Phong trào sinh viên phản chiến: Từ chiến tranh Việt Nam đến Diệt chủng Gaza
Từ sông sâu đến biển rộng, Palestine tự do đồng lòng.
Năm 2024, phong trào phản chiến ôn hòa của sinh viên tại các trường Đại học Mỹ nhằm kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn tại Dải Gaza và tự do cho Palestine đã làm cả thế giới dậy sóng. Nhìn lại lịch sử bạo lực - xung đột trên thế giới, phong trào phản chiến từ lâu đã trở thành một công cụ phản kháng hữu hiệu chống lại chiến tranh, đấu tranh cho dân quyền.
Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam
Năm 1965, Tổng thống Lyndon Johnson chính thức tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện của quân đội Mỹ và tập trung vào các chiến dịch đánh bom ở miền Bắc Việt Nam, mặc cho lời hứa sẽ “rút quân về nước và chấm dứt cuộc xung đột dài một thập kỷ”. Từ lời nói dối này, chiến tranh Việt Nam đã chính thức trở thành tâm điểm của các hoạt động chính trị của sinh viên nước Mỹ lúc bấy giờ. [2]
Khởi đầu bằng buổi “teach-in" được tổ chức bởi Hội sinh viên vì Xã hội Dân chủ thiên tả (SDS) nhằm phản đối chiến lược quân sự trên không và trên bộ của Hoa Kỳ tại chiến trường Việt Nam, phong trào phản chiến của sinh viên đã bắt đầu nhen nhóm tại Hoa Kỳ. Kể từ đây, nhiều nhóm sinh viên khác mọc lên khắp cả nước để vận động cho những quyền tương tự, họ sử dụng các chiến thuật bất tuân dân sự, chiếm đóng, tập hợp và huy động lực lượng, hô khẩu hiệu, vẽ tranh,.. để thể hiện ý chí của họ. [3]
Đến tháng 11 năm 1967, quân số Mỹ ở Việt Nam lên đến 500.000 người và Mỹ đã tiêu tốn khoảng 25 tỷ USD mỗi năm cho cuộc chiến này khiến ngân sách quốc gia thâm hụt nặng nề, hơn 40.000 thanh niên bị gọi nhập ngũ mỗi tháng, nỗi thất vọng và bất mãn bắt đầu chiếm đóng tâm hồn của người Mỹ - những điều này đã trở thành ngòi châm cho phong trào phản chiến của sinh viên Mỹ.
Chống lại nền giáo dục quân phiệt của Hoa Kỳ: Chiến tranh Việt Nam
Phần lớn các trường đại học công lập ở Mỹ đều có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Hoa Kỳ và bộ phận tình báo CIA trong việc nghiên cứu và phát triển các học thuyết Chiến tranh - Quân sự, từ Chiến tranh Lạnh cho đến Diệt chủng Gaza ở hiện tại.
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh và chiến tranh Việt Nam, các trường Đại học ở Hoa Kỳ, thay vì xuất ngũ sau thế chiến thứ II, các giáo sư, học giả và quan chức nhà nước đã thắt chặt quan hệ hợp tác. Chính phủ Hoa Kỳ đã khuyến khích mạnh mẽ và đổ hàng triệu đô la vào các chương trình giảng dạy về Nghệ thuật Chiến tranh, Chiến lược Quân sự, đào tạo và tuyển dụng sinh viên phục vụ cho quân đội và thủy quân, cũng như phục vụ cho sứ mệnh bá quyền của Hoa Kỳ. [7] James McNaughton Hester - cựu thủy quân lục chiến ở Nhật Bản đã viết trong tiểu sử của mình: “Vũ khí tối thượng không phải bom khí mà là giáo dục”.
Nhận thấy được các mối quan hệ giữa bộ máy chiến tranh, tình báo Mỹ và các trường Đại học Mỹ, các nhóm sinh viên đã tổ chức một loạt các cuộc biểu tình ở các thành phố và trường đại học lớn của Mỹ như New York, Columbia, Harvard và Berkeley bằng các chiến lược chiếm đóng, ngồi, ca hát và hô to khẩu hiệu phản chiến.
