Nguồn gốc cấp tiến của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
Liệu thành công của những người phụ nữ đấu tranh khỏi áp bức giới và bạo lực chống lại phụ nữ chỉ để thế giới dành một ngày tung hô và ăn mừng cho họ?
Theo thông lệ, mỗi năm đến ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, người người nhà nhà thi nhau mua hoa, mua quà, ăn mừng ngày lễ “dành riêng cho phụ nữ” này, nhằm “tôn vinh những người mẹ, người vợ, người bà, người cô” vì những gì họ đã làm, đã cống hiến cho thế giới.
Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, thành công của những người phụ nữ đấu tranh khỏi áp bức giới đâu chỉ để thế giới dành một ngày tung hô và ăn mừng cho họ? Vì ngay từ đầu, ngày Quốc tế Phụ nữ vốn dĩ không phải là ngày lễ để ăn mừng hay tặng quà mà là dịp tôn vinh phụ nữ lao động và chống lại chủ nghĩa tư bản.
Nguồn gốc Xã hội Chủ nghĩa của ngày Quốc tế phụ nữ
Giai cấp công nhân và phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế mới là những người khai sinh ra ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Thoạt đầu, ngày Quốc tế Phụ nữ mang tên gọi là Ngày Quốc tế Phụ nữ Lao động và chủ yếu được tổ chức tại các nước xã hội chủ nghĩa, cho đến khi Liên Hợp Quốc quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ vào năm 1975. Chính bằng hành động đổi tên và việc chọn ngày này làm Ngày Quốc tế Phụ nữ của Liên Hợp Quốc, Tổ chức này đã (vô tình hay cố ý) xóa bỏ ý nghĩa cách mạng và cấp tiến của ngày 8/3, thay thế bằng một ngày kỷ niệm đầy tính tiêu dùng khác. [1]
Nữ công nhân biểu tình tại St Petersburg, Nga nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm 1917. [Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân]
Nhìn lại năm 1894, Clara Zetkin - một nhà lý thuyết Marxist người Đức đã xuất bản bài viết của bà trên các tạp chí phụ nữ Dân chủ Xã hội Die Gleichheit (Bình đẳng) mà bà đã thành lập 3 năm trước đó, để chống lại xu hướng nữ quyền chủ đạo đương thời ở Đức. Zetkin viết rằng “Chủ nghĩa nữ quyền tư sản và phong trào phụ nữ vô sản là hai phong trào xã hội khác nhau về cơ bản.”
Theo Zetkin, các nhà nữ quyền tư sản đã thúc đẩy cải cách thông qua các cuộc đấu tranh giữa hai giới và chống lại đàn ông cùng tầng lớp với họ, mà không chất vấn sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Ngược lại, những người phụ nữ lao động, thông qua công cuộc đấu tranh giai cấp — chống lại giai cấp thống trị và cuộc đấu tranh cùng với đàn ông cùng giai cấp với họ, họ đã tìm cách “đạp đổ” chủ nghĩa tư bản.
Cho đến năm 1900, phụ nữ thuộc Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã tổ chức hội nghị 2 năm 1 lần ngay trước Đại hội Đảng - nơi mà tất cả các vấn đề “nóng bỏng” về phong trào phụ nữ vô sản được mang ra thảo luận và bàn tán sôi nổi. Sức mạnh tư tưởng và có tổ chức của hội nghị này đã biến phong trào Phụ nữ lao động Xã hội Chủ nghĩa Đức trở thành xương sống cho Phong trào Phụ nữ Xã hội Chủ nghĩa Quốc tế.
Năm 1907, Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ Xã hội Chủ nghĩa được triệu tập tại Stuttgart, Đức. Trong cuộc gặp mặt đầu tiên, hội nghị đã tuyên bố sứ mệnh kiên định của mình là “[đấu tranh] cho quyền được phổ thông đầu phiếu của phụ nữ mà không cần đến tài sản, thuế, giao dục hay bất kỳ loại rào cản nào khác có thể ngăn cản giai cấp công nhân thực thi các quyền chính trị của họ.”
Đại biểu của hội nghị này đã nhấn mạnh, rằng:
“cuộc đấu tranh giành quyền bầu cử phải được tiến hành với sự hợp tác chặt chẽ của các đảng xã hội chủ nghĩa, chứ không phải với phong trào phụ nữ tư sản.” [2]
Bên cạnh đó, tại Mỹ, Ngày Phụ nữ đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ vào ngày 28 tháng 2 năm 1990 bởi Đảng Xã hội Hoa Kỳ. Sáng kiến tổ chức ngày phụ nữ quốc gia được Theresa Malkiel — một nhà hoạt động vì quyền bầu cử và lao động của người Mỹ gốc Ukraina đề xuất. Theresa cho rằng, nước Mỹ cần phải có một mặt trận riêng biệt để nêu lên các vấn đê của phụ nữ.
