Lanka và Philippines, di cư sang Ả Rập Saudi để làm giúp việc gia đình, bảo mẫu, chăm sóc người già, v.v. Những công nhân này được quê nhà họ ca ngợi là “người hùng thời hiện đại” nhờ số tiền họ kiếm được và gửi về nhà [2]. Tuy vậy, họ lại là một trong những nhóm lao động dễ tổn thương nhất vì tính chất “riêng tư” của môi trường làm việc. Trong các câu chuyện kể lại, những người phụ nữ giúp việc này thường bị nhốt trong căn nhà họ giúp việc, bị bỏ đói và phải làm việc hơn 12 tiếng/ngày, không được cấp đồ dùng vệ sinh cá nhân và y tế như đã thỏa thuận trong hợp đồng, không nhận được đủ tiền lương, bị đánh đập và tấn công tình dục, thậm chí là bị bức chết [3].
Ấy vậy mà lại không có bất cứ một cơ chế pháp lý nào từ Ả Rập Saudi hay các quốc gia xuất khẩu lao động giúp bảo vệ những người lao động này. Kể cả các tổ chức quốc tế cũng gần như ngó lờ lĩnh vực lao động giúp việc, vì nó được liệt kê vào loại kinh tế không chính thức (informal economy). Lao động nội trợ của phụ nữ, bất kể có được trả lương hay không, đều gần như vô hình trong các cuộc thảo luận chính sách công về kinh tế.
Lao động nữ vô hình: từ vai trò giới “truyền thống”…
Sự vô hình của lao động nữ không phải là một hiện tượng mới lạ, nó là điều “hiển nhiên” trong xã hội tư bản phụ quyền nhằm duy trì bất bình đẳng kinh tế chống lại phụ nữ, củng cố vị thế phục tùng của người phụ nữ trong xã hội.
Hầu hết các xã hội phụ quyền đều tin rằng phụ nữ có nghĩa vụ ‘tự nhiên’ phải quán xuyến công việc trong gia đình, như việc nhà (nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, v.v.), chăm sóc trẻ em và người già, công việc tình dục và sinh sản [4]. Ở phương Tây, sự phân công lao động này bắt nguồn từ hệ tư tưởng gia đình hạt nhân ra đời vào thế kỷ 19, trong đó, đàn ông được kỳ vọng là “trụ cột” - người ‘ra ngoài’ làm việc để kiếm tiền chu cấp cho gia đình; còn người phụ nữ được giao trách nhiệm “nội trợ” - người ‘ở trong’ không gian tư/gia đình để gìn giữ tổ ấm [5].
Dưới góc nhìn nữ quyền Mác-xít, các hoạt động nội trợ của phụ nữ đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp tái sản xuất xã hội, nhờ có lao động của họ mà nền kinh tế mới có thể vận hành trơn tru. Hãy hình dung rằng, một người công nhân nam chỉ có thể tái tạo lại sức lao động cho ngày làm việc tiếp theo nhờ vào việc vợ anh ta đã quán xuyến hết việc nhà và chăm sóc con cái để anh ta có thời gian nghỉ ngơi. Chưa kể đến việc chính người phụ nữ cũng tái tạo ra người lao động cho nền kinh tế theo đúng nghĩa đen - thông qua hoạt động sinh sản và nuôi nấng con cái. Tuy vậy, hệ thống kinh tế tư bản phụ quyền - vốn hướng đến tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa chi phí, đồng thời giữ phụ nữ ở thế phục tùng - không thừa nhận giá trị của việc nhà bởi nó không tạo ra lợi nhuận tiền tệ. Những người phụ nữ cáng đáng việc nhà, dù phải bỏ ra rất nhiều công sức, cũng không được trả lương hay bù đắp xứng đáng.
