Sự trả thù của chế độ gia trưởng: Vì sao các nhà độc tài e sợ phụ nữ?
Bài đăng gốc: Women Rights Revenge Patriarch bởi Erica Chenoweth and Zoe Marks tại Foreign Affairs (Tháng 4/2022).
Trigger warning - nội dung có nhắc tới bạo lực giới, bạo lực tình dục.
Dường như hầu hết các nhà lãnh đạo chuyên chế trong lịch sử đều có một điểm chung là đều phân biệt giới tính: từ Napoléon Bonaparte—người đã phi hình sự hóa tội giết vợ không chung thủy, tới Benito Mussolini—người từng khẳng định rằng phụ nữ “chưa bao giờ tạo ra thứ gì cả.” Và mặc dù phong trào nữ quyền ở nhiều nơi trên thế giới đã có những bước tiến rõ rệt trong thế kỷ 20, thế kỷ 21 lại đang phơi bày ra một sự thật rằng sự thù ghét phụ nữ và chủ nghĩa độc tài vẫn đang còn tồn đọng, chúng vừa đi kèm với nhau vừa củng cố lẫn nhau. Trong suốt thế kỷ vừa qua, phong trào nữ quyền đã thành công trao quyền bầu cử cho phụ nữ, mở rộng tiếp cận cho phụ nữ đến với quyền sức khỏe sinh sản và tình dục, quyền giáo dục, quyền bình đẳng kinh tế, và bắt đầu đưa bình đẳng giới vào các thiết chế luật pháp (cả luật quốc gia và quốc tế).
Thực chất, những thành tích này vốn có liên kết mật thiết với các làn sóng dân chủ hóa chưa từng có tiền lệ trong giai đoạn hậu chiến. Vậy mà trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo độc tài đã đẩy lùi đồng thời quyền của phụ nữ và nền dân chủ, đem lại nguy cơ đảo ngược thành quả đấu tranh của cả hai cuộc chiến này.
Xét ra thì, tính gia trưởng bộc lộ ở mọi cấp độ độc tài, từ độc tài toàn trị đến độc tài đảng trị, đến cả các nền dân chủ phi tự do được lãnh đạo bởi những người đàn ông có xu hướng độc đoán.
Trung Quốc: Tập Cận Bình gần như đã nghiền nát phong trào nữ quyền, bưng bít những vụ tấn công tình dục gây ra bởi các nhà cầm quyền, loại trừ phụ nữ ra khỏi Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Nga: Vladimir Putin đang đảo ngược các quyền sinh sản và đề cao vai trò giới truyền thống, biết rõ rằng điều đó sẽ hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong đời sống công cộng.
Bắc Triều Tiên: với các chính sách của Kim Jong Un, người ta thống kê được rằng: so với nam giới, tỷ lệ nữ giới được khuyến khích đi tìm nơi tị nạn ở nước ngoài cao gấp 3 lần.
Ai Cập: tổng thống Abdel Fatah el-Sisi gần đây đã đưa ra một dự luật khẳng định lại quyền làm cha của nam giới, quyền thực hành chế độ đa thê và quyền tác động đến hôn nhân của họ hàng nữ.
Saudi Arabia: phụ nữ không thể kết hôn hoặc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nếu không có sự đồng ý của đàn ông.
Afghanistan: với sự cầm quyền của Taliban, phong trào đấu tranh cho quyền phụ nữ kéo dài hơn 20 năm tại đây đã bị san phẳng chỉ trong vài ngày, khi chính quyền mới ban hành luật cấm phụ nữ tiếp cận đến giáo dục bậc cao và hạn chế đại diện nữ trong cơ quan công cũng như lực lượng lao động.
Làn sóng độc tài gia trưởng cũng đang đẩy các nền dân chủ theo hướng phi tự do. Những quốc gia có lãnh đạo thiên hướng độc tài, ví dụ như Brazil, Hungary và Ba Lan, đang chứng kiến sự trỗi dậy của các phong trào cánh hữu o bế hơn cho vai trò giới truyền thống và lòng yêu nước, trong khi chống lại “hệ tư tưởng giới” [1]—một thuật ngữ mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền miêu tả là “không là gì và là tất cả”. Kể cả ở Hoa Kỳ thì phong trào bình đẳng giới cũng không khá khẩm lên bao nhiêu khi cuộc đấu tranh cho quyền sinh sản của phụ nữ bị đẩy lùi về những năm 1970 [2]. Cựu Tổng thống Donald Trump đã phối hợp với những người kiên quyết chống lại nữ quyền, bao gồm Bahrain và Ả Rập Saudi, nhằm ngăn chặn việc mở rộng quyền của phụ nữ trên khắp thế giới. Để rồi hiện nay, bất chấp cam kết của chính quyền Biden về bình đẳng giới ở cấp quốc gia, các bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát vẫn đang cố gắng đảo ngược quyền bỏ thai—một quyền hiến định, nhưng lại đang dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi việc trao quyền kinh tế và chính trị cho phụ nữ hiện đang bị đình trệ hoặc suy giảm trên khắp thế giới. Theo Chỉ số Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Đại học Georgetown [3], việc thực thi luật bình đẳng giới đã chậm lại trong những năm gần đây, sự gia tăng về trình độ học vấn và đại diện của phụ nữ trong quốc hội cũng đang trở nên ì ạch. Với sự tác động của đại dịch COVID-19, tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn: hàng triệu phụ nữ phải rời bỏ lực lượng lao động và gánh thêm các công việc chăm sóc không lương, họ bị hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, giảm cơ hội thoát khỏi việc bị lạm dụng.
Cuộc tấn công vào quyền của phụ nữ, trùng hợp thay, lại xảy ra cùng lúc với một cuộc đàn áp phong trào dân chủ trên quy mô lớn hơn. Theo Freedom House [4] và Dự án Varieties of Democracy tại Đại học Gothenburg [5], chế độ độc tài đang có dấu hiệu trỗi dậy không ngừng trong suốt 15 năm qua. Những nền dân chủ tương đối mới như Brazil, Hungary, India, Ba Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ đang có xu hướng hoặc đã hoàn toàn quay trở lại với chế độ chuyên quyền. Các quốc gia được coi là độc tài một phần cách đây một thập kỷ, chẳng hạn như Nga, giờ đây đã chính thức trở thành chế độ chuyên quyền toàn trị. Và ở một số nền dân chủ lâu đời nhất thế giới—Pháp, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ— khuynh hướng chống dân chủ đang gia tăng trong các đảng chính trị lâu đời.
