Phụ nữ Myanmar: "Cơ thể tôi là vũ khí!"
Trong khi phụ nữ Myanmar là một trong những lực lượng dẫn đầu phong trào Bất tuân Dân sự những phương thức đấu tranh của họ cũng bị lịch sử ngó lơ vì thiếu đi tính “bạo lực" và "bủng nổ"...
Sau cuộc đảo chính quân sự do tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo vào năm 2021, Myanmar rơi vào khủng hoảng. Kể từ ngày đầu của cuộc đảo chính, phụ nữ Myanmar từ khắp các giai tầng xã hội tham gia biểu tình, trình diễn, và nhảy múa dưới đường phố, phản kháng các thiết chế quân phiệt. Họ không chỉ là những người dẫn đầu phong trào tự do cho Myanmar mà còn là lực lượng chủ chốt cho Cuộc cách mạng mùa Xuân Myanmar - cuộc đấu tranh mang tính đại diện cho Myanmar.
Tuy nhiên, như Jayawardena (2016) mô tả, sự tham gia của phụ nữ vào các phong trào kháng chiến tại châu Á phần lớn đã không thể lật đổ cấu trúc gia trưởng, đồng thời bị lãng quên trong sử sách. Trong khi phụ nữ luôn dẫn đầu các cuộc biểu tình ôn hoà, đồng thời nuôi dưỡng và chăm sóc các cộng đồng đang bị áp bức, những phương thức đấu tranh của họ cũng bị lịch sử ngó lơ vì thiếu đi tính “bạo lực” và “bùng nổ", như các cuộc cách mạng do nam giới dẫn đầu khác.
Mặt khác, các mối quan tâm về cuộc đấu tranh dân tộc và dân chủ đã lấn át nhu cầu và mối quan tâm của phụ nữ trong phong trào. Do đó, mục tiêu đấu tranh vì quyền và vị thế của phụ nữ Myanmar chỉ được xem là ‘thứ yếu' so với mục tiêu “giải phóng dân tộc Myanmar” (Liên đoàn Phụ nữ Miến Điện 2011).
Dựa trên lịch sử những cuộc đấu tranh dân tộc, khi sự phản kháng của phụ nữ và mục tiêu “nữ quyền” của phong trào bị tầm nhìn “dân tộc chủ nghĩa” gạt ra ngoài lề, phụ nữ vẫn sẽ tiếp tục bị áp bức bởi cấu trúc xã hội phụ quyền cùng tàn dư bạo lực của chế độ quân sự đã tồn tại trước đó.
1. Phụ nữ Myanmar - 50 năm dưới chế độ độc tài quân sự
Quân đội đã thống trị hệ thống chính trị Myanmar liên tục kể từ khi quốc gia này giành được độc lập từ Anh vào năm 1948. Trong suốt 5 thập kỷ cai trị từ năm 1962 đến 2011, quân đội đã thống trị toàn bộ thể chế chính trị của Myanmar, bao gồm cả chính phủ, các đảng phái chính trị, công chức và tư pháp.
Trong đó, nhằm duy trì quyền lực độc tôn và tuyệt đối của quân đội và nam giới trong xã hội Myanmar, quân đội nỗ lực củng cố hệ tư tưởng giới bất bình đẳng nhằm khuôn ép phụ nữ vào các vị trí “làm vợ và làm mẹ”. Với kỷ luật “thép” của quân đội, toàn bộ xã hội và đời sống của người dân Myanmar bị kiểm soát và vận hành dựa trên bạo lực thống trị của nam giới.
