Những lý do để hoàn toàn từ bỏ các sản phẩm từ Nestlé
Tập đoàn "phi đạo đức" nhất thế giới gọi tên...
Nestlé là một trong những cái tên mà phong trào Tẩy chay, Thoái vốn và Trừng phạt (BDS) của người Palestine nhắm đến.
Tuy nhiên, công ty này không chỉ mới nằm trong danh sách tẩy chay toàn cầu khi xảy ra cuộc diệt chủng Gaza. Mỗi khi nhắc đến một tập đoàn hay công ty phi đạo đức nhất thế giới, Nestlé luôn dẫn đầu danh sách đó. Nestlé là một trong những công ty lớn nhất thế giới, với hàng trăm loại sản phẩm được phân phối trên toàn cầu. Sự thật là Nestlé đã luôn phải đối mặt với hàng loạt các cuộc tẩy chay lớn nhỏ từ những năm 1970.
1. “Vắt sữa” thế giới thứ ba—milking the third world
Một trong những vụ bê bối lớn nhất lịch sử của Nestlé là chiến dịch truyền thông sữa bột cho phần lớn trẻ em ở các quốc gia thế giới thứ ba.
Vào những năm 1970, Nestlé đã bắt đầu thuê các nữ nhân viên bán hàng ở các nước đang phát triển tại Châu Á và châu Phi mặc trang phục y tá và đi đến các bệnh viện phụ sản để quảng bá sữa bột dành cho trẻ em. Nestlé phát những mẫu sữa bột miễn phí và tìm cách thuyết phục những bà mẹ ngưng cho trẻ sơ sinh uống sữa mẹ, và chuyển sang dùng sữa bột thay thế. Nestlé thậm chí hối lộ các chuyên gia y tế để đưa ra nhiều bằng chứng ủng hộ cho sữa bột của họ.1
Chính chiến dịch quảng bá khủng khiếp này của công ty đã dẫn đến cái chết của hàng nghìn trẻ sơ sinh khi các bà mẹ bắt đầu chuyển sang dùng sữa bột của Netsle thay cho sữa mẹ, vì sữa bột không đủ các dinh dưỡng thiết yếu.2 Tồi tệ hơn là tại các khu vực thiếu nước sạch trậm trọng, nước để pha sữa và vệ sinh bình sữa là điều quá xa vời. Sức đề kháng yếu do thiếu sữa mẹ, cộng với việc sử dụng nước bẩn đã khiến khoảng 1 triệu trẻ em sơ sinh chết mỗi năm do suy dinh dưỡng hoặc các bệnh khác.
Đến năm 1981, Tổ chức Y tế Thế giới mới thông qua Bộ Quy tắc Quốc tế về Tiếp thị Sản phẩm thay thế Sữa mẹ, nhằm ngăn chặn các nội dung quảng cáo phi đạo đức trong ngành công nghiệp sữa mẹ. Do hình ảnh và danh tiếng của Netsle đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong phong trào “Tẩy chay kẻ sát nhân trẻ em Nestlé” vào những năm 1970-80, Nestle đã cố gắng đổ lỗi cho nguồn nước, đồng thời quảng cáo của công ty bắt đầu đề cập thêm rằng “sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.
“Hoạt động tiếp thị của Nestlé nhắm vào cha mẹ nhằm khai thác cảm xúc, nỗi sợ hãi và tham vọng [con được cao lớn, phát triển, thông minh] của cha mẹ” (Tổ chức Y Tế Thế giới). Hoạt động này chính là một tội ác!
2. “Nước uống đóng chai” - ngành công nghiệp tỷ đô nhưng không cần vốn
Nestlé cũng là một trong những công ty sản xuất nước đóng chai lớn nhất thế giới, trong đó có thương hiệu nước đóng chai Lavie. Tuy nhiên, sự thật đằng sau những chai “nước khoáng thiên nhiên” đó mới đáng tranh cãi.
