Vì sao chúng ta cần bàn về ‘phi thực dân hóa’?
"Đừng gian dối. Chẳng có lợi ích gì nếu bôi nhọ sự thật. Thực dân vốn dĩ không phải một hành động khai hoá văn minh. Nó là bạo lực và là hành động bạo lực vị lợi." - Albert Sarraut, một tên thực dân.
Cụm từ “phi thực dân hóa” (decolonization), hay còn một cách dịch khác là “giải thuộc địa”, lần đầu được nhà kinh tế học người Đức Moritz Julius Bonn giới thiệu vào những năm 1930. Cụm từ này vốn được dùng để mô tả các thuộc địa cũ giành được quyền tự chủ, nhưng với sự phát triển không ngừng của quá trình thực dân hóa trên toàn thế giới, phạm trù phi thực dân hóa cũng được mở rộng hơn để nhận diện và giải quyết các vấn đề phức tạp của chủ nghĩa thực dân. Nhưng trước khi bắt đầu giải thích các hình thái, sắc thái và sự phức tạp của quá trình phi thực dân hóa, chúng ta cần phải hiểu thực dân hóa hay thuộc địa hóa (colonization) là gì và nó định hình thế giới chúng ta đang sống như thế nào. Ở phần 1 của chuỗi bài viết này, hãy cùng 3PTT tìm hiểu về chủ nghĩa thực dân và quá trình thực dân hóa nhé!
Thực dân hóa là gì?
Nói một cách đơn giản, thực dân hóa hay thuộc địa hóa là thực hành nhằm áp đặt sự thống trị [1].
Truy ngược lịch sử hiện đại, quá trình thực dân hóa bắt nguồn từ khi các đế chế Tây phương mở rộng các hoạt động thương mại, trao đổi buôn bán và đẩy mạnh các sáng kiến khám phá “thế giới mới”. Tuy nhiên, quá trình này không kết thúc ở sự “khám phá”, mà kết thúc ở sự chinh phục và đàn áp. Phạm vi và quy mô của các cuộc đàn áp thực dân lớn đến mức hàng chục triệu người châu Phi đã bị bán làm nô lệ. Các đế quốc thực dân đã phát động rất nhiều cuộc diệt chủng và thanh trừng sắc tộc hòng chiếm đoạt tự nhiên và đất đai của người bản địa. Thực dân hóa kéo theo vô số hệ lụy ở các nước thuộc địa: bệnh tật; phá hủy các cấu trúc xã hội, chính trị và kinh tế bản địa; đàn áp, bóc lột; di dời đất đai; và suy thoái đất đai [2].
Chủ nghĩa thực dân: muôn hình vạn trạng hơn bạn nghĩ
Đa số chúng ta thường hiểu thực dân hóa chỉ xảy ra khi một quốc gia này thống trị về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa với một quốc gia khác, cách hiểu này không sai, nhưng chưa đủ. Chủ nghĩa thực dân tồn tại dưới rất nhiều hình thức và được mô tả theo nhiều cách khác nhau. Theo một số lý thuyết hậu hiện đại, chủ nghĩa thực dân tồn tại dưới 2 hình thức: chủ nghĩa thực dân ngoại nhập (external colonialism) và chủ nghĩa thực dân nội địa (internal colonialism) [3].
Chủ nghĩa thực dân ngoại nhập là cách hiểu truyền thống về chủ nghĩa thực dân, ám chỉ quá trình thực dân trấn lột thế giới bản địa (động vật, cây cối, con người,...) và vận chuyển về “mẫu quốc” để phục vụ nhu cầu làm giàu của thực dân. Ví dụ điển hình trong lịch sử là các mặt hàng như thuốc phiện, trà, đường, gia vị, thuốc lá. Logic và luật lệ của thế giới này vốn được phát triển bởi những quốc gia châu Âu - những quốc gia tự nhận mình là “văn minh” hơn các xã hội con người khác trên trái đất. Các đế chế này cho rằng chúng đang thực hiện một “sứ mệnh văn minh” giúp “khai sáng” cho dân số còn đang lạc hậu ở thuộc địa. Tuy nhiên, mục đích thật sự của chúng là khai thác thế giới bản địa để duy trì lực lượng sản xuất và tạo ra lợi nhuận. Đối với chủ nghĩa thực dân ngoại nhập, tất cả những gì thuộc về thế giới bản địa được quy về thành “tài nguyên” - những thứ có tiềm năng để trấn lột, để làm công cụ cho chiến tranh.
