Một vài suy đoán trong quá trình thay đổi lãnh đạo của Việt Nam những năm gần đây
Bài viết được dịch từ bài đăng gốc "Mythbusting Vietnam's Recent Leadership Change" (2023) tại The Diplomat bởi tác giả Carl Thayer.
Ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tái đắc cử (ở giữa), đang rời đi sau cuộc họp báo tại lễ bế mạc Đại hội Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam. Thứ hai, ngày 1 tháng 2 năm 2023. [Nguồn: Ảnh AP/Minh Hoàng]
Suy đoán 1: Việt Nam “học tập chiến lược loại trừ đối thủ” từ nhà lãnh đạo Trung Quốc - Tập Cận Bình
Đầu tiên, có lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều nhất trí, tình trạng tham nhũng tràn lan là một mối đe dọa lớn đối với tính chính danh của chế độ độc đảng hiện tại. Do đó, việc Việt Nam thực hiện chiến dịch chống tham nhũng trên cả nước cũng được cho là đã “học tập người láng giềng đi trước” - Trung Quốc. Khởi đầu vào tháng 8/2006, Quốc hội Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban.
Cho đến tháng 1/2011, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng chính thức được bầu chọn trở thành Tổng bí thư. Ở năm tiếp theo, Nguyễn Phú Trọng đã được Ủy ban Trung Ương chấp thuận yêu cầu chuyển giao trách nhiệm chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng từ Thủ tướng sang cho Đảng Cộng sản Việt Nam vì chiến dịch của ông Dũng khá mờ nhạt.
Và cũng kể từ khi Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng, ông đã vướng phải nhiều cáo buộc về việc đặc biệt nhắm vào những người thân cận với nguyên Tổng Bí thư nhiệm kỳ trước - Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, khi nhìn lại, dường như có rất ít sự khác biệt giữa các quan chức tham nhũng ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng và các quan chức tham nhũng khác vì họ đều lợi dụng sự lỏng lẻo của luật pháp để hưởng lợi cá nhân.
Cho đến ngày nay, một số nhà phân tích và nhà báo cũng cho rằng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là đối thủ chính trị chủ yếu của Tổng bí thư. Trong đó, cơ sở cho các nhận định này bắt nguồn từ việc ông Phúc đã tìm cách thách thức và chống lại việc ông Trọng tiếp tục đắc cử vị trí lãnh đạo Đảng sau khi Ủy ban Trung ương bất ngờ không phê chuẩn ông Trần Quốc Vượng - người được ông Trọng lựa chọn kế nhiệm vị trí này.
Tuy nhiên, toàn bộ những “rối ren” đang xảy ra trong thời điểm này vẫn chưa được giải đáp. Nguyễn Phú Trọng đã lựa chọn người kế vị, đồng thời âm thầm tuyên bố mình sẽ nghỉ hưu khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng bí thư thứ hai. Tuy nhiên, hành động của Ủy ban Trung ương đã tạo ra một tình huống bất ngờ chưa từng có vào thời điểm gần sát Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Dường như không còn kế hoạch dự trù nào khác, các thành viên Ủy ban Trung ương phải tiếp tục chọn ra ứng cử viên phù hợp.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu các thành viên Ủy ban Trung ương có kiên định với chỉ một lựa chọn như họ đã từng trong quá khứ? Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có bị thuyết phục để tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, hay ông sẽ ngả mũ trước sự thúc giục của những người ủng hộ ông ấy? Và có phải ông Phúc đã được sắp đặt để đáp ứng lời kêu gọi lựa chọn ứng cử viên, hay ông ấy thật sự có động thái ngăn cản ông Trọng đắc cử nhiệm kỳ thứ ba?
Tóm lại, cho đến khi sự thật được phơi bày, bất kỳ suy luận nào về ứng cử viên do ông Phúc lựa chọn là nhằm phục vụ mục đích đấu đá quyền lực giữa các phe phái đối địch hay việc từ chức của ông Phúc là do cạnh tranh chính trị đều là sai lầm.
