Đối phó với tình trạng quấy rối và thông tin cố tình gây hại nhằm vào phụ nữ trong lĩnh vực chính trị trên mạng xã hội
Bài viết được dịch từ bài đăng gốc "Tackling Online Abuse and Disinformation Targeting Women" (2020) bởi hai tác giả Lucina Di Meco và Saskia Brechenmacher tại Carnegie.
Trên toàn thế giới, nữ giới trong lĩnh vực chính trị là mục tiêu của các hành vi quấy rối và đe dọa trực tuyến, tuy nhiên các công ty truyền thông xã hội và các chính phủ vẫn chưa hành động đủ để chống lại nó.
Vào năm 2017, ngay sau khi Svitlana Zalishchuk – một nghị sĩ Ukraine – phát biểu tại Liên Hợp Quốc về những tác động của xung đột Nga-Ukraine lên phụ nữ, một bài viết giả mạo trên Twitter với nội dung khẳng định rằng “nữ nghị sĩ đã hứa sẽ chạy dọc các khu phố tại Kiev trong tình trạng khoả thân nếu như những người ủng hộ ly khai được Nga hậu thuẫn dành chiến thắng trên chiến trận chính trị” đã được lan truyền mạnh mẽ trên nền tảng mạng xã hội này. Zalishchuk chia sẻ: “Bài viết cứ thế được lan truyền trên internet trong vòng một năm”, và đã phủ lấp đi nhiều thành tựu chính trị của bà.
Zalishchuk không phải là người duy nhất trải qua điều này. Các nữ chính trị gia trên toàn thế giới đều phải chịu đựng số lượng lớn các hành vi bạo lực, quấy rối và phỉ báng trên cơ sở giới tại các nền tảng mạng xã hội. Ví dụ, một phân tích gần đây [1] về quá trình đua tranh vào Quốc hội Hoa Kỳ năm 2020 đã chỉ ra rằng: các ứng cử viên nữ có xu hướng gánh chịu bạo lực mạng nhiều hơn rất nhiều so với các ứng cử viên nam. Trên Facebook, những nữ ứng cử viên tranh cử từ Đảng Dân chủ đã nhận số lượng bình luận mang tính quấy rối cao hơn gấp 10 lần so với nam ứng cử viên. Thực trạng tương tự cũng từng được ghi nhận tại Ấn Độ [2], Anh Quốc [3], Ukraina [4] và Zimbabwe [5].
Các công ty mạng xã hội đã và đang phải chịu áp lực ngày lớn trong việc thể hiện lập trường cứng rắn hơn chống lại các phát ngôn thù ghét và quấy rối tới phụ nữ, các cộng đồng sắc tộc thiểu số và các nhóm xã hội bị lề hóa khác trên nền tảng của mình. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, các biện pháp mang tính tạm thời mà những công ty này áp dụng chưa thể được coi là đủ. Các chính phủ và các tổ chức quốc tế cần phải nhanh chóng thực hiện nhiều hơn các hành động và phát triển những chuẩn mực mới về tính minh bạch và trách nhiệm nhằm có thể phát hiện những sự độc hại đang được lan truyền rộng rãi mà đang ngầm phá hoại các tranh luận chính trị trực tuyến. Nếu được thiết kế và triển khai một cách hiệu quả, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của Châu Âu [6] và Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về Quấy rối và Lạm dụng Trực tuyến [7] do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đề xuất sẽ thể hiện các bước đi đúng hướng.
THÁCH THỨC TOÀN CẦU
Quấy rối trực tuyến chống lại các chính trị gia thường bị nhầm tưởng là điều tất yếu: xét cho cùng, hứng chịu các tấn công mang tính thù ghét là điều quá đỗi thường xuyên đối với các nhân vật công chúng. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, bản chất phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc của hiện tượng này đã và đang ngày càng nhận được sự quan tâm về mặt chính sách [8], vì phụ nữ dường như là mục tiêu quá đỗi không cân xứng của các cuộc tấn công lạm dụng và thông tin sai lệch trực tuyến.
Thực trạng này có xu hướng rõ ràng hơn đối với các nhóm đối tượng như: nữ lãnh đạo chính trị thuộc các nhóm chủng tộc, tôn giáo thiểu số hoặc các nhóm thiểu số khác [9]; những người hay xuất hiện trước công chúng [10]; và những người lên tiếng về các vấn đề nữ quyền [11]. Ví dụ, tại Ấn Độ, một điều tra của Tổ chức Ân xá quốc tế Amnesty [12] đã chỉ ra rằng: cứ mỗi 07 bài tweet nhắc tới nữ chính trị gia thì có 01 bài viết mang tính quấy rối – trong đó các nữ chính trị gia Hồi giáo và các nữ chính trị gia thuộc tầng lớp bị lề hóa phải chịu sự quấy rối nhiều hơn đáng kể so với các nữ chính trị gia thuộc các nhóm xã hội khác.