Còn chủ nghĩa thực dân nội địa ám chỉ đến cách thức mà thực dân quản trị sinh trắc học và địa chính trị đối với con người, đất đai, hệ sinh thái bên trong biên giới quốc gia của nó. Biểu hiện của loại thực dân này là sự phân bổ nguồn lực và quyền lực không đồng đều giữa các nhóm người sống trong cùng biên giới quốc gia, thường là dựa trên sự khác biệt về sắc tộc, tộc người. Nhóm thống trị sử dụng quyền lực để độc quyền và thể chế hóa đặc quyền của mình, tạo ra một hệ thống phân tầng xã hội - cái mà Michael Hechter gọi là “sự phân công lao động về văn hóa” [4]. Thực dân nội địa sử dụng các hệ thống kiểm soát như nhà tù, giáo dục, chính sách, biến một hoặc nhiều nhóm trở thành “thiểu số” và dồn ép họ vào các “vùng sâu vùng xa” để tách biệt họ với nhóm “đa số”,... Các chiến lược của thực dân nội địa vừa mang tính cấu trúc, vừa mang tính liên cá nhân, bao gồm phân biệt đối xử, giám sát và hình sự hóa. Tất cả đều nhằm mục đích đảm bảo uy thế và quyền lực của nhóm thống trị.
Chủ nghĩa thực dân định cư
Chủ nghĩa thực dân của người định cư (settler colonialism), hay chủ nghĩa thực dân định cư, là một thuật ngữ khá mới do nhà nhân học Patrick Wolfe đề ra vào những năm 1990. Thực dân định cư xảy ra khi cư dân của một dân tộc xâm lược một vùng đất khác và tuyên bố rằng đất đai ở đó là của mình. Những “cư dân mới” này bắt đầu đến định cư tại vùng đất họ chiếm được và tiến hành trục xuất, kiểm soát, đàn áp những người bản địa vốn đang sinh sống ở vùng đất đó. Theo Wolfe, thế giới hiện đại của chúng ta được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa thực dân định cư. Hầu hết chúng ta đều ý thức được rằng cuộc cách mạng công nghiệp và sự “phát triển” kinh tế ở châu Âu diễn ra được là nhờ vào sự bành trướng thuộc địa bên ngoài, cụ thể là nhờ chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên và lao động của châu Phi và châu Á. Nhưng chúng ta thường ít chú ý đến các hoạt động thực dân định cư ở các thuộc địa ở Bắc Mỹ, khi người da trắng cũng chiếm đóng đất đai, tước đoạt thiên nhiên và bóc lột lao động người bản địa để tạo ra hàng hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa được sản xuất ở châu Âu [5].
Thực dân định cư không thể được phân chia theo ranh giới địa lý như hai loại chủ nghĩa thực dân nêu trên, vì nó hoạt động ở cả không gian nội địa và bên ngoài biên giới của đế quốc. Sự tồn tại của Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình cho chủ nghĩa thực dân định cư. Hoa Kỳ được hình thành dựa trên những cuộc diệt chủng người Mỹ bản địa. Người Mỹ bản địa, nếu không bị giết thì cũng bị ép phải rời khỏi mảnh đất quê hương của mình để đến những khu bảo tồn, họ bị buộc phải ký thỏa thuận và sống dưới sự giám sát của chính quyền da trắng. Thực dân định cư vận hành ở cả bên trong biên giới Hoa Kỳ (thông qua việc giám sát và giáo dục trẻ em bản địa ở trường nội trú) và ngoài biên giới Hoa Kỳ (thông qua việc khai thác uranium trên đất bản địa ở Tây Nam Hoa Kỳ và khai thác dầu trên đất bản địa ở Alaska).
