Từ dưới mặt đất: Phong trào phụ nữ phản thực dân của Palestine
Hòa bình phi bạo lực phải là đích đến cuối cùng của phong trào xã hội!
Khi một cuộc xung đột hay chiến tranh xảy ra, hầu hết những gì chúng ta được nghe trên báo đài chính thống là thông tin liên quan đến các chiến lược chính trị và vũ trang của các quân đội. Ví dụ như chính phủ A đã tài trợ bao nhiêu tiền cho chính phủ B, hay quân đội của C đã thành công tiêu diệt được bao nhiêu lính của D. Ngược lại, những phong trào của phụ nữ, vì phụ nữ diễn ra trong lòng những cuộc đấu tranh phản thực dân gần như lại “mất hút” khỏi những diễn đàn chính trị quốc tế.
Phụ nữ trong chiến tranh bị khắc họa là những nạn nhân đơn thuần của cuộc chiến đẫm máu giữa hai hoặc nhiều lực lượng vũ trang. Cùng lúc, họ bị biến thành những lý do mang tính biểu tượng để thúc đẩy những người lính (thường là nam giới) chiến đấu, vì sứ mệnh “bảo vệ phụ nữ và trẻ em”. Trong khi thực chất, phụ nữ đã luôn là một lực lượng năng động tham gia vào các phong trào kháng chiến và phản thực dân ở nhiều quốc gia, từ Chiapas đến Bắc Ireland đến Palestine.
Phụ nữ Palestine: Một cổ ba tròng
Trên báo đài phương Tây, phụ nữ Palestine đặc biệt được đặc tả là nạn nhân của chế độ Hồi giáo cực đoan, họ bị kiểm soát, đàn áp thông qua chiếc hijab và cần được khai phóng, giải cứu bởi Tây phương văn minh, tự do. Kể cả trong những diễn ngôn đấu tranh giải phóng Palestine, thì phụ nữ Palestine vẫn tiếp tục bị khắc họa là những nạn nhân xấu số dưới sự đàn áp của quân đội Israel.
Không phủ nhận rằng phụ nữ Palestine phải chịu áp bức dưới 3 thân phận: với tư cách là người Palestine sống dưới ách chiếm đóng của thực dân Anh Quốc từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất rồi đến quân đội Israel sau này; với tư cách là người phụ nữ sống trong xã hội gia trưởng; và với tư cách là tầng lớp thấp trong xã hội chịu sự chi phối của luật lệ phân biệt đối xử [1]. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cần phải thừa nhận rằng họ cũng là những chủ thể chính trị có khả năng đấu tranh cho quyền lợi của mình. Xuyên suốt lịch sử, các phong trào kháng chiến do phụ nữ lãnh đạo đã luôn là một phần thiết yếu trong cuộc chiến kéo dài hơn một thế kỷ chống lại chế độ thực dân và áp bức ở Palestine.
Những ngọn sóng âm ỉ
Sự nổi dậy của phong trào phụ nữ phản thực dân bắt đầu từ cuộc nổi dậy Buraq năm 1929, kéo theo sự thành lập của Đại hội Phụ nữ Ả Rập đầu tiên - gồm sự tham gia của 200 phụ nữ Palestine tại Jerusalem để thảo luận về các vấn đề trong xã hội Palestine. Đại hội Phụ nữ Ả Rập thống nhất rằng phong trào của họ kiên quyết phản đối Tuyên bố Balfour năm 1917 và việc nhập cư của những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái vào Palestine. Họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối những chính sách này cũng như việc trừng phạt tập thể của Anh đối với người Palestine.
Họ là lực lượng tích cực tham gia biểu tình, các chiến dịch vũ trang, và cả việc bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc. Bất chấp các thực hành bạo lực và xóa sổ văn hóa thuộc địa của Anh, những người phụ nữ Palestine đã chiến đấu để bảo tồn di sản và nguồn gốc Palestine. Họ là lực lượng kháng chiến trung tâm tham gia tích cực vào các chiến dịch chống lại thực dân, giúp kéo dài sự kháng cự của người Palestine trong Cuộc nổi dậy vĩ đại năm 1936-39 [2].