Những người biểu tình tuần hành trong Sinh viên vì Xã hội Dân chủ phản đối sự tham gia của Hoa Kỳ vào Chiến tranh Việt Nam và ủng hộ Mặt trận Giải phóng Dân tộc ở Boston vào ngày 26 tháng 4 năm 1969. Nguồn: Charles Dixon / The Boston Globe
Sinh viên các trường đại học không chỉ phản đối các quy định cấm tổ chức các hoạt động chính trị tại trong khuôn viên trường, mà còn phản đối các hạn chế của trường đại học về tự do ngôn luận và hội họp chính trị. Họ phản đối hành động đế quốc của Mỹ và các mối liên hệ giữa các trường Đại học với thảm kịch xảy ra tại Việt Nam. Họ phản đối việc các trường đại học và các tổ chức học thuật đồng lõa với hoạt động ủng hộ chiến tranh và tiếp tay cho bạo lực quân sự.
Điển hình tại trường Harvard, sinh viên yêu cầu dỡ bỏ các chương trình ROTC (Quân đoàn Huấn luyện Sĩ quan Dự bị) - một chương trình đào tạo sinh viên trở thành sĩ quan chính thức của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ. Trong một bài xã luận trên Harvard Crimson đã lên án: “ROTC được dựa trên quan điểm rằng, các trường đại học phải phục vụ nhu cầu chiến tranh của đất nước”.[2]
Sự hiện diện của các chương trình huấn luyện, tuyển dụng quân sự (ROTC), nghiên cứu phục vụ chiến tranh, chế tạo vũ khí hóa học, bom, vũ khí hạng nặng tại các trường đại học là minh chứng rõ ràng cho thấy sự liên quan mật thiết giữa các trường đại học, các tổ chức học thuật Mỹ với Chiến tranh Việt Nam. [4]
Mặt khác, sinh viên cũng nhắm vào các công ty sản xuất vũ khí, đặc biệt là công ty Dow Chemical - nơi sản xuất bom napalm. Các cuộc biểu tình phản chiến đầu tiên chống lại Dow Chemical và chiến dịch tuyển dục sinh viên làm việc tại Dow được diễn ra vào tháng 10 năm 1966 và lan rộng đến hàng trăm trường đại học.[4] Họ đã chặn cửa ra vào của công ty Dow Chemical và hủy bỏ các chiến dịch tuyển dụng sinh viên làm việc tại Dow. Họ đã xem bom napalm là biểu tượng của Chiến tranh Việt Nam - là dấu chấm hỏi cho tính đạo đức của các chiến lược quân sự, cũng là dấu chấm hết cho lòng nhân đạo trong chiến tranh. [3]
Đồng thời, sinh viên và giảng viên phản chiến cũng từ chối, loại bỏ các nghiên cứu quân sự tại các trường đại học Mỹ và buộc tội cả ban quản lý và các giáo sư làm việc trong các dự án mật của chính phủ là đồng lõa trong Chiến tranh Việt Nam.
Một nhà lãnh đạo của nhóm Sinh viên vì Xã hội Dân chủ của Đại học Queens nói chuyện với các sinh viên trong cuộc biểu tình tại tòa nhà hành chính của trường đại học. Ngày 16 tháng 4 năm 1969. Nguồn: Vic DelLucia/ New York Times Archives.
Phong trào phản chiến lan rộng
Ngày 21/10/1967, một cuộc biểu tình phản chiến nổi bật nhất với quy mô hơn 100.000 người tập trung tại Đài tưởng niệm Lincoln, khoảng 30.000 người tiếp tục tuần hành tại Lầu Năm Góc trong cùng ngày hôm đó đã có cuộc đụng độ tàn bạo với nhân viên an ninh và Cảnh sát, sau đó, hàng trăm nghìn người đã bị bắt giữ.
Phong trào phản chiến tiếp tục được thúc đẩy sau tuyên bố của nhà lãnh đạo dân quyền Martin Luther King Jr., ông phản đối chiến tranh, phê phán việc chi tiêu công trong nước bị thâm hụt do các hoạt động quân sự, đồng thời lên án tỷ lệ bất cân xứng giữa quân nhân da màu và quân nhân da trắng đã tử trận trong cuộc chiến (vì tỷ lệ người da màu bị gọi/bắt buộc nhập ngũ và chiến đấu cảm tử cao hơn người da trắng). Martin Luther King Jr. đã gọi Chiến tranh Việt Nam là “sự báng bổ cho tất cả những gì nước Mỹ đại diện”. [2]
Sinh viên ngừng học tập và đổ xô vào khuôn viên trường Đại học Columbia tại thành phố New York để phản đối Chiến tranh Việt Nam. Ngày 26 tháng 4 năm 1969, Nguồn Arty Pomerantz / New York Post Archives / (c) NYP Holdings.
