Lý giải: Những quốc gia nào chịu trách nhiệm lịch sử về biến đổi khí hậu? (Phần 1)
Bài viết được dịch từ bài đăng gốc "Which countries are historically responsible for climate change?" (2021) tại Carbonbrief bởi tác giả Simon Evans.
Trách nhiệm lịch sử về biến đổi khí hậu luôn là trọng tâm trong các cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề công bằng khí hậu. Các sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng vì lượng carbon dioxide (CO2) tích lũy được thải ra kể từ khi sự bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp gắn liền với mức nhiệt tăng 1,2°C đã xảy ra.
Tổng cộng, loài người đã thải ra 2.500 tỷ tấn CO2 vào khí quyển kể từ năm 1850, như vậy, ta chỉ còn ít hơn 500 tỷ tấn CO2 trong quỹ carbon còn lại để duy trì nhiệt độ dưới 1,5°C. Điều này có nghĩa là vào cuối năm 2021, thế giới đã sử dụng 86% ngân sách carbon với xác suất 50-50 để duy trì nhiệt độ dưới 1,5°C, hoặc 89% ngân sách với xác suất 2/3.
Trong bài viết này, Carbon Brief sẽ xem xét trách nhiệm của mỗi quốc gia đối với lượng khí thải CO2 lịch sử từ năm 1850 đến năm 2021, để cập nhật bài phân tích [1] đã được công bố vào năm 2019. Lần đầu tiên bài phân tích đề cập tới lượng khí thải CO2 từ việc sử dụng đất và hoạt động lâm nghiệp bên cạnh khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. Điều này làm thay đổi đáng kể bảng xếp hạng 10 quốc gia phát thải nhiều nhất.
Với vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng, Mỹ đã thải ra hơn 509 tỷ tấn CO2 kể từ năm 1850 và chịu trách nhiệm với tỷ lệ phát thải lớn nhất trong lịch sử với khoảng 20% tổng lượng toàn cầu. Trung Quốc đứng thứ hai với cách biệt khá lớn với 11%, tiếp theo là Nga (7%), Brazil (5%) và Indonesia (4%). Brazil và Indonesia nằm trong nhóm 10 nguồn phát thải lớn nhất trong lịch sử bởi lượng CO2 từ việc sử dụng đất của hai nước này. Trong khi đó, các quốc gia lớn ở châu u hậu thuộc địa, chẳng hạn như Đức và Vương quốc Anh, lần lượt chiếm 4% và 3% tổng lượng khí thải toàn cầu, không bao gồm lượng khí thải ở những nước ngoài dưới chế độ thuộc địa.
Các con số trên cho mỗi quốc gia này (trong bài phân tích) dựa trên lượng khí thải CO2 theo lãnh thổ, phản ánh nơi mà họ phát thải. Bên cạnh đó, bài phân tích xem xét tác động của sự phát thải dựa trên lượng tiêu dùng để phản ánh thương mại hàng hóa và dịch vụ phát thải nhiều carbon. Những thông tin này mới chỉ xuất hiện trong những thập kỷ gần đây, mặc dù xu thế thương mại sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tổng lượng phát thải của mỗi quốc gia trong suốt những năm lịch sử hiện đại sắp tới.
Phân tích sau đó cũng đi sâu khám phá các số liệu liên quan đến dân số, dựa vào đây mà những quốc gia đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ tụt hạng. Đáng chú ý, thứ hạng bình quân đầu người phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp được sử dụng để đo lượng và—không giống như lượng khí thải tích lũy, về tổng thể—những con số này không liên quan trực tiếp đến sự gia tăng nhiệt độ.
Cuối cùng, bài viết này trình bày chi tiết về dữ liệu được sử dụng cho phân tích, dữ liệu đó đến từ đâu và cách các nguồn dữ liệu được kết hợp với nhau, bao gồm các giả định, sự không chắc chắn và sự thay đổi các đường biên giới.
Tại sao lượng CO2 tích lũy lại quan trọng?
