Huyền thoại về Công việc: Sẽ ra sao nếu không một ai làm việc?
Bài gốc The Mythodology of Work: Eight Myths That Keep Your Eyes On the Clock and Your Nose to Grindstone (2018) tại Crimethlnc.
Người làm công tác xã hội (social work) hay vận động xã hội (social activism) thường thấy mình hay hỏi bản thân về công việc mình đang làm vì sao công việc này lại khó kiếm ra tiền?
Ta thường nghe, "Không làm thì không có ăn." Người ta làm vì tiền, vì miếng cơm manh áo, vì danh lợi, địa vị xã hội. Vậy những thứ việc làm ta vừa không có ăn, vừa không danh lợi địa vị gì sất, thì không phải thật là công việc chân chính chăng? Bài tiểu luận sau đây của CrimethInc., dịch sang tiếng Việt và chỉnh sửa vài chỗ bởi 3 Phút Trăn Trở khơi gợi một góc nhìn khác về huyền thoại "công việc".
Sẽ ra sao nếu không ai làm việc? Các xưởng may công nghiệp sẽ rỗng tuếch và những dây chuyền lắp ráp sẽ kẽo kẹt ngừng lại hay ít nhất là mấy dây chuyền sản xuất những thứ sản phẩm chẳng ai muốn làm một cách tự nguyện. Không còn tiếp thị qua điện thoại. Những kẻ khốn nạn quen chỉ tay năm ngón nhờ tiền bạc và chức danh sẽ phải học cách xã giao sao cho tử tế hơn. Nạn kẹt xe sẽ kết thúc; cũng như những vụ tràn dầu. Tiền giấy và tờ đơn xin việc sẽ được lấy ra nhóm lửa, khi người ta chia sẻ và đổi hàng lấy hàng. Cỏ và hoa sẽ mọc lên từ những kẽ nứt bên vỉa hè, để rồi cuối cùng nhường chỗ cho cây ăn quả.
Và tất cả chúng ta sẽ đói tới chết.
Nhưng có lẽ, chúng ta không thực sự sống nhờ công việc bàn giấy và bản đánh giá hiệu suất nhân viên, có phải không? Đa phần những thứ chúng ta tạo ra và làm để kiếm tiền đều rõ ràng không ăn nhập gì với sự sống còn của chúng ta—và với những gì mang lại ý nghĩa cho cuộc đời.
Điều này cũng tùy thuộc vào bạn có ý gì khi nói về hai chữ ”công việc." Hãy nghĩ xem biết bao nhiêu người thích làm vườn, câu cá, nấu ăn, và thậm chí lập trình máy tính chỉ vì họ thích. Sẽ thế nào nếu những hoạt động như thế có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của chúng ta?
Hàng trăm năm qua, người ta đã vẫn tuyên bố rằng tiến bộ công nghệ sẽ sớm giải phóng nhân loại khỏi nhu cầu phải làm việc. Ngày nay, chúng ta có được những năng lực mà tổ tiên ta không thể tưởng tượng tới, nhưng dự đoán trên vẫn chưa thành sự thật. Ở Việt Nam, thời gian tăng ca cứ mỗi lúc mỗi dài thêm ra, và người ta làm việc cật lực—người nghèo là để sống sót, còn người giàu thì để cạnh tranh. Một số khác tìm việc một cách tuyệt vọng, hầu như không thể tận hưởng cái thời gian nhàn rỗi thoải mái mà tất cả tiến bộ công nghệ này đã nên mang lại. Mặc cho những thảo luận về việc suy thoái kinh tế sắp xảy ra và việc thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng thì cần thiết đối với mỗi người dân, các tập đoàn lớn vẫn mặc nhiên báo cáo kết quả doanh thu cao kỷ lục, những người giàu nhất đang giàu hơn bao giờ hết, và một lượng hàng hóa khổng lồ vẫn liên tục được sản xuất chỉ để bị vứt bỏ. Của cải thì nhiều vô kể, nhưng chúng không được sử dụng để giải phóng loài người.