Phong trào đấu tranh vì quyền của phụ nữ đang đi lùi cùng lúc với sự thắng thế của các nền chuyên chế. Liệu đây có phải là một sự trùng hợp? Nhiều nhà khoa học chính trị đã nhận ra quyền dân sự của phụ nữ phải đi đôi với quyền làm chủ của công dân, nhưng họ lại chưa hiểu được rằng quyền phụ nữ chính là tiền đề cho một nền dân chủ thực sự. Các nhà độc tài gia trưởng có nhiều lý do chính đáng để lo sợ sự tham gia chính trị của phụ nữ: khi phụ nữ tham gia vào phong trào quần chúng, những phong trào này thường có khả năng giành được thắng lợi và hướng đến dân chủ bình đẳng cao hơn. Hay nói cách khác, những người phụ nữ hoàn toàn tự do và hoạt động chính trị một cách tích cực thực sự là mối đe dọa đối với các nền chuyên chế, và vì vậy, những nhà lãnh đạo độc tài đôi khi phải có chiến lược phân biệt giới tính.
Mối liên hệ giữa chủ nghĩa phân biệt giới tính và sự thụt lùi của nền dân chủ nên là mấu chốt trong những phong trào đấu tranh chống lại cả hai vấn nạn đó. Các lãnh đạo độc tài và những nhà chủ nghĩa dân tộc cánh hữu trong các nền dân chủ cạnh tranh đều đồng lòng sử dụng hệ thống thứ bậc giới tính để giữ vững những luật lệ mang tính dân tộc, từ trên xuống (top-down), nam trị. Có một lịch sử lâu dài đấu tranh chống lại hệ thống thứ bậc xã hội chỉ trao quyền cho số ít, phong trào nữ quyền là loại vũ khí quyền năng đã và đang đối đầu lại các nền chuyên chế. Thiếu bóng phong trào Vị nữ, muốn khôi phục lại nền dân chủ gần như là điều không thể.
Phụ nữ ở tiền tuyến
Những học giả về dân chủ thường đóng khung sự trao quyền cho phụ nữ là kết quả của nền dân chủ hay thậm chí là nhờ quá trình hiện đại hóa và phát triển kinh tế. Trong khi đó, cái phụ nữ thực sự muốn là sự bao trùm, họ đấu tranh vì sự hiện diện cho nhu cầu của mình thông qua các phong trào bầu cử, các chiến dịch vì quyền. Đó mới là những yếu tố tạo nên một nền dân chủ vững mạnh. Tuy vậy, phong trào nữ quyền hiện nay vẫn còn đang bị chia rẽ giữa các nhóm phụ nữ khác nhau. Như những nhà vị nữ giao thoa và phản thực dân vẫn luôn tranh cãi: nhóm phụ nữ được hưởng lợi nhiều nhất từ những phong trào này thường là phụ nữ ở tầng lớp tinh hoa, da trắng, phương Tây. Thế nhưng, rõ ràng là hoạt động chính trị của phụ nữ đã mở rộng và củng cố nền dân chủ—một thực tế mà các nhà độc tài thấy được, và đó là lý do họ sợ phải trao quyền cho phụ nữ.
Trong bảy thập kỷ vừa qua, nhu cầu được tham gia chính trị và kinh tế của phụ nữ đã thúc đẩy tiến đến nền dân chủ, nhất là khi những người phụ nữ đó có vị trí trên tiền tuyến của các phong trào quần chúng. Bước tiến lên dân chủ ở Đông Âu, Mỹ La-tinh và Đông Nam Á vào những năm 1980 - 1990 được xúc tiến bởi rất nhiều phong trào quần chúng do phụ nữ làm nòng cốt. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng tất cả các cuộc kháng chiến lớn trong thời kỳ hậu chiến (kể cả là phong trào nhằm thay đổi chính quyền hay giành độc lập quốc gia) đều có phụ nữ đóng vai trò chính ở hậu phương, chẳng hạn như cung cấp thực phẩm, chỗ ở, giao liên, tình báo, gây quỹ hoặc hỗ trợ các nhu yếu phẩm khác. Nhưng, những phong trào này khác nhau ở chỗ là mức độ tham gia của phụ nữ ở tiền tuyến, tức những người trực tiếp tham gia biểu tình, đối đầu với chính quyền, đình công, tẩy chay và các hình thức bất hợp tác khác. Một số trong số đó, như phong trào ủng hộ dân chủ của Brazil vào giữa những năm 1980, có sự tham gia đông đảo của phụ nữ: phụ nữ chiếm một nửa lực lượng tham gia đấu tranh trên tiền tuyến. Những cuộc nổi dậy khác, chẳng hạn như cuộc nổi dậy năm 2006 chống lại chế độ quân chủ của Nepal thì phụ nữ ít tham gia ở tiền tuyến hơn. Chỉ có một chiến dịch bất bạo động trong giai đoạn này hầu như không có bóng dáng người nữ: cuộc nổi dậy của người dân nhằm lật đổ quyền lực của Mahendra Chaudhry ở Fiji vào năm 2000.
Sự thù ghét phụ nữ và chủ nghĩa độc tài vừa đi kèm với nhau, vừa củng cố lẫn nhau.