Đến năm 1969, phong trào phản chiến tiếp tục được phát triển nhanh chóng, hàng trăm nghìn người (trong đó phần lớn là sinh viên) đã đổ xuống đường, giương cao khẩu hiệu phản chiến, yêu cầu nền hòa bình vĩnh cữu. Trong các tiểu đoàn quân đội, quân lính bắt đầu từ chối mệnh lệnh, in các tờ báo phản chiến và tổ chức các cuộc binh biến nhằm chống lại lệnh tham chiến, làm tê liệt khả năng hoạt động của quân đội. [4]
“Chúng ta sẽ không dừng lại. Chúng ta sẽ không ngơi nghỉ" : Từ chiến tranh Việt Nam đến Diệt chủng Gaza
Tương tự như với Chiến tranh Việt Nam, để phản đối chiến dịch diệt chủng của Israel đối với người Palestine tại Dải Gaza, sinh viên các trường đại học tại Mỹ đã tham gia vào chiến dịch “cắm trại đoàn kết” trong khuôn viên trường, nhằm yêu cầu các trường đại học cắt toàn bộ các mối liên hệ tài chính và học thuật có liên quan đến Israel.
Tiếp nối phong trào “tẩy chay” nền học thuật quân phiệt của Hoa Kỳ
Những người ủng hộ Palestine tiếp tục tổ chức cắm trại biểu tình trong khuôn viên Đại học Columbia vào ngày 26 tháng 4 năm 2024 tại Thành phố New York. Hôm nay, tất cả các lớp học tại Đại học Columbia đã được tổ chức ảo sau khi Chủ tịch Minouche Shafik thông báo chuyển sang học trực tuyến để đối phó với tình trạng này khuôn viên trường. (Ảnh của Spencer Platt/Getty Images)
Đại học Columbia
Ngày 17/4, khởi đầu bởi sự kiện cắm trại biểu tình của sinh viên trong sân trường Đại học Columbia, yêu cầu ban quản trị trường thoái vốn khỏi các công ty và tổ chức trục lợi từ chế độ phân biệt chủng tộc, diệt chủng và chiếm đóng của Israel tại Palestine.
Hưởng ứng hành động của sinh viên Đại học Columbia, nhiều tổ chức do sinh viên điều hành tại các trường đại học khác trên cả nước cũng tích cực kêu gọi và ủng hộ phong trào Tẩy chay, Thoái vốn, Trừng phạt (BDS).[5]
Đại học Binghamton
Tháng 4/2024, Đại hội Hiệp hội Sinh viên Binghamton đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết BDS nhằm phản đối sự liên kết giữa trường và các công ty sản xuất vũ khí. Cụ thể, công ty Lockheed Martin và BAE Systems - một trong những nhà thầu quân sự lớn nhất thế giới, có mối liên hệ chặt chẽ với trường Đại học Binghamton. Hai công ty này đã đầu tư quỹ học phí và tài trợ cho ngành sản xuất vũ khí chiến tranh và huỷ diệt hàng loạt, tuyển dụng sinh viên trường vào làm việc, đồng thời sản xuất, bán và vận chuyển vũ khí cho Israel tại Gaza.[6]
Sinh viên Đại học Thành phố New York và những người ủng hộ Palestine tập hợp bên ngoài trường học ngày 22.4.24. Nguồn: AP
Đại học Thành phố New York (NYU)
Trong một bài báo cáo bởi VICE, NYU là một trong những trường đại học được quân sự hóa nhiều nhất trong nước, nhận được 16.282.000 USD từ nguồn tài trợ Nghiên cứu và Phát triển của Bộ Quốc phòng năm 2013.