Thứ hệ thống gì mà vừa sản xuất thừa mứa, vừa ngăn không cho người ta hưởng thụ nó? Những người bào chữa cho thị trường tự do lập luận rằng ta không có lựa chọn nào khác—và cho tới chừng nào xã hội của chúng ta được tổ chức theo cách này, thì đúng là không có cách nào khác thật.
Vậy mà ngày xửa ngày xưa, trước khi có bảng chấm công và bữa trưa kinh doanh (power lunches), mọi thứ đều được hoàn thành mà không cần tới khái niệm công việc. Thế giới tự nhiên với tài nguyên đáp ứng đủ cho nhu cầu của chúng ta chưa từng bị chia cắt và tư hữu hóa. Kiến thức và kỹ năng không phải là lĩnh vực độc quyền của chuyên gia có bằng cấp, bị bức tường thu phí cao ngất dựng lên bởi các tổ chức tinh hoa bắt làm con tin; thời gian chưa bị chia ra thành hai loại: khi làm việc năng suất và khi nghỉ ngơi hoang phí. Chúng ta biết thế bởi công việc mới được phát minh vài nghìn năm trước, nhưng nhân loại đã tồn tại hàng trăm nghìn năm. Chúng ta được kể rằng hồi đó cuộc sống “cô độc, nghèo nàn, bẩn thỉu, tàn bạo và ngắn ngủi”—nhưng câu chuyện ấy đến từ những người đã dập tắt cách sống đó, không phải từ những người đã thực hành nó.
Nói thế không phải để khuyên chúng ta nên quay trở lại lối sống tiền sử, hoặc rằng chúng ta có khả năng quay lại—chỉ là mọi thứ không nhất thiết phải sống như hiện tại. Nếu tổ tiên xa xưa của chúng ta có thể thấy chúng ta bây giờ, họ có lẽ sẽ háo hức với một số phát minh của chúng ta và kinh hãi bởi một số thứ khác, nhưng họ chắc chắn sẽ bị sốc bởi cách chúng ta đang áp dụng những phát minh này. Chúng ta xây dựng thế giới này bằng sức lao động của mình, và nếu không có một vài trở ngại nhất định thì chúng ta đã chắc chắn có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó không có nghĩa là ta nên từ bỏ tất cả những gì chúng ta đã học được. Vì từ bỏ tất cả những gì chúng ta đã học được thì không làm được gì cả.
Không thể phủ nhận rằng công việc thật là có năng suất. Chỉ vài nghìn năm của nó đã cải tạo một cách ngoạn mục bề mặt của trái đất.
Nhưng chính xác thì nó sản xuất ra cái gì? Đôi đũa dùng một lần với số lượng hàng tỷ; máy tính xách tay và điện thoại di động lỗi thời sau vài năm. Hàng dài cây số những bãi rác và hàng tấn khí thải độc hại chlorofluorocarbons. Những nhà máy sẽ gỉ sét ngay khi lao động giá rẻ hơn được tìm thấy ở nơi khác. Những thùng rác đầy ắp, trong khi một tỷ người suy dinh dưỡng; những hóa đơn chữa bệnh chỉ người giàu mới trả nổi; tiểu thuyết, triết học và các trào lưu nghệ thuật mà hầu hết chúng ta chỉ đơn giản là không có thời gian thưởng thức, trong một xã hội mà ước vọng bị đặt dưới động cơ lợi nhuận và nhu cầu phải nhường chỗ cho quyền sở hữu.
Và tài nguyên cho tất cả những hoạt động sản xuất này đến từ đâu? Điều gì xảy ra với các hệ sinh thái và cộng đồng bị cướp phá và bóc lột? Nếu công việc là sinh lợi, nó phá hủy còn nhiều hơn nữa.