Trong mô hình thực dân cổ điển/thực dân ngoại nhập, mục tiêu chính của thực dân là khai thác của cải từ tự nhiên, đất đai và sức lao động của thuộc địa, đồng thời tạo ra thị trường tiêu thụ cho hàng hóa thực dân sản xuất. Nhưng những người thực dân này không có ý định ở mãi trên vùng đất thuộc địa mà mong muốn quay về quê hương của mình. Ngược lại, thực dân định cư thì có ý định ở lại và “xây nhà” trên lãnh thổ thuộc địa. Thực dân định cư đến với vùng đất thuộc địa với tâm thế là để thành lập một nhà nước mới trên đất của người khác; để tạo ra các thể chế xã hội, chính trị, pháp lý và kinh tế phù hợp với lợi ích riêng của họ; để xác định ai có thể hoặc không thể — hoặc bắt buộc phải — sống trong biên giới được tuyên bố của họ và quy định những người đó phải sống như thế nào.
Chính vì mục tiêu là tạo ra một lãnh thổ mới nên việc chiếm hữu đất đai là nguyên tắc cơ bản và đầu tiên của thực dân định cư. Bởi vì đất đai là nền móng cho phép những người định cư tạo ra một xã hội theo ý muốn của riêng mình. Thông qua việc sử dụng đất đai và tự nhiên để tạo ra lợi nhuận, thực dân có thể tiếp củng cố và mở rộng chủ quyền của mình. Để có thể chiếm được đất đai một cách trọn vẹn, thực dân định cư cần phải “quét sạch” sự tồn tại của người bản địa trên vùng đất đó, thường là bằng cách phát động các cuộc diệt chủng dã man. Nó kinh khủng đến mức, dựa theo một nghiên cứu gần đây, việc quân xâm lược châu Âu giết chết 56 triệu người bản địa ở Nam, Trung và Bắc Mỹ vào những năm 1600 đã khiến cho cả hành tinh bước vào một thời “tiểu băng hà”. Số lượng người chết khổng lồ trong một thời gian ngắn đã khiến một lượng lớn thảm thực vật và đất nông nghiệp bị bỏ hoang, thực vật tái sinh trên đất nông nghiệp không được chăm sóc bắt đầu hấp thụ nhiều CO2 hơn và giữ nó trong đất, loại bỏ quá nhiều khí nhà kính khỏi khí quyển và cuối cùng làm cho nhiệt độ trung bình của hành tinh giảm 0,15 độ C [x].
Khi “đất mẹ” hóa “tài sản”
Trong quá trình thực dân hóa, thực dân không chỉ cướp bóc đất đai (về mặt vật lý) từ người bản địa, mà còn bóp méo cả văn hóa và tri thức của họ đối với tự nhiên và đất đai. Nhiều văn hóa bản địa vốn không hề xem đất đai và tự nhiên là “tài nguyên” vô tri vô giác, cũng không cho con người là “chủ nhân” của bất kỳ mảnh đất nào. Họ có mối liên hệ tâm linh chặt chẽ với đất, họ xem đất là mẹ, đất thấm nhuần văn hóa của họ và họ tự nhận vai trò của mình là người chăm sóc cho đất.