Sau năm 1948, phụ nữ Palestine đóng vai trò trung tâm trong việc thành lập các mạng lưới phúc lợi để hỗ trợ người tị nạn. Năm 1965, Tổng Liên minh Phụ nữ Palestine (GUPW) được thành lập. Nó tổ chức các chiến dịch chính trị, diễn thuyết và hội thảo, các sự kiện văn hóa và cung cấp nhiều hoạt động hỗ trợ cho gia đình các tù nhân và liệt sĩ. Mạng lưới GUPW cũng thành lập nhà trẻ tập thể để giúp đỡ các nhà hoạt động xã hội và gia đình họ [3].
Cuộc intifada đầu tiên: Khi nội trợ làm cách mạng
Phụ nữ Palestine là lực lượng nòng cốt quan trọng của phong trào Intifada đầu tiên nổ ra vào tháng 12 năm 1987 nhằm chống lại sự chiếm đóng của quân đội Israel. Khi đàn ông Palestine bị bắt giữ hàng loạt, phụ nữ đã đứng dậy để duy trì công cuộc phản kháng. Vì lệnh cấm hội họp chính trị của quân đội Israel, các cuộc huy động lực lượng của người Palestine được cải trang thành những buổi đàm thoại của phụ nữ nội trợ. Ngoài mặt, họ kêu gọi tổ chức các cuộc gặp gỡ thân tình để đan lát, nấu ăn và may vá, nhưng thực chất thì họ đang bí mật lên kế hoạch cho intifada. Những hoạt động này đã giúp huy động hàng trăm nghìn người Palestine, vượt qua ranh giới thế hệ, phe phái chính trị và giai cấp, nhằm phối hợp chống lại sự chiếm đóng của Israel.
Phụ nữ Palestine đã khởi xướng các cuộc đình công dân sự và tẩy chay hàng loạt chống lại Israel. Họ tổ chức tự cung tự cấp lương thực thay vì sử dụng các sản phẩm của Israel bằng cách thành lập các khu vườn sau nhà và các hợp tác xã nông nghiệp. Khi Israel đóng cửa các trường học của người Palestine, phụ nữ Palestine đã tổ chức các lớp dạy học trong các tầng hầm và các tòa nhà bỏ hoang. Họ tự học y và thành lập các đội chăm sóc khẩn cấp cho người biểu tình bị thương do quân đội Israel. Những động thái này gây ra tác động nặng nề đến nền kinh tế của Israel đến nỗi Shimon Peres, Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó, đã phải cảnh báo rằng nền kinh tế đang “gặp nguy hiểm”.
Trước sự phản kháng mãnh liệt này, chính phủ Israel đã tăng cường các biện pháp răn đe, áp đặt lệnh giới nghiêm hàng ngày và ra lệnh cho binh lính Israel phải “bẻ xương” người Palestine. Quân đội cũng cắt đường dây điện thoại ở các thị trấn và làng mạc của người Palestine, đồng thời tăng cường quản thúc tại gia một lượng lớn những người tổ chức đấu tranh. Tuy vậy, những điều này không thể ngăn cản ý chí đấu tranh của người phụ nữ. Khi các lãnh đạo nữ Palestine bị quản thúc tại gia, họ sẽ nướng bánh mì và đặt thông báo vào từng ổ bánh rồi phân phát khắp các làng, thị trấn và trại tị nạn mà lực lượng Israel không thể phát hiện ra. Khi Israel cấm cờ Palestine, phụ nữ đã thành lập các vòng tròn đan len và tự làm cờ để treo trong các cuộc biểu tình [4].