Do đó, mục tiêu của việc tổ chức ngày phụ nữ là nêu bật các vấn đề liên quan đến quyền bầu cử của phụ nữ, quyền của người nhập cư, mức lương rẻ mạt, điều kiện làm việc tồi tàn và thời gian làm việc quá sức. Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên ở Hoa Kỳ theo sau cuộc đình công lịch sử của những người mặc áo sơ mi tại New York năm 1909 - chủ yếu là phụ nữ Do Thái làm việc trong ngành may mặc.
Chính nhờ thành công vang dội của Ngày Quốc tế Phụ nữ tại Mỹ, phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế đã quyết định tổ chức ngày Phụ nữ trên quy mô toàn cầu.
Tại Hội nghị Phụ nữ Xã hội Chủ nghĩa Quốc tế tại Copenhagen năm 1910, khẩu hiệu “Cuộc bầu cử cho phụ nữ sẽ đoàn kết sức mạnh của chúng ta trong công cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội” được đại biểu Đức Luise Zietz khởi xướng. Noi gương các đồng chí tại Mỹ, Luise Zietz đã đề xuất tuyên bố “Ngày Quốc tế Phụ nữ” sẽ được tổ chức hàng năm trên toàn thế giới.
Nghị quyết về Ngày Phụ nữ có nội dung:
“Để thống nhất với các tổ chức chính trị và công đoàn có ý thức giai cấp của giai cấp vô sản ở nước ta, phụ nữ xã hội chủ nghĩa thuộc mọi dân tộc phải tổ chức một Ngày Phụ nữ đặc biệt ( Frauentag ), trên hết phải thúc đẩy việc tuyên truyền về quyền bầu cử của phụ nữ. Yêu cầu này phải được bàn đến trong mối liên hệ toàn diện với các vấn đề của người phụ nữ, theo quan niệm xã hội chủ nghĩa.”[3]
Và đối với các đại biểu, ủng hộ “quan niệm xã hội chủ nghĩa” có nghĩa là thúc đẩy không chỉ quyền bầu cử của phụ nữ mà còn cả luật lao động cho phụ nữ đi làm, trợ giúp xã hội cho bà mẹ và trẻ em, đối xử bình đẳng với các bà mẹ đơn thân, cung cấp nhà trẻ và mẫu giáo, phân phối bữa ăn miễn phí, miễn phí chi phí giáo dục, cơ sở vật chất trong trường học và đoàn kết quốc tế.
Nói một cách đơn giản, Ngày Quốc tế Phụ nữ ngay từ đầu đã là Ngày Phụ nữ Lao động. Mặc dù mục tiêu trước mắt của nó là giành được quyền bầu cử phổ thông cho phụ nữ, nhưng khát vọng của nó còn lớn lao hơn nhiều, đó là: lật đổ chủ nghĩa tư bản và chiến thắng của chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ cả chế độ nô lệ làm công ăn lương của công nhân và chế độ nô lệ trong nhà của phụ nữ thông qua việc xã hội hóa công việc giáo dục và chăm sóc.
Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên
Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên được tổ chức không phải vào ngày 8 tháng 3 mà vào ngày 19 tháng 3 năm 1911 — ngày gắn liền với lịch sử các vấn đề của phụ nữ trong cuộc Cách mạng Đức năm 1848. Tại Đế quốc Áo - Hung, hơn 300 cuộc biểu tình đã diễn ra, phụ nữ mang cờ đỏ và biểu ngữ kỷ niệm 40 năm Công Xã Paris và đòi quyền bầu cử, cũng như điều kiện làm việc tốt hơn.
Tại Đức lúc bấy giờ, hai triệu rưỡi tờ rơi kêu gọi tham gia Ngày Phụ nữ đã được in và phân phát khắp đất nước. Die Gleichheit đưa ra lời kêu gọi của riêng mình:
“Các đồng chí! Phụ nữ và trẻ em gái đang làm việc! Ngày 19 tháng 3 là ngày của bạn. Đó là quyền của bạn. Đằng sau nhu cầu của bạn là Dân chủ xã hội, lao động có tổ chức. Phụ nữ xã hội chủ nghĩa các nước luôn đoàn kết với các bạn. Ngày 19 tháng 3 sẽ là ngày vinh quang của bạn!”