Trong nửa đầu thế kỷ 20, phụ nữ đóng vai trò then chốt trong các cuộc khởi nghĩa chống thực dân khắp Châu Phi và trong cách mạng cánh tả ở Châu Âu, Mỹ La-tinh. Sau đó, nhiều phong trào dân chủ ở Myanmar và Philippines đã chứng kiến cảnh tượng các sơ lấy thân mình làm lá chắn, đứng ngăn giữa những nhà hoạt động dân sự và lực lượng vũ trang đến để đàn áp họ. Trong phong trào Intifada đầu tiên [6], phụ nữ Palestine đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến bất bạo động nhằm phản đối sự chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây và Gaza—họ tổ chức các cuộc đình công, biểu tình và đối thoại cùng với phụ nữ Israel. Tại Hoa Kỳ, phụ nữ da đen đã phát động và dẫn đầu phong trào Black Lives Matter (nay đã là một hiện tượng toàn cầu). Họ noi gương những người đi trước như Ella Baker, Rosa Parks, Fannie Lou Hamer và nhiều người phụ nữ da đen khác— những người đã huy động và điều phối các khía cạnh then chốt của phong trào dân quyền ở Hoa Kỳ. Hai nhà cách mạng nữ, Wided Bouchamaoui và Tawakkol Karman, lần lượt góp phần lãnh đạo các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập ở Tunisia và Yemen. Họ được trao giải giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực mang lại chuyển đổi dân chủ hòa bình thông qua phản kháng bất bạo động, xây dựng liên minh và đàm phán. Hàng triệu người giống họ đã làm việc để giữ vững các phong trào chống lại một số chế độ độc tài đàn áp nhất thế giới, từ các dì bán trà, cô ca sĩ ở Sudan, đến những người bà ở Algeria, những cô vợ, những chị em ở Chile đòi trả lại những người thân yêu đã mất tích của họ bên ngoài dinh tổng thống của Augusto Pinochet.
Sự xuất hiện của phụ nữ trên tiền tuyến của các phong trào xã hội hóa ra lại là một lợi thế to lớn, cả là “đánh nhanh thắng nhanh” hay “mưa dầm thấm lâu”. Những phong trào quần chúng có phụ nữ tham gia trên diện rộng có khả năng thành công cao hơn rất nhiều so với những phong trào lề hóa hoặc loại trừ họ. Phụ nữ cũng có khuynh hướng hưởng ứng các phong trào phi bạo lực hơn, lực lượng phụ nữ đóng góp cho các phong trào phi bạo lực này cũng lớn hơn nhiều so với các chiến dịch có dính dáng đến bạo lực. Để giải thích được vì sao sự tham gia của phụ nữ trên tiền tuyến lại làm tăng cơ hội thắng lợi của một phong trào thì trước hết, chúng ta cần hiểu được những yếu tố nào làm một phong trào bất bạo động thắng lợi hay thua cuộc.
Nhìn chung, các phong trào thay đổi chính quyền độc tài hoặc giành độc lập dân tộc sẽ chiếm ưu thế khi nó huy động được một lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân; thuyết phục được quan chức của chế độ đó ủng hộ cho phong trào; sử dụng đa dạng chiến lược, ví dụ như đình công và biểu tình trên đường phố; giữ vững được kỷ luật và khả năng phục hồi trước các cuộc đàn áp của chính quyền. Dù là gì thì, sự tham gia đông đảo của phụ nữ có thể giúp một phong trào xã hội đạt được tất cả các yếu tố trên.
Xét về yếu tố đầu tiên—quyền lực của đám đông—thì rất rõ ràng, một phong trào huy động được phụ nữ tham gia sẽ áp đảo về lực lượng ít nhất gấp 2 lần so với những cuộc nổi dậy thiếu bóng họ. Những cuộc kháng chiến cũng phải thu hút được đông đảo nhân dân ủng hộ thì mới được tính là hợp pháp. Và càng huy động được nhiều nguồn nhân lực, phong trào càng có khả năng xoay chuyển được tình thế. Các cuộc tổng đình công và những hình thức nổi dậy khác có thể khiến một thành phố, một tiểu bang hoặc một quốc gia rơi vào bế tắc, gây ra những tổn thất kinh tế và chính trị ngay lập tức cho chính quyền tại vị. Huy động được đông đảo quần chúng cũng có tác dụng làm nảy sinh cảm giác rằng sự thay đổi là bất khả kháng, từ đó làm xoay chuyển được tâm thế của những người bảo vệ cho chế độ, thuyết phục được họ tham gia kháng chiến. Kể cả giới tinh hoa chính trị và kinh doanh, thậm chí là lực lượng an ninh, cũng có thể nâng đỡ quần chúng một cách ngấm ngầm, hoặc công khai, bởi vì tất cả bọn họ đều muốn đứng về phe có khả năng thắng cuộc cao.
Sự tham gia vào tiền tuyến của phụ nữ là lợi thế mấu chốt của các phong trào quần chúng.
Yếu tố thứ hai, các phong trào quần chúng có cơ hội thắng cao hơn khi thuyết phục hoặc ép buộc được đối thủ của họ đầu hàng. Nghiên cứu về thái độ của công chúng đối với các nhóm vũ trang cho thấy: sự xuất hiện của phụ nữ hay tính phi bạo lực của các cuộc nổi dậy làm tăng tính chính nghĩa cho các phong trào. Sự góp mặt đông đảo của phụ nữ và các chủ thể đa dạng khác cũng làm tăng vốn xã hội, đạo đức và tài chính—những nguồn lực một phong trào có thể tận dụng để làm xói mòn hệ thống viện trợ của đối thủ. Khi lực lượng an ninh, giới tinh hoa kinh doanh, công chức, phương tiện truyền thông nhà nước, lao động có tổ chức, nhà tài trợ nước ngoài, hoặc những người ủng hộ của một chế độ bắt đầu đặt câu hỏi về hiện trạng của chính quyền tại vị, họ sẽ đánh tiếng cho nhau rằng chế độ đó có khả năng bị lật đổ. Ví dụ, trong cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân ở Philippines năm 1986, Tổng thống Ferdinand Marcos đã ra lệnh cho lực lượng an ninh tấn công đám đông người biểu tình đòi lật đổ ông. Nhưng các nữ tu tham gia biểu tình đã lấy thân mình tạo thành một hàng rào, họ đứng chắn giữa xe tăng và những người dân đang biểu tình. Trước cảnh tượng đó, lực lượng an ninh không thể tiếp tục tấn công. Sau đó, những cuộc đào ngũ cấp cao liên tiếp diễn ra, Marcos cuối cùng đã phải trốn khỏi Philippines, dẫn đến quá trình chuyển đổi dân chủ tại quốc gia này.