Tận dụng niềm tin bảo thủ về giới trong xã hội Myanmar, quân đội gắn liền tín ngưỡng tôn giáo với chủng tộc, giới và căn tính quốc gia nhằm duy trì sự phục tùng của phụ nữ. Điển hình, theo quan niệm Phật giáo Bamar, chỉ có đàn ông mới có thể đạt được hpoun – sức mạnh thể chất lẫn tinh thần. Do đó, người Myanmar tin rằng, đàn ông cao hơn phụ nữ về mặt trí tuệ, đạo đức và cả tinh thần. Theo đó, ý niệm về hpoun đã hợp thức hóa và biện minh cho sự thống trị của nam giới trong đời sống xã hội và chính trị Myanmar, củng cố cho trật tự giới bất bình đẳng mà ở đó, nam giới đóng vai trò là người bảo vệ cả gia đình và quốc gia, còn phụ nữ đóng vai trò tái sản xuất.
Cụ thể, Điều 32a trong Hiến pháp Myanmar mô tả vai trò của phụ nữ chủ yếu là “những người mẹ" và nhấn mạnh đến các chuẩn mực giới trong xã hội, nhằm hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong đời sống công và chính trị. Trong quá trình đàm phán ngừng bắn trên toàn quốc của Myanmar vào năm 2015, dù phụ nữ là những người dẫn đầu và truyền cảm hứng cho phong trào bất tuân dân sự và cách mạng mùa xuân, chỉ một số ít phụ nữ được tham gia vào các quá trình đàm phán chính thức.
Điều 352 của Hiến pháp còn cho rằng: “Không có điều gì ngăn cản việc bổ nhiệm nam giới vào các vị trí vốn chỉ phù hợp với nam giới…”. Hiến pháp cũng chỉ định một số vị trí chỉ phù hợp với nam giới. Phụ nữ Myanmar bị loại khỏi các vị trí bộ trưởng quan trọng và các cơ quan chính phủ lớn. Chưa dừng lại ở đó, Hội đồng Dịch vụ Liên bang, một cơ quan chính phủ lớn của Myanmar, cũng sử dụng điều khoản này của hiến pháp để chặn đơn xin việc của phụ nữ cho các vị trí cấp trung và cơ sở.
Hơn thế nữa, ngay cả trong quá trình chuyển đổi dân chủ, quân đội vẫn tiếp tục duy trì quyền lực thống trị độc tôn của mình và cho nam giới. Điển hình là Hiến pháp năm 2008, trong đó quy định quân đội được nắm giữ 25% số ghế trong quốc hội cũng như các vị trí bộ trưởng quan trọng . Hiến pháp 2008 ra sức duy trì sự tập trung quyền lực cho quân đội, cùng với sự thống trị của nam giới trong các vấn đề chính trị, loại bỏ vai trò của các nhóm yếu thế trong xã hội Myanmar.
Ngoài ra, năm 2015, Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển do quân đội thành lập đã thông qua một loạt bộ luật trong đó, nhấn mạnh “tiềm năng sinh sản của phụ nữ vốn là yếu tố quan trọng đối với sự gắn kết và xây dựng quốc gia”, “vai trò của phụ nữ là người mẹ và là người vợ.” Được biết với tên gọi Luật Bảo vệ Chủng tộc và Tôn giáo, đây là minh chứng của việc kiểm soát cơ thể phụ nữ và hạn chế quyền tự do tôn giáo và cá nhân trên danh nghĩa ‘bảo vệ phụ nữ”. Bộ luật này cấm chế độ đa thê, hạn chế số con mà phụ nữ Hồi giáo có, hạn chế hôn nhân liên tôn giáo. Mục đích của bộ luật này là ngăn chặn phụ nữ Miến Điện kết hôn với những người đàn ông thuộc các tôn giáo và chủng tộc khác, đặc biệt là người Hồi giáo.
Tàn nhẫn hơn, quân đội cũng sử dụng bạo lực quân sự và bạo lực tình dục như một công cụ cho việc kiểm soát và trừng phạt phụ nữ. “Họ sử dụng chiến lược này như một vũ khí chiến tranh chống lại các dân tộc thiểu số của Myanmar trong nhiều thập kỷ. Trong năm 2019, Phái đoàn điều tra quốc tế độc lập của Liên hợp Quốc về Myanmar báo cáo rằng, quân đội Tatmadaw đã cưỡng hiếp, hiếp dâm tập thể và bạo lực tình dục một cách thường xuyên và có hệ thống đối với phụ nữ, trẻ em gái, trẻ em trai, đàn ông và cả những người chuyển giới. Phái đoàn Liên Hợp Quốc cũng kết luận bạo lực tình dục do quân đội gây ra là một phần của chiến lược có chủ đích, được lên kế hoạch kỹ lưỡng nhằm đe doạ, khủng bố và trừng phạt dân thường.