Số Die Gleichheit (Bình đẳng) kêu gọi kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ vào ngày 19 tháng 3 năm 1911. [Nguồn: Jacobin]
Kêu vang khẩu hiệu “Tiến tới quyền bầu cử của phụ nữ”, hơn một triệu phụ nữ - bao gồm cả, phụ nữ thuộc Đảng Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa và các công đoàn - đã xuống đường ở Đức đòi bình đẳng chính trị và xã hội. Họ tổ chức “các hội nghị chính trị quần chúng” để thảo luận về các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Trong khi ngày 19 tháng 3 trở thành Ngày Phụ nữ ở Châu Âu thì người Mỹ vẫn tiếp tục kỷ niệm ngày này vào Chủ nhật cuối cùng của tháng Hai. Ngày này sau đó được chuyển sang ngày 08 tháng 3 năm 1913 và trở thành ngày biểu thị tinh thần chiến đấu của phụ nữ lao động. Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ vào ngày 8 tháng 3 đã trở thành một thông lệ trên toàn thế giới vào năm 1914. [2]
Tấm áp phích nổi tiếng công bố Ngày Phụ nữ 1914. [Nguồn: Jacobin]
Chiến tranh đã gây ra những gì?
Tháng 8 năm 1914, chiến tranh nổ ra, mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của Phong trào Phụ nữ Xã hội Chủ nghĩa Quốc tế. Ngày Phụ nữ bắt đầu gắn liền với các cuộc biểu tình phản chiến.
Vào ngày 7 tháng 3 năm 1915, Clara Zetkin đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn của phụ nữ ở Berne, Thụy Sĩ nhằm phản đối chiến tranh. Một bản tuyên ngôn đã ra đời nhằm gửi đến “phụ nữ cùng giai cấp vô sản", rằng:
“Công nhân không nhận được gì từ chiến tranh. Họ sẽ mất tất cả mọi thứ, mọi thứ, tất cả mọi thứ thân yêu đối với họ…”
Phụ nữ hãy hành động để giành lấy hòa bình
Còn tại Turtin, Ý, phụ nữ đã xuống đường vào Ngày Phụ nữ năm 1917 để phản đối chiến tranh và treo hàng loạt tấm áp phích tại các khu dân cử của tầng lớp lao động dành cho phụ nữ:
“Cuộc chiến này vẫn chưa đủ khổ sao? Đã đến lúc chúng ta phải hành động nhân danh nhân loại đang đau khổ. Tiếng gọi của chúng tôi là “ hãy hạ tay xuống!” Chúng tôi là một phần của gia đình. Chúng tôi muốn hòa bình.”
Thêm vào đó, thời điểm được coi là Ngày Quốc tế Phụ nữ Lao động ngày 8 tháng 3 chính là sự kiện diễn ra vào ngày 8 tháng 3 năm 1917 tại Saint Petersburg, Nga. Ngày hôm đó, các nữ công nhân dệt may đã xuống đường biểu tình phản đối chế độ đế quốc Nga, phản đối chiến tranh, khủng hoảng lương thực, điều kiện làm việc khắc nghiệt và bóc lột. Cuộc biểu tình này sau đó lan rộng ra tất cả các trung tâm công nghiệp lớn và mở đường cho Cách mạng Tháng Hai, sau đó là Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Một trong những khẩu hiệu của cuộc biểu tình này, ‘Bánh mì và Hòa bình’, cũng trở thành khẩu hiệu của Cách mạng Tháng Mười.
Ngày Quốc tế Phụ nữ còn lại gì?
Ở thời đại mới, khi chủ nghĩa tư bản lên ngôi, bằng cách làm mờ đi biểu tượng đấu tranh của giai cấp công nhân và loại bỏ nội dung mang tính cách mạng của phụ nữ, các giai cấp tư bản thống trị trên toàn thế giới đã lợi dụng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 để phục vụ cho lợi ích riêng của họ. [1]
Chủ nghĩa tư bản đã tận dụng triệt để các phong trào cách mạng trên toàn thế giới để thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng bằng nghị trình của chính các phong trào cách mạng đó. Điển hình là hình ảnh của Che Guevara, một người phê phán gay gắt chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc Mỹ đã được các nhà tư bản tận dụng làm ra các mặt hàng thời trang hướng đến nhóm người tiêu dùng có phong cách “nổi loạn”, đồng thời làm công chúng say mê và quên đi công cuộc đấu tranh của anh ấy.
