Myanmar và lịch sử phản kháng chế độ độc tài quân sự
Lịch sử phản kháng của người dân Myanmar dưới sự cai trị của quân đội
Trong suốt nhiều thập kỷ độc lập, Myanmar đã phải vật lộn với sự cai trị độc tài của quân đội, quản trị yếu kém và nghèo đói lan rộng.
Liên bang Miến Điện (The Union of Burma) giành được độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Anh vào năm 1948, thành lập một nhà nước dân chủ nghị viện giống như hầu hết các nước láng giềng khác trên tiểu lục địa Ấn Độ. Nhưng nền dân chủ đại diện này chỉ tồn tại cho đến năm 1962, khi tướng Ne Win lãnh đạo một cuộc đảo chính quân sự và nắm quyền trong 26 năm tiếp theo.
Ne Win đã thiết lập hiến pháp mới vào năm 1974 dựa trên chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa biệt lập và chương trình kinh tế xã hội chủ nghĩa nhằm quốc hữu hóa các doanh nghiệp lớn của Miến Điện. Tình hình kinh tế xấu đi nhanh chóng và nền kinh tế thị trường chợ đen diễn ra. Đến năm 1988, tình trạng tham nhũng tràn lan, sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách kinh tế liên quan đến tiền tệ của Myanmar và tình trạng thiếu lương thực đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn.
Vào tháng 8 năm 1988, một cuộc đình công toàn quốc với sự tham gia của hàng nghìn sinh viên, tu sĩ Phật giáo, công chức và dân thường đã dẫn đến các cuộc biểu tình đồng thời ở các thành phố và thị trấn trên khắp Miến Điện, kêu gọi chuyển đổi sang dân chủ và chấm dứt chế độ cai trị quân sự. Quy mô của những cuộc biểu tình này đã khiến chính phủ ngạc nhiên. Một cuộc thảm sát được diễn ra ngay sau đó khi chính phủ ra lệnh cho quân đội đàn áp các cuộc biểu tình bằng vũ lực. Quân đội đã bắn vào những người biểu tình ôn hòa, giết chết ít nhất 3.000 người và làm bị thương hàng trăm người khác.
Sau cuộc đàn áp năm 1988, Ne Win từ chức chủ tịch đảng của mình, mặc dù ông vẫn hoạt động ở hậu trường khi một chính quyền quân sự khác lên nắm quyền. Năm 1989, chế độ quân sự mới đổi tên đất nước từ Liên bang Miến Điện thành Liên bang Myanmar, thủ đô Rangoon được đổi tên thành Yangon. Năm 2005, chính phủ quân sự chuyển thủ đô hành chính đến Nay Pyi Taw, một thành phố được xây dựng ở miền trung Myanmar.
Vào năm 2007, một cuộc phản kháng quy mô lớn của người dân Myanmar lại lần nữa bùng lên. Các cuộc biểu tình chống chính phủ dưới cái tên Cách mạng Màu nghệ tây (Saffron Revolution), được đặt tên theo chiếc áo choàng màu nghệ tây của các tu sĩ Phật giáo tham gia cuộc cách mạng, nổ ra do giá nhiên liệu tăng cao tạo gánh nặng lên cuộc sống của người dân. Các cuộc biểu tình lan rộng khắp Myanmar đã thu hút hàng chục nghìn người xuống đường ở trung tâm thương mại Yangon. Cuộc đàn áp quân sự bạo lực sau đó đã khiến ít nhất 13 người chết, hàng trăm người bị thương và bị bắt.
Đối mặt với áp lực quốc tế, chính phủ quân sự độc tài bắt đầu nới lỏng kiểm soát việc quản trị người dân. Bên cạnh đó, chính phủ quân sự thúc đẩy một hiến pháp mới vào năm 2008 thông qua một cuộc trưng cầu dân ý gian lận. Hiến pháp này thành công đảm bảo quyền lực rộng rãi của quân đội ngay dưới sự cai trị của một chính phủ dân sự và nó vẫn còn hiệu lực cho tới tận bây giờ. Cuộc bầu cử gian lận vào năm 2010 càng cho phép chính phủ quân đội củng cố quyền lực có lợi cho mình. Tuy nhiên, sự ủng hộ áp đảo của đảng đối lập, Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do Daw Aung San Suu Kyi lãnh đạo, đã dẫn đến việc thành lập chính phủ NLD sau cuộc bầu cử năm 2015.
Dù vậy, quân đội (Tatmadaw) vẫn giữ quyền kiểm soát an ninh trong nước, hầu hết các khía cạnh của quan hệ đối ngoại và nhiều vấn đề khác liên quan đến chính sách đối nội. Trên thực tế, hiến pháp năm 2008 đã bao gồm một số điều khoản nhằm bảo vệ sự thống trị của quân đội, chẳng hạn như dành 25% số ghế trong quốc hội cho quân đội.
Khi NLD giành chiến thắng quyết định trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào tháng 11 năm 2020, quân đội đã bắt đầu gieo rắc vào quần chúng những tin đồn về kết quả bầu cử gian lận. Cho đến tháng 2 năm 2021, Tướng Min Aung Hlaing đã lãnh đạo quân đội tiến hành cuộc đảo chính, phủ nhận chiến thắng của NLD trong cuộc bầu cử dân chủ, giành quyền lực. Cuộc đảo chính đã chấm dứt thời kỳ Myanmar dưới chính quyền dân sự, cũng như làm tiêu tan hy vọng cải cách dân chủ ở quốc gia này.