Cách thứ ba mà sự tham gia của phụ nữ có thể làm phong trào quần chúng trở nên hiệu quả hơn là bằng việc mở rộng phạm vi các chiến thuật và phương thức phản kháng. Nghiên cứu trên tất cả mọi lĩnh vực đều cho thấy rằng sự đa dạng sẽ giúp cải thiện tinh thần đồng đội và hiệu suất, kể cả ở một phong trào quần chúng đi chăng nữa. Cụ thể, sự đa dạng giúp tăng cường tính sáng tạo và hợp tác, mở ra cơ hội kết nối với các mạng thông tin rộng lớn hơn và duy trì động lực cho quần chúng khi phải đối mặt với các cuộc đàn áp từ nhà nước. Sự tham gia của phụ nữ cũng tạo ra nhiều hình thức phản kháng mang tính định giới về mặt văn hóa, chẳng hạn như việc diễu hành với phong thái của hoa hậu mà phụ nữ Myanmar đã từng thực hiện trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2021; việc nấu thức ăn ở tuyến đầu của các cuộc biểu tình như phụ nữ ở Ấn Độ đã làm trong cuộc nổi dậy của nông dân vào năm 2020 và 2021; hoặc việc biểu tình khỏa thân, như phụ nữ ở Kenya, Nigeria và nhiều quốc gia khác đã làm để cợt nhả và tước vũ khí của đối thủ. Một số phong trào biểu tình đã sử dụng việc nhục mạ xã hội. Ví dụ, trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Algeria năm 2019, những người bà đã đuổi cảnh sát chống bạo động về nhà, dọa rằng bà sẽ mách mẹ của họ về hành vi thiếu đứng đắn của họ. Ở Sudan cùng năm đó, nhóm Facebook của một người phụ nữ đã chỉ đích danh và tố giác các cảnh sát ngầm mặc thường phục: những thành viên của nhóm đó đã vạch trần cả anh em và con trai của họ, cho công chúng biết rằng đó là lực lượng dân quân ngầm đang cố khủng bố khiến phe đối lập phải khuất phục.
Phụ nữ cũng đã phát triển các hình thức phản kháng mang tính định giới khác có thể mang lại lợi ích cho các phong trào quần chúng. Hãy cùng truy lại nguồn gốc của thuật ngữ “tẩy chay” (“boycott”). Vào cuối thế kỷ 19, các nữ đầu bếp, người giúp việc và thợ giặt ở County Mayo, Ireland, đã từ chối cung cấp dịch vụ và lao động cho một địa chủ người Anh là Captain Charles Boycott. Họ thuyết phục những người khác tham gia cùng mình và thành công khiến cho Boycott không thể ở lại Ireland được nữa. Hành động của họ đã truyền cảm hứng cho một chiến thuật phản kháng mới - “tẩy chay” (“boycott”). Phụ nữ cũng đi tiên phong trong nhiều hình thức bất hợp tác xã hội khác, ví dụ như, đình công tình dục. Mặc dù cuộc đình công tình dục nhằm phản đối chiến tranh trong vở kịch Lysistrata [7] là hư cấu, nhưng có vẻ như Aristophanes đã nghĩ đến một số tiền lệ lịch sử khi viết tác phẩm hài hước này. Những người nữ hoạt động xã hội đã tổ chức các cuộc đình công tình dục trong hàng thiên niên kỷ: phụ nữ Iroquois đã sử dụng phương pháp này cùng nhiều hình thức khác để đảm bảo quyền phủ quyết đối với các quyết định gây chiến trong thế kỷ XVII; cùng thế kỷ đó, phụ nữ Liberia đã tổ chức nhiều cuộc đình công tình dục để yêu cầu chấm dứt nội chiến; phụ nữ Colombia cũng làm vậy để kêu gọi ngừng bạo lực băng đảng; v.v.
Sức mạnh của số đông, sự lôi kéo đối thủ, đa dạng chiến lược đấu tranh, tất cả đều giúp tạo điều kiện thuận lợi cho yếu tố then chốt thứ tư trong sự thành công của các phong trào quyền lực nhân dân bất bạo động: kỷ luật. Các phong trào phản kháng bất bạo động khi đối mặt với bạo lực hoặc các hành động khiêu khích của lực lượng an ninh, họ có khả năng cao sẽ huy động được thêm sự ủng hộ, và cuối cùng, là thành công. Trong khi đó, với các phong trào có phụ nữ ở tiền tuyến thì bạo lực không được hoặc ít được sử dụng để đối phó với các cuộc đàn áp của chế độ. Điều này có thể do sự xuất hiện đông đảo phụ nữ sẽ phần nào tiết chế được hành vi của cả những người biểu tình và cảnh sát. Một phần bởi vì bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái được xem là một điều cấm kỵ trong nhiều nền văn hóa. Vậy nên, nếu chính quyền công khai đàn áp thô bạo những phụ nữ đang tham gia biểu tình và đình công, họ có thể sẽ phải trả một cái giá rất đắt về mặt chính trị.
Tuy nhiên, vẫn có một sự thật là phụ nữ có xuất thân khác nhau phải đối mặt với nguy cơ bị đàn áp khác nhau. Những phụ nữ tiên phong trong các phong trào đấu tranh cho dân chủ thường xuất thân từ các giai tầng và các nhóm thiểu số bị áp bức. Họ là sinh viên, là người trẻ, là những góa phụ và người bà. Những nhóm phụ nữ bị lề hóa thường bị phớt lờ hoặc bị bạo lực nhiều hơn trong các cuộc vận động quần chúng so với những phụ nữ giàu có hoặc có đặc quyền được hưởng lợi từ chế độ độc tài gia trưởng. Đây là lý do tại sao phụ nữ Đức “Aryan” đã thành công trong việc đảm bảo trả tự do cho những người chồng Do Thái của họ trong cuộc biểu tình Rosenstrasse ở Berlin năm 1943, trong khi phụ nữ Do Thái sẽ bị bắt hoặc bị hành quyết vì một cuộc biểu tình như vậy. Tương tự, những người Mỹ da đen ủng hộ phong trào dân quyền Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn nhiều so với những người da trắng tham gia với tư cách là đồng minh. Chỉ có những liên minh vượt giai cấp, đa chủng tộc, đa sắc tộc bền vững mới có thể vượt qua sự phân tầng quyền lực nói trên, và chỉ những liên minh như vậy mới có thể chống chọi lại sự đàn áp bạo lực của chế độ độc tài và hướng đến một xã hội bình đẳng, dân chủ cho tất cả mọi người.
