"Trung lập và khách quan" hay "khoa học" của kẻ áp bức?
Giới tinh hoa và "học giả" tại Việt Nam làm gì khi Gaza đang bị diệt chủng?
Khi những người dân ở Ga-za bị đánh bom, bị bỏ đói, bị giết hại, bị tra tấn, bị cưỡng hiếp, bị bắt bớ mỗi ngày, thì giới tinh hoa học thuật, học giả khoa học xã hội tại Việt Nam ngồi đây phân tích các cách tiếp cận khác nhau, các lý thuyết khác nhau,... khi nhìn về vấn đề Gaza. Họ tranh luận với nhau: liệu những gì xảy ra ở Gaza có phải là diệt chủng hay không?
Theo một số học giả, dựa trên khung pháp lý của Công ước Diệt chủng Quốc tế: “Những gì xảy ra ở Gaza chưa đủ để gọi là diệt chủng vì chưa đủ chứng cứ chứng minh chủ đích “tàn sát người Palestine” của Israel.
Đồng thời, các học giả cũng cho rằng, việc vội vàng kết luận Gaza đang bị diệt chủng chỉ dựa trên cảm thức đạo đức và quan sát cá nhân có phần cảm tính, chủ quan và phiến diện; trong khi bằng cách viện dẫn các khung pháp lý quốc tế, các định nghĩa khoa học về “diệt chủng” làm nền tảng để tranh luận về vấn đề ở Gaza thì “khách quan”, “trung lập” và “phổ quát” hơn.
Tuy nhiên, những người này đã không nhận ra rằng, sự “khách quan” và “trung lập” trong khoa học pháp lý nói riêng và khoa học nói chung vốn đã được tạo ra bởi những kẻ cầm quyền nhằm hợp thức hóa hệ thống áp bức và văn hóa thống trị trong xã hội.
Văn hoá khoa học và Chân lý
Chúng ta đang sống trong một nền văn hoá “khoa học”: nơi mà tri thức được công nhận là “khoa học” được tôn thờ như một loại chân lý bất biến. Niềm tin này thấm nhuần vào hoạt động và tư duy của các thể chế công, lẫn vào cách chúng ta suy nghĩ về những gì riêng tư nhất của mình. Tất cả đều bị/được khoa học chỉ đường.
Ví dụ, chúng ta ngủ 8 tiếng mỗi ngày vì “khoa học” chứng minh điều đó tốt cho cơ thể của “tất cả chúng ta”. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết rằng, nghiên cứu này được thực hiện trên những mẫu nghiên cứu nào (giới tính của họ là gì, tuổi tác ra sao, họ sống trong môi trường nào, làm công việc gì, đặc điểm cơ thể ra sao,...)? Vậy kết luận nói trên liệu có thật sự “khách quan” và “đúng cho tất cả” như chúng ta tưởng?
Nhìn lại lịch sử, khoa học, lý trí, vô thần, tư duy phê phán và việc bác bỏ chủ nghĩa duy tâm và trừu tượng là một số đặc điểm hình thành nên nền tảng của chủ nghĩa thực chứng (positivism) - kim chỉ nam dẫn đường cho khoa học hiện đại. Vào thời kỳ Khai sáng, khi tri thức do các nhà khoa học như Isaac Newton (1642-1727) và Galileo Galilei (1564-1462) tạo nên cuộc “cách mạng khoa học hiện đại” trong xã hội phương Tây, con người không còn tin tưởng mù quáng vào tri thức và “chân lý” của các giáo đoàn tôn giáo nữa mà bắt đầu nhìn thế giới một cách hoài nghi hơn.
Trong giai đoạn này, chỉ có tri thức được xem là khoa học mới là đúng đắn, chỉ có thứ mà ta có thể chạm vào, quan sát và định lượng bằng phương pháp khoa học mới được xem là “sự thật khách quan”. Còn lại, mọi loại hình tri thức khác (tri thức bản địa, dân gian, truyền miệng) đều là “chủ quan”, “cảm tính” và không có giá trị.
