Xã hội Vị khả năng và tuyển sinh đại học tại Việt Nam
"Các ngành sư phạm không tuyển những thí sinh bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp."
Mới gần đây, một số trường Đại học tại Việt Nam công bố đề án tuyển sinh. Ngoài những tiêu chí về điểm số hay học lực, còn có một tiêu chí bắt buộc các thí sinh phải đáp ứng: đối với thí sinh nữ, chiều cao phải từ 1,58 m trở lên, thí sinh nam từ 1,65 m trở lên, có thể lực và thị giác tốt. Nhà trường lấy lý do: “ngoài những yếu tố về học lực và kỹ năng, thể chất, hình thể cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và tự tin của các nhà lãnh đạo tương lai".
Hay các ngành như Sư phạm cũng có quy định rằng “Các ngành sư phạm không tuyển những thí sinh bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp.”
Ngành Kiểm sát và Tòa án cũng đưa ra các quy định về ngoại hình và thể trạng cho thí sinh: “Yêu cầu tất cả thí sinh ứng tuyển phải có đủ sức khỏe để học tập, công tác, và đáp ứng các điều kiện sau: nam chiều cao từ 1,6 m trở lên, nặng trên 50 kg; nữ cao từ 1,55 m trở lên, nặng 45 kg trở lên; không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính.”
Đối với các ngành Báo chí, thí sinh cũng phải đáp ứng một số yêu cầu: "Thí sinh dự tuyển chuyên ngành quay phim truyền hình phải có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh dị tật về mắt, ngoại hình phù hợp (nam cao 1,65 m, nữ cao 1,6 m trở lên). Sau khi trúng tuyển, nhà trường tổ chức khám sức khỏe cho sinh viên. Sinh viên trúng tuyển nếu không đáp ứng các quy định nêu trên sẽ được chuyển sang ngành khác của học viện có điểm trúng tuyển tương đương".
Chỉ có người “bình thường” mới được học Đại học?
Tuy nhiên, những quy định này đều đi ngược với Luật Giáo dục của Việt Nam. Điều 13 của Luật Giáo dục Việt Nam đã ghi rõ:
Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
Tuy nhiên, không chỉ riêng sự việc này mới làm dấy lên tranh cãi về vấn đề loại trừ một số đặc điểm cơ thể riêng biệt trong giáo dục đại học. Bạn có còn nhớ việc nhiều sinh viên đã từng bị yêu cầu phải nói: “Tôi có mũi, mắt, tai, miệng, giác quan như người bình thường” để có thể tiếp tục tham gia lớp học online nào đó không?
Vậy theo bạn, một “người bình thường” là như thế nào?
Là một người có đủ giác quan, đủ khả năng điều khiển hành vi của mình, có một cơ thể hoàn chỉnh đầy đủ từ khi mới sinh ra? Hay là một người có thể nói, hát, nhảy, múa, đi hay chạy,...? Chung quy lại, đối với chúng ta, người bình thường hẳn là một người giống với số đông, không dị hình, dị dạng, dị biệt hay không khiếm khuyết bất kỳ đặc điểm nào của một cơ thể người “hoàn chỉnh”?
Cơ thể ‘bình thường’ và ‘khuyết tật’ từ trong lịch sử
“Để có thể hiểu được một cơ thể khuyết tật, trước tiên chúng ta phải hiểu khái niệm cơ thể bình thường là gì” - Lennard J. Davis.
“Đối với những người không có khuyết tật, vấn đề của người có khuyết tật có lẽ thật đơn giản. Một người có khuyết tật là một người thiếu, tổn thương, mất đi hoặc suy giảm các bộ phận trên cơ thể hoặc tâm thần hay giác quan.” Theo đó, một người “bình thường” sẽ cảm thấy “(1) may mắn vì mình không khuyết tật, (2) thương xót cho những người có khuyết tật và tin rằng chính phủ cùng các tổ chức từ thiện nên giúp đỡ và tạo điều kiện cho họ nhiều hơn.” Tuy nhiên, khi nhìn rõ hơn, khuyết tật không chỉ nói về một nhóm những con người bất hạnh, mà khuyết tật còn là một phần của diễn ngôn được xây dựng theo lịch sử, một hệ tư tưởng, niềm tin về cơ thể con người trong những bối cảnh xã hội nhất định.