Có một mối liên hệ tuyến tính trực tiếp [2] giữa tổng lượng CO2 thải ra do hoạt động của con người và mức độ nóng lên trên bề mặt Trái đất. Hơn nữa, việc một tấn CO2 thải ra trong một thời điểm chỉ có tác động hạn chế đến mức độ nóng lên mà nó sẽ gây ra ở cuối. Điều này có nghĩa là lượng khí thải CO2 từ hàng trăm năm trước tiếp tục dồn lại làm nóng hành tinh—và sự nóng lên hiện tại được đo lường bởi tổng lượng khí thải CO2 tích lũy theo thời gian.
Đây là cơ sở khoa học cho ngân sách carbon, tổng lượng CO2 có thể thải ra để duy trì nhiệt độ toàn cầu dưới bất kỳ giới hạn nhất định nào. Mối liên hệ giữa lượng khí thải tích lũy và sự nóng lên được đo bằng “phản ứng khí hậu nhất thời đối với lượng khí thải tích lũy” (TCRE) [3], được chỉ ra trong báo cáo mới nhất [4] của Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) là 1,65°C trên 1.000 tỷ tấn carbon (0,45°C trên mỗi 1.000 tỷ tấn CO2).
Phân tích của Carbon Brief trong bài viết này cho thấy con người đã thải ra khoảng 2.504 tỷ tấn CO2 vào khí quyển kể từ năm 1850, một con số tương đương với con số do IPCC và Dự án Carbon Toàn cầu trình bày, một sáng kiến quốc tế nhằm định lượng lượng khí thải carbon và lượng carbon hấp thụ mỗi năm.
Dựa trên thang đo TCRE, lượng khí thải CO2 tích lũy nói trên tương ứng với sự nóng lên khoảng 1,13°C – và nhiệt độ năm 2020 đã đạt khoảng 1,2°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp [5]. (Bài viết này không xem xét sự phát thải khí không phải CO2 và khí aerosol, do những khí khác chủ yếu chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và do đó không bị tích tụ theo thời gian giống như CO2. Tác động nóng lên của các loại khí không phải CO2 được cân bằng ít nhiều bởi quá trình làm mát từ khí aerosol [6].)
Biểu đồ dưới đây cho thấy lượng khí thải CO2 toàn cầu đã tăng nhanh như thế nào trong 70 năm qua. Báo cáo cũng nhấn mạnh sự khác biệt giữa phát thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch và xi măng, thể hiện bằng màu xám, so với phát thải từ sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF, có màu xanh lá cây).
Annual global CO2 emissions from fossil fuels and cement (dark gray) as well as from land use, land-use change and forestry (green), 1850-2021, billions of tonnes. Source: Carbon Brief analysis of figures from the Global Carbon Project, CDIAC, Our World in Data, Carbon Monitor, Houghton and Nassikas (2017) and Hansis et al (2015). Chart by Carbon Brief using Highcharts.
Ở cấp độ toàn cầu, lượng phát thải từ sử dụng đất và lâm nghiệp vẫn tương đối ổn định trong hai thế kỷ qua. Chúng tăng lên tới khoảng 3 tỷ tấn CO2 vào năm 1850 và ở mức khoảng 6 tỷ tấn CO2 như ngày nay, bất chấp những thay đổi lớn về phá rừng trong khu vực theo thời gian. (Có thể thấy rõ mức tăng đột biến vào năm 1997 trên biểu đồ là do cháy rừng lan rộng ở Indonesia và các khu vực khác của châu Á [7], sự kiện sau đó được mô tả là “thảm họa sinh thái chưa từng có tiền lệ” [8].)
Ngược lại, lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch đã tăng gấp đôi trong 30 năm qua, tăng gấp bốn lần trong 60 năm qua và tăng gần 12 lần trong thế kỷ qua. 0,2 tỷ tấn CO2 được giải phóng vào năm 1850 chỉ bằng một nửa 1% của khoảng 37 tỷ tấn CO2 có khả năng được phát ra vào năm 2021.