Có thể thấy, 50 năm sống dưới chế độ độc tài, 50 năm hứng chịu bạo lực cấu trúc từ chế độ quân sự, 50 năm im lặng thật sự là ác mộng đối với phụ nữ Myanmar. Phụ nữ Myanmar với tình đoàn kết và tinh thần chống bạo lực quân sự mạnh mẽ đã dẫn đầu các phong trào đấu tranh ôn hoà và bất bạo động. Họ nhận định rõ phong trào Myanmar không chỉ đơn thuần là chống lại chế độ độc tài mà còn chống lại chính chế độ gia trưởng đang làm nền tảng cho các thiết chế quân sự cai trị bằng bạo lực.
2. Phụ nữ Myanmar: Cơ thể tôi là vũ khí!
Kể từ ngày đầu cuộc đảo chính, quân đội Myanmar đã sử dụng các diễn ngôn nhấn mạnh vào vai trò giới nhằm biện minh cho cuộc đảo chính và sự kiểm soát của chế độ quân sự, khẳng định rằng nhà nước quân sự đang “bảo vệ” đất nước và công dân của mình, bảo vệ nền dân chủ”, “hiến pháp" và xây dựng một “nền dân chủ thật sự và kỷ luật”.
Tuy vậy, nhìn rõ hơn, ta thấy quyền lực thống trị của nam giới và chế độ quân sự có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Dựa trên logic gia trưởng về “người bảo vệ”, nam giới thường được mô tả là hung hăng và bạo lực, do đó gắn liền với trọng trách bảo vệ, trong khi phụ nữ được mô tả là ‘yếu mềm' và ‘ôn hoà' hơn nên họ cần ‘được bảo vệ’. Theo đó, phụ nữ luôn ở thế phải phục tùng vì “phụ thuộc" vào sự bảo vệ của nam giới. Vì vậy, chiến tranh và bạo lực được quân đội biện minh là để bảo vệ phụ nữ và những nhóm yếu thế khác như người già, trẻ em, đồng thời đòi hỏi nam giới phải sẵn sàng chiến đấu và hi sinh để bảo vệ ‘những người phụ nữ của họ.’
Nhận ra chính chế độ quân sự và logic gia trưởng về “người bảo vệ” này đã liên tục củng cố quyền lực thống trị cho nam giới trong xã hội Myanmar, phụ nữ Myanmar đã phê phán và chất vấn những diễn ngôn “vô nghĩa" này của quân đội bằng sự sáng tạo và tinh thần phản kháng bất diệt.
“Chiếc áo ngực còn bảo vệ tôi tốt hơn quân đội!”
Cuộc tổng đình công của phụ nữ làm việc trong nhà máy đã đánh dấu những bước đầu tiên cho sự phản kháng của phụ nữ đối với chế độ độc tài. Trên khắp đất nước, phụ nữ ở nhiều độ tuổi, dân tộc và nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau đã dẫn đầu các đoàn biểu tình ôn hoà phản đối cuộc đảo chính.
Tại Yangon, những người phụ nữ trẻ đã sử dụng chính những khuôn mẫu giới để thách thức sự kiểm soát của quân đội đối với cơ thể và tính dục của phụ nữ.
Những phụ nữ trẻ khác đã nhập vai vào các khuôn mẫu giới bằng cách diễu hành trong các "cuộc biểu tình của công chúa", mặc váy dạ hội trong khi những người khác cầm những khẩu hiệu chế giễu bằng tiếng Anh như "Tôi không muốn chế độ độc tài. Tôi chỉ muốn bạn trai", "Người yêu cũ của tôi tệ, nhưng quân đội Myanmar còn tệ hơn" .
