Tội ác giáo dục của Israel đối với Palestine
Một trong những tội ác mang tính hệ thống và xuyên suốt, có sức phá hoại khủng khiếp đối với bản sắc và ý chí đấu tranh của người Palestine, chính là tội về giáo dục.
Kể từ khi nhà nước Israel ra đời đi cùng với bạo lực trên diện rộng, đã gây ra thảm họa (nakba) về mọi mặt đối với người Palestine: tịch thu đất đai trên diện rộng, thảm sát hàng loạt dẫn đến 700.000 người buộc phải lưu vong (khoảng ⅔ người Palestine) và sống trong các trại tị nạn ở Gaza, Syria, Jordan và Lebanon. Trong đó, một trong những tội ác mang tính hệ thống và xuyên suốt, thường không biểu hiện trực tiếp nhưng lại có sức phá hoại khủng khiếp đối với bản sắc và ý chí đấu tranh của người Palestine, chính là tội ác về giáo dục.
1. Áp đặt và kiểm duyệt chương trình giảng dạy: Kể chuyện của mình bằng cách “bịt miệng” người khác.
Người Palestine đã kiên trì đấu tranh để được hưởng một nền giáo dục cho họ và vì họ, một nền giáo dục gắn liền với những tri thức bản địa về lịch sử của họ. Tuy nhiên, những nỗ lực đó đã bị kìm hãm khi chính phủ Israel khiến họ phải lưu vong, đồng thời kiểm soát chương trình giảng dạy ở mọi nơi có người Palestine sinh sống. Hơn nữa, Israel ra sức kể một câu chuyện khác với những gì đã diễn ra trong thực tế nhằm hợp thức hóa sự tồn tại của nhà nước Israel và xóa sổ lịch sử của Palestine.
Sự chia tách về mặt địa lý của người Palestine trong quá trình lưu vong đã ngăn cản người Palestine nhận được một nền giáo dục thống nhất. Việc giảng dạy bằng chương trình khác (người Palestine sống ở Bờ Tây phải học chương trình của Jordan, ở Gaza phải học của Ai Cập, ở Israel học của Israel, ở Lebanon học của Lebanon) khiến trẻ em Palestine không được học về lịch sử, văn hóa và địa lý của Palestine. Thông thường, lịch sử Palestine trong các tài liệu giảng dạy sẽ được gộp chung vào chủ đề lịch sử các quốc gia Ả Rập. Các giáo viên người Palestine đã cố gắng lồng ghép và truyền đạt kiến thức bản địa nhiều nhất có thể nhưng việc này vẫn gặp nhiều khó khăn như sự giới hạn bởi chương trình dạy theo quy định và thiếu những ghi chép bản địa, vì đã bị lạc mất trong quá trình di cư tị nạn.
Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả, đến năm 1967, khi cuộc tấn công của Israel vào Gaza và Bờ Tây kéo theo việc chính quyền Israel bắt đầu chú ý đến các trường học tại đây. Từ đó, chính quyền Israel có toàn quyền đối với mọi vấn đề giáo dục ở Bờ Tây và Gaza. Chính quyền chiếm đóng thường xuyên thanh tra trường học để kiểm tra, tịch thu sách vở của học sinh và giáo trình của giáo viên để kiểm duyệt lại chương trình giảng dạy. Bất kỳ nội dung nào đề cập đến di sản, văn hóa hoặc địa lý của người Palestine đều sẽ được Văn phòng An ninh Israel xem xét và bắt buộc sửa đổi.
Tưởng chừng như người Palestine sẽ được chịu trách nhiệm về hệ thống giáo dục của chính mình sau Hiệp định Oslo năm 1993, đặc biệt là về nội dung giảng dạy. Tuy nhiên, chương trình giảng dạy mới do chính quyền Palestine thiết kế vẫn gặp phải hai rào cản lớn.