Còn thực dân thì khác, văn hóa thực dân hạ thấp đất đai xuống thành tài sản, cụ thể là bất động sản - một thứ tài sản có thể mua bán được. Mối quan hệ giữa con người và đất đai cũng biến thành mối quan hệ giữa chủ sở hữu và tài sản. Tất nhiên, đây cũng là một chiến lược để cướp bóc đất của người bản địa một cách trắng trợn mà không bị ai chất vấn. Ví dụ, vào năm 1897, Vương quốc Anh cho ban hành Sắc lệnh Đất hoang số 1 năm 1897 ở Sri Lanka (lúc bấy giờ là thuộc địa của Anh). Sắc lệnh này tuyên bố toàn bộ đất đai sẽ thuộc về vương quyền nếu người dân Sri Lanka không thể chứng minh được đất đó là đất của họ. Để chứng minh quyền sở hữu đất, chính quyền thực dân buộc người bản địa phải xuất trình các văn bản, giấy tờ chuyển nhượng và các bằng chứng tài liệu khác - những thứ vô cùng xa lạ đối với họ vào thời điểm đó. Và cuối cùng, luật lệ này đã khiến nhiều người bị tước đi mảnh đất mà họ đã sinh sống và thừa hưởng qua nhiều thế hệ.
Thực dân cũng tạo ra các tri thức hạ thấp thiên nhiên và đất đai bằng cách đặt chúng lên bàn cân với việc phát triển kinh tế (tư bản chủ nghĩa). Ví dụ, bạn đã bao giờ bắt gặp quan điểm rằng con người cần “hy sinh, đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế”, hay có cảm giác mâu thuẫn khi nhìn thấy người khác kêu gọi dừng các dự án phá núi xẻ rừng xây resort vì phần nào nghĩ rằng những công trình đó vẫn sẽ mang lại lợi ích là đóng góp cho nền kinh tế nước nhà? Đây chính xác là cách mà chủ nghĩa thực dân đã “tẩy não” tất cả chúng ta và bao biện cho những hành động bóc lột thiên nhiên táo tợn. Việc tách rời kinh tế hiện đại khỏi tự nhiên và thậm chí là nâng cao địa vị của kinh tế hơn so với thiên nhiên làm bật lên bản chất của giới quan thực dân - một thế giới quan lấy con người làm trung tâm. Trong đó, người thực dân tự cho mình là người nắm quyền thống trị trái đất và hệ sinh thái, tự nhận mình là “động vật cấp cao”, phát triển hơn, nhân tính hơn, “văn minh” hơn, xứng đáng được thụ hưởng nhiều hơn các nhóm bản địa hoặc các sinh vật khác trên trái đất. Trong khi thực chất thì nền “văn minh” của thực dân chỉ là việc đốc thúc đất đai sản xuất một cách dư thừa (tức là nhiều hơn so với mức bền vững mà người bản địa từng sản xuất ở mảnh đất đó) nhằm phục vụ cho việc “phát triển” kinh tế. Cái “văn minh” của thực dân còn là sự đứt gãy về mối liên hệ tâm linh giữa con người với hệ sinh thái trên trái đất, là sự bê tông hóa đất đai, là sự thay thế các cảnh quan thiên nhiên bằng những tòa nhà cao tầng hoặc resort 5 sao để phục vụ cho số cực kỳ ít người giàu,...
“Thực dân hóa là một cấu trúc, không phải một sự kiện”
Với cách hiểu truyền thống về thực dân hóa, chúng ta thường xem nó là một sự kiện có điểm bắt đầu và kết thúc. Ví dụ, ta thường được học trong sách lịch sử sự kiện thực dân Pháp xâm lược Việt Nam vào năm 1858 và kết thúc vào năm 1954 với thất bại ở trận Điện Biên Phủ. Nhưng thực chất, thực dân hóa không đơn thuần là một tiến trình thời gian chỉ xảy ra trong một không gian địa lý nhất định. Tiêu đề của phần này là nhận định nổi tiếng của Patrick Wolfe, với hàm ý nhấn mạnh rằng thực dân hóa là thứ cấu trúc len lỏi trong tất cả các thiết chế luật pháp, kinh tế, y tế, giáo dục,... và thậm chí là cách mà mỗi cá nhân chúng ta suy nghĩ về thế giới.