Cấu trúc phân công lao động theo giới khắt khe này đã khuôn ép phụ nữ vào không gian tư/không gian gia đình, hạn chế sự tham gia và tiếp cận cơ hội của phụ nữ trong thị trường lao động công, làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong một thời gian dài. Nó “bẫy” phụ nữ trong một môi trường bạo lực tiềm tàng ở nhà và nơi làm việc vì: (1) họ bị phụ thuộc kinh tế vào chồng mình ở nhà và khó có đường thoát khỏi bạo lực gia đình; (2) ở nơi làm việc không nhạy cảm giới, họ dễ phải đối mặt với tấn công tình dục từ sếp hoặc đồng nghiệp nam.
… đến các cấu trúc kinh tế tân tự do
Vai trò giới truyền thống này bắt đầu biến chuyển do sự trỗi dậy của cơ cấu kinh tế tân tự do vào những năm 1980, nhưng lao động chăm sóc của phụ nữ vẫn không hữu hình hơn. Môi trường chính sách tân tự do được các nước Tây phương quảng bá là một sự “giải phóng phụ nữ” khỏi gia đình, thông qua việc tuyển dụng hàng loạt phụ nữ vào làm công ăn lương. Nhưng thực chất, nó chỉ đặt lên vai phụ nữ một “gánh nặng kép” khi giờ đây họ phải gánh gấp đôi khối lượng công việc trên thị trường và ở nhà.
Khi ngày càng có nhiều phụ nữ bắt đầu đi làm bên ngoài, một nhu cầu lao động mới được phát sinh: họ cần một người nào đó (thường là phụ nữ khác) lo việc nội trợ cho họ. Điều này dẫn đến hiện tượng thương mại hóa công việc tái sản xuất. Lúc này, công việc tái sản xuất dần trở thành một loại lao động có thể bóc lột và tích lũy tư bản. Nghề nội trợ trong thị trường lao động ‘công’ cũng không khác mấy so với công việc chăm sóc không lương mà phụ nữ thường làm ở nhà, cả hai đều bị “mất giá” vì cấu trúc phân cấp giới trong xã hội.
Quá trình quốc tế hóa công việc nội trợ đã mở rộng sự phân công lao động theo giới đến cấp độ xuyên quốc gia khi phụ nữ từ các nước nghèo hơn phải di cư để cung cấp dịch vụ chăm sóc gia đình ở các nước giàu hơn. Những người phụ nữ này dễ phải đối mặt với các hình thức bạo lực trên cơ sở giới liên quan đến việc di cư, buôn bán tình dục, hạn chế nhập cư và bóc lột lao động [6].
Những cơn ác mộng dai dẳng
“Ông bà chủ đánh em xong rồi ba ngày sau, đêm em ngủ là em chảy máu mũi, em nhức hai lỗ tai không biết tả như thế nào, nó tê hết cả trong đầu em, mắt em đau nhức, ba ngày sau nó mờ dần dần…” - Chị Đinh Thị Ca, người dân tộc Ba Na ở Bình Định, kể về khoảng thời gian làm giúp việc ở Riyadh
“... Hai cha con nó thay phiên đè tôi ra và đánh đập tôi. Cứ đến tối là họ lại mò sang phòng tôi, họ cấm tôi khóa cửa phòng, nếu không mở thì nó dọa giết... Tôi làm cho gia đình nhà ấy 1 năm, nhưng chỉ lãnh được vỏn vẹn 3 tháng lương”. - Chị Iasmin, một phụ nữ Bangladesh, kể lại trải nghiệm của mình khi sang Bahrain làm giúp việc gia đình (dữ liệu từ Diễn đàn Phụ nữ Nam Toàn cầu 2022)
Hai mẩu chuyện này chỉ là số ít trong số rất nhiều những trải nghiệm kinh hoàng của phụ nữ giúp việc di cư sang các quốc gia Ả Rập. Lao động nữ làm công việc chăm sóc được trả lương, nhưng lại phải gánh chịu những loại bạo lực không khác mấy những phụ nữ nội trợ bị bạo lực gia đình. Các đại sứ quán của những quốc gia xuất khẩu lao động ở Ả Rập Saudi thông tin rằng trong số các khiếu nại mà họ nhận được thì các báo cáo về ngược đãi người giúp việc gia đình là chiếm số lượng nhiều nhất [1]. Nhưng, cũng giống như phụ nữ làm nội trợ không công, những người giúp việc này hầu như rất ít được các thiết chế công bảo vệ quyền lợi hay hỗ trợ trong trường hợp bị ngược đãi.