Các nữ chính trị gia, ngoài việc gánh chịu số lượng chênh lệch đáng kể các hành vi quấy rối thì còn trải qua nhiều hình thức bắt nạt khác nhau. Các cuộc tấn công nhắm đến các nam chính trị gia chủ yếu liên quan tới trách nhiệm công việc; trong khi đó, các quấy rối trực tuyến nhắm vào các nữ chính trị gia thường tập trung vào ngoại hình, giới tính và có chứa lời lẽ đe dọa tấn công tình dục, sỉ nhục hoặc tình dục hoá. Các chiến dịch phát tán thông tin cố tình gây hiểu nhầm trên cơ sở giới [13] cũng là một vấn nạn mà phụ nữ làm việc trong lĩnh vực chính trị phải gặp thường xuyên. Hành vi này được hiểu là việc lan truyền các thông tin, hình ảnh lừa dối hoặc không chính xác và thường bịa đặt nên các câu chuyện chứa yếu tố kì thị phụ nữ hoặc định kiến giới. Ví dụ, một phân tích gần đây [14] đã chỉ ra rằng, dường như một chiến dịch có tổ chức đã được diễn ra khi những tuyên bố sai sự thật về Kamala Harris đã được chia sẻ ít nhất 3000 lần/giờ trên twitter ngay sau khi bà trở thành ứng cử viên cho vị trí phó tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2020. Chiến thuật tương tự cũng được sử dụng rộng khắp tại châu Âu [15] và Brazil [16].
Việc các nữ chính trị gia và các nhà hoạt động nữ trở thành mục tiêu của các hành vi quấy rối qua mạng mang tính chiến lược chính trị có mối liên quan liên trực tiếp tới tiến trình dân chủ.
Phụ nữ bị ngăn cản trong quá trình tranh cử, bị đẩy ra khỏi ngành chính trị hoặc bị buộc phải rời xa các diễn ngôn chính trị gây ra bởi các cách thức gây tổn hại tới chất lượng quản trị của họ. Đối với những người phụ nữ kiên trì, việc quấy rối này có thể gây tổn hại về tâm lý và và lãng phí thời gian, năng lượng đáng kể; đặc biệt là khi họ phải xác định liệu các mối đe dọa trực tuyến có gây nguy hiểm cho sự an toàn ngoài đời thực của họ hay không.
ĐIỀU GÌ THÚC ĐẨY BẠO LỰC MẠNG TRÊN CƠ SỞ GIỚI?
Một số nhà khoa học chính trị và nhà tâm lý học xã hội viện dẫn tới lý thuyết vai trò giới để giải thích hành vi quấy rối và đe dọa nhằm vào các nữ chính trị gia. Trong nhiều xã hội, các đặc tính vốn hay gắn liền với các chính trị gia – ví dụ như đầy tham vọng và quyết đoán – thường được định danh cho giới nam, tức là bất cứ phụ nữ nào bộc lộ những đặc tính trên thì sẽ bị coi là vi phạm các chuẩn mực xã hội truyền thống. Các cuộc tấn công trực tuyến nhắm tới những phụ nữ tìm kiếm quyền lực chính trị, vì thế, có thể được xem như là một hình thức thực thi bảo hộ vai trò giới (gender role enforcement) [17], và các cuộc tấn công này thường có sự trợ giúp từ việc ẩn danh tính người tấn công.
Tuy nhiên, các câu chuyện về quấy rối mạng, về phân biệt giới nhắm tới phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực chính trị không chỉ là sản phẩm của sự kỳ thị phụ nữ diễn ra thường nhật nữa; đây còn là mánh khoé được triển khai bởi các chính trị gia như một chiến lược chính trị [18]. Các chính trị gia phi tự do thường khuyến khích quấy rối trực tuyến nhắm vào các nữ lãnh đạo chính trị và các nhà hoạt động nữ với chủ đích dập tắt tiếng nói của phe đối lập và nhằm hất họ ra khỏi đấu trường chính trị.
Laura Boldrini, một chính trị gia người Ý, cựu quan chức Liên Hợp Quốc, và từng nắm vị trí chủ tịch Hạ viện của quốc gia, đã tự mình chứng kiến tình huống này: ngay sau khi hứng chịu các tấn công phân biệt giới từ Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên minh phương Bắc cực hữu và các chính trị gia nam khác, bà trở thành mục tiêu của làn sóng quấy rối đe dọa và kỳ thị cả trực tuyến và ngoài đời. “Ngày nay, tại quốc gia của tôi, những lời đe doạ cưỡng bức được sử dụng để đe dọa các nữ chính trị và gạt họ ra khỏi không gian công – ngay cả các nhân vật công chúng cũng tham gia điều này.” Bà Boldrini nói thêm: “Ngay chính các nhà lãnh đạo chính trị cũng tạo điều kiện cho những kiểu phản ứng như thế này.”
CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ?
Trong những năm gần đây, các nữ chính trị gia và các nhà hoạt động đã phát động nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức về vấn đề này cũng như tác động của nó đối với tiến trình dân chủ. Tháng Tám vừa qua, Hội Phụ nữ Dân chủ Hoa Kỳ đã gửi thư tới Facebook [19] để thúc giục bảo vệ phụ nữ khỏi các cuộc tấn công trực tuyến tràn lan trên nền tảng này và sửa đổi các thuật toán đang hỗ trợ những nội dung cực đoan. Các sáng kiến ủng hộ tương tự cũng phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới, từ chiến dịch toàn cầu #NotTheCost [20] để giành lại không gian mạng an toàn tại Anh Quốc, chiến dịch #WebWithoutViolence [21] tại Đức và chiến dịch #BetterThanThis [22] tại Kenya.
Các tổ chức xã hội dân sự hỗ trợ phụ nữ trong quá trình tranh cử cũng đang đi đầu trong các chiến lược đối phó với bạo lực mạng trên cơ sở giới. Một vài tổ chức còn cung cấp các khóa đào tạo [23] và công cụ chuyên biệt [24] để giúp các nữ lãnh đạo bảo vệ bản thân và đáp trả lại các thông tin cố tình gây nhầm lẫn có tính chất phân biệt giới và chủng tộc. Tại Canada, một doanh nghiệp xã hội đã tạo ra ParityBOT [25], một con bot có tác dụng phát hiện các bài tweet độc hại về các ứng cử viên nữ và sau đó phản hồi với các tin nhắn tích cực; do vậy nó vừa đóng vai trò là cơ chế giám sát, vừa là công cụ tạo ra sự đối trọng.
Bất chấp áp lực bên ngoài ngày càng tăng từ các chính trị gia và xã hội dân sự, cho đến nay, phản hồi từ các công ty truyền thông xã hội vẫn chưa đủ thỏa đáng để giải quyết vấn đề rộng lớn và phức tạp như lan truyền thông tin cố ý gây hiểu nhầm và bạo lực mạng trên cơ sở giới. Ví dụ, trong thời gian gần đây, Facebook đã thành lập một Ban Giám sát [26] có nhiệm vụ cải thiện khả năng ra đưa ra quyết định của nền tảng này trong việc kiểm duyệt nội dung. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia còn nghi ngại [27] về khả năng đem lại sự thay đổi của Facebook khi xem xét tới phạm vi và mục tiêu còn hạn chế của Ban Giám Sát mới. Twitter cũng được cho là đã tăng cường thực thi các chính sách chống quấy rối và ngôn từ thù ghét từ nửa sau năm 2019 [28], cũng như đã mở rộng khái niệm của biểu đạt phi nhân tính. Tuy nhiên, các chính sách cho đến thời điểm hiện tại vẫn thiếu tập trung [29] vào ưu tiên sự an toàn của phụ nữ và các nhóm bị lề hóa khác. Các công ty cần đưa ra những cải cách sâu rộng hơn.
GIA TĂNG TÍNH MINH BẠCH VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NỀN TẢNG
Các nền tảng mạng xã hội lớn cần phải đảm bảo nhiều hơn nữa tính minh bạch, trách nhiệm và nhạy cảm giới vào cơ chế kiểm duyệt nội dung, khiếu nại và khắc phục hậu quả. Các nền tảng cũng cần đưa ra các biện pháp, bao gồm ban hành các thay đổi trong thực tiễn đánh giá rủi ro và thiết kế ứng dụng, để chủ động ngăn chặn sự lan truyền của các biểu đạt thù ghét trên mạng.
Cho đến nay, hầu hết các công ty công nghệ vẫn còn hệ thống kiểm duyệt nội dung thiếu sót và không rõ ràng [30]. Ví dụ, nhiều công ty mạng xã hội không tiết lộ các hướng dẫn cụ thể về những yếu tố cấu thành nên một biểu đạt thù ghét hay quấy rối, hoặc họ không tới cách thức họ sẽ thực hiện những nguyên tắc đó ra sao.
Nhằm giải quyết vấn đề này, các tổ chức phi lợi nhuận như Glitch [31] hay ISD [32] đã gợi ý các nền tảng truyền thông xã hội nên trao cho các tổ chức xã hội dân sự và các nhà nghiên cứu độc lập quyền được truy cập và phân tích dữ liệu của các nền tảng về số lượng và bản chất của các khiếu nại nhận được. Những khiếu nại này khi đó sẽ được phân loại dựa trên giới tính, quốc gia và biện pháp khắc phục cần thực hiện. Theo như Tổ chức Ân xá quốc tế [33], các công ty công nghệ cần minh bạch hơn [34] trong những vấn đề về cơ chế xử lý ngôn ngữ, số lượng người kiểm duyệt nội dung được tuyển dụng trên cơ sở vùng miền và ngôn ngữ, khối lượng các báo cáo được giải quyết và cách thức đào tạo người kiểm duyệt để nhận biết những hình thức quấy rối mang đặc trưng riêng về văn hoá, giới tính.