Nỗ lực phản kháng của người dân Myanmar với chế độ độc tài quân sự mới
Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (NUG), được thành lập vào tháng 4 năm 2021, đóng vai trò như chính quyền đối lập chính quyền quân sự. NUG hỗ trợ tài chính và tinh thần cho các phong trào như Phong trào Bất tuân Dân sự (CDM), cũng như xây dựng liên minh với các nhóm vũ trang và các dân tộc thiểu số.
Phong trào Bất tuân Dân sự (CDM) là một thành phần quan trọng của Cách mạng Mùa xuân ở Myanmar, nổi lên sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm 2021. CDM là một phong trào bất bạo động với các cuộc đình công hàng loạt và bất hợp tác với chính quyền quân sự, liên quan đến công nhân khu vực công, nhân viên khu vực tư nhân và các thành viên xã hội dân sự từ chối làm việc hoặc hỗ trợ chính quyền. Phong trào này nhằm mục đích phi pháp hóa quyền lực của quân đội và thúc đẩy một hệ thống dân chủ liên bang ở Myanmar.
Phụ nữ thuộc mọi tầng lớp, sắc tộc, tôn giáo, ngành nghề, đóng một vai trò quan trọng trong phong trào CDM và Cách mạng Mùa xuân rộng lớn hơn ở Myanmar. Sự tham gia của họ được đặc trưng bởi sự lãnh đạo, hoạt động và cam kết xây dựng một xã hội toàn diện và công bằng hơn. Họ đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ thiết yếu trong cộng đồng của họ, thường đảm nhận các vai trò giải quyết nhu cầu trước mắt của những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực của chính quyền. Điều này bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hỗ trợ nhân đạo.
Bên cạnh đó, phụ nữ đi đầu trong các phong trào cơ sở chống lại chính quyền và lãnh đạo các cuộc biểu tình. Họ vận động các cuộc biểu tình và đình công, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giáo dục và sản xuất hàng may mặc, những lĩnh vực mà sự hiện diện của họ chiếm phần lớn. Phụ nữ trong CDM đang nỗ lực xóa bỏ văn hóa gia trưởng quân sự hóa vốn đã khiến họ bị gạt ra ngoài lề trong lịch sử. Sự phản kháng của họ không chỉ nhằm phản đối chế độ quân sự mà còn thách thức các chuẩn mực xã hội, hướng đến một cuộc cách mạng nữ quyền.
CDM cho thấy tính toàn diện của một phong trào xã hội với đích đến là một Myanmar dân chủ tự do đúng nghĩa. Những nhà hoạt động, nhất là phụ nữ, tích cực vận động cho quyền của nhiều nhóm bị áp bức, bao gồm cả người dân tộc thiểu số và cộng đồng LGBTIQ+. Cách tiếp cận đa dạng và giao thoa này đã củng cố khả năng nhận được sự ủng hộ đông đảo dành cho phong trào, thúc đẩy tình đoàn kết giữa các nhóm khác nhau và đặt nền tảng cho việc xây dựng một tương lai với các giá trị bền vững hơn những giá trị bạo lực mà chế độ cũ đã gieo rắc trong nhiều thập kỷ.
Nhằm bảo tồn quyền lực độc tôn của quân đội trong hệ thống chính trị Myanmar, quân đội đã đàn áp CDM bằng bạo lực, bao gồm bắn đạn thật vào người biểu tình, bắt giữ tùy tiện, tra tấn và giết hại các thành viên CDM và gia đình họ. Quân đội dùng bạo lực tình dục, cưỡng hiếp những người phụ nữ tham gia vào phong trào hoặc bị nghi ngờ liên quan đến phong trào mà chúng bắt được như một công cụ trấn áp và đe doạ. Điều này đã tạo ra một bầu không khí khủng bố trên cả nước, nhiều người phải cắt đứt liên lạc với gia đình hoặc tị nạn sang các quốc gia khác để tránh sự truy bắt và tàn sát của chính quyền.
Đặc biệt, chính quyền quân sự đã hình sự hóa các hoạt động phản kháng bằng Bộ luật Hình sự 505 và 505A (được sửa đổi vào tháng 2 năm 2021). Theo đó, người chất vấn tính chính danh của chính quyền quân sự hoặc tham gia vào bất kỳ hành động nào khuyến khích công chức đình công sẽ có thể chịu hình phạt đến ba năm tù. Đây là một cuộc tấn công trực tiếp vào CDM, và trong 12 tháng đầu tiên sau nỗ lực đảo chính, đã có gần 4.000 người bị buộc tội theo như Mục 505 hoặc 505A của Bộ luật Hình sự đó.
Mặt khác, áp lực sinh kế cũng đè nặng lên vai những người tham gia CDM. Những người tham gia biểu tình, đình công thuộc mọi ngành nghề khác nhau, từ bác sĩ, y tá, công chức, giáo viên, luật sư đến công nhân nhà máy, đường sắt… đều phải đối mặt với những rủi ro mất việc làm, thu nhập. Cộng thêm tình hình kinh tế ở Myanmar ngày càng tồi tệ, khiến các gia đình, cá nhân khó có thể duy trì điều kiện sống nếu không có thu nhập thường xuyên.
Dù được hỗ trợ tài chính bởi Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) và một số tổ chức xã hội, nhưng nguồn lực hạn chế không thể cung cấp đủ cho nhu cầu tối thiểu của hàng trăm nghìn người. Bị mắc kẹt trong tình trạng bị đe dọa liên tục bởi chính quyền, khủng hoảng tài chính và điều kiện sức khỏe tinh thần lẫn thể chất đi xuống, nhiều người chọn quay trở lại công việc chính song song với việc phản kháng, một số chọn rời bỏ phong trào và cũng có những người kiên trì ở lại đấu tranh cho đến tận hôm nay.