Nhớ lại lời của Eileraas (2014) khi mô tả cuộc biểu tình của những người phụ nữ Ai Cập, rằng:
“Việc sử dụng cơ thể khoả thuân hoặc bán khoả thân của phụ nữ như một phương thức phản kháng công khai sẽ tái hiện sự yếu đuối/dễ tổn thương [thường gắn liền với phụ nữ] như một cơ sở cho sự đoàn kết và là công cụ thay đổi xã hội.”
Giống như những người phụ nữ Ai Cập, phụ nữ Myanmar cũng sử dụng chính cơ thể của mình như “vũ khí” để phá vỡ chế độ quân sự độc tài và hệ thống phụ quyền tại Myanmar.
Sự thật là những hoạt động này đã gây ra “sự khó chịu” không nhỏ cho quân đội Myanmar. Tại Myanmar, cơ thể phụ nữ đã sớm trở thành trung tâm của các câu chuyện và chính sách của nhà nước với mục tiêu "bảo vệ" quốc gia khỏi những gì mà chính quyền quân sự mô tả là mối đe dọa xâm lược và chia rẽ của các thế lực ngoại bang. Trong một bài phát biểu sau cuộc đảo chính của Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự, ông đã cố gắng kỷ luật và điều chỉnh hành vi của phụ nữ thông qua việc kêu gọi các giá trị được cho là truyền thống bằng cách chỉ trích "những người mặc quần áo khiếm nhã trái với văn hóa Myanmar… Những hành vi như vậy nhằm mục đích gây tổn hại đến đạo đức của mọi người, vì vậy cần phải có hành động pháp lý".
“Quân đội bảo vệ chúng tôi còn không bằng một miếng băng vệ sinh"
Mặt khác, ở Myanmar, kinh nguyệt bị mô tả là máu “thối” hoặc “xấu" và được xem là dơ bẩn. Trong xã hội gia trưởng Myanmar, nhiều người tin rằng, nam giới có thể bị tổn hại và thấp kém đi nếu tiếp xúc với kinh nguyệt. Đặc biệt là khi quần áo của nam giới ở gần đồ lót của phụ nữ hoặc khi nam giới đi dưới dây phơi quần áo phụ nữ. Vì vậy, nhiều hộ gia đình phải giặt và phơi quần áo phụ nữ riêng, sử dụng dây phơi riêng để không làm bẩn quần áo nam. Có thể thấy, những câu chuyện xoay quanh việc cáo buộc kinh nguyệt của phụ nữ có thể làm ô uế nam giới đã củng cố địa vị phục tùng và thấp kém của phụ nữ trong xã hội Myanmar.
Chất vấn niềm tin đó, trong tuần đầu của Cách mạng Mùa xuân phụ nữ đã bắt đầu treo htamein (váy truyền thống của phụ nữ Myanmar) ngang các con đường đi vào làng, dựng rào chắn bằng htamein và băng vệ sinh nhằm ngăn quân đội tấn công. Bằng cách tô đỏ băng vệ sinh và trưng bày ở nơi công cộng, phụ nữ Myanmar đã cùng nhau nhạo báng và phê phán ý tưởng cho rằng kinh nguyệt là điều đáng xấu hổ. Đồng thời, phụ nữ cũng sử dụng chính cơ thể và kinh nguyệt của mình như một phương thức chống lại các giá trị nam tính và hạ thấp phụ nữ Myanmar.
Quân đội Myanmar không dám đi qua dây phơi Longyi (sarong) của phụ nữ vì niềm tin sẽ bị mất đi “hpon" – tức sự vượt trội của nam giới.
Phụ nữ còn đặt hình của Tướng Min Aung Haling dưới miếng băng vệ sinh đỏ thẫm máu cùng với các khẩu hiệu:
“Chiếc áo ngực còn bảo vệ tôi tốt hơn quân đội.”