Công việc không tạo ra hàng hóa từ chân không; nó không phải là một trò ảo thuật. Đúng hơn, nó lấy những nguyên liệu thô từ sinh quyển—kho báu chung của mọi sinh vật—và biến chúng thành những sản phẩm theo lô-gic của thị trường. Đối với những ai nhìn thế giới dưới góc độ bảng cân đối kế toán, đây là một sự tiến bộ, nhưng số còn lại trong chúng ta đừng nên cả tin lời họ.
Các nhà tư bản và xã hội chủ nghĩa luôn đương nhiên cho rằng công việc tạo ra giá trị. Người lao động phải xem xét một khả năng khác—rằng công việc tiêu hao giá trị. Đó là lý do tại sao những cánh rừng và chỏm băng vùng cực đang hao mòn dần theo mỗi tiếng đồng hồ trôi qua trong đời ta: những cơn đau nhức trong cơ thể ta khi ta tan tầm về nhà đang tồn tại song song với sự hư hoại đang diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Chúng ta nên sản xuất cái gì nếu không phải tất cả những thứ này? Chà, còn hạnh phúc thì sao? Chúng ta có thể tưởng tượng không, một xã hội mà trong đó hoạt động của chúng ta có mục tiêu hàng đầu là tận dụng tối đa cuộc sống, là khám phá những điều huyền bí của nó, thay vì tích trữ của cải hay đâm sau lưng đối thủ cạnh tranh? Chúng ta vẫn sẽ sản xuất hàng hóa vật chất trong một xã hội như vậy, tất nhiên rồi, nhưng không vì mục đích tranh đoạt lợi nhuận. Lễ hội, yến tiệc, triết học, lãng mạn, theo đuổi sáng tạo, nuôi dạy con cái, tình bạn, mạo hiểm—liệu chúng ta có thể đưa những điều này vào trung tâm của bức tranh sinh hoạt, mà không phải nhồi nhét vào thời gian rảnh rỗi không?
Sự tình ngày nay hoàn toàn tương phản—quan niệm của chúng ta về hạnh phúc được kiến tạo như một phương tiện để kích thích sản xuất. Không lạ gì khi các sản phẩm đang chen chúc chèn ép ta khỏi thế giới này.
Tất cả chúng ta không thể đều trở thành tỷ phú - đó chỉ có thể là lạm phát. Thật sự! Nếu ai đó giàu có, thì phải có ai đó nghèo.
Công việc không đơn giản là tạo ra của cải ở những nơi từng chỉ có đói nghèo. Trái lại, tới chừng nào mà công việc vẫn làm giàu cho một số người bằng mồ hôi nước mắt của những người khác, thì nó cũng tạo ra sự đói nghèo, theo tỷ lệ thuận với lợi nhuận.
Cái nghèo không phải là một tình trạng khách quan, mà là một mối quan hệ được tạo ra bởi sự phân phối không đồng đều của tài nguyên. Không có cái gọi là nghèo đói trong những xã hội mà mọi người chia cho nhau hết thảy. Có thể tồn tại tình trạng khan hiếm, nhưng không ai phải chịu nỗi tủi nhục của cảnh túng quẫn bần cùng trong khi những người khác có nhiều hơn mức họ không biết phải làm gì với chúng. Khi lợi nhuận được tích lũy và ngưỡng tài sản tối thiểu cần thiết để có ảnh hưởng trong xã hội ngày càng tăng cao, cái nghèo càng khiến người ta suy nhược. Nó là một hình thức lưu đày—hình thức lưu đày tàn nhẫn nhất, bởi bạn ở lại giữa xã hội trong khi bị bài xích ra ngoài nó. Bạn đã không thể tham gia, cũng không thể đi bất kỳ nơi nào khác.