Những ngọn triều dâng
Phụ nữ tham gia trên tuyến đầu không chỉ giúp cho những phong trào quần chúng đạt được các mục tiêu ngắn hạn mà còn góp phần duy trì dân chủ dài hạn. Một trong những yếu tố giúp quá trình chuyển đổi dân chủ diễn ra dễ dàng hơn là khi một quốc gia đã có trải nghiệm tốt với nền dân chủ trong lịch sử, “trùng hợp” thay, phân tích của chúng tôi cũng cho thấy rằng sự tham gia rộng rãi trên tiền tuyến của phụ nữ có liên kết mật thiết với sự gia tăng “dân chủ bình đẳng” (theo định nghĩa của Dự án Varieties of Democracy).
Nói cách khác, sự tham gia của phụ nữ vào tuyến đầu của các phong trào quần chúng giống như những ngọn thủy triều dâng trào, chúng nâng đỡ tất thảy mọi chiếc thuyền trên biển khơi. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng: sau các cuộc nội chiến, quá trình chuyển đổi toàn diện sẽ dẫn đến những cuộc thương lượng ôn hòa và nền dân chủ bền vững hơn. Mặc dù trong thực tế có rất ít cuộc đàm phán nào mà không đổ máu, nhưng sự hiện diện của phụ nữ sẽ làm tăng nhu cầu tham gia bầu cử, cơ hội kinh tế, khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe—tất cả những yếu tố này sẽ làm quá trình chuyển đổi dân chủ kéo dài bền vững hơn.
Sự tham gia của phụ nữ vào tuyến đầu của các phong trào quần chúng giống như những ngọn thủy triều dâng trào
Vậy thì, chuyện gì sẽ xảy ra nếu lực lượng quần chúng bị đánh bại và không có quá trình chuyển đổi dân chủ nào xảy ra hết? Các chế độ đương nhiệm đàn áp các phong trào quần chúng triệt để có xu hướng tạo ra phản ứng dữ dội mang tính gia trưởng. Trong các phong trào bị dập tắt đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia càng cao thì mức độ phản ứng gia trưởng càng dữ dội—một mối tương quan đáng lo ngại trong trường hợp của Afghanistan, Belarus, Colombia, Hồng Kông, Liban, Myanmar, Nga, Sudan và Venezuela—vì kết quả của những phong trào quần chúng tại các quốc gia này vẫn còn là một dấu chấm bỏ lửng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng một khi phong trào quần chúng thất bại, nó sẽ kéo theo cả nền dân chủ bình đẳng và bình đẳng giới sa sụt hơn, thậm chí là tồi tệ hơn cả trước khi phong trào bắt đầu. Nói cách khác, tác động của việc phụ nữ tham gia tuyến đầu đối với khả năng dân chủ hóa phụ thuộc vào thành quả của phong trào; sự tham gia của phụ nữ dẫn đến thay đổi dân chủ và bình đẳng giới chỉ xảy ra với điều kiện một phong trào quần chúng toàn diện và triệt để giành được thắng lợi.
Mưu đồ của nền độc tài
Các nhà lãnh đạo độc tài cùng với những nhà dân chủ phi tự do đã đáp lại mối đe dọa từ việc phụ nữ huy động lực lượng chính trị bằng cách làm trì trệ phong trào nữ quyền và bình đẳng giới. Động lực của họ không hoàn toàn mang tính chiến lược, có thể đó chỉ là do họ có tư tưởng phân biệt giới tính, nhưng thế giới quan của họ thì chắc chắn xoay quanh lợi ích cá nhân.
Trong những quốc gia theo chế độ độc tài toàn trị, các cơ chế đàn áp trên cơ sở giới thường mang tính không khoan nhượng và tàn bạo. Thông thường, các cơ chế đó được biểu thị dưới dạng các chính sách kiểm soát việc sinh sản của phụ nữ (cưỡng *ức mang thai hoặc cưỡng *ức phá thai), qua các diễn ngôn thù ghét phụ nữ, bình thường hóa hoặc thậm chí khuyến khích bạo lực đối với phụ nữ; cũng như các luật và thông lệ làm giảm hoặc loại trừ phụ nữ trong chính quyền và ngăn cản phụ nữ tham gia hoặc thăng tiến trong lao động.
Lấy ví dụ ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác, buộc nhiều phụ nữ phải sử dụng biện pháp tránh thai, phá thai và thậm chí triệt sản. Phụ nữ từ các dân tộc thiểu số phải đối mặt với nguy cơ bị phạt tiền hoặc bỏ tù nếu sinh quá nhiều con. Ở Ai Cập thì ngược lại, phá thai bị nhà nước quy định là bất hợp pháp trong mọi trường hợp, phụ nữ phải xin phép thẩm phán để ly hôn, trong khi nam giới thì không. Ở Nga, mặc dù kể từ những năm 1920, bỏ thai đã được xem là một quyền hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, nhưng với tình hình suy giảm dân số hiện nay, chính phủ của Putin đang cố gắng khuyến khích người dân không phá thai và củng cố các vai trò giới truyền thống. Ba quốc gia này đều có một điểm chung: đó là bất chấp các cam kết hiến định nhằm bảo vệ phụ nữ và chống lại sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới, phụ nữ vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp trong lực lượng lao động và trong bộ máy chính trị quốc gia.
