'Tức nước vỡ bờ': Phong trào sinh viên Bangladesh
Phong trào sinh viên Bangladesh là phong trào do thế hệ sinh viên và quần chúng nhân dân lãnh đạo, hay là chiến lược lật đổ chính phủ do các nước phương Tây hậu thuẫn?
Khi nhắc về các cuộc biểu tình tại Bangladesh, một số người cho rằng phong trào này như một bước đi sai lầm của chính người dân Bangladesh, họ tự hủy hoại đất nước của mình, họ làm cho mọi thứ hỗn loạn,... Thậm chí, nhiều người còn cho rằng các cuộc biểu tình này ở Bangladesh là cách mạng màu. “Cách mạng màu” là thuật ngữ chỉ các cuộc bạo lực chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang ở quốc gia có chủ quyền nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, gây ra khủng hoảng chính trị, đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn (Báo Đảng Cộng sản Việt Nam, 2022).
Vậy, phong trào sinh viên Bangladesh là phong trào do thế hệ sinh viên và quần chúng nhân dân lãnh đạo, hay là chiến lược lật đổ chính phủ do các nước phương Tây hậu thuẫn? Để nhận định đây có phải là một cuộc cách mạng màu hay không, phải xem xét (1) những động lực và nhân tố thúc đẩy sự sản sinh của phong trào, (2) sự thay đổi hoặc kết quả mà phong trào đó mang lại.
1. Động lực trực tiếp thúc đẩy phong trào sinh viên Bangladesh là gì?
Đầu tháng 7, hàng nghìn sinh viên đại học, cao đẳng công lập đã đổ xuống các con đường lớn trên khắp cả nước, yêu cầu chấm dứt hệ thống hạn ngạch việc làm của chính phủ ở hiện tại, vốn dành một phần đáng kể công việc của công chức Bangladesh cho nhóm “con ông cháu cha”. Hệ thống hạn ngạch từ năm 1972 này vốn đã trải qua nhiều lần cải cách bởi vấp phải sự phản đối của quần chúng nhân dân.
Đến hiện tại, hạn ngạch mới nhất được áp dụng cho 56% vị trí công chức của Bangladesh. Cụ thể, tới 30% công việc của chính phủ được dành riêng cho con cháu những người đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh giành độc lập Bangladesh 1971 chống lại Pakistan. Các hạn ngạch khác dành 10% vị trí cho phụ nữ; các quận được cho là “lạc hậu/thiểu số” là 10%; các nhóm thiểu số như người bản địa là 5%; người khuyết tật 1%. Điều này có nghĩa là chỉ có 44% ứng viên được tuyển chọn dựa trên năng lực.
Nhưng đây không phải là khởi nguồn của mọi chuyện.
2. 15 năm âm ỉ: Khủng hoảng kinh tế - xã hội dưới các chính sách tân tự do
Thời kỳ cầm quyền 15 năm của Liên đoàn Awami, từ năm 2009 đến 2024, được đánh dấu bởi mức tăng trưởng kinh tế nhanh và sự phát triển xã hội đáng kinh ngạc của Bangladesh. Trong năm tài chính 2024, quốc gia này dự kiến đạt mức tăng trưởng GDP cao thứ 6 châu Á, và cũng sẽ thoát khỏi danh sách các quốc gia kém phát triển nhất của Liên Hợp Quốc vào năm 2026. Thu nhập bình quân đầu người của Bangladesh cũng tiếp tục vượt trội hơn láng giềng Ấn Độ vào năm 2022.
Tuy nhiên, COVID-19 cộng hưởng với suy thoái kinh tế toàn cầu và giá năng lượng tăng cao dẫn đến sức mua giảm, một quốc gia có nền kinh tế trọng xuất khẩu như Bangladesh phải đứng trước nhiều thách thức.