Một cuộc điều tra của công ty công nghệ Cisco có trụ sở tại Hoa Kỳ tiết lộ rằng họ đã thiết lập quan hệ đối tác lâu dài với Israel vào năm 2018 để phát triển các trung tâm làm việc chung do chính phủ trợ cấp nhằm giúp tích hợp các thị trấn nhỏ và vùng sâu vùng xa với ngành công nghệ cao của Israel. Một số trung tâm này ít nhất đã được thành lập một phần tại “Palestine và Syria bị chiếm đóng”. Việc Israel chiếm đóng Bờ Tây (Palestine) và Cao nguyên Golan (Syria) bị hầu hết các quốc gia coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.[7]
Sinh viên đã nghỉ học và cắm trại, ca hát và đọc sách về Palestine trong khuôn viên trường nhằm kêu gọi NYU “chấm dứt tất cả các hợp đồng với nhà cung cấp với các công ty đóng vai trò tích cực trong việc chiếm đóng quân sự ở Palestine và nạn diệt chủng đang diễn ra ở Gaza, cụ thể là Cisco, Lockheed Martin, Caterpillar và General Electric.”[7]
Đại học Case Western Reserve
Năm 2022, Hội đồng Sinh viên trường đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết “xét lại nguồn quỹ đầu tư của trường vào các công ty Israel”. Nghị quyết kêu gọi thoái vốn khỏi các công ty đã “tạo điều kiện xây dựng, bảo trì và phát triển kinh tế các khu định cư, tiền đồn bất hợp pháp của Israel, cũng như các hệ thống giao thông dành riêng cho người Israel định cư trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.”[6]
Tuy nhiên, Hiệu trưởng trường Eric W. Kaler đã bày tỏ “sự thất vọng đối với nghị quyết này” và cam kết “CWR là nơi tiếp tục chào đón tất cả mọi người.”[7]
Đại học California, Davis
Vào tháng 2 năm 2024, hội đồng sinh viên UC Davis (ASUCD) đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết BDS nhằm ngăn chặn việc chi ngân sách của nhóm cho các công ty hỗ trợ Israel.
"Dự luật phản đối bất kỳ khoản tiền nào trong số 20 triệu đô la trong ngân sách ASUCD được chi cho các công ty đồng lõa với việc chiếm đóng và diệt chủng người Palestine của Israel.”
Đến nay, khi Rafah bị đánh bom và Tulkarem bị xâm chiếm bởi Israel, họ yêu cầu thoái vốn ngay lập tức khỏi các công ty sản xuất vũ khí quân sự cho nhà nước Israel, tẩy chay học thuật và nghiên cứu liên quan đến Chủ nghĩa Phục quốc Do thái, hay nhà nước Diệt chủng Israel.
“Từ McDonald's đến Sabra đến Chevron, không có bất cứ số tiền học phí nào của chúng tôi sẽ tài trợ cho các hoạt động của ASUCD nhằm hỗ trợ tài chính cho hơn 30 công ty đồng lõa với bạo lực của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái". [6]
UCLA
Vào tháng 2 năm 2024, Hội đồng Hiệp hội Sinh viên Đại học UCLA và Hiệp hội Sinh viên Sau đại học đều bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của BDS, trong đó cáo buộc Israel "phân biệt chủng tộc, thanh lọc sắc tộc và diệt chủng" chống lại người Palestine.[8]
Đại học Harvard
Báo cáo từ The Harvard Crimson vào năm 2020 cho thấy công ty quản lý các khoản đầu tư của quỹ Harvard, đã đầu tư hơn 194 triệu USD vào Booking Holdings, một công ty mà Liên Hợp Quốc liệt kê là có quan hệ với các khu định cư của Israel ở Bờ Tây. Các sinh viên ủng hộ Palestine tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết trường đại học này đã nhận hơn 11 triệu USD từ Bộ Quốc phòng Israel.[9]
Hưởng ứng làn sóng “cắm trại đoàn kết”, sinh viên Harvard cũng tổ chức nằm “giả chết" tại sân trường nhằm lên án các công ty quản lý các khoản đầu tư của quỹ Harvard.
Phong trào sinh viên và sức mạnh của “chiến thuật gián đoạn”
Từ biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam cho đến Diệt chủng Gaza tại các trường Đại học Mỹ, phong trào phản chiến của sinh viên đã đóng vai trò quan trọng tạo nên nhiều sự chuyển đổi chính trị và xã hội. Điều gì làm cho các phong trào được dẫn dắt bởi sinh viên tạo nhiều tiếng vang đến vậy? Câu trả lời nằm ở chiến thuật của họ.