Cho đến ngày nay, hầu hết các công ty công nghệ tập trung vào giải quyết vấn nạn quấy rối trực tuyến chủ yếu nằm tại châu Âu và Hoa Kỳ; điều đó đã tạo ra lỗ hổng trong việc thực thi tại Nam Bán cầu [35]. Nếu một công ty càng minh bạch về năng lực kiểm duyệt nội dung hiện tại, các chính phủ và xã hội dân sự sẽ càng dễ dàng phát hiện những hạn chế và từ đó thúc đẩy những nguồn lực đầu tư đã được đề ra.
Việc chuyển sang hình thức kiểm duyệt nội dung tự động hơn cũng không thể giải quyết được sự lan tràn của quấy rối trực tuyến cũng như tính đặc trưng về giới tính, chủng tộc của hành vi này. Cho đến giờ, các công ty truyền thông xã hội đã sử dụng các công cụ tự động cho các nội dung mà có thể dễ dàng được xác định bằng các phương tiện máy móc. Tuy nhiên, những công cụ này không nhạy bén và thường có sự thiên vị [36].
Trong thời kỳ đại dịch, Facebook, Twitter, and Google đều đã sử dụng những công cụ này nhiều hơn nữa trong việc loại bỏ các nội dung độc hại. Kết quả là, một lượng lớn các tài khoản đã bị tạm ngưng hoạt động [37], số lượng các nội dung bị gắn cờ và loại bỏ cũng lớn hơn số lượng nội dung vào thời điểm trước khi đại dịch diễn ra. Nhưng một số nội dung bị loại bỏ được đăng tải bởi những nhà hoạt động nhân quyền thì họ lại không có cơ chế để khiếu nại quyết định đó, trong khi một số các nội dung thể hiện sự thù ghét một cách rõ ràng– ví dụ như các phát ngôn phân biệt chủng tộc hay bài Do Thái tại Pháp – thì vẫn tự do lưu hành trên mạng. Chloe Colliver, người đứng đầu về chiến lược và chính sách kỹ thuật số tại ISD chia sẻ [38]: “Trí tuệ nhân tạo sẽ luôn là một công cụ hạn chế, bởi vì để hiểu được cách thức hoạt động của những thông tin gây nhầm lẫn trên cơ sở giới và hành vi quấy rối trực tuyến, chúng ta cần nắm bắt bối cảnh của phát ngôn… Chúng ta cần sự kết hợp giữa những nguồn nhân lực lớn hơn và các chuyên gia để tập trung vào việc phát triển hệ thống AI sao cho việc phát hiện ra hành vi phát tán thông tin gây hiểu nhầm trên cơ sở giới có thể chính xác hơn.”
Sự gia tăng của hành vi quấy rối trực tuyến, ngôn từ thù ghét và lan truyền thông tin gây hiểu nhầm không chỉ bị thúc đẩy bởi những lỗ hổng trong khâu kiểm duyệt nội dung, mà còn bởi mô hình kinh doanh kiếm tiền từ sự tương tác của người dùng mà ít quan tâm đến rủi ro. Hiện tại, Twitter và các nền tảng khác sử dụng các thuật toán Học sâu (Deep learning) để ưu tiên phổ biến nội dung có mức độ tương tác cao [39]. Những bài đăng gây kích động thường nhanh chóng có nhiều bình luận và lượt chia sẻ, đồng nghĩa với việc thuật toán cung cấp thông tin sẽ cho hiển thị những bài đăng đó tới nhiều người hơn. Do vậy những bài đăng về quấy rối trực tuyến sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh giật gân nhắm tới các nữ chính trị gia thường phát tán nhanh chóng. Mức độ tương tác cao hơn tạo ra nhiều dữ liệu hành vi người dùng hơn – thứ mang lại doanh thu quảng cáo; điều đó có nghĩa là, về mặt tài chính, các công ty truyền thông xã hội hiện có ít động cơ để thay đổi hiện trạng này.
Những người ủng hộ và các chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất khác nhau để giải quyết vấn đề này. Ví dụ, các công ty truyền thông xã hội có thể chủ động điều chỉnh hệ thống gợi ý của họ để hạn chế người dùng tiếp cận các nội dung thù ghét. Họ cũng có thể cải thiện cơ chế phát hiện và tạm dừng các thuật toán khuếch đại các phát ngôn thù ghét trên cơ sở giới và chủng tộc – đây là một biện pháp mà nhiều tổ chức cũng đã đề xuất [40] nhằm giải quyết vấn đề lan truyền thông tin sai/thông tin gây nhầm lẫn có liên quan tới đại dịch. Đồng thời, các công ty có thể công bố và giải thích những hoạt động hiện đang gần như nằm ngoài sự giám sát của công chúng, như các thuật toán định hình nội dung và các hệ thống nhắm mục tiêu quảng cáo của mình.