Thứ nhất, chương trình dạy không được phép hàm chứa nội dung liên quan đến di sản của người Palestine vì bị cho là không phù hợp với “Tiến trình hòa bình” mà hai bên thỏa thuận. Chính vì vậy, những diễn ngôn hiện tại của người Palestine không phản ánh nguồn gốc và sự phức tạp về trình tự thời gian của diễn ngôn bản địa nguyên thủy như việc nuôi dạy con cái, giao tiếp, sử dụng đất đai, quyền sở hữu, tôn giáo và giáo dục. Lịch sử Palestine đã bị đứt gãy và bóp méo dưới sự chiếm đóng của chính quyền Israel.
Thứ hai, dù vậy, chính quyền Palestine và Bộ giáo dục vẫn phải chịu những cáo buộc về việc kích động lòng thù hận của người Palestine đối với người Do Thái đến từ IMPACT-se (Viện Giám sát Hòa bình và Khoan dung Văn hóa trong Giáo dục Học đường). Đây là là một tổ chức chính sách và nghiên cứu quốc tế được lập ra bởi người Israel chuyên giám sát và đánh giá chương trình giảng dạy toàn thế giới. Trong báo cáo đánh giá năm 2008, IMPACT-se đưa ra cáo buộc sách giáo khoa của Palestine đã mô tả họ với thái độ căm thù như những ác quỷ, thay vì có thể mô tả họ như những “người bên kia” của cuộc xung đột.
Hay như báo cáo năm 2016-2017 của IMPACT-se đã cáo buộc rằng nền giáo dục của Palestine đã dạy học sinh trở thành những kẻ tử vì đạo, điều này có thể bác bỏ các cuộc đàm phán, bôi nhọ và phủ nhận sự tồn tại của Israel, đồng thời tập trung vào mục tiêu "quay trở về" quê hương độc quyền của người Palestine.
Thậm chí, chương trình giảng dạy như vậy bị gọi là chủ nghĩa bài Do Thái bởi các phương tiện truyền thông thân Israel.
Những cáo buộc này đã được Cơ quan Công tác Cứu trợ Liên hợp quốc, cơ quan điều hành các trường học ở Gaza và Bờ Tây (UNRWA) bác bỏ, đồng thời, UNRWA cũng đảm bảo chương trình giảng dạy này phù hợp với các giá trị của Liên hợp quốc. Mặc dù vậy, những cáo buộc vô căn cứ này đã có tác động lớn khiến một số nhà tài trợ (như Bộ Phát triển Quốc tế - DFID) rút nguồn tài trợ ra khỏi việc đầu tư vào chương trình giảng dạy.
Trong khi đó, người Palestine sống ở Israel phải học giáo trình của Israel, những cuốn sách không đề cập đến lịch sử của người Palestine sống trên chính mảnh đất của họ trước khi người Israel vào và tuyên bố thành lập nhà nước vào năm 1948. Sau Hiệp định Oslo, chương trình giảng dạy vẫn không thay đổi ở Israel, nó tiếp tục từ chối cho người Palestine cơ hội tìm hiểu về lịch sử của họ một cách chính xác và đồng thời nuôi dưỡng hệ tư tưởng Phục quốc Do Thái cho thế hệ người Israel tiếp theo. Cho đến nay, chương trình giảng dạy cho người Palestine ở Jerusalem đã loại bỏ các biểu tượng về chủ quyền của người Palestine, chẳng hạn như cờ Palestine, quốc ca, keffiyeh, nguồn gốc các thành phố của người Palestine và không đề cập đến những người Palestine sống ở những khu vực khác ngoài Jerusalem.
Có thể thấy giáo trình của Israel luôn mô tả họ như “những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái di cư đến Israel” và ngụ ý rằng đó là “đất hoang” thay vì thừa nhận tính hợp pháp về lãnh thổ của cư dân Palestine và các dân tộc Ả Rập khác. Báo cáo của IMPACT-se tự nhận nội dung giảng dạy của Israel ngày càng có xu hướng khách quan hơn về mặt lịch sử. Theo đó, tổ chức này cho rằng chương trình giảng dạy mới của Israel đã bao gồm thêm nhiều quan điểm của người Palestine hơn cũng như đồng cảm với những khó khăn của họ hơn trước. Thế nhưng, đây là những gì mà IMPACT-se nói riêng và nhà nước Israel nói chung thể hiện điều đó:
Việc mô tả hoàn cảnh sống khó khăn của họ trong các trại tập trung trong khi không thừa nhận sự chiếm đóng của Israel đã đẩy họ đến hoàn cảnh đó là một kiểu đồng cảm nửa vời. Bên cạnh đó, Israel luôn gọi những gì xảy ra giữa hai dân tộc là “xung đột” trong các cuốn sách lịch sử thành lập nhà nước Israel, điều này làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng và phi đạo đức của những gì mà Israel đã và đang làm với người Palestine.