Ở những môi trường ít độc tài hơn thì khác, chính quyền không thể tùy tiện ban hành một đạo luật phân biệt giới tính nào đó, vậy nên những nhà lãnh đạo và đảng chính trị của họ thường chọn cách phát tán các diễn ngôn phân biệt giới để thu hút sự ủng hộ của quần chúng cho các chương trình nghị sự của họ. Sự đàn áp ngầm ẩn này rất thường xuyên được ngụy trang bởi lớp vỏ bọc của “chủ nghĩa dân túy”. Các diễn ngôn thù ghét phụ nữ của giới cầm quyền cũng nhấn mạnh đến thứ “tính nữ yêu nước” truyền thống. Học giả Nitasha Kaul cho rằng những nhà lãnh đạo này đang đẩy mạnh “chủ nghĩa dân tộc lo lắng và bất an” với mục đích phi nhân cách hóa các nhà nữ quyền. Khi có thể, họ hướng đến các chính sách nhằm kiểm soát cơ thể phụ nữ nhiều hơn, đồng thời giảm bớt sự ủng hộ đối với bình đẳng giới về chính trị và kinh tế. Thông qua công việc lập pháp, nhà nước có thể khuyến khích đàn ông và phụ nữ tuân theo các vai trò giới truyền thống vì nghĩa vụ yêu nước. Chính quyền cũng hoàn toàn có thể thỏa hiệp và bóp méo các khái niệm như “công bằng” và “trao quyền” với mục đích riêng. Mặc dù những nỗ lực để củng cố lại hệ thống phân cấp giới có vẻ khác nhau ở các nền văn hóa và môi trường cánh hữu khác nhau, nhưng chúng thường có chung một chiến thuật: khiến cho nam giới (và cả những phụ nữ bảo thủ) có khao khát chế ngự người nữ trong xã hội nói chung.
Ảnh: Putin, Erdogan, và Tập cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel và một số lãnh tụ khác tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9 năm 2016.
Stephen Crowley /The New York Times / Redux
Một trong những con bài mà các nhà cầm quyền thường sử dụng để khiến cho phụ nữ chấp nhận hệ thống phân cấp giới là chính trị hóa “gia đình truyền thống”. Thúc đẩy các giá trị truyền thống trong gia đình hạt nhân là một cách trói buộc phụ nữ vào bên trong căn nhà với các công việc chăm sóc không lương—từ sinh con, nuôi dạy con cái, nội trợ; đồng thời là để hạn chế quyền lực của họ ở không gian công. Cơ thể của phụ nữ giờ đây trở thành mục tiêu kiểm soát của xã hội “nhờ” những người đàn ông có quyền lập pháp, những người rất ưa chuộng việc ca ngợi về tính nữ thiêng liêng của người mẹ, người con gái và người vợ, đẩy cho phụ nữ trách nhiệm phải xây dựng một quốc gia lý tưởng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã từng khẳng định rằng nam và nữ không hề bình đẳng, và vai trò vốn có của phụ nữ là làm mẹ và nội trợ. Ông thậm chí còn gọi những người phụ nữ chọn theo đuổi sự nghiệp thay vì ở nhà là “những người nửa vời”. Tương tự, chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng khuyến khích phụ nữ ngừng cố gắng thu hẹp khoảng cách lương so với nam giới, mà thay vào đó nên tập trung vào việc sinh ra những đứa trẻ Hungary.
Dù là ở nhóm nước độc tài toàn phần hay độc tài một phần, các nhóm thiểu số về giới và tính dục cũng thường là mục tiêu lạm dụng. Những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và người queer [5] luôn bị xem là những nhân tố làm phá hoại hệ thống nhị nguyên giới mà các nhà độc tài tôn vinh. Chính vì vậy mà họ thường bị lề hóa và phân biệt đối xử thông qua các chính sách kỳ thị đồng tính, ví dụ như các “khu vực cấm người LGBTQ” của Ba Lan hay lệnh cấm “tuyên truyền LGBTQ” và hôn nhân đồng giới của Nga. Gần đây, Bắc Kinh đã đi xa tới mức cấm đàn ông có vẻ ngoài “quá ẻo lả” trên truyền hình và mạng xã hội trong một chiến dịch thực thi “cách mạng văn hóa” của Trung Quốc.
Có một nghịch lý là, dù nhà cầm quyền thể hiện trắng trợn sự thù ghét phụ nữ, họ vẫn lợi dụng người nữ trong các chiến dịch chính trị của mình. Họ trưng dụng vợ hoặc con gái—thường là những người phụ nữ của gia đình—trước công chúng để đánh lạc hướng dư luận khỏi các chính sách bất bình đẳng giới. Những người phụ nữ bảo thủ, vốn ủng hộ vai trò làm mẹ truyền thống, trở thành nhân vật phụ trong vở kịch của các ngôi sao nam. Một minh họa rõ ràng nhất là trong chiến dịch tranh cử Tổng thống tại Brazil của Jair Bolsonaro vào năm 2018. Đối thủ của Bolsonaro đã tổ chức một trong những cuộc biểu tình do phụ nữ lãnh đạo lớn nhất trong lịch sử với băng rôn “Ele Não” hay “Not Him”. Trong khi đó, những phụ nữ ủng hộ Bolsonaro đã phất cờ Brazil và chế nhạo nữ quyền là chủ nghĩa phân biệt giới tính (đối với đàn ông).
Theo quan điểm của chế độ độc đoán gia trưởng, đàn ông đích thực phải có khả năng kiểm soát được người phụ nữ trong đời mình. Vì vậy mà uy quyền nam tính của Trump được đề cao khi vợ ông, Melania Trump, đi sau ông lên Lực lượng Không quân Một, và sự nam tính ấy đã bị thách thức khi bà từ chối xuất hiện cùng ông trước công chúng. Một trường hợp khác của Sara Duterte-Carpio, thị trưởng thành phố Davao, Philippines, và là con gái của Tổng thống Rodrigo Duterte. Bà vốn là ứng cử viên hàng đầu để kế vị cha mình cho đến khi ông tuyên bố rằng phụ nữ “không phù hợp” để làm tổng thống. Vì vậy, mặc dù quốc gia vốn có rất nhiều nữ nguyên thủ trong lịch sử và tỷ lệ ủng hộ của Duterte-Carpio đang dẫn đầu, bà chỉ nộp đơn ứng cử phó tổng thống.
Những người phụ nữ hoàn toàn tự do, hoạt động chính trị sôi nổi luôn là cái gai trong mắt các nhà độc tài.