Vậy thì để tìm ra được những “sự thật khách quan” đó, hẳn các nhà khoa học phải là những thực thể siêu nhiên, đứng trên cao và quan sát xã hội, đúng không? Bởi vì chỉ có những thực thể lý tưởng - tồn tại ngoài (hay không nói là trên) xã hội con người, mới có thẩm quyền tối cao để phán xét tất cả những gì xảy ra trên thế giới, mới dám dõng dạc tuyên bố tri thức của mình là “khách quan”.
Chúng ta - những con người tồn tại trong cùng một xã hội với các nhà khoa học - cũng chưa bao giờ dám chất vấn chuyện đó, hệt như Harding (1988) quan sát:
“Trong các nền văn hoá hiện đại, kể cả Chúa hay Truyền thống cũng không được con người tin tưởng bằng những tri thức gắn mác khoa học… Trong khi các thể chế và các thực hành xã hội khác đều có thể bị phán xét, thì việc chất vấn khoa học dường như là một điều cấm kỵ”
Khoa học không bị ảnh hưởng bởi những “đánh giá xã hội”, bởi khoa học được cho là chủ đề chỉ được thảo luận trong phòng thí nghiệm, trên các bài báo nghiên cứu,... Những người “ít đọc” thì đừng thảo luận về khoa học, vì chỉ có những người “đọc nhiều”, “có chuyên môn”, “nhà nghiên cứu” hoặc “học giả” thì mới được quyền lên tiếng.
Sự nguỵ biện của khoa học hiện đại
Làm thế nào mà những nhà khoa học có thể tự nhận mình và tri thức mà mình tạo ra là trung lập và khách quan cả về mặt xã hội và chính trị trong khi bản thân tri thức là nhân tạo, và khoa học cũng là sản phẩm của những lực lượng và quy trình xã hội? Bất kỳ tri thức nào, kể cả có “khoa học” hay không, cũng đều có mục tiêu và chương trình nghị sự đằng sau. Tri thức được sản sinh trong những thể chế chính trị - xã hội nhất định, trong bối cảnh nhất định, bởi những tác giả - có thiên kiến và căn tính cá nhân nhất định (chủng tộc, giai cấp, giới,...).
Ví dụ, một người da trắng, nam giới dị tính, trung lưu sẽ có những trải nghiệm cực kỳ khác biệt về hệ thống y tế nước Mỹ so với một người da màu, đồng tính và thuộc giai cấp lao động. Tương tự kể cả với khoa học tự nhiên, khi các mẫu thí nghiệm được lựa chọn có chủ đích, các thí nghiệm được tiến hành trong môi trường được kiểm soát và theo dõi nghiêm ngặt, thì làm sao kết quả nghiên cứu có thể được mô tả là “khách quan” hay “phổ quát”?
Khoa học hiện đại đã tự đặt mình vào hệ thống “sự thật khách quan” (fact) tách biệt với giá trị (value) - thứ được sản sinh từ trong xã hội. Khoa học tự cho là nó có vai trò “khám phá ra bản chất và quy luật tự nhiên” bằng các phương pháp “khoa học”, đưa ra các tuyên bố “khách quan, trung lập và phổ quát” mà không bị ảnh hưởng bởi các hệ thống xã hội, các niềm tin hay gọi chung là các giá trị.
Thông thường, chúng ta được khuyến khích bỏ qua căn tính cá nhân và xã hội của nhà nghiên cứu như thể chúng “không đáng quan tâm”: cho dù nhà nghiên cứu là người Trung Quốc hay người Anh, người Mỹ gốc Phi hay gốc Âu, hay người Palestine hay người Israle, phụ nữ hay đàn ông đều được cho là “không ảnh hưởng đến sự khách quan của kết quả nghiên cứu”. Điều này chủ đích là để che giấu đi thiên kiến của bài nghiên cứu, để khoác lên cho nghiên cứu khoa học một lớp vỏ “khách quan” tuyệt đối.
Tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng tri thức luôn được sản sinh ra trong những thể chế lịch sử xã hội cụ thể. Theo cấu trúc nhận thức luận Marxist, trong những xã hội mà quyền lực được phân cấp rõ rệt qua giới, giai cấp hay sắc tộc, không có loại tri thức/khái niệm nào thật sự trung lập hay khách quan, tồn tại tách rời khỏi các giá trị hay các mối quan hệ xã hội, lịch sử mà tất cả mọi người đều tham gia vào. Thay vào đó, mỗi người - mỗi nhà “khoa học" - chỉ có thể diễn giải được một góc nhìn cục bộ về thực tại (reality) theo quan sát chủ quan của mình trong hệ thống phân cấp xã hội đó. Và góc nhìn này còn bị ảnh hưởng (nếu không nói là bị bóp méo) bởi cách thức mà các mối quan hệ thống trị được tổ chức trong xã hội.
Vấn đề không chỉ nằm ở thiên kiến cá nhân hay sự thiên vị của nhà nghiên cứu. Vấn đề còn nằm ở việc, bản thân các khuôn khổ khái niệm đã củng cố cho lợi ích và các mối quan tâm về mặt văn hoá và thể chế nhất định, tức - tri thức phải không được tạo ra một cách “tự nhiên và vô tri”, mà được định vị/kiến tạo bởi xã hội (socially situated).
Thật không?
Hãy cùng nhìn vào một ví dụ cụ thể hơn. Khi thảo luận về nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc Palestine, một “học giả” đã trích dẫn Bernard Lewis (và gọi ông là một “sử gia lớn”) để củng cố cho tính khách quan của lập luận của mình:
Bernard Lewis là nhà sử học người Anh-Mỹ, nghiên cứu về lịch sử Hồi giáo và sự tương tác giữa “Hồi giáo và phương Tây”. Ông từng phục vụ cho Quân đội Anh trong Thế chiến II. Lewis trong các tác phẩm của mình đã mô tả một thế giới Hồi giáo lạc hậu, đang sôi sục lòng căm thù phương Tây hiện đại và đạo đức. Ông, chứ không phải Samuel Huntington, mới là người nghĩ ra cụm từ “cuộc đụng độ của các nền văn minh” - cụm từ bị cho là quy chất và quy giản hóa động lực kinh tế-chính trị sâu xa thành những cuộc xung đột về văn hóa và tôn giáo đang diễn ra tại Trung Đông.
Trong bối cảnh Liên Xô và các nhà nước Ả Rập liên tục từ chối công nhận tính hợp pháp của nhà nước Israel, Lewis đã xuất bản nhiều bài nghiên cứu liên quan đến chủ nghĩa bài Do Thái, bảo vệ nhà nước Israel. Ông từng cho rằng “sự phẫn nộ của người Ả Rập đối với Ít-xa-ren là không tương xứng với những thảm kịch hoặc bất công khác trong thế giới Hồi giáo.”
Sau sự kiện ngày 11/9, các tác phẩm của Lewis lại càng nổi tiếng hơn khi đặt “tôn giáo và văn hoá Islam " vào trọng tâm các cuộc tranh luận, chỉ trích quốc tế về tính cực đoan, sự bảo thủ và kém phát triển. Thậm chí, ông còn là người cố vấn quan trọng cho Tổng thống Bush trong các cuộc thảm sát quân sự tại Trung Đông.
Vậy lập luận và quan điểm của Bernard Lewis liệu có trung lập và đáng tin cậy đến mức đó không?
Rõ ràng, thiên kiến cá nhân, mục tiêu, mục đích nghiên cứu, chương trình nghị sự nghiên cứu, căn tính xã hội (da trắng, hợp giới, làm việc trong quân đội Anh) của Lewis ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm của ông - những lập luận biện hộ cho chủ nghĩa Zion và nỗ lực quy giản hoá các cộng đồng Muslim tại Trung đông. Nếu không nói Lewis là một người tuyên truyền chống lại đạo Hồi, thì cũng phải nói, Lewis là người bảo vệ chủ nghĩa Zion chính hiệu (như Edward Said mô tả).
Đàn áp và bóp méo ngôn ngữ: Công cụ của những kẻ áp bức!
Mặt khác, những tiêu chuẩn “khách quan và trung lập” của khoa học đang đồng thời đàn áp tiếng nói của những cộng đồng bị áp bức: những lời kể về trải nghiệm của họ sẽ luôn bị gán mác là “chủ quan”, “phiến diện” hoặc “cảm tính”. Các khuôn khổ khái niệm mang tính gia trưởng, phân biệt chủng tộc, lấy phương Tây làm trung tâm, định chuẩn dị tính đã tạo ra sự “vô tri” và hiểu biết sai lầm một cách có hệ thống không chỉ về cuộc sống của những người bị áp bức mà còn về cuộc sống của những kẻ đi áp bức.