“Làm tiền” trên sự bất an của phụ nữ
Ai đang được lợi từ những bất an mà phụ nữ lao động di cư phải gánh chịu? Đầu tiên và trực tiếp nhất là các công ty môi giới - những tổ chức đã “dụ dỗ” phụ nữ (chủ yếu là phụ nữ nghèo) sang làm việc tại Ả Rập, chủ yếu bằng cách thổi phồng mức lương mà người lao động sẽ nhận được. Các công ty tuyển dụng lao động này được lợi từ một tỷ lệ phần trăm trên mức lương hàng năm của ứng viên được tuyển dụng (tùy theo hợp đồng lao động) nếu môi giới thành công, ngoài ra họ cũng thu phí các dịch vụ đào tạo nghiệp vụ và ngôn ngữ cho người lao động. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, họ không chịu trách nhiệm giải quyết và hỗ trợ cho người lao động bị bạo hành, mà cho rằng đó là những rủi ro mà người lao động cần phải tự gánh chịu vì chính người lao động đã “chọn” nghề “ô-sin”.
Bà H. - một người Việt Nam sang Ả Rập giúp việc thông qua dịch vụ của Công ty Bạch Đằng - phải làm 19 tiếng/ngày, ngày chỉ được cho ăn 1 bữa, không được liên lạc về nhà. Điều kiện sống và làm việc không đảm bảo khiến bà H. kiệt sức, suy nhược cơ thể, chảy máu họng, hậu môn… Bà nhiều liên lạc với Cty Bạch Đằng nhờ can thiệp và xin cho về nước sớm. Tuy nhiên, chủ sử dụng và Cty Bạch Đằng yêu cầu bà H. phải nộp 62 triệu đồng tiền bồi thường hủy hợp đồng và tự bỏ tiền mua vé máy bay mới được về. Người của Cty Bạch Đằng còn nói, nếu không muốn “chết mòn” ở xứ người phải gửi tiền sang càng sớm càng tốt [7].
Trường hợp của bà H. không phải là trường hợp duy nhất. Phụ nữ di cư ở nhiều nơi trên thế giới phải đối mặt với những thách thức như phải đối mặt với những người sử dụng lao động lạm dụng, làm việc bất hợp pháp với các quyền hạn chế và phải chịu đựng thời gian làm việc không được kiểm soát.
Bạo lực thể chế nhằm vào phụ nữ: Hệ thống Kafala tại Ả Rập
Bên cạnh các chủ nhà và công ty môi giới, chính quyền Ả Rập thể chế hóa sự bóc lột lao động nữ bằng hệ thống pháp lý mang tính phân biệt đối xử và đàn áp - tiêu biểu nhất là hệ thống Kafala. Hệ thống Kafala là một hệ thống tài trợ lao động quy định các điều khoản về việc sử dụng lao động nhập cư tại các quốc gia vùng Vịnh và một số quốc gia lân cận như Qatar, Bahrain, Kuwait, Lebanon, Oman, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Kafala là một chương trình lao động ‘khách mời’, trong đó người di cư không được phép định cư hợp pháp ở nước sở tại và sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào những nhà tài trợ hoặc người sử dụng lao động hay kefil (người bảo hộ/chủ nhà) của họ. Hệ thống này cho phép các nhà tài trợ hoặc người sử dụng lao động di cư có toàn quyền kiểm soát người lao động di cư “dưới trướng” mình.