Công việc không chỉ tạo ra nghèo đói bên cạnh sự giàu có—nó tập trung sự giàu có vào tay một số ít người trong khi phát tán cái nghèo ra khắp nơi. Cho mỗi Bill Gates, một triệu người phải sống dưới chuẩn nghèo; cho mỗi Shell Oil, phải có một Nigeria. Chúng ta làm việc càng cần mẫn, lợi nhuận tích lũy từ công sức lao động của chúng ta cũng càng nhiều, và chúng ta cũng càng nghèo hơn khi so với những kẻ bóc lột chúng ta.
Thế nên bên cạnh việc tạo ra tiền tài, công việc làm người ta nghèo đi. Điểm này là rõ ràng, thậm chí trước khi chúng ta suy xét đến tất cả những cách khác mà công việc khiến chúng ta nghèo: nghèo quyền tự quyết, nghèo thời gian rỗi, nghèo sức khỏe, nghèo ý niệm về bản ngã vượt trên sự nghiệp và tài khoản ngân hàng, nghèo tinh thần.
Những ước tính cho “chi phí sống” khiến ta hiểu lầm—ta nào có đang sống đâu! Gọi là “chi phí làm việc” dễ chừng đúng hơn, và nó không hề rẻ.
Ai cũng biết những người lao công lau nhà và rửa chén phải trả một cái giá thế nào cho việc làm trụ cột của nền kinh tế. Tất cả những tai họa của cái nghèo—nghiện ngập, gia đình tan vỡ, sức khỏe kém—là chuyện thường; những người sống sót qua được các nạn này và bằng cách nào đó vẫn tiếp tục tới làm đúng giờ thật là một phép nhiệm màu. Hãy nghĩ về những gì họ có thể đạt tới nếu họ được tự do áp dụng sức mạnh đó vào gì đó khác ngoài việc kiếm lợi nhuận cho người chủ thuê của họ!
Vậy còn người chủ thuê, may mắn được ở vị trí cao hơn trên kim tự tháp? Bạn hẳn sẽ nghĩ rằng kiếm được một mức lương cao hơn đồng nghĩa có nhiều tiền hơn và do đó có nhiều tự do hơn, nhưng không đơn giản như vậy. Mỗi công việc đều có chi phí tiềm ẩn: giống như người rửa chén phải trả tiền xe buýt đi và về từ công việc hàng ngày, một luật sư doanh nghiệp phải có khả năng bay đến bất cứ đâu ngay khi được gọi, phải duy trì tư cách thành viên ở hội sở giao lưu với các doanh nghiệp, phải sở hữu một biệt thự nhỏ để tiếp đãi khách khứa kiêm khách hàng. Đó là lý do tại sao rất khó để những người lao động trung lưu dành dụm đủ tiền để thoát khỏi cuộc đua danh lợi bất tận dù họ cũng có lúc dẫn đầu: cố gắng chạy vượt lên trong nền kinh tế này trên cơ bản có nghĩa là dậm chân tại chỗ. Nhiều nhất là bạn có thể tiến lên một đường băng chạy bộ sang trọng hơn, nhưng bạn cũng sẽ phải chạy nhanh hơn để ở lại trên đường băng mới này.
Và những chi phí tài chính của việc đi làm là chi phí ít tốn kém nhất. Trong một cuộc khảo sát, dân chúng từ mọi tầng lớp xã hội được hỏi họ cần bao nhiêu tiền để sống cuộc đời họ muốn; từ kẻ ăn mày đến quý tộc, tất cả đều đáp rằng khoảng gấp đôi số thu nhập hiện thời của họ. Thế nên tiền bạc không chỉ tốn kém để kiếm lấy, mà, như bất kỳ loại ma túy gây nghiện nào, nó ngày càng khiến người ta không thỏa mãn! Và càng lên cao trong hệ thống thứ bậc, bạn càng phải chiến đấu để giữ vững vị trí của mình. Người giám đốc giàu có phải từ bỏ những đam mê mãnh liệt và lương tri của mình, phải thuyết phục bản thân rằng anh ta xứng đáng được nhiều hơn những kẻ kém may mắn đang lao động để cung cấp sự thoải mái cho anh ta, phải dập tắt mọi bản năng đặt câu hỏi, sẻ chia, và hình dung mình trong hoàn cảnh của người khác; nếu anh không làm vậy, sớm muộn gì một đối thủ nhẫn tâm hơn cũng sẽ thay thế anh. Cả người lao động cổ cồn xanh lẫn cổ cồn trắng đều phải tự sát để giữ lấy công việc nuôi sống họ; đây chỉ là vấn đề về sự phá hủy thể xác hay tinh thần mà thôi.