Chiến thuật “gián đoạn"
Piven (2006) định nghĩa “sự gián đoạn” là “sự bất hợp tác trong các mối quan hệ xã hội hiện hành”, theo đó, chính sự bất hợp tác xã hội đã trở thành công cụ hữu hiệu để đàm phán, yêu cầu, hay bắt buộc những người nắm giữ quyền lực phải nhượng bộ. Trong đó, chiến thuật gián đoạn mà các các nhóm sinh viên sử dụng bao gồm hai dạng thức: (1) Gián đoạn cấu trúc; (2) Gián đoạn xâm lấn. [10]
Gián đoạn cấu trúc là chiến thuật được sinh viên sử dụng trong các cuộc biểu tình tại trường học, các cơ sở giáo dục bằng cách từ chối thực hiện vai trò của mình dưới tư cách là sinh viên. Họ ngừng đến trường, bãi khóa, cắm trại trong khuôn viên, không tham gia các buổi học, và tổ chức các hoạt động tập thể thay thế việc học,... [11]
Trong các cuộc biểu tình của sinh viên chống lại Diệt chủng Gaza, sinh viên đã sử dụng chiến thuật này. Tại các trường Đại học như Columbia, Harvard và UNLC, sinh viên đồng loạt bãi khóa, không đến lớp, thay vào đó, họ cắm trại trong sân trường, thu thập sách, tư liệu làm thư viện công cộng về Gaza và Palestine, họ hô to khẩu hiệu, giơ cao băng rôn và áp phích, họ yêu cầu trường học kiểm soát nguồn quỹ có liên quan đến Israle.
Gián đoạn xâm lấn là chiến thuật được sinh viên sử dụng nhằm can thiệp vào hoạt động của các tổ chức có liên quan đến trường học của họ, hoặc nằm trong nghị trình thương lượng của họ. Với chiến thuật này, sinh viên sẽ chiếm giữ các không gian công cộng, các tòa nhà chính phủ và các tổ chức tư nhân có liên quan đến mục tiêu đấu tranh của họ. [11]
Điển hình như vào ngày 4.4.2024, những người biểu trình trong đó có cả sinh viên đã chặn lối vào của công ty quân sự Lockheed Martin nhằm phản đối việc công ty này sản xuất “máy bay không người lái’ cho Israel - thứ vũ khí đã sát hại hàng nghìn người Palestine tại Gaza.
Vì sao các chiến thuật này hiệu quả?
Các thể chế xã hội hiện đại chỉ có thể vận hành trơn tru khi quyền lực và sự chính danh liên tục được củng cố và bồi đắp bởi tất cả các chủ thể tham gia tồn tại trong thể chế đó. [12]
Trong một cấu trúc lớn (điển hình là nhà nước, trường học, nhà máy), mỗi tầng lớp, chủ thể, tác nhân tham gia đều đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự vận hành của cấu trúc đó, đây được các nhà lý thuyết lao động gọi là “quyền lực địa vị”. Điển hình là trong các nhà máy, mỗi công nhân làm việc trong dây chuyền lắp ráp đều nắm giữ vai trò quan trọng mà nếu thiếu đi một trong số họ, dây chuyền sản xuất sẽ không thể vận hành trơn tru. Chính vì vậy mà khi các công nhân đình công, ngay lập tức làm gián đoạn hoạt động sản xuất của nhà máy. Sự gián đoạn này là đòn bẩy hữu hiệu cho quá trình thay đổi chính sách của công ty, vì nếu không, công nhân sẽ không làm việc, còn họ sẽ không có sản phẩm để bán và cả lợi nhuận thu về. [12][13]
Tương tự như vậy, các hoạt động bãi khóa, nghỉ học, cắm trại, chiếm đóng trường học của sinh viên làm gián đoạn chức năng giáo dục và nghiên cứu của trường đại học. Nếu các giảng viên đình công, họ sẽ làm gián đoạn cả chức năng giáo dục và cả nghiên cứu của tường đại học. Giáo dục bị gián đoạn sẽ dẫn đến việc các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đều bị phá vỡ, họ không đóng học phí, giảng viên không được trả lương, quỹ của trường không được duy trì nữa,.... [15]Từ đó, trở thành đòn bẩy hữu hiệu cho quá trình thay đổi chính sách của trường học, vì nếu không, sinh viên sẽ không tiếp tục đi học, giảng viên sẽ không đi dạy, giáo dục sẽ thoái lui nhường đường cho bạo lực.