Hơn nữa, một sự thật khó chối bỏ là chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng có quy mô lớn đến mức bất chấp những lời cáo buộc “chỉ nhắm vào các đối thủ chính trị của ông”. Điển hình là vào năm 2022, hơn 2.474 vụ việc và 4.646 người liên quan đã bị đưa vào diện điều tra về những cáo buộc tham nhũng, lạm quyền, cùng với những sai phạm kinh tế khác. Ước tính có đến 70 quan chức đảng, trong đó gồm 5 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng đã bị kỷ luật kể từ năm 2021.
Suy đoán 2: Nguyễn Phú Trọng đang tìm kiếm một hệ thống quyền lực độc tôn (one-man rule)
Vào năm 2012, 2013, Tập Cận Bình được bầu chọn trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sau khi ông Tập tái đắc cử vào cả hai vị trí này vào năm 2017 và 2018, ông đã dỡ bỏ các quy tắc về bầu cử tại Trung Quốc, nhằm dở bỏ mọi hạn chế đối với thời hạn nhiệm kỳ của mình.
Ở khía cạnh khác, lãnh đạo tập thể (collective leadership) và sự chia sẻ quyền lực giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng là đặc trưng của chính trị truyền thống tại Việt Nam. Trong đó, ông Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên đắc cử vị trí Tổng bí Thư ĐCSVN vào năm 2011, và một lần nữa đắc cử vào năm 2016. Cho đến tháng 10/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Nguyễn Phú Trọng lúc này đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nước tạm thời của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ông không hề có động thái sửa đổi hiến pháp nhà nước nhằm hợp nhất hai chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Mặt khác, ông còn chủ ý thể hiện ý định từ chức lãnh đạo Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ 13. Đến đầu năm 2021, Nguyễn Phú Trọng lại một lần nữa được trao nhiệm kỳ Tổng bí thư lần thứ 3, một điều chưa từng có trong tiền lệ, và do đó, ông cũng thôi giữa chức Chủ tịch nước.
Các suy luận về việc Tổng bí thư đang tìm mọi cách để củng cố quyền lực của mình cần phải được phân tích và xem xét thấu đáo.
Trước tiên, cần phải nhắc đến việc Đảng Cộng sản Việt Nam quy định, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổng bí thư là “lựa chọn người kế nhiệm mình”, nhưng thực chất thì các nhà lãnh đạo đảng không được tự do quyết định. Người được Tổng bí thư lựa chọn phải được đa số các thành viên trong ban chấp hành đồng ý, nhưng đôi khi, họ cũng có quyền bác bỏ sự lựa chọn đó.
Tại Đại hội Đảng lần thứ 13, ông Trọng đã bị chất vấn nặng nề khi chỉ 18 ứng cử viên được bầu vào Bộ Chính trị thay vì 19 như dự tính trong số 20 đến 23 ứng cử viên. Tuy nhiên, việc ông Võ Văn Thưởng được chọn trở thành Chủ tịch nước sau khi ông Phúc bãi nhiệm vẫn không nằm ngoài dự tính của cuộc bầu cử này. Suy cho cùng, ông Trọng vẫn cần số đông các thành viên của Bộ Chính trị ủng hộ cho các sáng kiến của ông.
Hơn nữa, tại Việt Nam, chức vụ Chủ tịch nước không chỉ dừng lại ở vai trò đại diện mà thực chất còn nắm giữ quyền lực đáng kể trong việc “bổ nhiệm và bãi nhiệm các quan chức chính phủ khác". Và hiển nhiên, quyết định này vẫn phải được Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, dù là một trong bốn lãnh đạo trụ cột, Chủ tịch nước vẫn không có nhiều quyền hạn trong Bộ Chính trị.
Chung quy, việc đề bạt ông Võ Văn Thưởng lên làm Chủ tịch nước có vẻ không làm tăng quyền lực của Tổng bí thư. Giả sử, ông Thưởng là người được Tổng Bí thư “ưu ái bảo trợ" trước tháng 3/2023, thì ông Thưởng vẫn là người được bảo trợ với chỉ một phiếu bầu. Ông Trọng cũng không thể làm gì nếu thiếu đi các thành viên nòng cốt thuộc Ban Chấp hành Trung Ương. Vì vậy, khó có thể nói ông Trọng làm mọi cách để nắm giữ toàn bộ quyền lực.