Tăng trưởng GDP đang chậm lại, giảm từ 7,1% xuống 5,8% trong năm tài chính 2023. Khi các cuộc biểu tình diễn ra vào năm 2018, tốc độ tăng trưởng là 7,9%. Hơn nữa, lạm phát đã tăng vọt đến mức báo động - 9,7% vào giữa năm 2024, khiến cho đời sống người dân càng thêm khó khăn vì chi phí sinh hoạt tăng cao. Suy thoái kinh tế lại càng trở nên trầm trọng hơn do các vụ bê bối tham nhũng của các quan chức chấp cao, làm xói mòn lòng tin của công chúng vào các chính sách kinh tế của chính phủ. Tuy nhiên, chỉ nhìn vào những con số vĩ mô như GDP hay những nguyên nhân có vẻ “khách quan” là chưa đủ để nhận định về cơ cấu nền kinh tế của Bangladesh.
Nhìn lại lịch sử, Bangladesh sau khi giành độc lập đã chọn con đường định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế quốc gia non nớt của mình, nhưng đã phải nhanh chóng chuyển đổi do áp lực từ các điều khoản “cho vay” của Ngân hành Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Bangladesh đã phải cải cách ngành kinh tế, theo đuổi các chính sách tân tự do và trọng xuất khẩu.
Thật vậy, mô hình kinh tế của Bangladesh chịu ảnh hưởng trực tiếp của chủ nghĩa tư bản toàn cầu và cả chính phủ Bangladesh đương nhiệm - Sheikh Hasina đã tiếp tay cho nó!
#1. Ngành công nghiệp dựa trên sự bóc lột của Bangladesh
Cụ thể, các chính sách kinh tế của Bangladesh chủ yếu dựa vào nhân công giá rẻ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, xuất khẩu lao động, lao động di cư,... Chính phủ Hasina được tung hô là người đã mang lại những thành tựu đáng chú ý cho Bangladesh, đặc biệt là qua ngành công nghiệp mới nổi của quốc gia này: thời trang nhanh hay nói rõ hơn là ngành may mặc.
Tuy nhiên, về bản chất, ngành công nghiệp may mặc phát triển mạnh nhờ các hoạt động bóc lột sức lao động. Theo Liên đoàn Quyền của người lao động, người lao động Bangladesh phải làm việc trong điều kiện tồi tàn nhất, họ bị quấy rối tình dục, môi trường làm việc không an toàn và không được đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp. Theo báo cáo của Quỹ An toàn, Sức khỏe và Môi trường Nghề nghiệp Bangladesh (OSHE), ít nhất 9.263 người đã thiệt mạng tại nơi làm việc trong giai đoạn 2013-2023. Chỉ tính riêng tháng 4 năm 2013, vụ sập tòa nhà Rana Plaza gây chấn động dư luận đã cướp đi sinh mạng của 1,134 công nhân. Tòa nhà bị sập do cố tình xây thêm tầng bất hợp pháp nhằm tối đa hóa không gian làm việc và lợi nhuận.
Gần đây nhất vào tháng 10/2023, Bangladesh đã chứng kiến hàng loạt các cuộc biểu tình của lực lượng lao động lớn nhất nước này - 4,4 triệu công nhân ngành may mặc. Những công nhân này đóng vai trò quan trọng đối với thành công của ngành công nghiệp thời trang nhanh mới nổi của Bangladesh, đưa quốc gia này vào top những nước có tốc độ phát triển và GDP cao nhất khu vực. Đồng thời, hơn 3.500 nhà máy may mặc của Bangladesh chiếm khoảng 85% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng năm trị giá 55 tỷ đô la của nước này, cung cấp hàng hóa cho nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới như Levi’s, Zara và H&M.
Tuy nhiên, chính phủ Hasina nhất quyết không ngồi vào bàn đàm phán với công nhân, bà chọn bạo lực. Hasina đã đe dọa những người công nhân rằng:
“ [Những người công nhân] phải làm việc ở bất kỳ mức lương nào đã được quy định, họ nên tiếp tục công việc của mình. Nếu họ xuống đường biểu tình theo sự xúi giục của ai đó, họ sẽ mất việc, và phải trở về quê.” - Hasina phát biểu tại cuộc họp của đảng Liên đoàn Awami.