Chính bằng việc gián đoạn các hoạt động giáo dục trên quy mô từ nhỏ đến lớn (trường học đến cơ sở giáo dục trên diện rộng), sinh viên Mỹ đã phá vỡ sự vận hành của một cấu trúc quyền lực áp bức trong trường học - thứ bắt buộc sinh viên phải im lặng và tiếp tục đồng lõa với chiến tranh và bạo lực.
Vậy nên một khi vẫn còn ai đó thỏa hiệp, làm việc, học tập, phục vụ cho trường học, công ty, tổ chức, vv. đồng lõa với Israel, các thể chế đó vẫn sẽ được tiếp “năng lượng” để vận hành trơn tru, người Palestine sẽ tiếp tục bị tàn sát.
Vì sao tầng lớp sinh viên lại quan trọng trong các tiến trình chuyển đổi xã hội?
Từ các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam đến các cuộc biểu tình dân quyền, và hiện tại là phong trào tuần hành phản chiến cho người Palestine, sinh viên đã - đang và sẽ tiếp tục là chất xúc tác mạnh mẽ cho những thay đổi lớn trong thế giới chúng ta.
Phong trào sinh viên không đơn giản chỉ là một hiện tượng nhất thời mà nó là một phần của lịch sử. Nhìn lại phong trào sinh viên trong quá khứ, thế hệ sinh viên là hiện thân cho một thế hệ cấp tiên và công bằng, họ khao khát đi tìm công lý, đứng lên chống lại cường quyền, đấu tranh cho công bằng xã hội. Họ là tầng lớp lao động trí thức, họ lao động, họ học tập và giáo dục bản thân mình, tự đi tìm cho mình những sự thật về thế giới. Chính vì vậy, họ mới là lực lượng dẫn đầu trong hầu hết các phong trào xã hội cấp tiến. [15]
Phải nói rằng, những phong trào này, những cuộc tuần hành này không chỉ làm rung chuyển thế giới, nó còn là minh chứng lịch sử là ngọn lửa đấu tranh giành công lý và quyền bình đẳng cho tất cả mọi người, là nguồn cảm hứng và là nền giáo dục chúng ta hằng mong đợi. Họ - những người sinh viên sẽ là thế hệ lãnh đạo và dẫn dắt các làn sóng tiếp theo, tiếng nói của thế hệ sinh viên là nền móng cho những bước tiến đổi mới tích cực cho tương lai.
Sinh viên được dạy về công lý và công bằng, đạo đức và nhân phẩm trước khi học chữ nghĩa. Giờ đây, khi đạo đức và công lý trên thế giới đang bị lung lay, thế hệ sinh viên sẽ là tầng lớp đầu tiên đứng lên đòi lại nó!
Bài viết được biên soạn và biên tập bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.
Chú thích nguồn
[1]https://depts.washington.edu/antiwar/pnwhistory_vietnam.shtml
[2]https://www.exploros.com/summary/The-student-movement-and-the-antiwar-movement
[3] https://www.history.com/topics/vietnam-war/vietnam-war-protests
[4]https://nuhistory.library.northeastern.edu/early-protests-1965-1968/
[8]https://prismreports.org/2024/04/29/college-encampments-divestment-from-israel/
[9]https://www.newsweek.com/colleges-israel-pro-palestinian-bds-movement-divest-1894608
[10] Vaillant, G. G., Schwartz, M. (2019). Student movement and the power of disruption. The Open Journal of Sociopolitical Studies. DOI: 10.1285/i20356609v12i1p112
[11] Piven, F. F., & Cloward, R. A. (1971). Regulating the Poor: The Functions of Public Welfare. New York: Pantheon Books, 1971.
[12] Schwartz, M. (1976). Radical Protest and Social Structure: The Southern Farmers’ Alliance and Cotton Tenancy, 1880-1890. Chicago: University of Chicago.
[13]https://mobilizingideas.wordpress.com/2012/05/02/student-movements-and-the-power-of-disruption/
[15]https://www.newarab.com/features/student-protests-vietnam-palestine