Đó là những chi phí chúng ta chi trả cá nhân, nhưng còn có một cái giá mà toàn cầu phải trả cho tất cả việc đi làm này. Bên cạnh các chi phí môi trường, có những bệnh tật, thương tích và cái chết liên quan đến công việc: mỗi năm chúng ta giết chết hàng nghìn người để bán hamburger và thẻ thành viên câu lạc bộ sức khỏe cho những ai sống sót. Bộ Lao động Hoa Kỳ báo cáo rằng số người chết vì tai nạn lao động vào năm 2001 là gấp đôi số người chết trong các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, và con số đó chưa tính các bệnh liên quan tới công việc. Trên hết, đắt cắt cổ hơn bất kỳ cái giá nào khác, là cái giá của việc không bao giờ học được cách tự điều khiển đời mình, không bao giờ có cơ hội trả lời hoặc thậm chí đặt câu hỏi rằng ta sẽ làm gì với thời gian của mình trên hành tinh này nếu điều đó tùy thuộc vào ta. Ta không bao giờ có thể biết mình đang từ bỏ bao nhiêu khi an phận với một thế giới trong đó mọi người quá bận, quá nghèo hoặc quá mệt để làm điều đó.
Tại sao phải làm việc, nếu nó đắt đỏ như vậy? Ai cũng biết câu trả lời—không còn cách nào khác để đạt được những nguồn lực cần thiết cho sự sinh tồn, hoặc có thể nói, căn bản không có biện pháp khác để tham gia vào xã hội. Tất cả các hình thức xã hội trước đây giúp tạo ra các lối sống khác đều đã bị xóa sổ—chúng bị tiêu diệt bởi những kẻ chinh phục, những tay buôn nô lệ, và các tập đoàn; cả bộ lạc, truyền thống lẫn hệ sinh thái đều không còn nguyên vẹn. Trái ngược với tuyên truyền của chủ nghĩa tư bản, con người tự do không đổ xô vào các nhà máy để kiếm chút tiền nếu họ có lựa chọn khác, ngay cả khi có thể đổi lấy những đôi giày hàng hiệu và phần mềm. Bằng cách làm việc, mua sắm, và thanh toán hóa đơn, mỗi chúng ta đang giúp duy trì các điều kiện cần thiết cho những hoạt động này. Chủ nghĩa tư bản tồn tại vì chúng ta đầu tư hết thảy vào nó: toàn bộ tinh lực và trí tuệ của ta vào thị trường, toàn bộ tài nguyên vào siêu thị và thị trường chứng khoán, toàn bộ sự chú ý của ta vào các phương tiện truyền thông. Nói chính xác hơn, chủ nghĩa tư bản tồn tại bởi vì các hoạt động hàng ngày của chúng ta là nó. Nhưng, nếu chúng ta cảm thấy mình còn có lựa chọn khác, liệu chúng ta có tiếp tục tái tạo chủ nghĩa tư bản không?
Ngược lại, thay vì giúp người ta đạt được hạnh phúc, công việc nuôi dưỡng loại phủ nhận tự thân tồi tệ nhất.
Phục tùng giáo viên, sếp trên, yêu cầu của thị trường—chưa kể đến pháp luật, kỳ vọng của cha mẹ, lời răn tôn giáo, quy tắc xã hội—chúng ta được dạy từ khi còn nhỏ để hoãn lại mong muốn của mình. Tuân theo mệnh lệnh trở thành phản xạ vô thức, cho dù chúng có phải là điều tốt nhất cho ta hay không; phụ thuộc vào chỉ huy của chuyên gia trở thành bản năng thứ hai.