Ở các vùng nghèo, Nestlé cùng các công ty nước khác đã thu mua các nguồn nước sạch công cộng từ thiên nhiên (sông, hồ, nước ngầm) và cho vào chai nhựa, biến thành các chai nước khoáng và đồ uống có hương vị khác nhau. Sau đó, công ty này xả nước thải gây ô nhiễm và đã qua sử dụng vào các nguồn nước còn lại. Người dân địa phương vì không thể sử dụng các nguồn nước đã bị ô nhiễm bởi Nestlé nên phải trả tiền cho các tập đoàn châu Âu và châu Mỹ thuộc chính công ty này để mua các chai nước đóng sẵn từ các nguồn nước trước đây là của họ. Đây là lý do cho việc Nestlé đã rất nhiều lần bị cáo buộc khai thác nguồn nước ngầm tại những nơi đang thiếu nước trầm trọng và bán lại cho khu vực đó kiếm lời.
Năm 2018, đối mặt với chiến dịch Tẩy chay Nestlé trên diện rộng, công ty này đã cứu vãn tình hình bằng cách “cam kết tặng 100.000 chai nước mỗi tuần đến hết tháng 9/2019 cho những người bị ảnh hưởng bởi Cuộc khủng hoảng nước nhiễm chì ở Flint, Michigan” và đồng thời đạt được thỏa thuận “bơm khoảng 1,1 triệu gallon nước mỗi ngày từ tầng ngậm nước Great Lakes với giá 200$” với Thống đống bang lúc đó là Rick Snyder.
Ở San Bernardio, California, Nestle chỉ phải trả phí hàng năm là 524$ trong suốt nhiều năm nay để khai thác tới 115.000 m3 nước, kể cả có hạn hán xảy ra. Điều này đã gây ảnh nhưởng không nhỏ đến với hệ sinh thái tự nhiên tại những khu vực này.
Chưa dừng lại ở đó, vào năm 2005, Nestlé đã đã thỏa thuận đầu tư xây dựng một sân bóng chày thu nhỏ với đầu đủ cơ sở vật chất, rộng 5,6 ha cho các đội truyển trung học và hàng loạt các dự án phát triển cơ sở hạ tầng khác tại thành phố Evart, thuộc hạt Osceola (Mỹ). Đổi lại, Nestlé sẽ được khai thác nguồn nước ngầm của thành phố. Cho đến hiện tại, hạn mức khai thác của Nestlé đã được nâng lên gấp đôi tới 1,5m3/phút - vượt qua giới hạn khai thác an toàn đối với mạch nước ngầm. Ngoài ra, Nestlé còn hút trực tiếp nước suối đầu nguồn gây ảnh hưởng không nhỏ đến với dòng chảy của các con suối, sông và hệ sinh thái đất ngập nước.
Tại Michigan, Nestlé đã nhiều lần đề xuất thay thế các cơ sở vật chất đánh dấu mực nước bị thâm hụt do các hoạt động bơm hút của công ty này nhằm xóa bỏ các bằng chứng thế kỷ. Người dân Michigan đã phản đối quyết liệt hành động này.
“Nước là quyền cơ bản của con người!”
Sau những hành động này, Nestlé vẫn không hề tỏ ra ăn năn hay muốn sửa chữa lỗi lầm. Tồi tệ hơn, cựu CEO Peter Brabeck đã từng phát ngôn “Nước là sản phẩm tạp hóa nên cần phải có giá trị thị trường”. Vấp phải sự chỉ trích dữ dội của công chúng, sau đó ông đã sửa lại rằng, “Nước là quyền lợi của con người, nhưng mỗi người chỉ được tiếp cận 30 lít nước mỗi ngày, và sẽ phải trả tiền nếu vượt quá”. Đại diện của Nestle còn tuyên bố rằng “nước là nguồn tài nguyên tái tạo, nếu biết cách khai thác và quản lý tốt, nước sẽ chảy mãi mãi”.
Năm 2013, Nestlé bắt đầu thu mua các nguồn nước sạch dồi dào ở Pakistan và sử dụng cho các hoạt động sản xuất cũng như nước đóng chai của họ. Người dân Pakistan trong giai đoạn này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hoặc là mua nước uống “sạch” của Nestlé, hoặc là uống nước thải và nước bùn.