“Quân đội bảo vệ chúng tôi còn không bằng một miếng băng vệ sinh.”
“Phụ nữ không chỉ có cơ thể.”
“Việc của phụ nữ là việc của quốc gia.”
Có thể nhìn rõ, phong trào Htamein vào năm 2021 đã không chỉ vạch trần điểm yếu mà còn cả sự bất ổn của hệ thống niềm tin gia trưởng trong xã hội Myanmar đã làm nền tảng cho chế độ độc tài quân sự. Những người lính nam đã phải dùng gậy để dọn sạch các món đồ này trên đường phố vì sợ chạm phải chúng, sợ đi dưới chúng.
Một phụ nữ Myanmar đã nói rằng:
“chúng tôi không có vũ khí nào để làm hại quân đội hay cảnh sát, nhưng bất cứ thứ gì làm họ lo lắng [về tính nam và vị thế thượng tôn] của họ thì đều là vũ khí của chúng tôi.” (Frontier Myanmar, 16/2/2021)
“Chăm sóc như một sự phản kháng, chăm sóc là hi vọng”
Khác với nam giới, phần lớn phụ nữ Myanmar chọn phương thức phản kháng ôn hoà và thực hành chăm sóc làm nền tảng đấu tranh cho phong trào của họ. Họ đã thành lập các cộng đồng đấu tranh tại nơi ở và làng xã của mình, tụ họp và cung cấp viện trợ, cứu trợ, nơi trú ẩn, thức ăn, thuốc men cho những nhà hoạt động xã hội phải chạy trốn khỏi sự truy đuổi của quân đội, đặc biệt là phụ nữ mang thai, người già và trẻ em.
Tại Thái Lan, phụ nữ đến từ khắp các giai tầng phải rời bỏ quê hương và gia đình họ tại Myanmar để chạy trốn chính quyền quân sự. Nhưng không từ bỏ hi vọng, phụ nữ Myanmar dù chật vật kiếm sống vẫn đấu tranh chống lại chế độ độc tài. Họ cùng nhau nấu ăn, đóng gói thức ăn cho các nhóm hoạt động xã hội và quân kháng chiến, trông nom và chăm sóc gia đình của nhau, quan tâm và chia sẻ tri thức với nhau mỗi ngày, v.v.
Các tổ chức do phụ nữ lãnh đạo, chẳng hạn như Tổ chức Phụ nữ Quốc gia Karenni (KNWO), hoạt động trên thực địa tại Tiểu bang Karenni (Kayah) đã kiên trì cung cấp hỗ trợ cho những người sống sót chỗ ở, thức ăn và tư vấn cho những người sống sót sau bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục.
3. “Công cụ của kẻ cầm quyền không thể phá huỷ ngôi nhà của hắn”
Trích lời nhà nữ quyền da màu Audre Lorde:
“Công cụ của kẻ cầm quyền sẽ không bao giờ phá huỷ được ngôi nhà của chúng. Chúng có thể cho phép chúng ta tạm thời đánh bại chúng trong trò chơi của chính chúng nhưng sẽ không bao giờ cho phép chúng ta mang lại thay đổi thực sự. Và thực tế này chỉ đe doạ những người phụ nữ vẫn xem ngôi nhà của kẻ cầm quyền là nguồn lực duy nhất cho sự phản kháng của họ.”
Thật vậy, giờ đây khi Myanmar tràn ngập trong cuộc chiến đẫm máu giữa lực lượng quân đội Tatmadaw và quân kháng chiến, chúng ta mới thấy rõ tầm quan trọng của các chiến lược bất bạo động và ôn hoà của phụ nữ Myanmar. Họ không sử dụng “công cụ của kẻ cầm quyền” – bạo lực và nỗi sợ hãi, mà sử dụng những cách thức phản kháng bắt nguồn từ chính những áp bức và nỗi thống khổ của họ trong xã hội Myanmar.