Ngoài ra, họ có thể cải thiện các hoạt động đánh giá rủi ro [41] trước khi tung ra các sản phẩm, công cụ mới hoặc trước khi mở rộng bối cảnh chính trị và văn hóa mới. Hiện tại, khâu kiểm duyệt nội dung bị loại bỏ trong việc thiết kế sản phẩm và trong lĩnh vực kỹ thuật, đồng nghĩa với việc các công ty truyền thông xã hội lựa chọn điều tra và giải quyết các khiếu nại, thay vì xây dựng một cơ chế “gia tăng ma sát” (increase friction) [42] và cản trở sự lan truyền của các phát ngôn thù ghét, thông tin gây hiểu nhầm trên cơ sở giới ngay từ ban đầu. Hơn nữa, các quyết định liên quan tới rủi ro thường được đưa ra chủ yếu bởi các nhân viên cấp cao nam giới da trắng: sự đồng nhất này thường dẫn tới sự thiếu nhạy cảm về giới tính và chủng tộc trong khâu phát triển và triển khai sản phẩm. Trong tất cả những lĩnh vực này, nhiều chuyên gia kêu gọi [43] mức độ minh bạch cao hơn và cần có sự hợp tác nhiều hơn [44] với các chuyên gia bên ngoài, bao gồm các nhà nghiên cứu làm việc về công nghệ nhân đạo và thiết kế về dân tộc.
ĐẨY MẠNH CÁC HÀNH ĐỘNG TỪ CHÍNH PHỦ
Với những hạn chế của các công ty công nghệ cho tới thời điểm hiện tại, các chính phủ dân chủ cũng phải trở nên có trách nhiệm hơn. Thay vì yêu cầu các công ty truyền thông xã hội trở thành người phán xử các phát ngôn trên mạng, các chính phủ cần nâng cao việc mở rộng hành lang pháp lý để yêu cầu các nền tảng cần phải minh bạch hơn trong hoạt động kiểm duyệt và thiết lập các thuật toán của mình, cũng như bảo đảm tuân thủ pháp luật thông qua cơ chế giám sát và giải trình trách nhiệm độc lập. Các chính phủ cũng nắm một vai trò quan trọng trong việc việc hỗ trợ vận động xã hội dân sự, nghiên cứu và giáo dục cộng đồng về các hình thức quấy rối trực tuyến mang tính phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc.
Trong nỗ lực giảm thiểu hành vi lạm dụng, quấy rối và phát ngôn thù ghét trên các nền tảng truyền thông xã hội, làn sóng pháp luật đầu tiên – với mục tiêu như trên – đã tập trung chủ yếu vào việc hình sự hoá và xoá bỏ các hình thức khác nhau của nội dung độc hại trên môi trường mạng. Một số đã nhắm tới thủ phạm cá nhân. Ví dụ, tại Anh Quốc, các quy định pháp lý được ban hành vào năm 2016 [45] và năm 2018 [46] cho phép Cơ quan Công tố Anh Quốc truy tố những kẻ lừa đảo trên internet thực hiện các hành vi như: tạo hashtag xúc phạm, tham gia vào bắt nạt tập thể trên mạng (xúi giục nhiều người quấy rối người khác) hoặc lan truyền hình ảnh đã qua chỉnh sửa. Vào năm 2019, Mexico đã thông qua điều luật mới cụ thể nhắm đến quấy rối trực tuyến trên cơ sở giới tính: luật này trừng phạt những người tạo ra hoặc phổ biến hình ảnh, video gợi tình của phụ nữ hoặc tấn công phụ nữ trên mạng xã hội với mức án lên đến 09 năm tù. Luật cũng bao gồm khái niệm “Bạo lực Kỹ thuật số” [47] được quy định trong Bộ luật hình sự Mexico.
Những cải cách pháp lý như vậy là bước tiến quan trọng, đặc biệt nếu những cải cách này được kết hợp với nguồn lực có mục tiêu và việc đào tạo thực thi pháp luật. Các nữ chính trị gia thường báo cáo [48] rằng các quan chức thực thi pháp luật thường chưa chú trọng đầy đủ tới những trải nghiệm về đe dọa và quấy rối trực tuyến của các họ. Các cải cách pháp lý và quy tắc hướng dẫn truy tố có thể giúp thay đổi hiện trạng này. Tuy nhiên, những nỗ lực truy tìm từng thủ phạm thì không đủ để giải quyết một cách tổng thể mức độ của hành vi quấy rối, lạm dụng trực tuyến có tính chất kỳ thị phụ nữ nhắm tới các nữ chính trị gia, phụ nữ và trẻ em ở hiện tại; kể cả khi hành lang pháp luật áp dụng có tồn tại, các ngưỡng truy tố được đẩy lên cao và không phải tất cả nạn nhân muốn khiếu kiện. Hơn nữa, các thủ phạm ẩn danh thường khó để có thể truy vết, và khối lượng vụ việc dễ dàng vượt quá khả năng của cảnh sát hiện tại. Ví dụ, tại Anh Quốc, trong các vụ việc kết tội về tội ác thù ghét trực tuyến được cảnh sát xử lý, chỉ có chưa đầy 1% số vụ việc phải chịu án phạt thực sự [49].