Hasina còn cho biết, 19 nhà máy đã bị “tấn công và phá hủy, đó là những doanh nghiệp cung cấp cho họ bánh mì, bơ, thực phẩm và việc làm”.
Vậy mà dù công nhân thường xuyên tử vong trong các vụ tai nạn lao động khủng khiếp do sự bất cẩn của chủ nhà máy, nhưng có lẽ chính phủ của bà Hasina cũng chẳng mảy may trừng phạt họ. Sự thật đáng buồn là, trong hai thập kỷ qua, gần như chưa từng có tiền lệ nào về việc chủ nhà máy bị trừng phạt sau các vụ tai nạn lao động thảm khốc do bất cẩn của chủ nhà máy - kể cả sau vụ cháy nhà máy Tazreen Fashion và sập tòa nhà Rana Plaza.
#2. Một thế hệ sinh viên “khát” việc làm tại Bangladesh
Trong số sinh viên tốt nghiệp, có đến 22% đang thất nghiệp vào năm 2022, ước tính khoảng 8 ngàn sinh viên theo Cục Thống kê Bangladesh.
Nhìn rõ hơn, do cơ cấu kinh tế của Bangladesh tập trung vào nhân công giá rẻ nhằm thu hút các công ty, tập đoàn đến đặt nhà máy và đầu tư, luật lao động của Bangladesh cũng được “nới lỏng” để chào đón các nhà tư bản nước ngoài.
Do đó mà sinh viên cũng không mặn mà với các công việc trong khu vực tư nhân, bởi các công việc này không được đảm bảo về nhiều mặt: như khối lượng công việc, lương bổng, phúc lợi sau nghỉ hưu và chính sách đảm bảo quyền lợi của người lao động, cũng như địa vị xã hội. Thêm vào đó, các công ty tư nhân cũng lợi dụng tình trạng thất nghiệp này để hạ mức lương của nhân viên và bóc lột họ.
Ngược lại, các công việc công chức tại Bangladesh luôn được mong đợi và săn đón, vì chúng đi kèm với địa vị xã hội, mức lương ổn định, uy tín và sự an toàn, cùng với đó là chế độ lương hưu trong tương lai cao hơn các công việc từ các lĩnh vực tư nhân. Mỗi năm, hơn 400,000 sinh viên tốt nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt cho khoảng 3000 việc làm trong chính phủ. Do đó, hệ thống hạn ngạch - dành hơn một nửa số vị trí khả dụng cho các nhóm khác nhau - đã làm cho sinh viên phẫn nộ.
Nhìn rõ hơn, “Cơ cấu việc làm của Bangladesh được ví như một cái Tháp Eiffel, việc làm cho những người có trình độ lao động thấp thì nhiều vô số kể. Còn việc làm cho những người có trình độ học vấn cao lại là khan hiếm. Đó là lý do tại sao nhiều thanh niên có học thức và trình độ lại chọn rời bỏ đất nước.” - Khondaker Golam Moazzem, giám đốc nghiên cứu Trung Tâm Đối thoại Chính sách.
Nhờ vậy mà Bangladesh là một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới từ những người xuất khẩu lao động ở các quốc gia như Mỹ, châu Âu, Ả rập,... Người dân Bangladesh phải chọn rời xa quê hương để đi tìm việc ở các nước phát triển và gửi tiền về nuôi gia đình, phần lớn dự trữ ngoại hối của Bangladesh phụ thuộc vào dòng tiền này.
Theo đó, qua những ước tính và phân tích sơ bộ này, chúng ta cũng trả lời phần nào câu hỏi, tại sao sinh viên lại giận dữ đến vậy. Đơn giản là vì họ đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp khi chỉ vừa mới bước chân vào thị trường lao động!