Trong khi phụ nữ bị dồn vào vai trò giới truyền thống, các nhà độc tài gia trưởng lại thổi phồng quyền lực của họ bằng những màn thể hiện tính nam một cách lố bịch. Putin để ngực trần tạo dáng cũng được tính là một trong những màn phô trương tính nam và quyền lực một cách kệch cỡm. Hay là chiếc cà vạt đỏ quá khổ của Trump, những cái bắt tay hung hãn và lời tuyên bố rằng nút hạt nhân của ông ta to hơn của Kim. Hay kể cả việc Bolsonaro kêu gọi người Brazil hãy đối mặt với COVID-19 “như những người đàn ông”. Kiểu nói chuyện này có vẻ nực cười, nhưng nó là một phần trong màn kịch nữ tính hóa và hạ thấp các đối thủ của họ. Không dừng lại ở việc khoe mẽ sự vĩ đại của bản thân, họ sẽ tiếp tục chỉ trích ngoại hình của phụ nữ, đùa cợt về h**p **m, đe dọa bạo lực tình dục và tìm cách kiểm soát cơ thể phụ nữ—tất cả là để đe dọa và chặn đứng những phê phán về chế độ độc tài gia trưởng.
Đối lập với kiểu bạo lực này là phân biệt giới tính kiểu thỏa hiệp. Như Kaul đã từng chỉ ra, “Trong khi Trump, Bolsonaro và Duterte phỉ báng và vật hóa phụ nữ một cách công khai, tự cho mình là cực kỳ nam tính và có bản năng săn mồi, thì [Thủ tướng Ấn Độ Narendra] Modi và Erdogan đã tự quảng bá hình tượng của mình như một người cha với vai trò bảo vệ và hy sinh cho gia đình, nhằm dồn phụ nữ và dân tộc thiểu số vào khuôn mẫu. Đôi khi, những người thù ghét phụ nữ sâu sắc nhất sẽ dùng các bài diễn văn tiến bộ để thúc đẩy các chương trình nghị sự áp bức giới.”
Các hành vi thù ghét phụ nữ càng được khoan dung thì những thay đổi trong luật pháp và chính trị xuất hiện càng nhiều: các biện pháp bảo vệ những người sống sót sau các vụ h**p **m và bạo lực gia đình bị rút lại, các bản án dành cho những tội ác như vậy được nới lỏng, các yêu cầu về bằng chứng phạm tội trở nên rườm rà và nghiêm ngặt hơn, còn phụ nữ thì bị tước đoạt đi các công cụ để bảo vệ quyền tự chủ chính trị và cơ thể của mình. Ví dụ như, vào năm 2017, Putin đã ký một đạo luật phi hình sự hóa một số hình thức bạo lực gia đình, bất chấp những lo ngại rằng Nga từ lâu đã phải đối mặt với “nạn dịch” bạo lực gia đình. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump đã biện minh cho việc đùa cợt về hành vi tấn công tình dục của mình rằng chúng chỉ là những “cuộc nói chuyện trong phòng thay đồ” mà thôi, mặc dù thực tế là nhiều phụ nữ đã cáo buộc ông có hành vi tấn công tình dục họ. Sau khi Trump trở thành tổng thống, chính quyền của ông đã chỉ đạo Bộ Giáo dục đổi mới các quy định của Tiêu đề IX để trao nhiều quyền hơn cho những người bị cáo buộc tấn công tình dục trong khuôn viên trường đại học.
Cuối cùng, nhiều nhà chuyên quyền và những người sẽ trở thành nhà chuyên quyền thúc đẩy một câu chuyện kể về tình trạng “nam giới là nạn nhân được thiết kế để khơi dậy mối quan tâm phổ biến về tình trạng của nam giới và trẻ em trai. Lúc nào cũng vậy, đàn ông được miêu tả là “thua cuộc” trước phụ nữ và các nhóm khác được ủng hộ bởi những người cấp tiến, bỏ qua thực tế là họ được hưởng vô vàn đặc quyền trong hệ thống phân cấp giới do nam giới thống trị. Chẳng hạn, vào năm 2019, Bộ Tư pháp Nga tuyên bố rằng các báo cáo về bạo lực gia đình đã bị cường điệu hóa và đàn ông Nga phải đối mặt với sự “phân biệt đối xử” lớn hơn phụ nữ trong các cáo buộc lạm dụng. Tương tự như vậy, những lãnh đạo chuyên quyền thường cho rằng nam tính đang bị đe dọa. Điều này đang dần trở nên phổ biến trong cộng đồng người ủng hộ Trump ở Hoa Kỳ. Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Josh Hawley, một đảng viên Cộng hòa từ Missouri, gần đây đã phản bác các phong trào cánh tả vì họ cho rằng nam tính truyền thống là độc hại, ông ta kêu gọi mọi người cần phải khôi phục “một giới đàn ông Mỹ đích thực, mạnh mẽ”. Đại diện Madison Cawthorn, một đảng viên Cộng hòa từ Bắc Carolina, đã nhắc lại quan điểm của Hawley trong một bài phát biểu, ông phàn nàn rằng xã hội Mỹ giờ đây đang “làm mất đi sự nam tính” của đàn ông và khuyến khích các bậc cha mẹ nuôi dạy "những gã khổng lồ".
Hãy tiếp tục đấu tranh
Phong trào thúc đẩy dân chủ của phụ nữ và người thuộc nhóm tính dục thiểu số là một mối đe dọa đối với những lãnh đạo chuyên quyền. Mặc dù nhiều nhà độc tài cho thấy họ có niềm tin cực kỳ vững chắc vào hệ tư tưởng phân biệt giới tính, họ vẫn phát động các chiến dịch hạn chế quyền của phụ nữ nói riêng và nhân quyền nói chung, nhằm chặn đứng những phong trào dân chủ đe dọa đến vị thế của họ.