Tuy nhiên, trong khi phần lớn lượng khí thải CO2 ngày nay là do đốt nhiên liệu hóa thạch, hoạt động của con người như phá rừng cũng đã gia tăng một lượng đáng kể trong tổng lượng khí thải tích lũy. Việc thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp đã thải ra khoảng 786 tỷ tấn CO2 trong giai đoạn 1850-2021, chiếm gần một phần ba tổng tích lũy, với hai phần ba còn lại (1.718 tỷ tấn CO2) từ nhiên liệu hóa thạch và xi măng.
Về mặt phân định trách nhiệm quốc gia đối với sự nóng lên toàn cầu hiện nay, ta không thể bỏ qua sự bổ sung đáng kể từ sự phát thải CO2 do thay đổi mục đích sử dụng đất và lâm nghiệp. Tổng hợp lại, lượng khí thải tích lũy trong khoảng thời gian 1850-2021 chiếm khoảng 86% ngân sách carbon để có thể duy trì nhiệt độ dưới 1,5°C, hoặc 89% ngân sách cho xác suất 75%.
Khi lượng khí thải càng tăng lên, ngân sách carbon bị sử dụng hết với tốc độ càng nhanh, với một nửa tổng số khí thải tích lũy kể từ năm 1850 đã bị thải ra chỉ trong 40 năm qua. Từ đầu năm 2022, ngân sách để giữ nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C còn dư lại (với xác suất 50%) sẽ bị sử dụng hết trong vòng 10 năm, nếu lượng khí thải hàng năm vẫn ở mức hiện tại—và ngân sách dành cho 2/3 khả năng duy trì nhiệt độ dưới 1,5°C hết chỉ trong bảy năm.
Trách nhiệm lịch sử của các quốc gia về phát thải CO2
Câu hỏi rằng ai chịu trách nhiệm về việc sử dụng hết ngân sách carbon rõ ràng là rất quan trọng trong bối cảnh tranh luận về công lý khí hậu. Nó chỉ ra trách nhiệm đối phó với tác động của biến đổi khí hậu cho đến ngày nay—cũng như ai phải hành động nhiều nhất để ngăn chặn việc Trái Đất ngày một nóng lên. Tuy nhiên, việc quy trách nhiệm không hề đơn giản. Phân tích của Carbon Brief chủ yếu xem xét lượng khí thải tích lũy theo lãnh thổ quốc gia [9], vì đây là cách trình bày dữ liệu hiện có. (Các phương pháp thay thế sẽ được thảo luận sâu hơn trong bài viết.)
Nói một cách dễ hiểu, việc phân bổ lượng khí thải tích lũy theo quốc gia sẽ trao “trách nhiệm” cho những quốc gia hiện đại chiếm giữ phần lãnh thổ mà CO2 bị thải ra trong quá khứ. Rõ ràng, việc chuyển đổi quyền sở hữu lãnh thổ, thống nhất và giải thể các quốc gia làm vấn đề thêm phức tạp thêm (xem thêm bên dưới).
Lịch sử phát thải CO2 của quốc gia đồng nghĩa với lịch sử phát triển. Trong khi các vị trí thay đổi trong bảng xếp hạng liên quan đến vô số yếu tố, một số vấn đề lớn hơn xuất hiện. Trong những thập kỷ đầu của dòng thời gian, lượng khí thải CO2 toàn cầu tạo ra chủ yếu do thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, điều này được phản ánh trong bảng xếp hạng top 10.
Trong thời kỳ này (1850-2021), các quốc gia phát thải lớn nhất chủ yếu là các quốc gia rộng lớn về mặt địa lý, chặt phá rừng ôn đới để lấy đất nông nghiệp và nhiên liệu, chẳng hạn như Mỹ, Nga và Trung Quốc. Ví dụ, ở Mỹ, một làn sóng người định cư lan rộng khắp lục địa từ đông sang tây, tuân theo “định mệnh hiển nhiên” [10] của họ và họ khai phá đất đai để canh tác mỗi khi di chuyển.