#3. Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt lan rộng ở Bangladesh
Chưa dừng lại ở đó, trong năm 2022, các nhóm lao động thu nhập thấp tại Bangladesh liên tục chịu áp lực về chi phí sinh hoạt khi các yếu tố bên ngoài, sự can thiệp chính sách không thỏa đáng và quản lý thị trường trong nước kém đã khiến mực lạm phát ở mức cao.
Theo số liệu từ cụ Thống kê Bangladesh, lương tối thiểu ở quốc gia này đã tăng lên trong những năm qua, nhưng vẫn ở dưới mức lạm phát trong tháng thứ 26 liên tiếp. Điều này có nghĩa là những người làm công ăn lương (lực lượng lao động đông đảo nhất Bangladesh) đang ở trong tình trạng bấp bênh, các hộ gia đình buộc phải cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh thu nhập thực tế giảm và chi phí sinh hoạt tăng cao.
Thêm vào đó, bản thân mức lương tối thiểu của Bangladesh cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của công nhân. Bởi chính ngành công nghiệp trọng điểm này của Bangladesh dựa vào nhân công giá rẻ để cạnh tranh với Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực.
Điển hình như mức lương tối thiểu của công nhân trong ngành may mặc là 12.500 Taka - tức 90 đô la - cũng chỉ bằng một nửa mức mà công nhân yêu cầu và không đủ để công nhân có cuộc sống trên mức nghèo khổ. Cụ thể, nhu cầu calo hàng ngày đối với một công nhân khỏe mạnh sống trên mức nghèo khổ là ít nhất 2.200 kcal, nhưng với mức lương tối thiểu mới được công bố, công nhân RMG sẽ không thể sống trên mức nghèo khổ vì một gia đình bốn người cần ít nhất 23.000 Taka chỉ riêng cho thực phẩm mỗi tháng. Họ thường xuyên phải làm thêm giờ và ăn uống tiết kiệm để trang trải cuộc sống.
Chưa kể đến, nhiều chủ nhà máy không thực sự trả cho công nhân mức lương tối thiểu cố định. Theo báo cáo của The Daily Star, nhiều công nhân xưởng cưa được trả từ 5.000 đến 12.000 Tk một tháng, thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 17.900 Tk do chính phủ quy định. Thực tế thì, quy định về các mức lương tối thiểu này không đủ để trang trải chi phí thực phẩm hay đóng học phí cho con cái.
#4. Phong trào Bãi bỏ Hạn ngạch năm 2018
Cho đến năm 2018, một cuộc biểu tình quy mô lớn tại các trường đại học công lập Bangladesh đã diễn ra nhằm yêu cầu cải cách hệ thống hạn ngạch trên toàn quốc. Tương tự như hệ thống năm 2024, việc dành riêng tới 30% cho con ông cháu cha của những người đấu tranh trong cuộc chiến độc lập Bangladesh là bất công và thiên vị cho những nhóm trung thành với Đảng cầm quyền - Liên đoàn Awani.
Tuy nhiên, mức độ lan rộng của các cuộc biểu tình quá nhanh khiến chính phủ Bangladesh phải bãi bỏ hoàn toàn các hệ thống hạn ngành đối với các công việc cho chính phủ.
3. “Tức nước vỡ bờ": Tái thiết lập hạn ngạch việc làm năm 2024
Cho đến năm 2024, Tòa án Tối cao Bangladesh một lần nữa tái thiết lập hệ thống hạn ngạch thiên vị này nhằm đáp lại yêu cầu của những người đấu tranh trong cuộc chiến độc lập cũ. Phán quyết đã nêu rằng, “việc bãi bỏ hạn ngạch là vi hiến, bất hợp pháp và không hiệu quả. Hệ thống hạn ngạch sẽ được khôi phục tại Bangladesh.”
Sau quyết định này, sinh viên trường Đại học Dhaka đã xuống đường cùng các sinh viên từ nhiều trường Đại học khác nhằm yêu cầu bãi bỏ hệ thống cùng với lời giải thích từ phía Thủ tướng Hasina.