3. Dây chuyền nô lệ lao động trẻ em
Nổi tiếng với thương hiệu sô-cô-la Kitkat, Nestlé từ rất lâu đã sử dụng các sản phẩm ca cao thô thu được từ lao động trẻ em bị cưỡng bức và buôn bán bất hợp pháp. Trong những năm 2000, Nestlé cùng với một số công ty sô-cô-la khác đã bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em trong sản xuất ca cao cho sô-cô-la của công ty họ.
Phản đối các cáo buộc này, sô-cô-la giải thích rằng “hầu hết các lao động trẻ em không được trả lương đều là vì trẻ em làm việc trên trang trại tự nguyện giúp cha mẹ của chúng”. Vậy là ta có thể thấy những người nông dân trồng ca cao bán cho Nestlé không thể kiếm đủ tiền từ công việc này để chi trả tiền học, nơi ở và các nhu cầu khác cho con cái họ, dẫn đến việc các em nhỏ buộc phải tham gia lao động. Lý do họ đưa ra thật sự chỉ càng tố cáo rõ hơn những hành động bóc lột và phi đạo đức của Nestlé mà thôi.3
Trong báo cáo của Bộ Lao động Hoa Kỳ, có hơn 1,5 triệu trẻ em làm việc trong các ngành ca cao ở Ghana và Bờ Biển Ngà, nơi sản xuất 60% sản lượng ca cao hằng năm của thế giới. Hơn 40% trẻ em ở khu vực này phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, sử dụng hóa chất độc hại, đốt đồng, các dụng cụ nguy hiểm như dao, rựa,... Những hoạt động này được các chính quyền quốc tế coi là “những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.”
Gần đây nhất là vào năm 2021, Nestlé đã bị 8 cựu nô lệ trẻ em kiện vì “hỗ trợ và tiếp tay cho việc bắt hàng nghìn trẻ em làm nô lệ bất hợp pháp tại các trang trại ca cao trong chuỗi cung ứng của họ”. Hơn nữa, Nestlé USA đã nỗ lực kiểm soát phần lớn sản lượng ca cao tại Bờ Biển Ngà nhằm “tìm ra nguồn ca cao rẻ nhất Bờ Biển Ngà”, từ đó “xây dựng một hệ thống dựa trên lao động trẻ em để giảm chi phí sản xuất”.
Chuỗi cung ứng nô lệ của Nestlé không chỉ dừng lại ở ngành công nghiệp sô cô la. Vào năm 2020, một bộ phim tài liệu đã vạch trần việc Nespresso sử dụng lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng tại các trang trại ở Guatemala. Người làm phim đã đến thăm bảy trang trại có liên kết với Nespresso và tìm thấy những đứa trẻ làm việc tám giờ một ngày, sáu ngày một tuần và trông chúng chỉ mới tám tuổi.4
Trước đó, nhiều cuộc điều tra cũng cho thấy những người di cư bị dụ dỗ bằng những lời hứa hão huyền để làm việc trong ngành thủy sản của Thái Lan, sau đó bị vướng vào nợ nần dẫn đến việc phải làm việc đến “chết”. Khi công nhân chết trong lúc làm việc, thi thể của họ sẽ“bị ném xuống nước”. Năm 2014, Nestlé xác nhận lao động cưỡng bức là một phần trong chuỗi cung ứng của công ty này tại Thái Lan.5
4. Dẫn đầu trong mức độ hủy hoại môi trường
Hành vi sai trái của Nestlé cũng bao gồm sự xuống cấp của môi trường và vai trò trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Bao bì nhựa của Nestlé được sản xuất từ nhựa dẻo do các công ty hóa dầu như Exxon, Total, Aramco và Shell tạo ra. Quá trình sản xuất nhựa, cũng như việc khai thác nguyên liệu thô cho nhựa, thải ra một lượng lớn carbon dioxide, khoảng 108 triệu tấn mỗi năm.