Mỹ vẫn ở vị trí đầu tiên về lượng khí thải CO2 tích lũy trong suốt chuỗi thời gian, khi sự phát triển của nước này tiếp tục trước hết với việc sử dụng than đá rộng rãi, sau đó là sự ra đời của ô tô có động cơ. Đến cuối năm 2021, Mỹ đã thải ra hơn 509 tỷ tấn CO2 tính từ năm 1850. Ở mức 20,3% tổng lượng toàn cầu, đây là tỷ lệ lớn nhất cho đến nay và có liên quan đến mức nóng lên khoảng 0,2°C cho đến nay.
Điều này được thể hiện trong biểu đồ bên dưới, biểu đồ này cũng phân tích tổng lượng tích lũy của mỗi quốc gia thành lượng phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch (màu xám) hoặc từ thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (màu xanh lá cây).
The 20 largest contributors to cumulative CO2 emissions 1850-2021, billions of tonnes, broken down into subtotals from fossil fuels and cement (grey) as well as land use and forestry (green). Source: Carbon Brief analysis of figures from the Global Carbon Project, CDIAC, Our World in Data, Carbon Monitor, Houghton and Nassikas (2017) and Hansis et al (2015). Chart by Carbon Brief using Highcharts.
Ở vị trí thứ hai là Trung Quốc, với 11,4% lượng khí thải CO2 tích lũy cho đến nay và mức nóng lên khoảng 0,1°C. Mặc dù Trung Quốc có lượng khí thải lớn liên quan đến đất đai trong suốt thời gian qua, nhưng sự bùng nổ kinh tế than đá [12] kể từ năm 2000 là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hiện tại của nước này. (Xem phần phương pháp để biết thêm thông tin về việc sử dụng than thời tiền công nghiệp của Trung Quốc [13].) Sản lượng CO2 của Trung Quốc đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 2000, vượt Mỹ để trở thành nước phát thải hàng năm lớn nhất thế giới, chịu trách nhiệm cho khoảng một phần tư tổng lượng phát thải hàng năm hiện tại.
Nga đứng vị trí thứ ba, với khoảng 6,9% lượng khí thải CO2 tích lũy toàn cầu, tiếp theo là Brazil (4,5%) và Indonesia (4,1%). Đáng chú ý, biểu đồ trên cho thấy Brazil và Indonesia nằm trong nhóm 10 phần lớn là do lượng khí thải từ nạn phá rừng, mặc dù tổng lượng phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tương đối thấp.
Đức với vị trí thứ sáu (3,5%) có lượng khí thải tích lũy bởi ngành năng lượng phụ thuộc vào than đá [14], minh họa cho việc các khu vực đất đai của một số quốc gia đã trở thành bể chứa CO2 tích lũy thay vì nguồn, vì cây cối đã mọc lại trên các khu vực rừng bị phá trước đó.
(Lưu ý rằng dữ liệu được sử dụng cho bài viết này dựa trên phương pháp tiếp cận khoa học để tính toán lượng khí thải sử dụng đất, khác với dữ liệu được sử dụng trong bản kiểm kê chính thức được đệ trình lên Liên Hợp Quốc. Sự khác biệt liên quan đến những gì được coi là “do con người” so với nguồn hoặc bể chứa CO2 “tự nhiên”, đã được khám phá trong một bài viết [15] về Carbon Brief được đăng tải vào đầu năm nay.)
Ấn Độ đứng ở vị trí thứ bảy trong bảng xếp hạng, với 3,4% trong tổng số tích lũy, ngay trên Vương quốc Anh, trên 3,0%, do đóng góp lớn hơn từ thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp.
Nhật Bản với 2,7% và Canada với 2,6%, lọt vào nhóm 10 quốc gia thải ra lượng khí thải nhiều nhất trong lịch sử. Khí thải từ giao thông quốc tế trải dài từ ngành hàng không và vận tải biển, hầu như bị loại khỏi danh sách kiểm kê và mục tiêu của các quốc gia, sẽ xếp thứ 11 trong danh sách, nếu những hoạt động này được coi là một “quốc gia”.