2. Từ can thiệp cho đến chiếm đóng: Khi trường học là chiến trường
Không chỉ kiểm soát và áp đặt các nội dung giảng dạy, hình thức tổ chức giảng dạy tại các trường học và đại học Palestine cũng nằm dưới sự áp bức của Israel. Israel thực hiện việc chiếm đóng bằng sự hiện diện của người Israel ở trường học Palestine cho đến hành vi chiếm đóng bằng quân đội. Song, khi người Palestine phản kháng, Israel đã tiến hành hình sự hóa giáo dục và thi hành các biện pháp trừng phạt từ bắt giữ đến tra tấn đối với học sinh, giáo viên và phụ huynh Palestine.
Trước hiệp định Oslo, trẻ em Palestine sẽ theo học ở (1) các trường công lập của chính phủ do chính quyền Israel điều hành; (2) các trường UNRWA chỉ cung cấp giáo dục tiểu học (lớp 1–9) cho người tị nạn Palestine; (3) các trường tư thục cung cấp giáo dục ở mọi cấp độ. Loại nào cũng nằm dưới sự kiểm soát của Israel tùy theo mức độ, với các trường tư thục thì chủ yếu là bị giám sát nội dung và phương pháp giảng dạy. Trong khi đó, các trường kiểu (1) và (2) như các trường học của người Palestine ở Bờ Tây và Gaza phải báo cáo cho chính quyền chiếm đóng, về chương trình giảng dạy, việc xây dựng, bảo trì trường học, đến hoạt động của đội ngũ giáo viên và nhân viên nhà trường. Nguồn tài trợ từ Israel đến các trường học này được cung cấp ở mức tối thiểu, gần như chỉ đủ để trả lương cho giáo viên. Việc xây dựng trường học mới và đào tạo giáo viên hầu như không tồn tại. Hệ thống quản lý được tập trung cao độ và thông tin được giữ kín khỏi giáo viên và quản trị viên.
Intifada đầu tiên nổ ra vào tháng 12/1987 đã có tác động lớn đến giáo dục. Nhiều giáo viên bị buộc phải nghỉ hưu, các hiệp hội giáo viên bị cấm và học sinh bị đuổi học và cấm ra nước ngoài. Các trường học của người Palestine bị đóng cửa trong thời gian dài và một số trường đại học đã đóng cửa trong hơn 4 năm. Một số trường học bị biến thành trung tâm giam giữ. Giáo dục đã trở thành trung tâm của cuộc đấu tranh dân tộc chủ nghĩa trong thời gian này. Người Palestine đã thiết lập một hệ thống “giáo dục phổ thông” song song với hệ thống chính thức để chống lại sự phân biệt đối xử và việc đóng cửa trường học. Các trường học bắt đầu làm việc với các khoa của trường đại học và các tổ chức phi chính phủ để thành lập trường học tại nhà và chuẩn bị bài học mang về nhà.
Trước sự phản kháng này, Cơ quan Quản lý Dân sự Israel đã hình sự hóa giáo dục tại nhà và áp đặt các án tù cũng như phạt nặng đối với những người tổ chức những khóa học đó. Từ việc bắt giam đến tra tấn, Israel làm mọi cách để đàn áp tiếng nói của người Palestine, và các biện pháp trừng phạt như vậy vẫn kéo dài tiếp tục cho đến ngày hôm nay.