Tuy nhiên, thay vì trấn an sinh viên và đòi lại công bằng cho họ, Thủ tướng Hasina lại phát biểu rằng: “Tại sao những người biểu tình lại có nhiều sự oán hận đối với những người đấu tranh cho tự do đến vậy? Nếu con cháu của những người đấu tranh cho tự do không được hưởng chế độ hạn ngạch, thì con cháu của Razakars có được hưởng chế độ này không?”
“Razakars” là một từ xúc phạm ở Bangladesh, nhằm ám chỉ những người đã hợp tác với quân đội Pakistan để tra tấn, tàn sát và hãm hiếp người dân Đông Pakistan (nay là Bangladesh) trong chiến tranh Giải phóng 1971. Bất kỳ người Bangladesh nào cũng sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu bị gọi là “razakars".
Chính lời nói ẩn ý cho rằng những người sinh viên biểu tình chống lại chế độ hạn ngạch là “razakars” đã khiến làn sóng phong trào sinh viên thêm lớn mạnh., Hasina đã làm cho phong trào sinh viên càng thêm lớn mạnh. Các sinh viên bắt đầu xuống đường và hô vang khẩu hiệu:
“Tôi là ai? Bạn là ai? Razakar, Razakar. Ai đã nói thế? Ai đã nói thế? Nhà độc tài. Nhà độc tài.”
Đáng nói là sau khi khẩu hiệu được lan rộng cùng với phong trào sinh viên, các nhà báo và chính phủ đã cố tình sử dụng câu khẩu hiệu đầu tiên của họ và lược bỏ câu phía sau, nhằm buộc tội họ tự nhận mình là các “Razakars”. Hasina và nội các của bà đã đe dọa và cảnh cáo các sinh viên sử dụng khẩu hiệu này. Nhưng điều này chỉ làm các cuộc biểu tình thêm lớn mạnh!
Dù vậy, chính phủ Bangladesh đã không chọn ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với sinh viên biểu tình. Họ chọn bạo lực. Chính phủ Bangladesh đã tổng đàn áp các cuộc biểu tình bằng bạo lực, thông qua các cơ quan như luật pháp: Cảnh sát và Biên phòng Bangladesh, Liên đoàn Chhatra Bangladesh.
Chính phủ Bangladesh đã ban hành các lệnh cho phép “cảnh sát nổ súng khi cần thiết”, ; “cấm tụ tập nơi công cộng”, triển khai các lực lượng cảnh sát vũ trang tấn công bạo lực những người biểu tình. Chưa hết, họ còn ngưng dịch vụ internet và mạng viễn thông toàn quốc, nhằm cắt đứt sự liên kết của Bangladesh và thế giới, che mắt cộng đồng quốc tế về những gì đang diễn ra ở quốc gia này. Trong thời gian này, khoảng 100 người biểu tình đã bị cảnh sát sát hại và tra tấn, cùng hàng trăm người bị thương. Cho đến nay, Hasina đã bị nhân dân cáo buộc là đàn áp và giết hại hơn 400 người dân Bangladesh mà đa phần là sinh viên trong các cuộc biểu tình. Đây cũng chính là hành động khiến người nhân dân giận dữ, tìm mọi cách yêu cầu bà Hasina từ chức.
Tóm lại, phong trào này không chỉ xuất phát từ một sai lầm của chính phủ mà nó là “giọt nước tràn ly”, là sự giận dữ của người dân Bangladesh tích tụ trong suốt nhiều năm. Đó cũng chính là sự phản kháng của thế hệ sinh viên và giai cấp công nhân trước những áp bức và bất công từ chính phủ Sheikh Hasina.
Trang Middle East Monitor đã từng viết rằng nếu hỏi các tập đoàn đa quốc gia từ Mỹ và phương Tây cảm thấy như thế nào khi “làm ăn” tại Bangladesh trong nhiều năm qua, chắc hẳn câu trả lời duy nhất sẽ là “Quá tuyệt vời!”. Bởi lẽ, chính quyền Hasina đã tạo điều kiện cho những nhà tư bản doanh nghiệp bóc lột những người công nhân Bangladesh, Hasina đã đánh đổi sức lực và đời sống của người dân Bangladesh để lấy chỉ số GDP cao vút và những khoảng nợ tỷ đô từ các cường quốc.