Quy trách nghiệm tính theo lượng khí thải tiêu thụ tích lũy
Một lập luận phổ biến trong các cuộc trò chuyện về công bằng khí hậu là một số quốc gia đã giảm lượng khí thải trên lãnh thổ của họ ở trong nước, nhưng vẫn tiếp tục dựa vào hàng hóa có hàm lượng carbon cao nhập khẩu từ nước ngoài. Những thông tin về phát thải dựa trên tiêu dùng [16] đã quy trách nhiệm hoàn toàn cho những người sử dụng các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra bằng năng lượng hóa thạch, có xu hướng làm giảm tổng lượng phát thải cho các nhà xuất khẩu lớn như Trung Quốc.
Có những thách thức trên thực tế [17] trong việc thu thập các thông tin như vậy, cái mà phụ thuộc vào các bảng giao dịch chi tiết. Như vậy, thông tin chỉ có sẵn kể từ năm 1990, mặc dù thương mại quốc tế về các sản phẩm phát thải nhiều carbon đã có trong suốt lịch sử hiện đại. Bất chấp những hạn chế này, ta vẫn có thể kiểm định tác động của CO2 khi trao đổi hàng hóa dựa vào lượng khí thải tích lũy của các quốc gia, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Các thanh màu xám thể hiện lượng khí thải quốc gia tích lũy trên cơ sở lãnh thổ, với các phần màu xám nhạt biểu thị lượng CO2 liên quan đến xuất khẩu và các phần màu đỏ biểu thị lượng khí thải có trong hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu.
Đáng chú ý, 19 quốc gia đứng đầu theo lượng khí thải tiêu thụ tích lũy của họ đều giống với 19 quốc gia hàng đầu trên cơ sở lãnh thổ (bên trên), và thậm chí, không có quốc gia nào trong số 10 quốc gia đứng đầu thay đổi vị trí trong bảng xếp hạng. Điều này xảy ra mặc dù một số quốc gia hiện có tổng lượng khí thải CO2 lớn hơn nhiều [18] so với tổng lượng khí thải chỉ trên lãnh thổ của họ.
The 20 largest contributors to cumulative consumption-based CO2 emissions 1850-2021, billions of tonnes. Grey bars show emissions on a territorial basis with exported CO2 shown in light grey and imports shown in red. Source: Carbon Brief analysis of figures from the Global Carbon Project, CDIAC, Our World in Data, Carbon Monitor, Houghton and Nassikas (2017) and Hansis et al (2015). Chart by Carbon Brief using Highcharts.
Mặc dù bảng xếp hạng chính không thay đổi do sử dụng các thông tin về phát thải dựa trên mức tiêu thụ, nhưng sự thay đổi này làm tăng thêm phần trách nhiệm đối với các quốc gia giàu có.
Mỹ và Nhật Bản mỗi nước tăng 0,3 điểm phần trăm trong tổng tích lũy toàn cầu, trong khi Đức và Anh mỗi nước tăng 0,2 điểm, trong khi thị phần của Trung Quốc giảm 1,1 điểm và của Nga giảm 0,5 điểm. Cần lưu ý rằng sự tiêu thụ được sử dụng ở đây chỉ bao gồm CO2 từ nhiên liệu hóa thạch và xi măng, do đó tổng tích lũy của Brazil và Indonesia hầu như không thay đổi.
Ta cũng lưu ý rằng việc không có cơ sở thông tin về tiêu dùng trước năm 1990 có nghĩa là hoạt động thương mại phát thải nhiều carbon trước đó sẽ bị loại khỏi phân tích. Vương quốc Anh, với tư cách là “công xưởng đầu tiên của thế giới” vào thế kỷ 19, đã xuất khẩu khối lượng lớn hàng hóa thải ra nhiều năng lượng và carbon.
