Vì sao Châu Á cần tài chính khí hậu công bằng?
Bài viết được dịch từ bài đăng gốc: "Why Asia needs "just climate finance"?" (2022) tại The Diplomat bởi tác giả Mickey Eva.
Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với không chỉ khủng hoảng về khí hậu mà còn cả khủng hoảng bất bình đẳng. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27) phải giải quyết cả hai thách thức này bằng cách tài trợ cho tiến trình chuyển dịch khí hậu công bằng.
Sinh viên Pakistan tham gia biểu tình trong phong trào Tháng ba Khí hậu Toàn cầu tại Karachi, Pakistan vào ngày 20 tháng 9 năm 2019. [Nguồn: AP Photo/Fareed Khan]
Các quốc gia trên khắp châu Á đang phải đối mặt với lũ lụt và nắng nóng kỷ lục, dư chấn của đại dịch COVID-19 và giờ là cuộc khủng hoảng nợ đang rình rập. Đứng giữa tất cả những thách thức này, làm thế nào chúng ta có thể mở ra một con đường phát triển bền vững, có khả năng phục hồi trước những cú sốc trong tương lai?
Đây là câu hỏi được đặt ra bởi gần 500 chuyên gia về khí hậu, bền vững và tài chính từ khắp các khu vực khi tham dự Diễn đàn Chuyển dịch Công bằng ở Châu Á (JTFA). Diễn đàn này do Dự án Năng lượng và Khí hậu Khu vực Friedrich-Ebert-Stiftung Châu Á và Mạng lưới Hành động Biến đổi Khí hậu Đông Nam Á (CANSEA) tổ chức vào tháng 9/2022 vừa qua.
Nhiều quốc gia trong khu vực đang thấy được tác động của tăng giá lương thực và năng lượng cũng như ảnh hưởng của nợ công tăng cao. Sri Lanka là nước đầu tiên hoàn toàn lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo; Pakistan, Lào và các nước khác có thể sớm đứng trên bờ vực khủng hoảng tài chính.
Hiện nay, điều chúng ta đang đối mặt với không chỉ khủng hoảng khí hậu mà còn cả khủng hoảng về bất bình đẳng. Nếu chỉ đơn giản chuyển các hệ thống năng lượng sang các nguồn năng lượng tái tạo xanh thì sẽ không giải quyết được vấn đề này. Bất bình đẳng về tài nguyên, và những bất bình đẳng sâu xa khác tạo ra nó, mới là trung tâm của vấn đề.
Tài trợ cho quá trình chuyển đổi công bằng
Theo Neha Sharma, chuyên gia cấp cao và trưởng nhóm thẩm định tại Quỹ Đầu tư Khí hậu (CIF) thì ý tưởng về quá trình chuyển đổi công bằng rất hiệu quả vì nó kết hợp các mục tiêu phát triển KT - XH với các mục tiêu bền vững.
Theo cô: “Đây là cơ hội để đạt được các mục tiêu về khí hậu cũng như các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) thông qua việc đảm bảo rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ đồng thời mang lại cơ hội và lợi ích, đặc biệt là cho những nhóm dễ bị tổn thương trước các tác động kinh tế và khí hậu”.
Để tài trợ cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, cần có một lượng vốn đáng kể chỉ dành cho các quá trình chuyển đổi. Loại tài chính này, được gọi là “tài chính khí hậu công bằng - just climate finance”, nó không giống như loại tài chính khác dành cho các khoản đầu tư xanh và tái tạo. Cô Sharma lưu ý rằng tài chính khí hậu công bằng khác với tài chính khí hậu thông thường dành cho các dự án hướng đến lợi nhuận cao. Tài chính khí hậu công bằng nhấn mạnh đến sự bình đẳng xã hội và thách thức các cấu trúc quyền lực hiện có thay vì tuân theo những quy tắc và hệ thống phân cấp vốn có của những loại quyền lực này. Điều này sẽ thầm lặng tạo ra các mô hình ra quyết định, phân cấp và mô hình quyền sở hữu mới”.
Có một số thách thức cố hữu trong mô hình tài trợ hiện tại cho các hoạt động về khí hậu cho các nước đang phát triển đã và đang ngăn cản tài chính khí hậu công bằng. Một trong số đó là các đơn vị thẩm định đã đánh giá thấp các nước đang phát triển. Họ xếp các quốc gia này vào nhóm có rủi ro cao và hạ bậc những quốc gia này thường xuyên; các công cụ tài chính của những đơn vị này không nhận ra những thách thức cụ thể ở các nước đang phát triển. Điều này khiến các nước đang phát triển gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc tận dụng các cơ hội mà đầu tư xanh mang lại.
Các nước đang phát triển có kinh tế phụ thuộc vào nguyên vật liệu thô, đặc biệt là nông nghiệp và khai thác mỏ, cũng không giúp ích gì. Sự phụ thuộc này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương trước những đợt tăng hoặc giảm giá thương phẩm trong thời gian ngắn (commodity shocks) – nhưng điều này cũng là kết quả của sự bất bình đẳng toàn cầu trong lịch sử.