Lennard J. Davis trong quyển sách nổi tiếng Enforcing Normalcy (1992) đã viết rằng, “Một số công trình nghiên cứu gần đây về người Hy Lạp cổ đại, hay xã hội tiền công nghiệp ở Châu Âu, hay các bộ tộc, bộ lạc đã cho thấy, tình trạng khuyết tật được nhìn nhận rất khác biệt so với xã hội hiện đại.”
Ông cho rằng, “tình trạng khuyết tật là một quá trình xã hội [chứ không chỉ đơn giản là một quá trình của tự nhiên] đi cùng với sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa.” Do đó, khuyết tật không tồn tại như một phạm trù xã hội trước thế kỷ 19, mặc dù trên thực tế vẫn có sự tồn tại của các khiếm khuyết về thể chất. Theo Lennard, các từ ngữ mô tả khái niệm bình thường như “normal”, “normalcy”, “normality”, “norm”, “average”, “abnormal” - với ý nghĩa chung “là sự cấu thành, tuân theo, không sai lệch hay khác biệt với cái chung, tiêu chuẩn, thông thường” - chỉ mới du nhập vào ngôn ngữ tiếng Anh vào những năm 1840.
Nhìn lại xã hội Hoa Kỳ đương đại, khuyết tật trong quá khứ được hiểu là tình trạng không có khả năng kiếm kế sinh nhai do bị thương và cần được trợ giúp. Như thế, khuyết tật không phải là vấn đề lỗi cá nhân hay đạo đức, mà là một vấn đề xã hội, bởi vì người khuyết tật thường bị mất khả năng lao động. Lúc này, xã hội chưa phân loại người khuyết tật và người không có khuyết tật, mà chỉ phân loại ra người có khả năng lao động và người không có khả năng lao động (trong đó cũng bao gồm các nhóm khác như người già, trẻ em, người nghèo, v.v.)
Đến cuối thế kỷ 19, công nghiệp hóa bắt đầu lan rộng, sự ra đời của sản xuất hàng loạt đã tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực lao động “đủ tiêu chuẩn“ bao gồm một cơ thể vừa vặn, nguyên vẹn và thật năng suất. Lúc này, giá trị của cơ thể được gắn liền với giá trị sản xuất và năng suất.[1]
Xã hội năng suất và Chủ nghĩa tư bản vị khả năng (Ableist Capitalism)
Theo Robert McRuer, lao động công nghiệp hóa đã tạo ra “căn tính của [một cơ thể] khỏe mạnh từ trong không gian kỷ luật của nhà máy”. Trong đó, môi trường sản xuất cơ giới hóa yêu cầu tính đồng nhất của lực lượng lao động để tạo ra các sản phẩm đồng đều nhất có thể. Chính vì vậy, những người có khuyết tật sẽ dần dần bị loại khỏi nhà máy vì cơ thể “khác biệt” của họ được cho là sẽ “làm giảm chất lượng sản xuất”. [2]
Chính vì vậy, mà khái niệm “một người bình thường” đã ra đời nhằm ám chỉ một người đáp ứng đủ các điều kiện lao động sản xuất trong một xã hội công nghiệp hóa. Theo đó, những người không có đủ khả năng sản xuất hay làm việc năng suất do những khiếm khuyết cơ thể, tâm thần hay trí lực đều bị xem là người-khuyết-tật [2]. Như vậy, một “cơ thể bình thường” được tạo ra thông qua việc loại trừ những cơ thể có khuyết tật.
Theo đó, một xã hội công nghiệp vị khả năng sẽ được xây dựng dựa trên lý tưởng về một con người với đầy đủ khả năng lao động và sản xuất để phục vụ cho nền kinh tế liên tục phát triển. Vì lý do này, khuyết tật được xem là một trạng thái suy giảm của con người, và những người có khuyết tật cần phải được chữa trị, hay phải vượt qua cái khiếm khuyết của mình để có thể tham gia vào đời sống một cách đầy đủ và trọn vẹn.