Nhựa cũng đi vào sản phẩm. Nồng độ vi nhựa trong chai nước Nestlé Pure Life cao tới 10.000 mảnh nhựa trên mỗi lít nước, cao nhất so với bất kỳ nhãn hiệu nào được thử nghiệm. Một số hạt vi nhựa mà các nhà nghiên cứu tìm thấy trong nước của Nestlé bao gồm polypropylen, nylon và polyetylen terephthalate. Nestlé đã bị kiện vào năm 2018 về mức độ vi nhựa cao. Các nguyên đơn cáo buộc Nestlé “cố ý, cẩu thả và liều lĩnh che giấu và bỏ qua sự thật” về tình trạng ô nhiễm nhựa.
Trong báo cáo năm 2020 của tổ chức Break Free From Plastic, Nestlé được vinh danh là một trong những công ty gây ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới trong năm thứ ba liên tiếp. Nestlé thậm chí còn thừa nhận rằng hầu hết các chai của họ đều không được tái chế, ngay cả khi Nestlé đồng thời tràn ngập thị trường với những quảng cáo gây hiểu lầm khẳng định điều ngược lại. Chỉ có khoảng 31% chai nhựa được tái chế, tạo ra hàng triệu tấn rác mỗi năm, phần lớn trong số đó được thải ra bãi rác hoặc đại dương.
Nestlé cũng bị bắt quả tang mua dầu cọ từ các nhà máy với phương thức sản xuất liều lĩnh, chặt hạ hàng triệu ha rừng và loại bỏ người bản địa khỏi vùng đất của họ. Năm 2010, Greenpeace vận động Nestlé chấm dứt nạn phá rừng trong chuỗi cung ứng của mình.
5. Liên kết với Israel trong diệt chủng Gaza
Nestle cũng nằm trong danh sách các công ty cần phải tẩy chay trong phong trào BDS của Palestine trước cuộc diệt chủng Gaza tàn khốc. Trong đó, Nestle có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Israel thông qua quyền sở hữu Osem - một nhà sản xuất thực phẩm của Israel đang hoạt động tại vũng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Osem là một trong những nhà sản xuất và phân phối sản phẩm lớn nhất tại Israel và được Nestle sở hữu 100%, hay nói cách khác, Osem là một công ty con thuộc Israel.
Cụ thể hơn, Nestle ủng hộ các khu định cư bất hợp pháp của Israel vùng lãnh thổ Palestine. Mối quan hệ hợp tác của Nestlé với Israel bắt đầu từ năm 1998 khi ông Peter Brabeck-Letmathe, đại diện cho Nestlé, được Thủ tướng Israel Netanyahu vinh danh với Giải thưởng Năm Thánh. Đây là giải thưởng vinh dự nhất từng được Israel trao tặng để ghi nhận những cá nhân và tổ chức đã cùng nhau củng cố nền kinh tế Israel. Chính sự công nhận này đã đặt nền móng cho sự tham gia của Nestlé vào khu vực này.
Từ năm 2002, Nestlé đã mở Trung tâm R&D ở thành phố Sderot, thể hiện sự ủng hộ của mình đối với các khu định cư bất hợp pháp của Israel trên đất chiếm đóng của người Palestine.
Với 9 nhà máy nằm trong khu định cư bất hợp pháp của Israel, Nestlé thu lợi từ việc Israel chiếm đóng Palestine và vi phạm luật pháp quốc tế khi vận hành các nhà máy này tại khu định cư bất hợp pháp của Israel, được xây dựng trên vùng đất bị đánh cắp từ người Palestine và là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Sự hiện diện công nghiệp này càng được nhấn mạnh bởi thông báo của Nestlé vào năm 2011 về việc xây dựng một nhà máy kem trị giá 40 triệu USD tại Israel.6
Nestle thống lĩnh thị trường “tự do”
Nếu cho rằng việc sống trong nền kinh tế tư bản thị trường, chúng ta sẽ có được sự tự do nhất định [để buôn bán, làm việc và lên tiếng]. Tuy nhiên, nhìn qua các sản phẩm từ công ty Nestlé, nếu không chọn uống nước từ Nestlé, chúng ta sẽ uống nước gì khi những nguồn nước sạch từ tự nhiên đã bị Nestlé mua lại để sản xuất nước đóng chai? Chúng ta sẽ uống loại cà phê nào, ăn loại bánh nào, dùng loại mỹ phẩm nào mà không phải từ Nestlé? Sự thật là chúng ta gần như chỉ có thể sử dụng những gì mà các nhà tư bản sản xuất.