Bán ra thời gian của mình thay vì làm việc chỉ vì thích, chúng ta bắt đầu đánh giá sinh hoạt của mình dựa trên chúng ta có thể đổi lấy nhiều hay ít, mà không phải chúng ta có thể đạt được gì từ sinh hoạt. Là những nô lệ tự do đang rao bán cuộc đời mình từng giờ một, chúng ta cho rằng mỗi người đều có một cái giá; giá cả cao hay thấp trở thành thước đo giá trị của chúng ta. Theo nghĩa đó, chúng ta trở thành hàng hóa, giống như kem đánh răng và giấy vệ sinh. Những gì từng là con người bây giờ là một nhân viên, giống như những gì từng là một con heo bây giờ là một miếng thịt heo. Cuộc sống của chúng ta biến mất, được tiêu xài như số tiền mà chúng ta đánh đổi nó để có được.
Tạm dịch: “Nếu công việc nặng nhọc là một thứ tuyệt vời, thì chắc chắn rằng người giàu nên giữ hết mấy thứ đó cho họ.” - Lane Kirkland.
Hầu hết chúng ta đã quen với việc từ bỏ những thứ quý giá với mình đến mức hy sinh đã trở thành cách duy nhất của ta để thể hiện rằng ta quan tâm đến điều gì đó. Chúng ta tuẫn đạo vì những ý tưởng, vì đại nghĩa, vì lòng yêu tha nhân, ngay cả khi những điều này đáng lẽ nên giúp ta tìm thấy hạnh phúc.
Ví dụ như, có những gia đình mà thành viên thể hiện tình yêu thương bằng cách cạnh tranh để trở thành người dám từ bỏ nhiều thứ nhất vì người khác. Niềm thỏa mãn không chỉ bị trì hoãn, nó bị nhường từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trách nhiệm hưởng thụ tất cả niềm hạnh phúc được cho là đã được tích lũy sau nhiều năm lao động nhọc nhằn bạc bẽo được để lại con cái; vậy mà khi những đứa con trưởng thành, nếu họ muốn được coi là người lớn có tinh thần trách nhiệm, thì họ cũng phải bắt đầu làm việc cật lực.
Nhưng phải có điểm dừng ở đâu đó.
Ngày nay mọi người làm việc chăm chỉ, đó là chắc chắn. Ràng buộc quyền tiếp cận tài nguyên với hiệu năng thị trường đã mang đến sản xuất và tiến bộ công nghệ chưa từng thấy. Thật vậy, thị trường đã độc quyền truy cập vào năng lực sáng tạo của chính chúng ta đến mức nhiều người làm việc không phải chỉ để sống sót mà còn để có việc gì đó để làm. Nhưng mà như vậy lại có thể bồi dưỡng ra loại tinh thần chủ động gì?
Hãy quay lại với biến đổi khí hậu, một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà hành tinh đang đối mặt. Sau hàng thập kỷ phủ nhận, quan chức và các doanh nhân cuối cùng đã hành động để làm gì đó về nó. Và họ đang làm gì? Tìm cách kiếm tiền! Tín chỉ carbon, than “sạch”, công ty đầu tư “xanh”—ai tin rằng đây là những cách hiệu quả nhất để hạn chế sản xuất khí thải nhà kính? Thật trớ trêu khi một thảm họa do chủ nghĩa tiêu dùng tư bản gây ra có thể được dùng để thúc đẩy thêm tiêu dùng, nhưng nó tiết lộ nhiều về thể loại chủ động mà công việc thúc đẩy. Loại người gì, khi đối mặt với nhiệm vụ ngăn chặn sự kết thúc của sự sống trên trái đất, trả lời, “Đương nhiên, nhưng nó có lợi lộc gì cho tôi?”