Những kẻ thống trị sẽ tìm cách che giấu hệ thống xã hội đầy rẫy áp bức bằng cách “trung lập hoá” ngôn ngữ vạch trần các hệ thống này. Thay vì nói “người lao động bị bần cùng hoá, bóc lột tàn tệ, bị áp bức", những kẻ thống trị nói “người lao động bị thiệt thòi, bị tước quyền, yếu thế về kinh tế”, thay vì nói “mạng sống của người da đen quan trọng”, chúng nói “mạng sống của tất cả mọi người đều quan trọng.”
Dám trích dẫn Paulo Freire và bell hooks như cái vỏ bọc để biện minh cho sự “trung tính mà đầy áp bức” của mình thì trước hết phải biết: Freire cũng vận động chúng ta đòi lại “tiếng nói phản kháng đã bị đánh cắp” bởi những kẻ thống trị - những tiếng nói làm lộ ra cơ chế áp bức, những tiếng nói đang bị bóp méo và đàn áp.
Việc sử dụng các ngôn từ được cho là “khách quan - nói giảm nói tránh” - thực chất chỉ che đậy những điều kiện lịch sử thực sự giúp lý giải những sự áp bức này. Freire chỉ trích các “học giả” sử dụng uyển ngữ khi nói về sự áp bức trong xã hội, những người từ chối sử dụng các diễn ngôn vạch trần hay lên án thực tế áp bức.
Ông cũng khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa kẻ áp bức và người bị áp bức. Nếu ta có một người bị áp bức, chắc chắn phải có một kẻ áp bức:
“Tội ác chống lại loài người ư?” Loài người nào? Ai là loài người? Ai không phải loài người? Ai đang gánh chịu tội ác đó? Ai đang thực hiện tội ác đó?
“Tội ác chiến tranh ư?” Chiến tranh giữa ai với ai? Ai đang giết ai? Người bị giết là người đang tham chiến sao? Bạo lực trong chiến tranh là chuyện bình thường mà? Đó chỉ là hệ quả của chiến tranh thôi? Ai cần quan tâm chứ?
Nó phải là diệt chủng! Israel đang diệt chủng người Palestine.
Rõ ràng, các chiến lược “trung lập hoá ngôn ngữ” hay “nói giảm nói tránh” không chỉ làm hoang đường, đàn áp và bóp méo thực tế hiện tồn, mà còn là chiến lược được thế lực thống trị (chính trị gia, tinh hoa, học giả) đánh lạc hướng sự chú ý khỏi “thủ phạm” thực sự của các vấn đề xã hội, che dấu kẻ áp bức và tiếp tục “dắt mũi” chúng ta dưới vỏ bọc “trung lập và khách quan”.
Đối với Freire, quá trình “tỉnh thức” nhất thiết phải bao gồm việc lấy lại lời nói của chính những người bị áp bức - đó là hành trình giành lại quyền được nói, quyền được phát âm từ ngữ của chính mình, quyền được công nhận nhân tính một cách trọn vẹn, quyền được chịu trách nhiệm cho số phận của mình.
Ở đây, những người Palestine có quyền được lên tiếng, được phát ngôn rằng cộng đồng Palestine đang bị chính quyền Israel diệt chủng, bị bỏ đói, bị áp bức, bị tàn sát, bị đàn áp đến tột cùng. Không ai có quyền định đoạt, bóp méo hay quyết định tiếng nói phản kháng của những người Palestine. Họ có đầy đủ thẩm quyền và tồn tại như những con người toàn vẹn về nhân tính - họ có quyền lên án tội ác của nhà nước Israel.
Tri thức phải thuộc về những cộng đồng bị áp bức.
Không một học giả nào, không một nhà cầm quyền, một kẻ áp bức nào có đủ thẩm quyền, tư cách để cưỡng đoạt, giành lấy hay đàn áp ngôn từ và tiếng nói của họ.
Bài viết được biên soạn và thiết kế bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.