Một số các quốc gia khác đã thông qua các văn bản luật và quy định nghĩa vụ xoá bỏ các tài liệu bất hợp pháp đối với các công ty truyền thông xã hội. Ví dụ, vào năm 2017, Đức đã đưa ra bộ luật mới [50] yêu cầu các nền tảng phải loại bỏ các phát ngôn thù ghét hay nội dung phạm pháp trong vòng 24 giờ, nếu không thì sẽ có thể bị phạt lên tới hàng triệu đô. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã dấy lên nhiều lo ngại mạnh mẽ giữa các nhà hoạt động nhân quyền, họ lập luận rằng các chính sách trên có thể khiến cho các công ty truyền thông xã hội phải xác định các yếu tố cấu thành nên một phát ngôn hợp pháp mà không cung cấp các cơ chế thích hợp để giám sát tư pháp hoặc biện pháp khắc phục tư pháp. Tháng 6/2020, Tòa án hiến pháp của Pháp đã hủy bỏ [51] một đạo luật tương tự do lo ngại về sự vượt quá khả năng và vấn đề kiểm duyệt. Các tổ chức nữ quyền và chống phân biệt chủng tộc của Pháp đã từng lên tiếng chỉ trích chính sách này trước đó [52], cho rằng biện pháp này có thể hạn chế các phát ngôn ủng hộ việc chống lại thù ghét và chủ nghĩa cực đoan trực tuyến; và các nạn nhân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các khoản đầu tư bền vững vào các biện pháp pháp lý hiện có.
Trước những thách thức kể trên, nhiều nhà nghiên cứu và nhà vận động đã bắt đầu thúc đẩy các công ty truyền thông xã hội chuyển từ các quy tắc đơn thuần dựa trên nội dung sang một hệ thống quy tắc toàn diện hơn [53]. Một ví dụ về cách tiếp cận này là Sách trắng về Các mối nguy hại trực tuyến [54] năm 2019 của Anh Quốc, trong đó “đề xuất thiết lập trong luật một nghĩa vụ chăm sóc mới đối với người dùng” để chủ động đối phó với những rủi ro có thể xảy ra mà người dùng trên các nền tảng có thể gặp phải, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý độc lập. Khung pháp lý được đề xuất này [55] — cũng là sự chuẩn bị cho sự ra đời của một luật mới tại Anh Quốc vào đầu năm 2021 — sẽ “phác thảo các hệ thống, thủ tục, công nghệ và các khoản đầu tư, (nhân sự, hoạt động đào tạo và hỗ trợ những người kiểm duyệt) mà các công ty cần áp dụng để giúp chứng minh rằng họ đã hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc người dùng của mình.” Khung pháp lý này cũng sẽ đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về tính minh bạch và yêu cầu các công ty đảm bảo rằng thuật toán của họ không khuếch đại tài liệu cực đoan và không đáng tin cậy vì lợi ích của người dùng.
Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của Hội đồng Châu Âu [56], hiện đang trong quá trình xây dựng, là một cơ hội khác để thúc đẩy cách tiếp cận pháp lý tập trung vào phòng chống các mối nguy hại. Đạo luật này cần yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội minh bạch hơn về các phương pháp kiểm duyệt nội dung và hệ thống thuật toán, cũng như yêu cầu các phương pháp đánh giá rủi ro tốt hơn. Nó cũng nên khuyến khích các công ty tránh xa mô hình kinh doanh coi trọng sự tương tác của người dùng hơn mọi thứ khác [57].