Abu Ghosh là một sinh viên báo chí tại Đại học Birzeit bị quân đội Israel bắt vào tháng 8/2019 và bị buộc tội là thành viên của Đảng Sinh viên Tiến bộ Dân chủ, một nhóm sinh viên tham gia các hoạt động chống lại sự chiếm đóng của Israel. Cô là nhân chứng cho những tội ác mà Israel đã làm với những người Palestine mà chúng giam giữ. Cô đã trải qua sự tra tấn về thể xác và tâm lý từ quân đội Israel. Kể lại trải nghiệm kinh hoàng của mình, cô chia sẻ bản thân bị ép vào nhiều tư thế gây đau nhức và căng thẳng trong nhiều giờ, cũng như bị đe dọa rằng cô sẽ về nhà với tình trạng bị liệt hoặc suy sụp tinh thần. Cô bị buộc phải nghe tiếng khóc và la hét của những tù nhân khác đang bị thẩm vấn, đồng thời phải đối mặt với những cái tát liên tục vào mặt khi binh lính Israel hét lên những lời nhục mạ với cô.
Kể từ Intifada lần thứ 2 vào năm 2000, MoEHE báo cáo rằng hàng chục trường học đã bị chiếm đóng và biến thành căn cứ quân sự của Israel. Cho đến nay, hàng nghìn học sinh đã bị lực lượng chiếm đóng giam giữ. Việc chiếm đóng trường học đã làm gián đoạn việc đến trường của học sinh, thêm vào đó, chính phủ Israel đặt ra hàng loạt lệnh giới nghiêm cùng với lệnh hạn chế di chuyển, làm mất ngày học vốn đã rất ít ỏi với học sinh và sinh viên Palestine. Chỉ với sáu đến tám giờ điện mỗi ngày, hầu hết học sinh và sinh viên phải vật lộn để đáp ứng các yêu cầu cơ bản của trường học và cao đẳng. Trong Intifada thứ hai, việc đóng cửa, giới nghiêm, giấy phép, phá dỡ và bức tường ngăn cách đã khiến ngành giáo dục không thể tự duy trì và có nguy cơ sụp đổ.
3.Phá hủy hoàn toàn nền giáo dục Palestine: Một cuộc diệt chủng trên lĩnh vực học thuật (scholascitide)
Cụm từ scholasticide lần đầu tiên được đặt ra bởi giáo sư người Palestine tại Đại học Oxford, Karma Nabulsi, để mô tả việc cố tình phá hủy cơ sở hạ tầng giáo dục, giết hại các học giả, sinh viên giảng viên người Palestine. Sau này, quy mô phá hoại của nó được mở rộng đến các cơ sở quan trọng (như trung tâm lưu trữ, bảo tàng) và tài liệu giáo dục, văn hóa của người Palestine.
Nếu những tội ác trước đó gây ra nguy cơ sụp đổ cho nền giáo dục cho Palestine, thì những lần ném bom và giết hại trực tiếp các đối tượng trong lĩnh vực học thuật từ năm ngoái đến nay đã đẩy nền giáo dục Palestine đến thảm kịch được Takriti gọi là “sự hủy diệt hoàn toàn”. Sự hủy diệt đó được xác định qua những thiệt hại sau của người Palestine:
Thứ nhất, về cơ sở hạ tầng giáo dục, hệ thống giáo dục ở Gaza bị thiệt hại nặng nề kể từ khi Israel bắt đầu cuộc tấn công và bắn phá vào đây. Cuối năm 2023, Israel đã phá hủy trường đại học cuối cùng của Gaza, Đại học Al-Israa. Đến ngày 21/7/2024, 88% cơ sở giáo dục đã hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Sự tàn phá này không chỉ phá hoại cơ sở hạ tầng vật chất, xóa đi những nguồn tài nguyên và kiến thức vô giá được tích lũy qua nhiều năm, mà còn gây thiệt mạng cho những người dân Palestine tị nạn đã chọn trường học làm địa điểm trú ẩn.
Thứ hai, với các học giả, sinh viên và giảng viên, Bộ Giáo dục Palestine báo cáo rằng tính đến ngày 26/2/2024, hơn 800 giáo viên đã bị thương và hơn 239 nhân viên đã thiệt mạng kể từ ngày 7/10/2023. Các cuộc tấn công có chủ đích đã giết chết nhiều học giả ở Gaza, đặc biệt là những người có bằng cấp cao. Họ là những người không chỉ tham gia biểu tình mà còn cố gắng tiến hành những chương trình giảng dạy tập trung vào việc giải phóng và thách thức các quan điểm thống trị của Israel nhằm tìm cách kiểm soát và phi nhân tính hóa người dân Palestine.Vai trò của họ trong việc vận động chống lại sự chiếm đóng đang diễn ra của Israel đối với Palestine đã biến họ trở thành những mục tiêu hàng đầu của quân đội Israel.