Thực dân hóa thay đổi phần lớn các tập quán và luật lệ văn hóa của người bản địa để phù hợp hơn với quy chuẩn của "người văn minh". Ban đầu, thực dân định cư châu Âu đã áp đặt các cấu trúc pháp lý, chính trị và xã hội lên các cộng đồng bản địa vì cho rằng người bản địa “không có luật pháp, họ ‘man rợ’ và sống không có trật tự”. Những quan niệm này có thể xem là bắt nguồn từ các học giả chính trị Anh quốc vào thời kỳ khai sáng như Thomas Hobbes và John Locke, những người cho rằng con người cần tạo ra chính phủ và luật pháp để duy trì quyền lực Nhà nước và xã hội dân sự.
Vì truyền thống pháp lý của người bản địa không giống với luật pháp châu Âu, nên người bản địa, theo Hobbes, là những cộng đồng “hoàn toàn không có chính phủ và sống một cách tàn bạo cho đến ngày nay” (Hobbes, 1651). Và cứ như vậy, “người Anh xem luật pháp của họ là hợp lý nhất, hiệu quả nhất và hoàn hảo nhất”, để rồi áp đặt chúng lên các xã hội bản địa.
Dưới hệ thống pháp luật thực dân, nhiều thực hành văn hóa bản địa, chẳng hạn như sử dụng thảo mộc cho mục đích y tế (như bỏ thai), hay sự tự do tính dục và thể hiện giới, đều bị hình sự hóa. Nancy Shoemaker, giáo sư lịch sử của Đại học Connecticut, cho biết hình thức kiểm soát sinh sản phổ biến nhất trong cộng đồng phụ nữ Mỹ bản địa là bỏ thai bằng thảo mộc và ấn huyệt. Những thực hành này sau đó đã bị cấm bởi ảnh hưởng của thực dân hóa, và cho đến nay thì bỏ thai vẫn là hành vi bất hợp pháp trong luật lệ của nhiều quốc gia. Một ví dụ khác, hãy thử nhìn vào Đạo luật Người bản địa (The Indian Act) ở Canada. Đạo luật này ra đời vào năm 1876 (gần 10 năm sau khi thực dân da trắng đến định cư tại vùng đất này và khai sinh ra quốc gia-dân tộc Canada). Thủ tướng đầu tiên của Canada, John A Macdonald, đã phát biểu rằng "Mục tiêu lớn nhất của luật pháp của chúng tôi là xóa bỏ hệ thống bộ lạc và đồng hóa người bản địa nơi đây với các thuộc địa khác của Anh quốc một cách toàn diện và nhanh nhất có thể” (1887). Một số điều của đạo luật này quy định:
Người bản địa phải đặt tên lại theo quy cách đặt tên của Châu Âu;
Người bản địa bị cấm giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ;
Người bản địa không được thực hiện các nghi thức văn hóa tâm linh (bao gồm việc sử dụng thuốc và thực hành y tế truyền thống);
Nghi lễ tặng quà Potlatch và các nghi lễ văn hóa khác bị xem là bất hợp pháp (mãi cho đến năm 1951).
Không cách này thì cách khác, chủ nghĩa thực dân vẫn đan xen vào các kết cấu và bộ máy của các thể chế, hệ thống, luật pháp và chính sách của không chỉ riêng Canada mà nhiều nước trên thế giới.
Không chỉ là một “chương đen tối” của lịch sử…
Chủ nghĩa thực dân không phải là một chương sách đen tối trong lịch sử, cũng không phải là một sự kiện đơn lẻ hay một bộ luật áp bức, mà là một hiện tượng toàn cầu vẫn đang diễn ra và ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của thế giới. Ngày nay, ở các lãnh thổ bị thực dân định cư chiếm đóng như Úc, Canada, New Zealand, nhiều thế hệ trẻ em thổ dân vẫn bị tách khỏi cha mẹ và gửi đến các trường nội trú do nhà thờ Công giáo điều hành, nơi các em phải đối mặt với sự lạm dụng thể chất và tình dục, để lại những ám ảnh tâm lý liên thế hệ. Hay thậm chí là, chúng ta vẫn đang chứng kiến tận mắt một cuộc diệt chủng man rợ do chính quyền thực dân định cư Israel tiến hành với mục đích xóa sổ người bản địa khỏi vùng đất Palestine lịch sử.