Luật lao động của UAE yêu cầu người giúp việc gia đình phải tuân theo Kafala. Nghĩa là, người giúp việc phải lệ thuộc vào các nhà tài trợ hoặc kefil của mình để có nơi cư trú, cũng như để tiếp cận các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe. Luật lao động của UAE cũng có những điều luật bảo vệ người lao động, nhưng lại chú thích trong Điều 3 rằng “các quy định của luật này sẽ không áp dụng đối với… người giúp việc gia đình được thuê trong các hộ gia đình tư nhân” [8]. Như vậy, trong khi phụ nữ làm công việc nội trợ và chăm sóc phải tuân theo các quy định lao động trong Kafala, họ lại nằm ngoài sự bảo vệ của luật lao động hiện hành ở UAE.
Vì hệ thống Kafala xem người sử dụng lao động và nhà tài trợ lao động là một, nên trong trường hợp tranh chấp giữa người lao động di cư và người sử dụng lao động thì người lao động sẽ hoàn toàn bị cô lập và gặp bất lợi. Nếu họ bị cắt hợp đồng lao động, họ sẽ tự động trở thành người lao động bất hợp pháp hoặc không có giấy tờ và có nguy cơ bị trục xuất nếu nhà tài trợ/chủ của họ tố cáo. Người giúp việc, cũng giống như những người lao động nhập cư khác, không thể tham gia các công đoàn lao động do Luật Lao động của Liên bang UAE quy định.
Im lặng cũng là bạo lực
Một chủ thể nữa tiếp tay cho sự bóc lột phụ nữ di cư sang các nước Ả Rập là chính quyền các quốc gia xuất khẩu lao động giúp việc. Rất nhiều các quốc gia này có nguồn thu chính nhờ vào xuất khẩu lao động hoặc cung cấp lao động, nhưng lại ngoảnh mặt làm ngơ khi những người lao động của họ bị bạo lực hay bóc lột.
Tại Philippines, xuất khẩu lao động trong nước đóng góp một tỷ trọng rất lớn vào nền kinh tế quốc gia. Theo Ngân hàng Thế giới, những người lao động nhập cư Filipina gửi về hơn 26 tỷ bảng Anh để hỗ trợ gia đình họ mỗi năm, chiếm 8,8% tổng GDP của Philippines [7]. Tuy nhiên, họ không nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ của mình - những người đang thu về lợi ích từ việc xuất khẩu lao động của họ. Công việc và bạo lực mà những người phụ nữ này phải gánh chịu bị giấu kín.
Chính phủ Việt Nam và Saudi Arabia đã ký thỏa thuận lao động 5 năm để đưa phụ nữ từ Việt Nam sang làm giúp việc gia đình tại Saudi Arabia vào năm 2014, bao gồm cả điều khoản gia hạn tự động thỏa thuận. Thỏa thuận này mang lại lợi ích cho các bộ của cả hai chính phủ, các công ty tuyển dụng của cả hai bên và các gia đình bảo trợ ở nước sở tại [7]. Còn thiệt hại thì đè cả lên vai của những người lao động Việt di cư đến Ả Rập làm giúp việc.
Tính đến năm 2022, có gần 7,000 phụ nữ Việt Nam làm người giúp việc cho các gia đình ở Ả Rập Saudi. Những bài báo kể về hoàn cảnh của lao động giúp việc nữ Việt Nam ở Ả Rập đã được đăng tải từ sớm, nhưng lại ít nhận được sự chú ý của công chúng. Cho đến năm 2021, cái chết của H Xuân Siu, một người phụ nữ trẻ dân tộc thiểu số Gia Rai được đưa sang Riyadh làm giúp việc, đã làm chấn động dư luận. Cái chết của Siu bắt nguồn từ điều kiện sống tồi tệ và những trận tra tấn của chủ nhà, cô cũng không được tiếp cận đến dịch vụ sức khỏe khi tình trạng trở nên nguy kịch. Trước khi qua đời, Siu đã cố gắng liên hệ với VINACO, công ty tuyển dụng đã cử cô đến đó, và với 2 Tùy viên lao động Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Riyadh để cầu cứu, nhưng đáp lại cô là sự im lặng.