Sự cắm rễ của Chủ nghĩa vị khả năng trong xã hội
Sự cắm rễ của chủ nghĩa vị khả năng trong xã hội đã hình thành một mạng lưới các niềm tin, tư duy và thực hành nhằm tạo ra một tiêu chuẩn hữu hình về một con người hoàn hảo mà ở đây chính là những người không-khuyết-tật.
Từ đây, xã hội con người được thiết kế và tổ chức chỉ để đáp ứng nhu cầu cho những “người bình thường", “có thể chất và năng lực đầy đủ”. Nói cách khác, những khả năng nhất định của những người không-khuyết-tật được tôn vinh, xem trọng trong một xã hội vị khả năng (ableist society), còn những khả năng của người có khuyết tật đều bị xem nhẹ hoặc loại trừ [2]. Do đó, cốt lõi của chủ nghĩa vị khả năng còn dựa trên kỳ vọng của một xã hội tư bản—nhấn mạnh khả năng tạo ra lợi nhuận của một con người, chính phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã đổ lỗi cho những người “có khuyết tật”. [4]
Không dừng lại ở đó, một xã hội đề cao những con người “lý tưởng” sẽ tìm mọi cách để loại trừ hay tiêu diệt những con người không đáp ứng được sự “lý tưởng” đó.
Phong trào Ưu sinh - trừ khử những nhóm gen “khuyết tật”
Trong lịch sử, phong trào Ưu sinh đầu thế kỷ 20 là minh chứng điển hình cho một xã hội đề cao chủ nghĩa vị khả năng. Nhà nhân chủng học người Anh Francis Galton (1883) đã đề ra Thuyết Ưu sinh dựa trên thuyết Darwin xã hội về khả năng di truyền của loài người. Galton định nghĩa thuyết Ưu sinh là “việc nghiên cứu các chức năng của con người từ đó có thể cải thiện hoặc làm suy yếu chủng tộc của các thế hệ tương lai”. Thuật ngữ này ám chỉ tất cả các phương thức kiểm soát gen di truyền của con người, từ chăm sóc trước khi sinh cho bà mẹ đến bắt buộc triệt sản hay thậm chí là an tử. Ở thời đỉnh cao, thuyết Ưu sinh nhận được nhiều ủng hộ từ các nguyên thủ lãnh đạo như Winston Churchill, Margaret Sanger, Theodore Roosevelt, John Maynard Keynes,... Và một trong những nhân vật khét tiếng nhân tôn sùng học thuyết này là Adolf Hitler.
Thuyết Ưu sinh dựa trên niềm tin sai lầm về khả năng cải thiện chất lượng di truyền của con người bằng cách loại bỏ nhóm gen xấu của người có khuyết tật, người bệnh tâm thần, hay thậm chí là các cộng đồng người da màu bằng cách ngăn chặn nhập cư hay cưỡng bức triệt sản. Phong trào Ưu sinh nhắm đến việc “loại trừ những người được cho là không phù hợp về mặt thể chất và tâm thần ra khỏi xã hội” để bảo tồn những kiểu gen di truyền “bình thường”, nhằm tạo sinh ra những cá nhân “có đầy đủ khả năng cần thiết” phục vụ cho thị trường lao động.