Tất nhiên, ngoài việc thông qua và cho thực thi các quy định quản lý các nền tảng, các chính phủ còn có thể tiến hành nhiều biện pháp khác nữa. Họ có thể thúc đẩy giáo dục kỹ thuật số cho công dân trong chương trình giảng dạy ở trường để đảm bảo rằng thanh thiếu niên và người trẻ tuổi phát triển các kỹ năng nhận biết và báo cáo những hành vi trực tuyến không phù hợp cũng như biết giao tiếp một cách tôn trọng trên nền tảng mạng. Ở châu Âu, trong một phần của các cuộc đàm phán xung quanh Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, các nhà hoạt động đang yêu cầu chính phủ dành một phần Thuế Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Service Tax) [58] số để tài trợ cho các hoạt động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết vấn đề lạm dụng trực tuyến, bao gồm nghiên cứu bổ sung về các đặc trưng về giới tính và phân biệt chủng tộc của hành vi quấy rối trực tuyến. Tại Hoa Kỳ, một đề xuất đã rất được hoan nghênh của tổng thống Biden [59] là về việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm quốc gia—tập hợp các cơ quan liên bang và tiểu bang, những nhà hoạt động, cơ quan bảo đảm thực thi pháp luật và các công ty công nghệ lại với nhau — để giải quyết vấn đề quấy rối và lạm dụng trực tuyến cũng như nhận thức được mối liên hệ của các hành vi trên với chủ nghĩa cực đoan và bạo lực chống lại phụ nữ; đây cũng là bước tiến quan trọng để đi đến phát triển các giải pháp dài hạn. Các đề xuất đáng hoan nghênh khác của ông bao gồm việc phân bổ kinh phí mới cho các khóa đào tạo thực thi pháp luật về các hành vi quấy rối và đe dọa trực tuyến cũng như hỗ trợ hoạt động lập pháp trong việc thiết lập nguyên nhân hành động (cause of action) dân sự và hình sự đối với hành vi tiết lộ trái phép hình ảnh gợi cảm.
TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?
Vấn đề quấy rối và lạm dụng dựa trên sự phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc nhắm vào các nữ lãnh đạo chính trị đã vượt ngoài khỏi không gian trực tuyến: các phương tiện truyền thông truyền thống, các đảng phái chính trị và xã hội dân sự đều đóng vai trò quan trọng trong việc cam kết hành động và định hình các diễn ngôn chính trị nhân văn và tôn trọng hơn.
Tuy vậy, các công ty truyền thông xã hội có trách nhiệm chính trong việc ngăn chặn sự khuếch đại lạm dụng trực tuyến và thông tin sai lệch—điều mà hiện tại họ đang không thực hiện được. Trong bối cảnh đại dịch vi-rút corona đã đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi sang tổng động viên và vận động trực tuyến trên toàn cầu, giờ đây các chính phủ càng cần phải buộc các công ty này chịu trách nhiệm giải quyết tất cả các hình thức ngôn từ kích động thù địch, quấy rối và lan truyền thông tin sai lệch trên nền tảng của họ. Cả lực lượng đặc nhiệm quốc gia do Tổng thống Biden đề xuất và Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của Liên minh Châu Âu đều đại diện cho các cơ hội quan trọng trong việc phát triển các phương pháp tiếp cận mới đối với các quy định yêu cầu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn trong việc kiểm duyệt nội dung, ra quyết định bằng thuật toán và đánh giá rủi ro.
Những nỗ lực cải cách này cần phải được soi chiếu qua lăng kính giới. Như Boldrini nhấn mạnh, “Việc lên tiếng chống lại phân biệt giới tính và kỳ thị phụ nữ trong xã hội của chúng ta là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh phong trào toàn cầu chống lại quyền của phụ nữ được khơi mào bởi phe cực hữu. Đã đến lúc bắt đầu một cuộc cách mạng nữ quyền mới để bảo vệ các quyền mà chúng ta đang có—cũng như giành được các quyền mới.” Đảm bảo rằng tất cả các nữ lãnh đạo chính trị và nhà hoạt động nữ có thể tham gia vào các quy trình dân chủ trực tuyến mà không sợ bị quấy rối, đe dọa và lạm dụng sẽ là trọng tâm của cuộc đấu tranh này.
Bài đăng được dịch và biên soạn bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.
CHÚ THÍCH NGUỒN:
[1] https://www.isdglobal.org/isd-publications/public-figures-public-rage-candidate-abuse-on-social-media/
[2] https://www.amnesty.org.uk/press-releases/india-women-politicians-face-shocking-scale-abuse-twitter-new-research
[3] https://www.amnesty.org.uk/press-releases/uk-online-abuse-against-black-women-mps-chilling
[4] https://www.ifes.org/sites/default/files/online_violence_against_women_in_politics_in_ukraine.pdf
[5] https://www.ifes.org/sites/default/files/vawie_in_zimbabwe_july_2018.pdf
[6] https://ec.europa.eu/digital-single-market/en/digital-services-act-package
[7] https://www.refinery29.com/en-us/2020/11/10163218/biden-harris-task-force-online-harassment-abuse-plan-details
[8] https://static1.squarespace.com/static/5dba105f102367021c44b63f/t/5dc431aac6bd4e7913c45f7d/1573138953986/191106+SHEPERSISTED_Final.pdf