Nhìn lại các phong trào vũ trang ở Myanmar, các nhóm vũ trang độc lập dù được thành lập với mục tiêu “cao đẹp" - “lật đổ quân đội Tatmadaw" vẫn phạm phải những sai lầm nghiêm trọng. Điển hình như quân đội Arakan tại vùng Rakhine đã nhiều lần bị cáo buộc bạo lực tình dục, ép buộc nhập ngũ, đánh bom nhà cửa, cướp bóc, làng và tàn sát người Rohingya. Hay vào năm 2022, các nhóm kháng chiến tại khu vực Sagaing đã bị cáo buộc cưỡng hiếp ba phụ nữ và giết chết 7 người mà nhóm này nghi ngờ là người cung cấp thông tin cho quân đội Tatmadaw.
Vì như Simon Dalby chỉ ra, các thiết chế quân đội hay vũ trang được “tổ chức, thiết kế và huấn luyện để phá hoại và giết người”, không phải để chăm sóc, nuôi dưỡng, lắng nghe và phản hồi bằng sự kiên nhẫn và quan tâm.
Hơn thế nữa, các thiết chế quân sự cũng nỗ lực quân sự hoá tính nam, xây dựng và củng cố các khuôn mẫu định hình sự nam tính dựa trên các hoạt động quân sự, vũ trang. Thật vậy, các hoạt động tuyên truyền “văn hoá chiến binh” trong các thiết chế quân sự đã liên tục tái tạo các phẩm chất nam tính như sức mạnh thể chất, kỹ năng chiến đấu, bạo lực, tinh thần mạnh mẽ, không cảm xúc, lý trí, dị tính và có thể chịu được gian khổ,.. như một hình mẫu người lính lý tưởng.
Ngược lại, trong xã hội quân sự hoá, những phẩm chất nữ tính như cảm tính, mềm yếu, nuôi dưỡng, hiền hoà, gắn liền với hình mẫu một người chăm sóc (thường là phụ nữ), bị xem thường và hạ thấp. Do đó, thực hành của quân đội (kể cả quân kháng chiến) gắn liền với bạo lực và mang tính loại trừ, trái ngược hoàn toàn với hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng như các đấu tranh ôn hoà vẫn đang làm – phi bạo lực và dung hợp. Vậy, làm sao các thực hành “bạo lực mang tính phân tầng và loại trừ” được thấm nhuần và tái tạo trong nhiều thập kỷ lại có thể mang lại một tương lai hoà bình và dân chủ thực chất sau đó?
Mặt khác, sự căm phẫn đến tột cùng của người dân Myanmar đối với chế độ độc tài đã ép họ phải lựa chọn bạo lực là có thể hiểu được. Tuy nhiên, lịch sử đã cho ta thấy, các phong trào phản kháng bạo lực chống lại chế độ thực dân, độc tài hay quân phiệt đều để lại những tổn thương và dư chấn sâu sắc trong xã hội hậu cách mạng. Vì bản thân bạo lực vốn đã mang tính “phân cấp, loại trừ và tàn bạo” dù cho nó có mang ý định tốt đẹp hay hướng đến tự do.
Chính vì vậy, phụ nữ Myanmar lựa chọn phương thức đấu tranh bất bạo động như công cụ phản kháng chính yếu. Trái ngược với các thực hành bạo lực, dựa trên sự căm phẫn, thù ghét, khinh thường và loại trừ, các thực hành bất bạo động thể hệ mối quan hệ tôn trọng, hoà nhập, đồng hành và chăm sóc cộng đồng. Lịch sử đã cho ta thấy rõ, bạo lực không thể là công cụ mang lại “hoà bình”, bạo lực chỉ tiếp tục củng cố cho hệ thống cai trị bằng nỗi sợ, sự bất bình đẳng và tính tàn bạo của nó.
Hành động bạo lực sẽ không giải phóng chúng ta.
Sự giải phóng thực chất phải là việc chủ ý từ bỏ các mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng cũ, và tham gia - xây dựng các mối quan hệ mới bình đẳng và bao dung. Quá trình này nhất định phải dựa trên một sức mạnh bất bạo động!