Điều này đã đến làn sóng loại trừ người có khuyết tật ra khỏi xã hội công nghiệp. Điển hình như tại Anh năm 1933, nhiều dự luật đã được đề ra ở Quốc hội nhằm kiểm soát những người thiểu năng trí tuệ, người điên. “Người khuyết tật bị buộc phải triệt sản, tống giam, hay thậm chí bị trừ khử trên danh nghĩa “tạo ra một xã hội trong sạch và năng suất hơn”. Các chính sách ưu sinh được thực hiện lần đầu ở Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1900. Sau đó, tới các thập niên 1920 và 1930, chính sách ưu sinh với phương pháp triệt sản đối với bệnh nhân tâm thần được thực hiện ở nhiều quốc gia, bao gồm Bỉ, Brasil, Canada và Thụy Điển, cùng nhiều quốc gia khác. Tàn nhẫn hơn, tạp chí khoa học nổi tiếng Nature đã phê chuẩn đề xuất của Đức Quốc xã về dự luật “tránh các bệnh di truyền cho hậu thế” bằng cách triệt sản những người khuyết tật. Hậu quả là hơn 300.000 người có khuyết tật đã bị trừ khử vì Hitler cho rằng họ không xứng đáng được sống.[5]
Chính những thực hành Ưu sinh này đã phản ánh niềm tin xã hội cố hữu từ trong lịch sử thực dân rằng khuyết tật là một sự thất bại về đạo đức và thể chất và là một trạng thái suy giảm của con người. Do đó, người có khuyết tật cần phải được chữa trị, thay đổi, vượt qua sự “khiếm khuyết” của bản thân mình để có được cuộc sống trọn vẹn và hòa nhập hơn với thế giới. [2][4]
Tuy nhiên, dù mang ý định vô đạo đức tương tự như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay giới tính, chủ nghĩa vị khả năng vẫn là một trong chủ nghĩa được xã hội chấp nhận rộng rãi và cố hữu nhất [6]. Ngày nay, thế giới quan dựa trên chủ nghĩa vị khả năng vẫn hiện diện trong các chính sách loại trừ người có khuyết tật ra khỏi xã hội, đồng thời cho rằng họ không có khả năng hay quyền tự chủ, tự quyết về cơ thể họ.
“Học xong ra làm gì?”
Nhìn lại câu chuyện tuyển sinh Đại học ở trên, có thể hiểu nhiều trường chạy đua tìm kiếm những thí sinh tài năng và “phù hợp” nhất với mục đích bồi đắp cho danh tiếng và thương hiệu của trường, đồng thời đào tạo ra những “công nhân hoàn hảo” phục vụ cho thị trường lao động.
Nhưng liệu đây có phải là mục đích cuối cùng của giáo dục đại học? Nếu đại học chỉ để đào tạo ra những người tiếp tục phục vụ cho thị trường lao động, cho nền kinh tế, vậy chúng ta có cần giáo dục nữa không?
Nhà giáo dục Paulo Freire đã khẳng định “giáo dục không phải là phương tiện để chuẩn bị cho người học bước vào thế giới lao động hay “nghề nghiệp”, mà là để chuẩn bị cho một cuộc sống tự quản. Tự quản ở đây chỉ xảy ra khi con người thực hiện được mục tiêu cuối cùng của giáo dục là tự phản tỉnh—sự hiểu biết về thế giới mà họ đang sống, về các chiều kích kinh tế, chính trị, và tâm lý của nó, chính là sự giải phóng về thế giới quan. [7]
Từ ví dụ trên, chúng ta mới nhận ra sự cắm rễ sâu sắc của chủ nghĩa tư bản vị khả năng không chỉ trong trường học mà cả trong toàn bộ xã hội. Vậy nên, trong một xã hội đề cao lợi nhuận kinh tế, giáo dục sẽ khó mà giữ được mục tiêu đúng đắn nếu nó vẫn tiếp tục loại trừ những cá nhân “không phù hợp với thị trường lao động”.
Bài viết được biên soạn bởi Cộng tác viên của 3 Phút Trăn Trở.
CHÚ THÍCH
[1] Lennard, J. D. (1995). Enforcing Normalcy: Disability, Deafness, and the Body. Verso
[2] The Disability, Sexuality, and Rights Online Institute (2023). Disability Theory and Concepts.
[3] Campbell, F. A. (2001). Inciting legal fictions-disability's date with ontology and the ableist body of the law. Griffith L. Rev., 10, 42.
[4] Franck, K. (2021). The biggest challenge is ableism, not my disability. Africa Renewal. 80%99https://www.un.org/africarenewal/magazine/august-2021/%E2%80%98-biggest-challenge-ableism-not-my-disability%E2%
[5] National Human Genome Research Institute (2022). Eugenics and Scientific Racism. https://www.genome.gov/about-genomics/fact-sheets/Eugenics-and-Scientific-Racism
[6] Wolbring, G. (2008). The politics of ableism. Development, 51(2), 252-258.