Đấu tranh chống lại sự trỗi dậy của các chế độ độc tài cần phải đi đôi với việc thúc đẩy sự tham gia chính trị của phụ nữ. Để làm được điều này thì các chính quyền dân chủ cần thiết kế mô hình ra quyết định—từ trong các nhóm cộng đồng đến trong bộ máy chính quyền quốc gia—sao cho đảm bảo sự bao trùm, công bằng cho phụ nữ xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Chính quyền dân chủ cũng nên chú ý đến những vấn đề có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tham gia một cách bình đẳng vào đời sống công cộng của phụ nữ, chẳng hạn như tự chủ sinh sản, bạo lực gia đình, bình đẳng kinh tế và tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mẹ và trẻ. Tất cả những vấn đề đó nên được đặt làm trung tâm trong một cuộc chiến lớn hơn, một cuộc chiến vì nền dân chủ ở Hoa Kỳ và trên thế giới.
Các chính quyền dân chủ và thể chế quốc tế cũng nên lưu ý rằng: muốn ngăn chặn sự lây lan của chế độ độc tài toàn cầu thì cần phải tập trung vào đấu tranh cho quyền phụ nữ cũng như nhân quyền. Bạo lực, đe dọa thù ghét phụ nữ—kể cả ở không gian công hay tư—cũng nên bị xem là hành vi tấn công phụ nữ lẫn nền dân chủ, và kẻ phạm tội cần phải chịu trách nhiệm cho 2 việc đó. “Năm của hành động” được đề ra bởi chính quyền của Biden nhằm làm mới và đẩy mạnh dân chủ cần nên có thái độ kiên quyết sẽ đấu tranh cho công bằng giới cả ở sân nhà và trên thế giới. Nỗ lực của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ các nhà hoạt động nhân quyền và các nhóm xã hội dân sự cần làm rõ rằng việc trao quyền và sự tham gia chính trị của phụ nữ phải được lồng ghép trong tất cả các nỗ lực đổi mới dân chủ.
Nếu để lịch sử dẫn đường, các chế độ độc tài chắc chắn rồi sẽ thất bại.
Các liên minh quốc tế cần dứt khoát bác bỏ chế độ độc tài gia trưởng và chia sẻ nguồn lực cũng như kỹ năng cần thiết trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đang nổi này. Thường thì, những người có khả năng xây dựng và duy trì liên minh như vậy sẽ là các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và các nhóm nữ quyền cấp cơ sở, vì chính họ là nhóm nhận thức rõ nhất về nhu cầu cấp thiết trong cộng đồng của mình. Một hội nghị thượng đỉnh do nhiều quốc gia/một tổ chức khu vực hay toàn cầu có thể bắt đầu nỗ lực bằng cách để phụ nữ và xã hội dân sự từ khắp nơi trên thế giới tụ họp về để chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược. Một cách khác nữa là nỗ lực tăng cường hỗ trợ và tăng khả năng tiếp cận cho công chúng đến với cuộc họp thường niên của Ủy ban Liên hợp quốc về Địa vị Phụ nữ (UN Commission on the Status of Women).
Cuối cùng, phong trào quần chúng cần có một chương trình nghị sự nhạy cảm giới để thu hút phụ nữ tham gia vào tuyến đầu cũng như giữ vai trò lãnh đạo. Những người ủng hộ dân chủ nên tập trung vào việc hỗ trợ, đẩy mạnh và bảo vệ các nhóm, phong trào xã hội dân sự đang thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo họ được tham gia vào những cuộc đàm phán hoặc chuyển đổi diễn ra sau các cuộc nổi dậy. Các nhóm và tổ chức ủng hộ dân chủ phải hiểu rằng những phong trào có khả năng đạt được sự thay đổi lâu dài nhất chính là các phong trào mang tính bao trùm: vượt qua giai cấp, chủng tộc, giới tính và bản dạng giới.
Nếu để lịch sử dẫn đường, các chế độ độc tài chắc chắn rồi sẽ thất bại. Bởi các nhà nữ quyền sẽ không ngừng đấu tranh vì quyền của phụ nữ và tiến đến dân chủ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể chủ quan, bởi các chế độ độc đoán gia trưởng có thể gây ra thiệt hại cực kỳ lớn chỉ trong một thời gian rất ngắn, san bằng những thành quả mà phải mất nhiều thế hệ mới đạt được.
Bài đăng được dịch, biên soạn và thiết kế bởi Cộng Tác Viên của 3 Phút Trăn Trở.
Bài đăng gốc: Link
CHÚ THÍCH
[1] Hệ tư tưởng giới (gender ideology) được xem là một diễn ngôn gây hại cho phong trào bình đẳng giới. Khái niệm này được dùng bởi những người phản đối bình đẳng giới, phá thai, giáo dục giới tính và quyền của người LGBTIQ trong các lĩnh vực như hôn nhân, nhận con nuôi, mang thai hộ và công nghệ sinh sản.
[2] Vụ việc Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đưa ra phán quyết lật ngược bản án Roe kiện Wade (1973) vào năm 2021 https://theconversation.com/how-roe-v-wade-changed-the-lives-of-american-women-99130
[3] Chỉ số Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Đại học Georgetown https://giwps.georgetown.edu/the-index/
[4] Báo cáo về chỉ số Tự do của Thế giới năm 2022, Freedom House
https://freedomhouse.org/sites/default/files/2022-03/FITW_World_2022_digital_abridged_FINAL.pdf
[5] Báo cáo chỉ số Dân chủ năm 2022 của Dự án Varieties of Democracy thuộc Đại học Gothenburg
https://www.v-dem.net/publications/democracy-reports/
[6] Intifada là một loạt các cuộc biểu tình và bạo loạn kéo dài do người Palestine thực hiện ở Lãnh thổ Palestine và Israel. Cuộc intifada đầu tiên kéo dài từ tháng 12, năm 1987 đến tháng 9, năm 1993.
[7] Lysistrata là một vở kịch của Aristophanes, một nhà viết hài kịch Hy Lạp cổ đại. Vở kịch lấy chủ đề chiến tranh và hòa bình, chủ yếu miêu tả ảnh hưởng của chiến tranh từ quan điểm của một người phụ nữ.
[8] “Queer” là từ dùng để chỉ chung những người có nhận dạng giới tính và xu hướng tình dục khác với các quan niệm truyền thống về giới.