Cuối cùng, thiệt hại được ghi nhận là sự phá hủy di sản văn hóa bao gồm các cơ sở văn hóa (bảo tàng, trung tâm lưu trữ) và hiện vật (các tài liệu ghi chép về địa lý, lịch sử và văn hóa từ xưa của người Palestine). Theo đó, cuộc tấn công của Israel đã mở rộng sang các viện bảo tàng, thư viện và kho lưu trữ. Nhiều nơi như vậy đã bị phá hủy, hư hại hoặc bị cướp bóc, với những tài liệu lịch sử, bản thảo và hiện vật vô giá bị phá hủy.
Vì sao Israel sẽ luôn nhắm vào giáo dục của người Palestine như một sự phá hoại có hệ thống và xuyên suốt?
Chúng ta thường có xu hướng bỏ qua việc kết án những hành vi này như một tội ác vì không nhận thấy các thiệt hại trực tiếp hoặc liên hệ nó với cuộc diệt chủng đang diễn ra, tuy nhiên:
“Bỏ đói một tâm trí có lẽ là một hình phạt tinh vi hơn cả cấm vận thực phẩm”
Giáo dục chưa bao giờ tách rời khỏi bối cảnh chính trị, nhất là trong chiến tranh/xung đột, nó gắn liền với sự giải phóng của cả tập thể. Đối với người Palestine, giáo dục là phương tiện đấu tranh khả dĩ nhất chống lại tình trạng bạo lực thường xuyên và sự chiếm đóng của Israel hiện nay vì hệ thống giáo dục của họ đã tạo ra một thế hệ kiên quyết phản đối sự chiếm đóng và vạch trần tội ác của Israel trên toàn cầu.
Ngược lại, giáo dục của người Palestine là mối đe dọa đối với sự chiếm đóng và tính chính danh của Israel qua việc làm suy yếu câu chuyện mà Israel tạo dựng kể từ năm 1948. Chính vì thế, phá hủy giáo dục là chiến lược đảm bảo cho câu chuyện của người Palestine không bao giờ được vượt trội hơn Israel, cũng như ngăn cản thế hệ tương lai của Palestine nói riêng và thế giới nói chung nhận thức về tội ác của Israel qua nhiều thập kỷ.
Không có tự do giáo dục ở một dân tộc mất tự do!
Bất chấp sự phủ nhận về tội ác giáo dục, những gì Israel đang gây ra cho Palestine là minh chứng không thể chối cãi về việc nó góp phần hủy diệt “trí óc” và sự phản kháng của Palestine. Bởi quyền được sống và quyền được giáo dục có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 nêu rõ:
“Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và quyền an toàn cá nhân.”
Quyền được giáo dục không chỉ được biểu hiện bằng việc người dân Palestine được đi học, được tiếp cận với các điều kiện giáo dục chất lượng, mà trước tiên, nó phải biểu hiện bằng việc được sống trong tự do, không bị áp bức và giết hại.
Tuy nhiên, từ năm 1948 đến nay, tình trạng lưu vong đã khiến cho nhu cầu về giáo dục của người Palestine bị đẩy xuống hàng thứ yếu, sau những điều kiện sống cơ bản (không bị giết hại, nơi trú ẩn an toàn, thức ăn, quần áo). Quyền sống của người Palestine còn khó được đảm bảo trong tình trạng lưu vong thì quyền được giáo dục là một thứ xa xỉ.
Chính vì vậy, chừng nào Israel vẫn chiếm đóng và tiến hành các cuộc thảm sát đối với người Palestine thì chừng đó Israel vẫn đang tiếp tục tước đoạt quyền được giáo dục khỏi họ.
Bài viết được biên soạn và biên tập bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.