Chào page 3 Phút Trăn Trở,
Mình cũng đọc page từ lâu nhưng im hơi lặng tiếng. Nay thấy bài này hợp tâm trạng quá nên bình luận mở màn tâm sự (thật kỳ lạ khi nhiều bài viết của page rất tuyệt lại không ai thảo luận, chắc đây là bình luận đầu tiên luôn). Mình gõ số thứ tự mấy ý nghĩ mình nảy ra khi đọc nhé:
1. Mình tạm “biết ơn” (mình không thích từ "biết ơn" này lắm, nó khá là ái kỷ và thịnh hành bởi giới đặc quyền) khi mình cũng có một cơ thể tạm chấp nhận được. Tuy vậy, mình có chứng stimming từ hồi bé (hành vi tự kích thích), hay khục khặc cổ họng hoặc co giật nhiều chỗ trên cơ thể. Những người thân xung quanh mình cũng rất hay góp ý và phàn nàn, trong cách mình nhả chữ khi nói lưu loát. Bất kể những gì mình nói có đúng, có lịch sự, thì bơi qua sự ấp úng, vấp váp, thì mình đều là đứa thiếu chín chắn.
2. Các ngành kỹ thuật, tưởng như đã có tự động hóa robot mọi thứ sẽ được nhẹ nhàng và tiến bộ hơn, sẽ mở rộng khả thể người lao động thì hóa ra vẫn như cũ, vẫn vị khả năng, và vẫn vị đàn ông. Mình cảm giác có thể vì các ngành kỹ thuật chuyển động chậm bởi vật chất/truyền thống và có sức ì hơn so với các ngành công nghệ truyền thông thiết kế hình ảnh (nơi mà chủ nghĩa tư bản bóc lột đa dạng hơn). Vẫn luôn có những sự tưởng tượng rằng cơ khí là phải toát ra vẻ cường tráng mạnh mẽ nam nhi ăn to nói lớn thì mới thể theo nghề tốt được.
3. Đoạn chủ nghĩa tư bản mình có đoán ra luôn, ai dè dính thật :)) và người thầy online bài page nhắc thật ra xa xưa xuất thân từ khoa trường mình luôn :v Hồi đó mình học cơ khí cũng đã như cực hình vì sự đúng giờ và khỏe mạnh. Nhiều thầy dạy bảo khi xưa ở trong nhà máy đau bụng cũng không dám đi vệ sinh, thậm chí cố không bao giờ bệnh vì chậm trễ là ảnh hưởng cả dây chuyền. Nhưng tưởng những người thầy sẽ cảm thông và hiểu hơn cho học trò, đằng này, nhiều người cũng khá cực đoan. Nghỉ một buổi là trừ điểm dù có đi học bù. Trễ một phút cũng không được vào xưởng và phải đi học lại vào kỳ sau. Đã có một sinh viên bị tai nạn xe buýt vì sợ trễ giờ. Bây giờ ra trường rồi nhưng mình vẫn còn nhớ cảm giác tim cứ thình thịch hồi đi học.
4. Đoạn nói về giáo dục và việc giáo dục đang lót đường cho thế giới lao động mình rất thích. Làm mình nhớ đến một người bạn mình từng nói, giờ đây thật kỳ lạ khi những bạn trẻ từ 2k trở đi đã bị ép đi thực tập từ năm nhất ở những công ty, hay như bạn nói là đã bị “doanh nghiệp hóa” từ sớm, không còn học được những kiến thức thuần túy chuyên sâu mà thay vào đó lại rời rạc và thiên về “kỹ năng mềm” (một từ rất thịnh hành, cứ như thể nó là cục cao su bù trừ sai số cho những khe hở của chủ nghĩa tư bản) kèm những từ như “quản lý”, “chiến lược”, “thực chiến”… ngày một len lỏi ở trong nhà trường từ rất sớm. Tụi mình cũng thấy rằng đại học ở Việt Nam chỉ toàn dạy để cho người ta đi làm, thích ứng với văn hóa công sở, văn hóa đại chúng chứ không dạy cách cảm thông và tôn trọng với nền văn hóa xa lạ. À, mình thì nhớ đến một đoạn mình rất thích trong Những huyền thoại của Roland Barthes, Barthes nói về việc đồ chơi cho trẻ em ngày càng giả mạo đời sống (mô phỏng nghề nghiệp như bác sĩ, kỹ sư, y tá…) thay vì chỉ chơi thuần túy như xưa kia, như thể chuẩn bị cho thế giới lao động từ trong trứng nước cho đỡ bỡ ngỡ. Cũng nhiều ý tưởng ở đoạn này lắm, mình gõ sẽ mỏi tay mất.