Nhiều quốc gia Nam Bán cầu, mặc dù đã giành được quyền tự chủ khỏi các đế quốc, vẫn chưa thoát khỏi hệ thống pháp luật thực dân. Hệ thống luật pháp này không chỉ đóng vai trò là công cụ kiểm soát pháp lý mà còn là công cụ khẳng định sự thống trị về đạo đức và văn hóa thực dân. Do đó, pháp luật thực dân thường không phản ánh hoặc đáp ứng được các giá trị hoặc nhu cầu đương thời của người dân. Nó bỏ qua các sắc thái đa dạng của văn hóa địa phương và sự tự trị của cộng đồng bản địa, cuối cùng làm trầm trọng thêm sự mất kết nối giữa các hoạt động văn hóa truyền thống và các tiêu chuẩn pháp lý “văn minh”.
Ý thức được di sản thực dân vẫn đang tiếp tục định hình các chuẩn mực xã hội và khuôn khổ pháp lý ở rất nhiều nước trên thế giới, chúng ta cần phải cảnh giác rằng không chỉ người da trắng (và chính quyền da trắng) mới có thể là thực dân, mà bất cứ ai, cá nhân, tổ chức hay chính phủ nào cũng đều có thể bị “ngộ độc” bởi những ý tưởng của chủ nghĩa thực dân. Chính vì vậy, phi thực dân hóa không chỉ bao gồm việc thay đổi các cấu trúc quyền lực lớn lao mà còn đến từ nỗ lực bên trong của xã hội và cuộc sống cá nhân mỗi chúng ta. Vậy thì, phi thực dân hóa là gì, và bạn, với tư cách là một cá nhân, nên làm gì để đóng góp vào tiến trình này? Hãy đón chờ những phần tiếp theo của chuỗi bài đăng về phi thực dân hóa của 3PTT nhé!
Bài viết thuộc chuỗi series “Phi thực dân hoá” của 3 Phút Trăn Trở.
Bài viết được biên soạn và thiết kế bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.
Tài liệu tham khảo
🌱 Decolonization is not a metaphor, tác giả Eve Tuck & K. Wayne Yang (2012) https://clas.osu.edu/sites/clas.osu.edu/files/Tuck%20and%20Yang%202012%20Decolonization%20is%20not%20a%20metaphor.pdf
🌱 Decolonization and Justice: An Introductory Overview, nhiều tác giả https://opentextbooks.uregina.ca/decolonizingjustice/
🌱Impact of Colonization on Indigenous Peoples’ Culture https://opentextbc.ca/peersupport/chapter/impact-of-colonization-on-indigenous-peoples-culture/
🌱 Chương 2 - Unsettling Narratives, trong cuốn Settler colonialism, race, and the law: why structural racism persists, tác giả Natsu Taylor Saito (2020)
🌱Chương 3 - Settler Colonialism, trong cuốn Settler colonialism, race, and the law: why structural racism persists, tác giả Natsu Taylor Saito (2020)
🌱 ASAP Gazette Vol. 3 - Decolonization & Decriminalization of Abortion
https://asap-asia.org/wp-content/uploads/2024/07/ASAP-June-2024-Gazette.pdf
🌱 Abortion in Colonial America: A Time of Herbal Remedies and Accepted Actions, Kimberly Phillips (2022) https://today.uconn.edu/2022/08/abortion-in-colonial-america-a-time-of-herbal-remedies-and-accepted-actions/#
🌱 Sơ lược lịch sử chính sách đất đai định cư ở Bangladesh: http://www.landsettledept.gov.lk/department-land-settlement#:~:text=Thereafter%20the%20Waste%20Lands%20Ordinance,was%20started%20for%20this%20work
🌱 Earth system impacts of the European arrival and Great Dying in the Americas after 1492, nhiều tác giả (2019) https://doi.org/10.1016/j.quascirev.2018.12.004