Nỗ lực đối thoại hòa bình với phụ nữ Israel
Các nhà nữ quyền Palestine đã nỗ lực mở ra các cuộc đối thoại với các nhà hoạt động nữ vì hòa bình ở Israel, nổi bật nhất có thể kể đến Jerusalem Link - một sáng kiến chung giữa phụ nữ Israel, đại diện bởi tổ chức Bat Shalom, và phụ nữ Palestine, đại diện bởi Trung tâm Jerusalem vì phụ nữ (JCW) [5]. Hai tổ chức hoạt động độc lập vì sự phát triển và giải phóng của dân tộc mình, nhưng cùng nhau, họ 'thúc đẩy tầm nhìn chung về hòa bình, dân chủ, nhân quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ'. Họ đã đề ra những nguyên tắc chung nhất định, bao gồm công nhận quyền tự quyết của người Palestine và một nhà nước độc lập cùng với nhà nước Israel trong phạm vi biên giới trước năm 1967.
Phụ nữ của hai bên xây dựng nền tảng đối thoại từ việc chia sẻ những trải nghiệm mà phụ nữ phải trải qua trong xã hội gia trưởng, từ đó gầy dựng lòng tin giữa hai cộng đồng. Họ mở ra các hội thoại về nhiều vấn đề “nhạy cảm”, nhất là quyền được trở về quê hương của người Palestine - nơi bấy giờ đã thuộc về lãnh thổ của Israel. Những người phụ nữ Palestine đi đầu trong sáng kiến đối thoại này luôn giữ vững chương trình nghị sự của mình: họ ủng hộ đối thoại với phía Israel, nhưng phản đối bất cứ động thái nào hướng đến “bình thường hóa” tình hình mà người Palestine đang gặp phải. Họ thấu cảm với việc những người phụ nữ Israel đấu tranh vì hòa bình có thể bị tố cáo là những kẻ “phản bội” đất nước, nhưng không có nghĩa họ sẽ nhân nhượng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nadia, một thành viên của JCW, bày tỏ
“Người Israel muốn đối thoại với chúng tôi để được ngủ ngon vào buổi tối. Còn nếu người Palestine muốn đối thoại, thì là để cho người Israel không tài nào ngủ nổi” [1].
Tạm kết
Phụ nữ Palestine đã và đang là những nhà hoạt động không ngơi nghỉ vì quyền của phụ nữ và quyền của dân tộc họ. Trong khi đó, cách tiếp cận quan hệ quốc tế truyền thống lấy nhà nước làm trung tâm chỉ ghi nhận thành tựu của một dân tộc hay một nhà nước thống nhất, làm đơn giản hóa sự đa dạng và giao thoa trong lòng các phong trào. Việc tảng lờ đi những đóng góp của phụ nữ cũng như các nhà nữ quyền khiến cho những người tái thiết quốc gia trong giai đoạn hậu xung đột bỏ quên khía cạnh giới. Từ đó, những gì mà họ hướng đến chỉ đơn thuần là quay trở về tình trạng trước xung đột và giữ nguyên sự áp bức giới đã tồn tại sẵn, mà không thực sự hướng đến xây dựng một nền hòa bình toàn diện và tích cực.
Vì vậy, với niềm tin vững vàng cho cuộc đấu tranh của người Palestine sẽ giành được thắng lợi, phong trào nữ quyền Palestine, vốn gắn liền với đấu tranh phản thực dân, đã, đang và sẽ là một phần quan trọng của lịch sử Palestine. Từ lâu, tiếng nói của phong trào nữ quyền bị lãng phản chiến đã bị quên và trộn chung với các diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa hậu xung đột, nhưng nay, chính thế hệ đấu tranh này sẽ ghi tên phong trào nữ quyền vào lịch sử đấu tranh hòa bình của thế giới.
Bài viết được biên soạn và thiết kế bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.
CHÚ THÍCH NGUỒN
[1] Cockburn, C. (2007). From where we stand: War, women’s activism and feminist analysis. Zed books.
[2] https://www.middleeasteye.net/discover/palestine-women-anti-colonial-resistance-pictures
[3] https://www.counterfire.org/article/women-of-the-resistance/
[4] https://www.liberationnews.org/women-led-resistance-is-a-vital-part-of-the-palestinian-struggle/
[5] https://www.ingenere.it/en/articles/jerusalem-link-feminism-between-palestine-and-israel