Nếu nền kinh tế thị trường được cho là “tự do”, vậy thì tại sao các tập đoàn lớn lại nỗ lực tư nhân hóa nhiều loại tài nguyên thiên nhiên, phá hoại những phần còn sót lại để ép chúng ta chỉ được sử dụng những sản phẩm do họ bán ra?
“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”
Có thể thấy, không chỉ bắt đầu từ cuộc diệt chủng Gaza, mà trong suốt lịch sử, các tập đoàn, không chỉ riêng gì Nestlé, đã nhiều lần bị tẩy chay vì đồng lõa với những tội ác vô nhân đạo. Rõ ràng, bất chấp đạo đức hay diệt chủng, điều mà các tập đoàn quan tâm chỉ là lợi nhuận.
Do đó, để tiếp tục vận động phong trào tẩy chay, hãy cùng nhau tải ứng dụng No Thanks về điện thoại để kiểm tra các sản phẩm từ các công ty tiếp tay cho các cuộc diệt chủng trên thế giới, không chỉ riêng Gaza. Phong trào này sẽ đánh “đánh những đòn đau đớn” vào doanh thu và lợi nhuận của Nestlé, yêu cầu họ ngưng trục lợi và tiếp tay cho tội ác.
“Nhưng tẩy chay có thật sự có hiệu quả không?”
Có! Chưa cần nói gì về doanh thu hay cổ phiếu của Nestlé. Khi biết được sức ảnh hưởng của phong trào tẩy chay, Anh và Hoa Kỳ đã gấp rút đề ra các Dự luật “Cấm Tẩy chay”, vì “e sợ chiến dịch này có thể đe dọa đến vị thế thống trị và quyền lực kinh tế quốc gia”. Chính sự e sợ này là minh chứng cho thấy tẩy chay chính là một chiến thuật chính trị.
Chính trị vốn hay được nhắc đến là những gì vô đạo đức và toan tính nhất. Nhưng giờ đây, chúng ta phải chắc chắn rằng chính trị không thể tách rời đạo đức được nữa. Và chính trị chắc chắn sẽ không thể tách rời những con người “nhỏ bé” như chúng ta. Chúng ta là một phần của chính trị, chúng ta là chính trị!
Với sức lực “nhỏ bé” này, chúng ta đã trở thành một phần của phong trào phản chiến nhân đạo hướng về Palestine—cùng nhau Tẩy chay, Thoái vốn và Trừng phạt các tập đoàn rót tiền cho tội ác.
Bài viết được biên soạn và thiết kế bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.
Chú thích nguồn
https://miscellanynews.org/2019/12/05/opinions/exploitative-capitalism-nestles-egregious-ethics-and-you/
https://startuptalky-com.translate.goog/nestle-evil-company/?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc
https://janataweekly-org.translate.goog/nestles-blatant-misconduct-shows-us-the-darkness-of-capitalism/?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc
Annie Kelly, “Nestlé admits slavery in Thailand while fighting child labour lawsuit in Ivory Coast,” The Guardian, February 1, 2016, https://www.theguardian.com/sustainable-business/2016/feb/01/nestle-slavery-thailand-fighting-child-labour-lawsuit-ivory-coast
https://boycottisraelonline.com/reason/
Tổng hợp các nguồn tham khảo khác
https://archive.scienceforthepeople.org/vol-10/v10n1/current-opinion-why-boycott-nestle/
https://startuptalky.com/nestle-evil-company/
https://utopia.org/guide/crime-controversy-nestles-5-biggest-scandals-explained/