Bất kỳ ai tuyên bố Hasina là một người theo xã hội chủ nghĩa hay dân chủ xã hội thì trước hết phải tham khảo ý kiến của 90% dân số Bangladesh đã. Có lẽ, 15 năm dưới các chính sách kinh tế tân tự do hà khắc và bóc lột là quá đủ cho nhân dân Bangladesh.
Tóm lại, động lực và nhân tố chủ chốt trong phong trào sinh viên Bangladesh chính là thế hệ sinh viên là giai cấp công nhân và nhân dân lao động Bangladesh - chính là những người đã làm việc cật lực và đóng góp cho sự phát triển của Bangladesh như hiện tại. Khi đối diện với những áp bức từ chính phủ “phát xít” - tân tự do của bà Hasina suốt 15 năm dai dẳng, họ đã chọn phản kháng.
Mặt khác, việc khẳng định phong trào sinh viên Bangladesh được “phương Tây hậu thuẫn để lật đổ chính phủ đương nhiệm và thay thế bằng một chính phủ thân phương Tây” là thiếu cơ sở. Bởi vì chính phủ bà Hasina đã “đối đãi quá tốt” với các nhà tư bản phương Tây, mở đường cho họ bóc lột và bào mòn tài nguyên thiên nhiên và cả người dân Bangladesh. Nguyên do gì khiến những nhà tư bản này muốn lật đổ bà Hasina?
4. Kết quả của phong trào vẫn còn bỏ ngỏ
Kết quả và những bước tiến tiếp theo của phong trào vẫn chưa thể được khẳng đinh một cách chắc chắn. Ngay cả việc chính phủ lâm thời hiện tại của Bangladesh được lãnh đạo bởi Muhammad Yunus, một nhà kinh tế tân tự do - người đã nhận được giải Nobel Kinh tế, cũng không thể dẫn đến kết luận phong trào này là một cuộc nổi dậy do “phương Tây” hậu thuẫn. Hơn nữa, chính phủ lâm thời này là do quân đội Bangladesh lên nắm quyền đã lập ra. Tới nay, nhân dân Bangladesh vẫn đang mong chờ vào những bước tiến mới của đất nước, và đặt hy vọng vào cuộc bầu cử tiếp theo.
Việc đóng khung cả một phong trào là “cách mạng màu” đồng nghĩa với việc đơn giản hóa những động lực thực sự và ý nghĩa cách mạng của nó. Tương tự, việc gọi những người biểu tình là những “kẻ vô ơn”, “tự đá đổ chén cơm của mình” đã làm lu mờ đi ý nghĩa giai cấp của cuộc đấu tranh, đồng thời cho rằng người dân Bangladesh chẳng khác nào những tên “tay sai thân Mỹ/ phương Tây”.
Trong khi đó, nhân dân Bangladesh hiện diện trong phong trào chính là giai cấp công nhân, là sinh viên. Họ đã ý thức và nhận diện được những bất công họ đang gánh chịu và vì vậy, quyết đứng lên chống lại một chính phủ tân tự do bóc lột và hệ thống xã hội thiên vị, bất công tại đất nước mình.
Lưu ý: bài viết này chỉ là những phân tích sơ bộ về phong trào sinh viên tại Bangladesh. Để biết được phong trào này cuối cùng đi tới đâu, chúng ta phải theo sát những chuyển biến tiếp theo tại Bangladesh.
3 Phút Trăn Trở gợi ý đọc thêm bài phân tích của trang Middle East Monitor để xem xét, so sánh các trường hợp được cho là “cách mạng màu” trong lịch sử với trường hợp của Bangladesh. Từ đó, độc giả thu nhập thêm các góc nhìn phản tư và trăn trở đối với các sự kiện này!
Bài viết được biên soạn bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.
Team 3 Phút có thể viết về Myanmar không ạ? Mình mong chờ lắm