Mặc dù nhiều chính phủ (và tổ chức quốc tế) vẫn có nỗ lực để giải cứu một số trường hợp lao động giúp việc bị bạo lực ở Ả Rập, nhưng các ca giải cứu vẫn mang tính chất đơn lẻ và không thực sự tác động để thay đổi hệ thống bất bình đẳng. Cần phải hiểu được rằng, những người lao động giúp việc sẽ không phải ngậm đắng nuốt cay và chịu đựng các hình thức bạo lực ở “xứ người” nếu “quê nhà” của họ không thỏa hiệp với các thể chế đàn áp đó. Vì vậy, những chính quyền này hoàn toàn không vô can, mà thậm chí, chính sự tảng lờ và im lặng này đã tiếp tục đẩy phụ nữ lao động di cư vào guồng quay bạo lực vô hình không có lối thoát.
Tạm kết
Không chỉ riêng Ả Rập Xê út mà các quốc gia giàu có khác như Anh, Hong Kong, Nhật Bản,... vẫn tồn tại các cơ chế lao động di cư không an toàn. Chính xã hội phụ quyền cùng với các trúc kinh tế tân tự do đã tạo nên một nền kinh tế mà trong đó, lao động nữ cùng với những bất an mà họ phải gánh chịu gần như bị gạt ra khỏi tầm mắt của những nhà hoạch định chính sách, những người làm luật và cả những người dân không bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp bởi bạo lực chống lại phụ nữ lao động di cư. Không một cơ chế chăm sóc hay bảo vệ họ, không có luật pháp nào đứng ra đòi lại quyền lợi cho họ (vì pháp luật không cho phép), không có tổ chức nào giải cứu họ, phải thấy, chính hệ thống lao động di cư “lỏng lẻo và lấy lợi nhuận đi đầu” này đã chủ mưu “làm tiền” trên sức lực, mồ hôi và cả những nỗi sợ của phụ nữ.
Còn bao nhiêu người phụ nữ mắc kẹt tại Ả Rập Xê út, Anh, Lebanon,... đang gào cứu? Chúng ta vẫn tiếp tục làm ngơ? Chúng ta vẫn tiếp tay cho các hệ thống lao động áp bức đó?
Bài viết được biên soạn bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.
CHÚ THÍCH NGUỒN:
[1] MAHDAVI, PARDIS (2013). Gender, labour and the law: the nexus of domestic work, human trafficking and the informal economy in the United Arab Emirates. Global Networks, 13(4), 425–440. doi:10.1111/glob.12010
[2]https://www.hrw.org/reports/2008/saudiarabia0708/1.htm
[3] https://digitalcommons.csumb.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1032&context=sbgs_fac
[4] Silvia Federici (2021). Marx on Gender, Race, and Social Reproduction: A Feminist Perspective
[5]Mies, M. (2021). Patriarchy and accumulation on a world scale: Women in the international division of labour (2nd edition). Zed Books.
[6]True, J. (2012). The Political Economy of Violence against Women. Oxford University Press. https://doi.org/10.1093/acprof:oso/9780199755929.001.0001
[7] https://tienphong.vn/giup-viec-tai-a-rap-xe-ut-nhieu-lao-dong-khan-cau-giai-cuu-post826849.tpo
[8] https://www.theguardian.com/world/2021/jan/27/domestic-workers-philippines-coronavirus-conditions
[9]https://www.newmandala.org/modern-day-slavery-vietnamese-women-domestic-workers-in-saudi-arabia/