Nếu mọi thứ trong xã hội chúng ta phải được thúc đẩy bởi động cơ lợi nhuận mới có thể thành công, thì có thể đó không phải là tính chủ động gì cả, mà là thứ gì đó khác. Thật sự phát huy tính năng động chủ quan, khởi xướng các giá trị mới và các hình thức hành vi mới—đối với người doanh nhân tiên phong lẫn đứa nhân viên thờ ơ nhất của anh ta đều là không thể tưởng tượng được. Sẽ thế nào nếu làm việc—cũng chính là đem sức sáng tạo của bạn cho người khác thuê, dù là cho sếp trên hay khách hàng—thực sự làm suy mòn tinh thần chủ động?
Chứng cứ cho điều này còn vượt ra ngoài nơi làm việc. Có bao nhiêu người chưa bao giờ nghỉ việc ngày nào lại không thể đến đúng giờ cho hoạt động ở nhà văn hóa thể thao? Chúng ta không thể đọc hết cuốn sách mà chúng ta thích trong câu lạc bộ đọc sách, ngay cả khi chúng ta có thể nộp bài luận cho trường học đúng hạn; những thứ chúng ta thực sự muốn làm trong đời bị đẩy xuống dưới chót danh sách việc cần làm. Năng lực hoàn thành các cam kết trở thành điều gì đó bên ngoài chúng ta, gắn liền với những thưởng phạt ngoại thân.
Hãy tưởng tượng một thế giới trong đó mọi thứ người ta làm vì họ muốn, bởi vì cá nhân họ thiết thân đầu nhập vào việc thực hiện nó. Đối với bất kỳ ông chủ nào đang gặp khó khăn trong việc động viên các nhân viên thờ ơ, ý tưởng làm việc với những người có tâm huyết đầu nhập vào cùng một dự án nghe có vẻ rất xã hội không tưởng. Nhưng đây không phải là bằng chứng cho thấy việc gì cũng làm không thành nếu không có sếp trên và tiền lương—nó chỉ cho thấy công việc đã phá hoại tính chủ động của chúng ta như thế nào.
Giả sử công việc của bạn không bao giờ làm bạn bị thương, bị ngộ độc, hay ốm yếu. Đồng thời giả sử rằng nền kinh tế sẽ không sụp đổ, công việc và tiền tiết kiệm của bạn cũng sẽ không vì thế mà biến mất, và không ai ở trong tình thế tồi tệ hơn bạn có thể hãm hại hay cướp bóc bạn. Bạn vẫn không thể chắc chắn rằng mình sẽ không bị giảm biên chế. Ngày nay không ai làm việc cho cùng một chủ cả đời; bạn làm ở đâu đó vài năm cho đến khi họ tìm ai đó trẻ hơn và rẻ hơn thế chỗ, hoặc thuê nhân sự bên ngoài. Bạn có thể làm việc còng lưng để chứng tỏ mình là người giỏi nhất ngành và cuối cùng vẫn chịu cảnh điểu tận cung tàn.
Bạn phải trông cậy vào những người chủ thuê bạn đưa ra những quyết định khôn ngoan để họ có tiền trả lương cho bạn—họ không thể phung phí tùy tiện, nếu không họ sẽ không còn tiền trả lương. Nhưng bạn vĩnh viễn không biết khi nào sự khôn ngoan đó sẽ quay sang hại bạn: những người mà bạn phụ thuộc để tìm kế sinh nhai cũng không nhờ lòng đa cảm mà đi đến vị trí hôm nay. Nếu bạn tự kinh doanh làm chủ, có lẽ bạn cũng biết thị trường có thể thất thường tới mức nào.
Vậy, cái gì có thể mang lại an ninh thật sự? Có lẽ là trở thành một phần trong một cộng đồng lâu dài nơi mọi người chăm sóc lẫn nhau, một cộng đồng dựa trên sự nâng đỡ tương hỗ hơn là động cơ tài chính. Và một trong những trở ngại chính để xây dựng loại cộng đồng đó ngày nay là gì? Công việc.