'Công bằng' có ý nghĩa gì đối với tài chính khí hậu?
Phát biểu từ Bangkok, Jenny Yi-Chen Han, nhà nghiên cứu tại Viện Môi trường Stockholm, nhấn mạnh rằng để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi công bằng, chúng ta cần tránh xu hướng tư nhân hóa quy mô lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp. Chúng ta cần thận trọng khi đòi hỏi lợi nhuận trong những dịch vụ thiết yếu, cũng như các trường hợp “chiếm đoạt xanh”. Chiếm đoạt xanh là việc các công ty chiếm dụng đất đai và tài nguyên lấy danh nghĩa vì môi trường mà đầu tư vào năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học quy mô lớn nhưng cuối cùng là vì mục đích lợi nhuận cho chính họ.
Han cho biết: “Người ta dễ dàng cho rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ tự động dẫn đến kết quả công bằng hơn”. Cô kêu gọi mọi người hãy cẩn trọng đối với sự tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng không chỉ đối với bản thân những việc này mà còn cả những tác động xã hội của nó (trích dẫn nghiên cứu mà cô đã thực hiện với các đối tác). Nếu chúng ta không đấu tranh với sự bất cân xứng về quyền lực trong các hệ thống hiện có, thì quá trình chuyển đổi có thể làm trầm trọng thêm và nhân rộng sự bất bình đẳng. Do đó, chúng ta cần chú ý không chỉ các giải pháp kỹ thuật, mà cả các khía cạnh chính trị xã hội của quá trình chuyển đổi, bao gồm cả việc xem xét kỹ lưỡng hơn sự bất bình đẳng xen kẽ trong các hệ thống năng lượng.
Chúng ta phải mở rộng các cơ chế tài trợ hiện có nhằm hướng đến mục tiêu giảm phát thải và thích ứng, đồng thời bắt đầu tài trợ cho các chương trình hỗ trợ và can thiệp giúp các khu vực và cộng đồng bị ảnh hưởng quản lý các tác động của quá trình chuyển đổi.
Ví dụ, CIF cung cấp nguồn tài trợ dài hạn và dựa trên tính toàn diện và các nguyên tắc của quá trình chuyển đổi công bằng. Theo Sharma, việc này có thể được thực hiện bằng cách lập kế hoạch dựa vào tình hình và tài chính địa phương, giúp các chính phủ có thể tiếp cận các nguồn tài trợ để lên kế hoạch chuyển dịch công bằng dựa trên việc cân nhắc hoàn cảnh cụ thể của các khía cạnh khác nhau của sự chuyển đổi.
Một khía cạnh quan trọng khác là phải đảm bảo những nhóm bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu có quyền đưa ra các quyết định trong việc sử dụng quỹ khí hậu. Điều này đòi hỏi phải nhân rộng các mô hình như cơ chế tài trợ chuyên biệt của CIF và các cơ chế tiếp cận trực tiếp khác.
COP27: Vượt ra ngoài Tuyên bố Chuyển đổi Công bằng
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021, hơn 30 quốc gia đã cam kết thực hiện Tuyên bố Chuyển đổi Công bằng nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu phát cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống gần bằng “0” và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những người phụ thuộc vào các ngành, khu vực và cộng đồng có lượng phát thải carbon cao.
Tại COP27 và các hội nghị tương lai, ngoài việc thúc đẩy hành động nhiều hơn đối với tài chính khí hậu nhằm hỗ trợ mục tiêu trên, Han nhấn mạnh rằng “chúng ta phải đưa vào nghị trình tiếng nói của các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất và nhìn nhận cẩn trọng, sâu sắc và ở cấp độ cấu trúc cách các dự án được tài trợ ảnh hưởng đến nhóm này – nó phải tăng cường tự do, tự nguyện, báo trước và được thông tin đầy đủ (FPIC) trong các cộng đồng có các chương trình hành động vì môi trường. Hiệp ước khí hậu Glasgow đã không thực hiện được điều này”. Sharma cũng nhấn mạnh đến “nhu cầu đặt người lao động và cộng đồng lên hàng đầu và là trung tâm trong quá trình ra quyết định.”
Công việc của Han và Sharma về tài chính khí hậu và công bằng xã hội lần lượt nhấn mạnh sự giao thoa quan trọng giữa hai bên. Cần có sự chuyển đổi quyền lực trong các quy trình này để quá trình chuyển đổi - với tài chính khí hậu công bằng - có thể tạo ra chuyển đổi thực sự. Nếu chúng ta không thách thức các cấu trúc quyền lực hiện có nhằm thúc đẩy sự thay đổi cơ bản ở cấp độ hệ thống, thì “chuyển đổi công bằng” hay “công bằng tài chính khí hậu” sẽ chỉ là một từ thông dụng trong các cuộc đàm phán và chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội khắc phục những tổn hại trong quá khứ và làm những điều khác biệt.
Bài viết được biên soạn và dịch bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.