Hình ảnh nhà cách mạng Marxist người Argentina được in phổ biến trên các loại quần áo “ngầu/nổi loạn”. [Nguồn: The Christian Science Monitor]
Tương tự như vậy, Ngày Quốc tế Phụ nữ cũng được Liên Hợp Quốc cùng các nhà tư bản tận dụng để nhắm đến thị trường “nữ quyền”.
Dễ quan sát thấy, trong ngày 8/3, hàng loạt các sản phẩm dành cho nữ giới sẽ được giảm giá đặc biệt. Các công ty, tập đoàn — có lẽ vốn ngày thường không đảm bảo được không gian an toàn, không có quấy rối tình dục cho nhân viên— lại trở thành nhà tài trợ cho Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Chúng ta có thể làm được gì?
Theo chân các phong trào bãi công của phụ nữ trên toàn thế giới, điển hình như tại Ba Lan vào năm 2016, 10 nghìn phụ nữ đã đồng hành phản đối đạo luật cấm phá thai tại quốc gia này. Làn sóng mãnh liệt đó đã lan đến Argentina, những người phụ nữ bãi công - nhằm ủng hộ nữ nạn nhân Lucía Perez với lời tuyên bố: “Ni una menos” [không bỏ lại một ai], sau đó lan đến Ý, Tây Ban Nha, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Peru, Mỹ và Mexico, Chile cùng hàng chục quốc gia khác.
Ngày 8/3/2017, dựa trên nền tảng một chuỗi các hoạt động bãi công trên đường phố, một phong trào chính trị xuyên quốc gia đã được khởi công - khi các nhà hoạt động trên toàn cầu quyết định đồng loạt bãi công. Như Cinzia Arruzza; Nancy Fraser và Tithi Bhattacharyya trong “Tuyên ngôn Vị nữ cho 99%” đã viết:
Với quyết định cứng rắn này, [những nhà hoạt động xã hội] đã phục sinh bản chất chính trị của Ngày Quốc tế Phụ nữ. Bằng việc quét sạch những mánh khóe phi chính trị hóa nhỏ mọn —những bữa tiệc mừng hay thiệp chúc —những người bãi công đã hồi sinh lại gốc rễ lịch sử đã bị lãng quên của [Ngày Quốc tế Phụ nữ], vốn bắt nguồn từ phong trào vị nữ xã hội chủ nghĩa.” [4]
“Bằng cách làm sống dậy tinh thần phản kháng này, những người bãi công vị nữ của thời đại chúng ta đang khẳng định lại gốc rễ của phong trào, vốn bắt nguồn từ những cuộc đấu tranh giành quyền lợi lao động và công lý xã hội…. Họ đã hồi sinh khẩu hiệu “Đoàn kết là sức mạnh” [4]
Lắng nghe tuyên ngôn của các nhà vị nữ quyền xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới, để có thể khôi phục lại nguồn gốc cấp tiến của Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, trước hết, chúng ta cần không bao giờ quên đi nguồn gốc, ý nghĩa và bản chất cách mạng xã hội chủ nghĩa của phong trào phụ nữ, của ngày Quốc tế Phụ nữ. Do đó, chúng ta sẽ:
Nói lên những bất công của phụ nữ trong thời đại tư bản thống trị này.
Nói lên sự áp bức mà chúng ta phải chịu đựng dưới chế độ gia trưởng tư bản chủ nghĩa.
Lên tiếng chống lại bạo lực tình dục, bạo lực trên cơ sở giới.
Đòi quyền lợi lao động, mức lương chính đáng và môi trường làm việc đảm bảo, chống lại bóc lột sức lao động.
Lên tiếng phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình chính nghĩa.
Chống lại chủ nghĩa tiêu dùng.
Vạch trần âm mưu che giấu bản chất cách mạng của ngày Quốc tế Phụ nữ của chủ nghĩa tư bản gia trưởng.
Bài viết “Nguồn gốc cấp tiến của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3” được biên soạn và thiết kế bới Cộng Tác Viên của 3 Phút Trăn Trở.
Chú thích nguồn:
[1] Cintia, F. & Daniel, G. (2017, 8 tháng 3). The Socialist Origin of International Women’s Day. Jacobin. https://jacobin.com/2017/03/international-womens-day-clara-zetkin-working-class-socialist
[2] Harshvardhan (2021, 8 tháng 3). The radical roots of International Women’s Day, before it was usurped by capitalism. National Herald India. https://www.nationalheraldindia.com/opinion/the-radical-roots-of-international-womens-day-before-it-was-usurped-by-capitalism
[3] Of Comradeship and Sisterhood: A Political History of 'Die Gleichheit', 1891-1917
[4] Sách Tuyên ngôn Vị nữ dành cho 99%, tr.6-7