Ai gây ra hầu hết những bất công trong lịch sử? Nhân viên. Ở đây không nhất thiết có nghĩa là họ chịu trách nhiệm cho những điều đó—vì họ sẽ là người đầu tiên nói cho bạn!
Lĩnh tiền lương có miễn trừ bạn khỏi trách nhiệm về hành động của mình không? Công việc dường như tạo ra ấn tượng như thế. Lời bào chữa cho Nuremberg—“Tôi chỉ làm theo mệnh lệnh”—đã đang là bài tán ca và bằng chứng ngoại phạm của hàng triệu nhân viên. Sẵn lòng bỏ lại lương tri trước cửa nơi làm việc—để trên thực tế trở thành một tay lính đánh thuê—là căn nguyên của nhiều rắc rối đang làm khổ loài người chúng ta.
Người ta cũng đã làm nhiều thứ khủng khiếp khi không có lệnh—nhưng gần như không có nhiều thứ khủng khiếp như vậy. Bạn có thể lý luận với một người đang hành sự vì chính mình; cô ta sẽ thừa nhận trách nhiệm về những quyết định đó. Mặt khác, những người nhân viên có thể làm những thứ ngu ngốc và phá hoại không thể tưởng tượng được trong khi cự tuyệt suy xét đến hậu quả.
Tất nhiên vấn đề thực sự không phải là nhân viên từ chối chịu trách nhiệm về hành động của mình—mà là thể chế kinh tế khiến việc nhận trách nhiệm trở nên đắt đỏ tới mức khiến người ta chùn bước.
Nhân viên xả chất thải độc hại vào sông ngòi và đại dương.
Nhân viên tàn sát bò và thực nghiệm trên khỉ.
Nhân viên vứt bỏ hàng tấn thức ăn.
Nhân viên đang phá hủy tầng ozone.
Họ theo dõi mọi động tác của bạn qua camera an ninh.
Họ trục xuất bạn khi bạn không trả tiền thuê nhà.
Họ bỏ tù bạn khi bạn không đóng thuế.
Họ làm nhục bạn khi bạn không làm bài tập về nhà hay không đi làm đúng giờ.
Họ nhập thông tin về cuộc sống riêng tư của bạn vào báo cáo tín dụng và hồ sơ Cục An ninh.
Họ kêu bạn dừng xe để viết hóa đơn phạt và kéo xe bạn đi.
Họ quản lý các kỳ thi tiêu chuẩn, trung tâm giam giữ thanh thiếu niên, và việc tiêm thuốc độc tử hình.
Những người lính xua đuổi người ta vào buồng khí độc là nhân viên,
Cũng như những người lính chiếm đóng Iraq và Afghanistan,
Cũng như những kẻ đánh bom liều chết nhằm vào quân chiếm đóng—họ là nhân viên của Chúa, hy vọng được tưởng thưởng trên thiên đàng.
Hãy làm rõ điều này—phê bình công việc không có nghĩa là từ chối công sức, nỗ lực, tham vọng hoặc cam kết. Nó không có nghĩa là đòi hỏi mọi thứ phải vui vẻ hay dễ dàng. Chiến đấu chống lại những thế lực buộc chúng ta phải làm việc là công việc khó khăn. Sự lười biếng không phải là giải pháp thay thế cho công việc, mặc dù đó có thể là một sản phẩm phụ của nó.
Điểm mấu chốt rất đơn giản: tất cả chúng ta đều xứng đáng được phát huy tối đa tiềm năng dựa theo ý nguyện của mình, để trở thành người làm chủ số phận chính mình. Vì sinh tồn mà phải bán đứng những thứ này thì thật bi thảm và khuất nhục. Chúng ta không cần phải sống như thế này!
Bài viết được dịch, biên soạn bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.