[9] https://amnesty.org.in/wp-content/uploads/2020/01/Troll-Patrol-India-Findings.pdf
[10] https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/2053168018816228
[11] https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/1461444816688457
[12] https://amnesty.org.in/wp-content/uploads/2020/01/Troll-Patrol-India-Findings.pdf
[13] https://www.unwomen.org/-/media/headquarters/attachments/sections/csw/65/egm/di%20meco_online%20threats_ep8_egmcsw65.pdf?la=en&vs=1511
[14] https://www.washingtonpost.com/opinions/2020/10/07/kamala-harris-sexist-racist-attacks-spread-online/?arc404=true
[15] https://www.isdglobal.org/isd-publications/public-figures-public-rage-candidate-abuse-on-social-media/
[16] https://www.unwomen.org/-/media/headquarters/attachments/sections/csw/65/egm/biroli_violence_ep9_egmcsw65.pdf?la=en&vs=3444
[17] http://mlkrook.org/pdf/pyg_2016.pdf
[18] https://www.theguardian.com/world/2016/dec/27/india-bjp-party-ordering-online-abuse-opponents-actors-modi-claims-book
[19] https://speier.house.gov/2020/8/democratic-women-s-caucus-speaker-pelosi-send-letter-to-facebook-demanding-it-stop-the-spread-of-gendered-disinformation-and-misogynistic-attacks-against-women-leaders
[20] https://www.ndi.org/not-the-cost
[21] https://netzohnegewalt.org/against-the-rollback-on-the-web-digital-violence-concerns-us-all/
[22] https://www.ifes.org/news/kenyans-say-we-are-betterthanthis-aiming-support-womens-participation-elections
[23] https://www.equalitylabs.org/
[24] https://securityinabox.org/en/women-hrds/digital-security-for-whrds/
[25]
https://aretolabs.com/
[26] https://about.fb.com/news/2020/05/welcoming-the-oversight-board/
[27] https://accountabletech.org/wp-content/uploads/2020/06/Move-Slow-and-Fake-Things.pdf
[28] https://techcrunch.com/2020/08/19/twitter-claims-increased-enforcement-of-hate-speech-and-abuse-policies-in-last-half-of-2019/
[29] https://www.amnesty.org/en/latest/research/2018/03/online-violence-against-women-chapter-8/#topanchor
[30] https://www.theverge.com/2016/4/13/11387934/internet-moderator-history-youtube-facebook-reddit-censorship-free-speech
[31] https://fixtheglitch.org/
[32] https://www.isdglobal.org/isdapproach/
[33] [34] https://amnesty.org.in/wp-content/uploads/2020/01/Troll-Patrol-India-Findings.pdf
[35] https://webfoundation.org/2020/08/activists-and-tech-companies-met-to-talk-about-online-violence-against-women-here-are-the-takeaways/
[36] https://www.brookings.edu/articles/how-should-social-media-platforms-combat-misinformation-and-hate-speech/
[37] https://www.americanprogress.org/article/fighting-coronavirus-misinformation-disinformation/
[38] https://www.newamerica.org/oti/reports/its-not-just-content-its-business-model/so-what-should-companies-do
[39] https://onezero.medium.com/the-risk-makers-720093d41f01
[40] https://www.americanprogress.org/issues/technology-policy/reports/2020/08/18/488714/fighting-coronavirus-misinformation-disinformation/
[41] https://www.isdglobal.org/wp-content/uploads/2020/10/Public-Figures-Public-Rage-4.pdf
[42] https://www.humanetech.com/designguide
[43] [44] https://www.bbc.com/news/uk-37601431
[45] https://www.cps.gov.uk/legal-guidance/social-media-guidelines-prosecuting-cases-involving-communications-sent-social-media
[46] https://vozdeladiasporanews.com/en/mexico-castigara-con-hasta-nueve-anos-de-carcel-el-ciber-acoso-a-mujeres/
[47] https://www.independent.co.uk/voices/mps-abuse-online-anna-soubry-female-politicians-rape-threats-research-jo-cox-a8726796.html
[48] https://www.theguardian.com/politics/2019/sep/26/abuse-is-virtually-constant-female-mps-speak-about-the-threats-they-face
[49] https://www.independent.co.uk/news/uk/home-news/online-hate-crime-report-charge-sadiq-khan-a9263316.html
[50] https://www.hrw.org/news/2018/02/14/germany-flawed-social-media-law
[51] https://www.nytimes.com/2020/06/18/world/europe/france-internet-hate-speech-regulation.html
[52] https://www.isdglobal.org/wp-content/uploads/2020/10/Public-Figures-Public-Rage-4.pdf
[53] https://www.isdglobal.org/wp-content/uploads/2020/10/Public-Figures-Public-Rage-4.pdf
[54] https://www.gov.uk/government/consultations/online-harms-white-paper
[55] https://www.gov.uk/government/consultations/online-harms-white-paper/online-harms-white-paper
[56] https://www.dacbeachcroft.com/en/gb/articles/2020/october/digital-services-and-the-digital-services-act-where-are-we-now/
[57] https://www.wired.com/story/why-dont-we-just-ban-targeted-advertising/
[58] https://taxfoundation.org/data/all/global/digital-tax-europe-2020/
[59] https://fortune.com/2020/11/09/president-elect-joe-biden-national-task-force-online-harassment-abuse-hate-speech/