Tóm lại, việc khẳng định ông Nguyễn Phú Trọng đang tìm cách duy trì quyền lực như nhà lãnh đạo Trung Quốc - Tập Cận Bình là thiếu căn cứ. Có thể nói, hệ thống lãnh đạo tập thể của Việt Nam, trong đó Tổng bí thư đóng vai trò là nguyên thủ quốc gia, sẽ không thể bị thay thế bằng hệ thống quyền lực độc tôn (one-man rule).
Mặt khác, chiến dịch chống tham nhũng và những biểu hiện tiêu cực của ông Nguyễn Phú Trọng nên được xem là một di sản mà ông để lại cho ĐCSVN theo cam kết suốt đời xây dựng Đảng của mình. Như đã nói, chiến dịch này không nhằm mục đích củng cố quyền lực của ông Trọng cũng như thiết lập một hệ thống độc quyền cai trị nào như nhà lãnh đạo Trung Quốc - Tập Cận Bình.
Suy đoán 3: Các quan chức bị lật đổ thân phương Tây và ưu ái doanh nghiệp; trong khi ông Trọng và những thành viên thân cận lại ngã về phía Trung Quốc
Cơ sở cho những suy đoán về nạn nhân trong các chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng là thân phương Tây và ưu ái các doanh nghiệp là hoàn toàn sai lầm. Những suy đoán này có lẽ bắt nguồn từ vụ án của hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam - hai nhà lãnh đạo được đào tạo tại Hoa Kỳ và Bỉ.
Trong khi, Việt Nam hiện đang có 17 đối tác chiến lược, bao gồm các quốc gia châu Âu (Anh, Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Úc, New Zealand) cùng hai đồng minh thân cận của Hoa Kỳ là Nhật Bản và Hàn Quốc. Các đối tác chiến lược khác gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Ông Phạm Bình Minh đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong hai nhiệm kỳ, đồng thời phụ trách các vấn đề đối ngoại với tư cách là Phó Thủ tướng thứ nhất, cũng như Ủy viên Bộ Chính trị. Còn lại, ông Vũ Đức Đam giữ chức Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm ở các lĩnh vực khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông. Nhưng tựu trung, hai Phó Thủ tướng chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của họ là giữ mối quan hệ với các nước phương Tây, hơn nữa, các quốc gia này cũng là những tác nhân quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Tương tự, những lập luận cho rằng nạn nhân trong thứ được gọi là “chiến lược củng cố quyền lực của ông Trọng” là những người ưu ái doanh nghiệp cũng không chính xác.
Vào năm 2022, các quan chức tham gia chiến dịch chống tham nhũng đã phát hiện ra nhiều vi phạm của các giám đốc doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu, giao dịch vốn cổ phần và thao túng giá cổ phiếu. Vì vậy, nhìn chung, tham nhũng và vi phạm pháp luật trong kinh doanh, đầu tư diễn ra tràn lan cả trong lĩnh vực công hay tư nhân, phần nhiều cũng vì hệ thống quản lý kinh tế yếu kém của Việt Nam.
Nhưng vẫn không thể phủ nhận sự thật rằng, Việt Nam, dưới thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vẫn đang nỗ lực giải quyết tham nhũng ở mọi mặt, bao gồm cả doanh nghiệp và các tội phạm kinh tế. Vì vậy, sẽ là thiếu hợp lý khi nói rằng chiến dịch này chống lại các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Quan trọng hơn, dưới thời ông Trọng, Việt Nam đã thực sự cải thiện thứ hạng về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng theo Tổ chức Minh bạch Quốc. Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn một chặng đường rất dài phía trước vì thực tế, Việt Nam vẫn chỉ xếp hạng thứ 77 trong số 180 quốc gia trong năm 2022. Nhưng nhìn chung, Việt Nam nỗ lực giảm thải những hành vi tham nhũng đã góp phần tạo ra môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả, minh bạch hơn trong tương lai gần.
Có thể nói, việc từ chức của hai Phó Thủ tướng không phải vì họ thuộc bên ưu ái doanh nghiệp, mà vì họ không giám sát được những hành vi tham nhũng trong COVID-19 của cấp dưới, điều này gây cho dư luận nhiều bức xúc.