5. Cách chúng ta đối diện với "người khuyết tật" (trong ngoặc kép) đòi hỏi rất nhiều sự phản tỉnh, nếu như không muốn bị đạo đức giả. Chính mình cũng đã và đang vật lộn, tránh rơi vào cái nhìn “thực dân” mà xã hội vốn hay truyền tải. Quả thực hành vi gặp gỡ "người khỏe mạnh"-"người khuyết tật" đã bị xã hội hóa. Liệu ta có nhìn họ thực sự cũng như là một con người như ta thôi? Hay ta lại theo quán tính, gắn nhãn họ là người khuyết tật rồi an tâm rằng họ sẽ có những thuộc tính này, nhu cầu kia đến mức sáo mòn, thay vì lắng nghe những gì đó khác ở bản thân họ?
6. Thì năm ngoái Uniqlo có chiến dịch hỗ trợ việc làm cho người khiếm thính. Mình không rõ chiến dịch này hoạt động hiệu quả hay không, liệu có sự bóc lột nào đó không, nhưng mình thấy rất nhiều bình luận và chia sẻ đa phần họ khen Uniqlo là "thông minh", "tạo công ăn việc làm"... cứ như thể những người có đặc quyền đang thương hại và được dịp thực hành ân xá.
7. Mình từng nhớ Pierre Bourdieu có nói đâu đó rằng giáo dục cứ không ngừng "tinh hoa hóa", biến những bất công về nền tảng giai cấp/khả năng/văn hóa/kinh tế trở thành sự chênh lệch về trí tuệ/năng lực. Hai bạn A và B cùng học một trường, học xong người ta rốt cục chỉ quan tâm B giỏi hơn A nếu như B có điểm số cao hơn mà hiếm khi nào xét đến khía cạnh đặc quyền giai cấp của B chẳng hạn (ví dụ, B có ba mẹ làm giáo viên, có vốn văn hóa và kinh tế, cho B học thêm từ bé, thổi cho B những ước mộng về tương lai). Cả việc nó cố tình tạo ra sự khan hiếm và tăng học phí để tuyển chọn nữa. Như Đại học Y Dược vốn tuyển sinh số lượng ít và ngày một tăng học phí, chỉ dành cho các gia đình trung lưu (hoặc có gốc gác bác sĩ). Nên là, mình thấy chẳng có gì tự hào lắm nếu như học trường chuyên lớp chọn rồi vào đại học top đầu. Đã vậy, hồi cấp ba mình học không tốt, không giải được các “câu phân hóa”, thế là bị các bạn học (giờ đây học Y Dược và tốt nghiệp bác sĩ) chửi mình ngu dốt thậm tệ mà mình thấy… thật mỉa mai làm sao.
8. Chọn lọc tự nhiên, Darwin làm mình khá trăn trở với cách mà giờ đây nhiều bậc phụ huynh đang tìm cách uốn nắn trẻ từ sớm, cho bọn nhỏ ăn gì để thông minh hơn, nghiên cứu thần số học, đặt tên sao, canh ngày đẻ để tối ưu cho con… Còn nổi vụ gần đây là vụ cho con học IELTS từ sớm. Chủ nghĩa tư bản đã biến tình cảm thành sự “đầu tư”, gầy dựng vốn. Mọi sự chăm sóc đã cứ như được quy trình hóa lên.
Chắc tạm như vậy. Hiện mình cũng khá bất mãn với cuộc sống, mình cũng đang trong giai đoạn mệt mỏi, cảm thấy “không phù hợp với thị trường lao động”. Gõ những dòng này mình thấy nhẹ hẳn =))
Cảm ơn page rất nhiều vì bài viết. Mình sẽ đọc và bình luận trong tương lai nhiều hơn :v