Các quốc gia công nghiệp hóa khác, chẳng hạn như Mỹ và Đức cũng đã làm như vậy, như một bài báo năm 2017 đã viết [19], các quốc gia này đóng một vai trò tương tự như vai trò của Trung Quốc ngày nay:
“Ngày nay, Trung Quốc được coi là công xưởng của thế giới với sự sản xuất một lượng lớn hàng tiêu dùng giá rẻ cho các nước khác. Một thế kỷ trước, Anh và Đức (cùng với Mỹ) đã thể hiện một vai trò tương tự đối với cả châu Âu và toàn cầu.”
Năm 1890, gần 20% năng lượng sử dụng của Vương quốc Anh liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nghĩa là một tỷ lệ tương tự lượng khí thải CO2 của nước này sẽ được phân bổ ra nước ngoài trên cơ sở hạch toán tiêu dùng. Tuy nhiên, thông tin dựa trên tiêu dùng vẫn không thể giải quyết thỏa đáng câu hỏi về trách nhiệm đối với khí thải, do cả hai bên trong mối quan hệ thương mại đều có khả năng đạt được lợi ích về mặt tài chính. Trong bối cảnh hiện đại, chỉ một bên của mối quan hệ đó có toàn quyền đối với các hoạt động thải CO2 liên quan–mặc dù đó sẽ là một câu chuyện khác dưới chế độ thuộc địa trong lịch sử.
Cách tiếp cận thứ ba là buộc các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch phải chịu trách nhiệm về lượng khí CO2 thải ra khi đốt than, dầu hoặc khí đốt của họ. Ý tưởng này thường được nhắc như là “phạm vi phát thải 3” [20] của các công ty dầu mỏ, hoặc khi thảo luận về các nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn, chẳng hạn như Úc. Tuy nhiên, thông tin về lượng phát thải quốc gia trên cơ sở sản xuất hiện không có sẵn và nếu không được tính toán cẩn thận, điều này có thể gây rủi ro tính hai lần lượng CO2 được tạo ra ở một nơi và được sử dụng ở nơi khác.
[Đọc tiếp phần 2…]
Bài viết được biên soạn và dịch bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.
Chú thích nguồn:
[1]https://twitter.com/CarbonBrief/status/1120715988532629506
[2] https://www.nature.com/articles/nature08019
[3] https://www.carbonbrief.org/guest-post-a-new-approach-for-understanding-the-remaining-carbon-budget/
[4] https://www.carbonbrief.org/in-depth-qa-the-ipccs-sixth-assessment-report-on-climate-science/
[5] https://www.carbonbrief.org/state-of-the-climate-2020-ties-as-warmest-year-on-record/
[6] https://www.carbonbrief.org/explainer-will-global-warming-stop-as-soon-as-net-zero-emissions-are-reached
[7] https://rainforests.mongabay.com/08indo_fires.htm
[8] https://www.jstor.org/stable/40573309
[9] https://www.ons.gov.uk/economy/environmentalaccounts/articles/netzeroandthedifferentofficialmeasuresoftheuksgreenhousegasemissions/2019-07-24
[10] https://core.ac.uk/download/pdf/81291419.pdf
[11] https://www.sciencedirect.com/topics/earth-and-planetary-sciences/deforestation
[12] https://www.carbonbrief.org/mapped-worlds-coal-power-plants/
[13] https://www.thevintagenews.com/2016/09/24/alex-ready-discovery-china-reveals-humans-using-coal-fuel-35000-years/?chrome=1
[14] https://www.carbonbrief.org/how-germany-generates-its-electricity/
[15] https://www.carbonbrief.org/guest-post-a-rosetta-stone-for-bringing-land-mitigation-pathways-into-line
[16] https://www.carbonbrief.org/mapped-worlds-largest-co2-importers-exporters
[17] https://www.carbonbrief.org/guest-post-the-uks-carbon-footprint-is-at-its-lowest-level-for-20-years
[18] https://www.carbonbrief.org/guest-post-why-uks-carbon-footprint-is-decreasing/
[19] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0921800916307765
[20] https://ihsmarkit.com/research-analysis/oil-gas-companies-under-pressure-to-manage-scope-3-emissions-t.html