Mặt khác, những suy đoán về việc ông Trọng và những người ủng hộ ông ngả về phía Trung Quốc cũng không thuyết phục.
Việt Nam kể từ những năm đầu Đổi mới đã nhất quán thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa thông qua mạng lưới 17 đối tác chiến lược và một số quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Qua đó, Việt Nam đang tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ đối ngoại, nỗ lực không liên kết, ngả về bất kỳ cường quốc nào.
Việt Nam với dân số gần 100 triệu người nhưng vẫn chỉ bằng một tỉnh trung bình ở Trung Quốc. Vì chia sẻ chung hai đường biên giới cả trên bộ và trên biển, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cả hai quốc gia đều được lãnh đạo bởi các đảng cộng sản và cũng đi theo từng hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa riêng biệt. Có thể nói, điểm chung đặc biệt này cũng là cầu nối đặc biệt cho các mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Trong đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam xác định mối quan hệ với Trung Quốc dựa trên lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tuy vậy, tranh chấp trên Biển Đông vẫn là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của mối quan hệ song phương giữa hai Trung Quốc và Việt Nam sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng.
Nhưng sự thật là, dù Việt Nam có tiếp tục hợp tác với láng giềng phương Bắc đi nữa thì cũng không thể xem đây là dấu hiệu của việc ngả về phía Trung Quốc như suy đoán trên, vì cái giá mà Việt Nam phải trả có lẽ là mối quan hệ với các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. Tóm lại, không nên cho rằng sự hợp tác của Việt Nam với Trung Quốc là đang ngả về phía họ, mà đây là một chính sách thực tiễn trong hệ thống chính trị quốc tế.
Suy đoán 4: Ông Trọng nỗ lực cải tiến Đảng trong việc kiểm soát hệ thống kinh tế nước nhà
Suy đoán này đặt ra một câu hỏi: Ai đang kiểm soát hệ thống kinh tế hiện tại, nếu không phải là Đảng Cộng sản Việt Nam?
Việc ra các quyết định kinh tế quan trọng của Việt Nam mỗi ngày thuộc về Thủ tướng và các Bộ trưởng khác trong Nội các. Trong đó, Thủ tướng luôn luôn là thành viên của Bộ Chính trị ĐCSVN và một số bộ trưởng khác là thành viên của Uỷ ban Trung ương. Đặc biệt là, tất cả các bộ hay các tổ chức tương đương tại Việt Nam, cũng như doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều có đảng bộ.
Vào tháng 3/2019, Ban Bí thư ĐCSVN ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW, nhấn mạnh tầm quan trọng của đảng và chính phủ trong việc thiết lập các chính sách kinh tế, nhằm “đưa các thành phần kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam”
Chỉ thị số 33-CT/TW kêu gọi thành lập chi bộ đảng, đoàn thể trong mọi thành phần hoạt động kinh tế hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, Chỉ thị 33-CT/TW cũng nêu rõ “các chi bộ đảng trong các thành phần kinh tế tư nhân cần xây dựng chương trình hoạt động riêng phù hợp với điều kiện, đặc điểm, đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp…”
Có thể thấy, Đại hội lần thứ 13 đã đặt ra một mục tiêu dài hạn cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Các cuộc họp tiếp theo của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đã triển khai hướng dẫn này bằng cách xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mỗi năm và mỗi 5 năm. Ủy ban Trung ương được Ban Kinh tế trung ương và các cơ quan khác tham mưu. Sau đó, Quốc hội tiến hành sửa đổi hoặc thông qua luật mới để ban hành các kế hoạch đã định theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có thể thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ thể có nhiều quyền lực nhất đối với nền kinh tế nước nhà, tuy nhiên, để giải thích một cách tường tận mối quan hệ giữa họ và nền kinh tế thì rất khó.
Chung quy lại, Đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu đã kiên quyết với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua cải cách trong nước (như tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước), thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy vậy, không thể nói Đảng Cộng sản Việt Nam đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát nền kinh tế quốc gia vì sự thật là, ngay từ đầu quyền lực vẫn nằm trong tay họ.
Bài viết được dịch bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.